NHỚ MỘT MÙA TẾT Ở KOLKATA

28.03.2011

NHỚ MỘT MÙA TẾT Ở KOLKATA

Đếm từng ngày qua... chậm

Ngày Tết ở Kolkata, Ấn độ không phải là Tết của cộng đồng nói tiếng Hindi hay Bangali... mà là Tết của bốn “gã” đàn ông nói tiếng Việt mới vừa bay sang để tham dự Festval thơ Quốc Tế lần thứ 3. Bốn “gã” đó gồm các nhà thơ Trần Hữu Dũng, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Nho Khiêm và tôi (Mai Hữu Phước).

Chúng tôi rời Việt Nam đúng vào trưa ngày 26 Tết, để lại phía sau lưng một không khí chuẩn bị đón Tết đang ngày càng tưng bừng với nhiều âm thanh và màu sắc. Trước khi lên máy bay, tôi và Khiêm đã kịp làm một vòng quanh Sài Gòn để hoà trong không khí náo nức đón xuân với mọi người. Đường phố nhôn nhịp đi lại, nhộn nhịp mua sắm, nhộn nhịp hoa và nhộn nhịp sắc màu. Tại góc đường Trương Định chúng tôi gặp người đồng hương là thư pháp gia Bùi Hiến chuyện trò đôi câu và chụp vài tấm hình lưu niệm với anh và với các nhạc sĩ Quỳnh Hợp, Quỳnh Lệ... Chiếu thư pháp của anh trải ra tại đây từ mấy hôm rồi. Lai rai khách đến, lai rai khách khách đi với những tờ thư pháp còn ướt mực trên tay, nhẹ nhàng và tươi tắn như mùa xuân đang ngập tràn hương sắc.

Đặt chân lên xứ bạn, chúng tôi đếm từng ngày qua chậm theo âm lịch của Việt Nam. 27 Tết... 28 Tết... 29 Tết và rồi 30 Tết... Ngày 30 Tết là ngày thiêng liêng và trang trọng của mỗi gia đình người Việt. Đó là ngày cúng rước ông bà về mừng năm mới, là giờ phút chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, là sự tất bật với những công việc còn lại. Lễ Giao thừa là thời khắc cuối cùng của sự chuyển giao, khép lại cái xui xẻo của năm qua, mở ra cái may mắn của năm mới... Bao nhiêu là nôn nao diễn ra trong lòng, đăm đắm hướng về quê xa đang Tết. Người Ấn Độ “ăn” Tết vào giữa tháng 4. Tức là ăn Tết sau Việt Nam đến gần 3 tháng, mặc dù giờ của Ấn Độ chỉ chậm sau giờ của Việt Nam chỉ có 90 phút.

Khi đại diện cho đoàn Việt Nam lên diễn đàn đọc bài thơ đầu tiên, không giấu nổi cảm xúc mùa xuân đang náo nức nơi quê nhà đang âm ỉ cháy trong lòng. Tôi đã nói với các nhà thơ và quan khách của hàng chục nước đang tham dự tại Hội trường Trung tâm Rabindranath Tagore rằng vào giờ phút này bên quê tôi đang đón mừng xuân mới, đêm nay là đêm Giao thừa. Tôi muốn gởi lời chúc mừng năm mới đến với mọi người. Thế là cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay và lời hô “Happy new year!... Happy new year!...”.

Trong giờ giải lao, ông Geetesh Sharma, nhà báo, chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, thành viên của ban tổ chức Festival thông báo với tôi rằng sẽ có Phan Thanh Thuỷ đến từ New Delhi để tham dự Hội chợ sách Quốc tế được tổ chức liền kề với Festival thơ Quốc tế tại Kolkata. Ông nối liên lạc để tôi nói chuyện với Phan Thanh Thuỷ. Một giọng nói tươi vui, trẻ trung vang lên bên tai. Đó là giọng nói của người phụ nữ Việt Nam đầu tiên mà tôi nghe đựơc trên đất Ấn. Và đây cũng là người phụ nữ Việt Nam duy nhất mà tôi được gặp trong những ngày ở tại Kolkata.

Nhân nói chuyện với Phan Thanh Thuỷ, tôi xin phép ông Geetesh Sharma cho tôi gọi nhờ phone về chúc Tết gia đình. Đây là cuộc gọi đầu tiên sau 4 ngày “biệt tăm” tại Ấn Độ. Ở Ấn Độ việc sử điện thoại cố định và di động được quản lý chặt chẽ, cả internet cũng thế. Chúng tôi đã tìm đến một quày điện thoại công cộng ở chợ nhưng không thể gọi đi nước ngoài được và trên cả hàng chục dãy phố mà chúng tôi lang thang qua không tìm thấy bất kỳ một quầy internet nào kiểu như ở Việt Nam mà hang cùng ngõ hẽm nào cũng có.

