Thơ- Bí nhiệm một “ông đồ”
NGUYỄN NHÃ TIÊN
Nếu chọn một hình ảnh hoài cổ như là biểu tượng một di sản thơ, và cứ mỗi khi xuân về, Tết đến, cái hình ảnh cũ càng ấy thường xuất hiện trong tưởng vọng mỗi người, thì chắc rằng “Ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên được đặt ở vị trí hàng đầu. Hoài Thanh – tác giả Thi nhân Việt Nam, phần viết về Vũ Đình Liên, đã cho rằng: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời…”.Hơn bảy mươi năm về sau, và chắc rằng còn hơn thế nữa, đã chứng minh nhận định đó hoàn toàn chính xác. Có nhiều nhà thơ đồng thời với thi sĩ Vũ Đình Liên, tung hoành dọc ngang trường văn trận bút sáng danh trên thi đàn, nhưng không dễ có một “Ông đồ” tỏa bóng vĩnh cửu cùng với mùa xuân giữa ngút ngàn thời gian. Đã không ít lần đi dưới trời Hà Nội rét ngọt và mưa bụi giăng đầy, và hình như với tôi, thường mỗi lúc ấy nhìn Hà Nội phố cổ lại thấy cổ hơn bất cứ lúc nào. Thế rồi, từ vô khối hình ảnh cổ xưa ấy, bỗng thấy bóng dáng “Ông đồ” đâu đó cùng với mùa xuân cổ điển bước ra “Bên phố đông người qua”. Hóa ra sức sống của một bài thơ không chỉ “Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên” (Chế Lan Viên), mà thơ ấy còn có cái khả năng tạo dựng lại mùa màng, tạo dựng lại tiết, réo gọi người xưa quay về. Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực tàu giấy đỏ / Bên phố đông người qua.
Vẫn biết trên cái căn gác, nơi góc phố Trần Nhân Tông giáp với Bà Triệu ở Hà Nội, đã hơn mười năm rồi thi sĩ Vũ Đình Liên đi xa, đã thành “Những người muôn năm cũ”! Thế rồi dường như vô thức mách bảo mỗi khi có dịp đi ngang qua đấy lại phải ngước mắt nhìn lên căn gác ấy. Cũng giống như những sớm mai tinh sương ở Hà Nội, tôi đi vòng quanh công viên Thống Nhất, lại tưởng tiếng bước chân nhà thơ Quang Dũng và cái nhịp thở đều đều của ông chạy vòng quanh con đường bờ hồ tập thể dục còn lẫn đâu đây trong gió sớm. Và rồi, lại biết bao nhiêu lần tưởng khác: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Hình như Tagore có nói rằng: “Thi sĩ là tình nhân của nhân loại”, họ có là tình nhân hay không, tôi không rõ lắm, nhưng có lẽ thế này, nếu Hà Nội thiếu vắng những thi sĩ tài danh ấy, có thể Hà Nội sẽ khuyết đi, sẽ trống vắng một tình yêu nào đó trong lòng người thưởng ngoạn, cho dù bây giờ tất cả đã hư không, đã “Ngoài kia sao vẫn từng đôi sáng” (Huy Cận). Nhưng “Thác là thể phách còn là tinh anh” (Kiều), và như thế, bao thể phách lung linh ngời sáng những tinh anh kia ở lại mãi cùng đất trời và con người, không những là sự nghiệp cao quý của một đời văn mà còn là những huyền thoại, giai thoại đẹp đẽ nữa. Ngày xuân, cái “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, con người cũ càng một cách kiêu hãnh đó, lại lặng lẽ tỏa sáng, không những trong vọng tưởng, mà chừng như hiện hữu trên mực tàu giấy đỏ bày ra khắp nơi phố phường, cho đến cả những cái phố xếp, chợ xếp ở những miền quê. Vâng, thi sĩ bây giờ, trái tim nồng nàn đượm hương trầm một thuở mê say ấy, đã tro than mà không hề quá vãng, bởi nó như một thứ tầng vĩa lửa ngầm âm ĩ mãi cùng thời gian để đến mùa lại có dịp cháy đỏ bùng lên. “Đốt trái tim trầm gởi gió hương” như thơ Vũ Đình Liên từng viết.