Hình như ở Kolkata không có một gia đình người Việt Nam nào định cư, mặc dù thành phố này có đến 15 triệu dân và nguyên là thủ đô của Ấn Độ thời Anh quốc còn cai trị xứ này. Sau này qua Phan Thanh Thuỷ tôi được biết ở New Delhi là thủ đô của Ấn Độ hiện nay, ngoài Đại sứ quán Việt Nam thì cũng chỉ có khoảng 10 gia đình Việt Nam làm ăn sinh sống tại đó mà thôi.

 

Ấm áp tình bạn bè Quốc tế

Buổi tối của ngày mà tôi đọc thơ và chúc tết mọi người tại hội trường Rabindranath Tagore, Ban tổ chức Festival mở tiệc chiêu đãi đoàn nhà thơ Quốc tế tại nhà hàng Calcutta Rowing Club (15, Rabindra Sarobar). Trong khi chờ đợi bữa tiệc dọn lên, tôi đứng vừa nói, vừa “múa” với nhóm các nhà thơ Bungari và Iceland đột nhiên nghe vang lên từ phía sau lưng “Happy New year! Viet Nam sing a song” (Chúc mừng năm mới! Việt Nam hát một bài). Tôi quay lại nhìn các anh Dũng, Tín và Khiêm đang ngồi với nhóm các nhà thơ Ấn Độ và Bangladesh. Anh Dũng nói tiếng Anh cũng rất khá. Tôi quay hỏi bi chừ tính sao đây? Các anh đều lắc đầu. Trời ạ. Đoàn Việt Nam có 4 người nhưng không ai là “ca sĩ”. Cả bốn gã đều đã bước vào tuổi trung niên, giọng nói đổi màu, làn khàn, làng nhàng. Có đến 3 gã nghiện thuốc lá, tìm chỗ kéo phì phèo cả ngày. Riêng tôi tuy bỏ hút đã hơn 10 năm, nhưng tôi mà hát thì không khéo... bò đứt néo mất!

30 giây trôi qua, nhưng thấy sao mà lâu. Rồi vì sĩ diện “mang tính quốc gia, dân tộc”, vì máu nóng của sự... liều mạng bốc lên nên tôi bước ra trước tràng pháo tay hoan hô không muốn đứt của mọi người. Trong nỗi nhớ nhà của một ngày cuối năm, tôi xin hát bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Và sau khi hát, tôi muốn nói ngay với mọi người rằng hát cho bạn bè Quốc tế nghe dễ hơn hát cho "người nhà" mình nghe nhiều lắm. Bởi nếu có hát nhầm lẫn một vài câu, một vài từ nào đó thì các bạn không... biết. Điều này giúp ta bình tĩnh cứ ngân nga cho đủ nhịp và chân tay ra vài điệu bộ thì đích thực là góp vui văn nghệ rồi !

Bài hát của tôi đã mở màn cho buổi văn nghệ tự phát diễn ra ngay trước giờ vào tiệc. Sau khi hát tôi có quyền đựơc yêu cầu các “ca sĩ bất đắc dĩ” khác. Tôi yêu cầu một cô gái vui tính là nhà thơ, nhà báo người Italia. Ban đầu các bạn còn e ngại lắc đầu từ chối và “bán cái” lẫn nhau. Nhưng sau khi “chương trình” chạy được một vài bài thì có vẻ như mọi người đã hiểu nhau hơn nên tranh nhau hát múa rất là vui vẻ. Các bài hát có tiết tấu vui nhộn và các điệu múa “không giống ai” của các nhà thơ đến từ các bang khác nhau của Ấn Độ thật sự lạ mắt và ấn tượng.

Tan tiệc, chúng tôi về đến khách sạn nhìn xem đồng hồ đã là 23h. Lúc này ở Việt Nam là 0h30 phút, có lẽ mọi người đã cúng xong Giao thừa và đi ngủ. Sáng ngày hôm sau chúng tôi dậy thật sớm và cùng nhau mừng năm mới tại phòng của các anh Dũng và Tín. Bữa tiệc ngày đầu năm gồm một ấm trà, một gói con ngựa và một ít hột dưa. Hột dưa tôi mang theo từ Đà Nẵng và chỉ mang theo có một lon, vì qua tìm hiểu tôi biết Ấn Độ rất khắc khe trong việc mang thực phẩm vào xứ họ. Nhưng tôi vẫn gói kỹ và mang liều.