Kể từ khi bài thơ “Ông đồ” xuất hiện lần đầu trên báo Tinh Hoa đến nay đã hơn bảy mươi năm. Thời gian - người thẩm định đúng đắn giá trị mọi tác phẩm văn học! Đã đành rồi, nhưng nào phải bài thơ ấy chỉ đẹp huyền thoại trong cái biên giới văn học của một dân tộc, mà còn hơn thế nữa, đã được dịch ra nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Thụy Điển, Trung Quốc… cho đến tận các nước Ả Rập. Một tác phẩm như thế quả thật là hiếm hoi trong lịch sử văn học. Ngay cả tác giả của nó, từ lúc sinh khai đứa con tinh thần của mình, cũng khó tưởng tượng ra nỗi cái “Ông đồ” ngồi hiu quạnh “qua đường không ai hay” bên phố Hàng Bồ, lại có những bước lãng du qua nhiều nước trên thế giới như vậy. Hoàn cảnh bài thơ ra đời cũng khá ly kỳ, dường như nó mang tính định mệnh cho cả một cuộc đời thi sĩ. Nghĩa là, từ cuộc hôn phối ngẫu nhiên với đất trời, với thế giới và trái tim thi sĩ, để từ đó sáng tạo ra một tuyệt tác để đời, một đỉnh cao mà sức vang hưởng vời vợi khó bề cho bất cứ ai thay vào đó được.
Phố Hàng Bồ thời ấy hẳn là không mấy xa lạ với nhiều nhà thơ tài hoa thuộc vào lớp hàng đầu xuất hiện vào những buổi bình minh của Thơ mới. Dọc theo phố xá có nhiều cửa hàng buôn bán sách vở giấy bút. Và hình ảnh cái ông đồ già ngồi viết thuê liển, đối cũng chẳng xa lạ với mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân sang. Nhưng cái thế giới đầy bí nhiệm của thơ là ở chỗ “Ông đồ” - cái con người cũ càng ấy phải chờ đợi chính bước chân thi sĩ Vũ Đình Liên đến, như một sự sắp xếp của định mệnh chứ không phải bất cứ nhà thơ nào khác. Vậy mà, khi bài thơ viết xong đăng lên báo, sau đó độ năm năm, tác giả của nó, trong một lá thư gởi Hoài Thanh đề ngày 9 tháng 1 năm 1941 đã viết: “Tôi bao giờ cũng có cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình… Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu rồi tôi không làm thơ nữa” (Thi nhân Việt Nam. Tr64). Có lẽ sự khiêm tốn đó đã làm đẹp thêm cái cốt cách của một nhà thơ vốn lặng lẽ và cô đơn “Lòng ta là những hàng thành quách cũ. Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa” (thơ Vũ Đình Liên).
Lúc còn sinh thời, nhà thơ Vũ Đình Liên còn cho biết những chi tiết rất thực, khá xúc động về cái ông đồ nghèo trên phố Hàng Bồ thuở ấy. Vì nghèo không có tiền mua sẵn giấy, phải đợi lúc khách đến mua câu đối, ông đồ mới vào cửa hàng mua từng tờ giấy lẻ ra viết. Nhưng… đến cái chi tiết này mới thú vị: Nhà mẹ vợ của nhà thơ chính là cái cửa hàng đó, và vợ ông là người thường bán giấy cho ông đồ nghèo kia. Vẫn theo nhà thơ Vũ Đình Liên kể: “Nếu tôi không gặp nhà tôi thì chưa chắc đã có bài thơ “Ông đồ” (Dạ, thưa thầy. Phan Hoàng, Nhà Xuất bản Trẻ. Tr.78). Thì ra, cái tương quan giữa hồng nhan và trái tim đầy nhạy cảm của những thi sĩ muôn đời thường vẫn là chất “men” khích lệ cho tác phẩm nên hình nên vóc, cho dù bài thơ Ông đồ không có liên quan chút nào đến đề tài tình yêu lứa đôi.
Sẽ là thiếu nếu như không nhắc đến người bạn tri âm với bài thơ “Ông đồ”, đấy là bức họa của cố danh họa Bùi Xuân Phái đã lấy cảm hứng từ bài thơ trên để vẽ. Cũng từ cái duyên Thơ - Họa đó, các tiền bối trở thành bạn thân thiết với nhau: “Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghịêp. Đốt trái tim trầm gởi gió hương” (thơ Vũ Đình Liên). Bây giờ thì cả thơ và họa ấy đều là di sản quý giá trong kho tàng Văn học Nghệ thuật, để rồi mỗi khi nhìn hoa đào, hoa mai đua nhau nở đón mùa xuân nô nức trở về, ta lại ngẩn ngơ hỏi như hỏi vào vô tận: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”.
NTT
Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo từng nét
Như phượng múa rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Vũ Đình Liên