Khoảng 9h30, người liên lạc của chúng tôi là Arvin, một sinh viên học năm thứ 4 ngành thương mại, nói giỏi tiếng Anh đến mời xuống phòng lễ tân để cùng đi điểm tâm. Ở Ấn độ 10h người ta mới bắt đầu một ngày làm việc. Vừa bước ra khỏi cầu thang máy, những người bạn Ấn vây quanh chúng tôi gồm ông Geetesh Sharma, bà Kusum Jain, thành viên Uỷ ban đoàn kết Ấn-Việt, cùng nhiều người bạn Ấn khác hô to “Happy new year!”. Họ tặng chúng tôi thiệp mừng năm mới và tiền lì xì. Số tiền lì xì là 50 rupi cho mỗi người. Trên đuờng phố Kolkata giá bán mỗi cốc café là 3 rupi và một bữa điểm tâm, có café hay trà sữa tại nhà hàng khách sạn cấp nhà nước mà chúng tôi ở cũng chỉ khoảng 10 rupi mà thôi.

Nhà thơ Trần Hữu Dũng tặng lại mỗi người một bì tem sưu tầm, Nguyễn Nho Khiêm tặng dây đeo tay bằng đá màu mua từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Tôi tặng mỗi người một tờ tiền giấy mới toanh có in hình Bác Hồ để làm lưu niệm. Bà giáo sư ngôn ngữ học người Bungari là Donka Alexandrova hỏi tôi tại sao lại cho nhau tiền như vậy trong ngày đầu của năm mới. Tôi bảo đó là “tiền may mắn” (luck-money). Thế là bà mỉm cười mở ví mang lại sự "may mắn" cho chúng tôi mỗi người 10 rupi nữa.

Tối hôm đó, sau khi rời trung tâm Festval thơ đi dự tiệc chiêu đãi tại nhà hàng Press Club (các bạn Ấn Độ luôn thay đổi địa điểm chiêu đãi để bạn bè Quốc tế thay đổi khẩu vị và tìm hiểu về đời sống, cũng như sinh hoạt ở Kolkata), chúng tôi thêm một lần bất ngờ nữa khi vào đầu bữa tiệc, ông Geetesh Sharma cho người kiếm đâu ra 2 hộp lớn bánh đậu xanh Việt Nam mang nhãn hiệu Rồng Vàng để mời mọi người cùng vui với Tết cổ truyền Việt Nam. Ai nấy đều vui vẻ nhấm nháp bánh đậu xanh với một chút rượu Whisky. Có lẽ những người bạn Ấn muốn làm cho chúng tôi vui để quên đi nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết chăng?

Phan Thanh Thuỷ từ New Delhi đến Kolkata vào sáng ngày Mùng 2 Tết. Nếu tính cả Inra Jaka (con của nhà thơ Chăm Inrasara) đang du học tại Ấn, vượt 2000 km đến Kolkata từ hôm Mùng 1 Tết thì đoàn Việt Nam đã tăng lực lượng lên đến 6 người. Chiều Mùng 2 Tết chúng tôi đến với hội chợ sách và tất cả đều được mời lên ngồi bàn chủ toạ với một số quan chức Ấn Độ trong phần giới thiệu hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam do phía Uỷ ban đoàn kết Ấn-Việt tổ chức như là một phần hoạt động tại hội chợ này. Một số chúng tôi được mời đọc thơ giao lưu tại hội trường có đến hàng trăm khách tham dự.

Món bánh chưng gói và nấu tại Đại sứ Việt Nam ở Ấn độ mà Phan Thanh Thuỷ, nhân viên toà Đại sứ, tác giả của tập thơ song ngữ Anh-Việt Màu thời gian (Natural Color, bút danh Hàm Anh) mang đến chiêu đãi chúng tôi vào sáng Mùng 3 Tết thật sự là hương vị quê nhà.

Những ngày Tết ở Kolkata tuy xa xứ, nhớ nhà nhưng ngập tràn tình bè bạn và ấm áp sự chân tình, để rồi khi một mùa xuân mới đang dần hiển hiện, lòng tôi bất chợt trào dâng niềm cảm xúc miên man khó tả, như là một nỗi nhớ nhung ai đó, mơ hồ... Kolkata ơi, bao giờ gặp lại?

MAI HỮU PHƯỚC

.........................................................

Địa chỉ: Mai Hữu Phước

1/1 Bà Huyện Thanh Quan,

quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng

(0511-3 952 510/ 091 418 0 419)