Vườn mẹ - mạch nguồn sử thi
Xã có căn cứ lõm Bàu Bính và hai cội Dương Thần như một minh chứng về tinh thần đấu tranh bất khuất và sự bền bỉ, dẻo dai bất tử của mảnh đất, con người nơi đây. Dường như chạm vào bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất cát đỏ dệt bằng máu xương, mồ hôi nước mắt này đều có chiến công, di tích lịch sử truyền thống cách mạng.
Là người làm báo, làm văn, làm nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôi đã đi điền dã nghiên cứu và thực tế nhiều lần ở nơi đây, cùng những nhân chứng lịch sử, đã sáng tác trường ca “Có một Bình Dương” trong đại dịch Covid-19. Nay, những người con trên quê hương sông Trường lịch sử này, mà cụ thể là kỹ sư Phan Đức Nhạn đã tâm huyết nêu ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” tại xã Bình Dương gồm một bảo tàng tổng hợp trên cát có các không gian tưởng niệm, bảo tồn các di tích hiện vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các liệt sĩ và những người dân kháng chiến bám trụ đánh giặc giữ làng “một tấc không đi, một li không rời”, đã được Chủ tịch nước, các tướng lĩnh, quan chức cao cấp, lãnh đạo hội kiến trúc sư, các tầng lớp nhân dân… đồng tình.
Ông Hồ Thanh Hải, nguyên trợ lý đồng chí Trương Tấn Sang, thời còn Thường trực Ban Bí thư đã bộc bạch trong Chương trình Ký ức thời gian tại xã: “Bình Dương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều liệt sĩ, nhiều sự tích, nhiều trận chiến, nhiều trầm tích sử thi chưa khai thác hết. Nó là xã căn cứ cách mạng, tiêu biểu, nòng cốt cho các xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Nhiều văn nghệ sĩ đã về nơi đây chiến đấu và để lại tác phẩm có giá trị không chỉ cho xứ Quảng mà cả nước như: Nhà văn, anh hùng, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Dương Hương Ly, nhạc sĩ Minh Đức. Đây là vùng cát khốc liệt, bên biển, bên sông Trường Giang, có hai cội Dương Thần, qua mưa bom bão đạn vẫn ngẩng cao đầu như một biểu tượng kiên trung bất tử của đất và người Bình Dương, xứ Quảng”.
“Vườn Mẹ”, nghe gần gũi, thân thương, gợi cảm lắm. Là vườn kháng chiến, Vườn xưa của Tế Hanh “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Tóc mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc”. “Vườn Mẹ” là ý tưởng mới, thể hiện tấm lòng hiếu kính, tri ân những người đã phụng hiến, xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Dự án có nhiều hạng mục phát huy truyền thống, đền ơn đáp nghĩa với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; trong đó có công viên nghĩa trang vinh danh 350 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; lập bia tưởng niệm hơn 1.347 liệt sỹ. Tái hiện trên thực địa địa đạo, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật… nhằm lưu danh thành quả cách mạng, những cống hiến hy sinh rất khốc liệt của một vùng đất bên sông Trường huyền thoại. Ngoài đài tưởng niệm, bia ghi danh, mộ phần, còn là nơi lưu giữ, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, thước phim tư liệu, sách báo, kỷ vật kháng chiến của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, không chỉ Bình Dương, Thăng Bình xứ Quảng mà còn cho cả nước. “Vườn Mẹ” trong dự án còn là một bảo tàng trên cát nơi lưu giữ và bảo tồn các loài cây vùng cát.
Thế giới kỷ vật, hiện vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng thật là đa dạng, phong phú và thiêng liêng. Có thể là lá cờ Đảng, hoặc tài liệu của Đảng cất giấu trong thùng đại liên. Có thể là tấm hình của người chồng đi tập kết, người con là bộ đội. Có thể là chiếc dao xếp ăn trầu luôn phòng thủ trong túi áo mẹ, chị để phòng ngừa bọn giặc hãm hiếp. Có thể là ngọn đèn hạt đỗ đêm đêm tắt mở báo hiệu an toàn, hoặc bất an cho cách mạng, có thể là những lá thư của chồng con đánh giặc ở chiến trường gửi về. Nơi bảo tàng trên cát này có thể lưu giữ, trưng bày những đôi dép cao su, tái hiện những căn hầm bí mật, những chiếc thúng, mủng hai đáy giấu tài liệu hoặc lựu đạn, chất nổ đánh địch.
Nơi này phải có những hình ảnh sống động về cội Dương Thần, về Địa Mội (nơi nước nhĩ giọt thành ao lớn, có hầm bí mật đào khoét giấu trong mạch nước ngầm) về cây cỏ diệc, về ngọn khoai lang trườn trên nỗng cát... Đặc biệt là phải có bảo tàng lưu giữ về các loài cây xương rồng thể hiện sức sống bền bỉ của dân trụ bám kháng chiến Bình Dương.
Dự án Vườn Mẹ đã được các chính khách, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, báo chí, nhạc sĩ góp bài trong tập sách cùng tên, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, và ra mắt tại mảnh đất và con người Bình Dương ba lần anh hùng. Trao đổi với chúng tôi hôm ấy, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cảm kích: “Những vị cựu cán bộ, lãnh đạo bộ đội, du kích và đồng bào bám trụ có mặt nơi đây như hạt gạo trên sàng, là thế hệ vàng trong hai cuộc kháng chiến. Những cuốn sách viết về Bình Dương như: Vườn Mẹ, Bình Dương đất anh hùng, Hoa xương rồng trên cát (Nhiều tác giả), Có một Bình Dương (Lê Anh Dũng) nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến tranh nhân dân của Bình Dương, vùng cát đỏ thấm đẫm máu xương bao người trong đánh giặc ngoại xâm, vùng cát xanh trong đánh giặc nghèo đói của thời bình, anh hùng lao động thời đổi mới. Vườn Mẹ đã tái hiện và làm sống dậy ký ức tình người thời chiến thiêng liêng cao đẹp”
Không gian “Vườn mẹ” ở Bình Dương nhưng không chỉ dành riêng cho Bình Dương đáng trân trọng. Nơi ấy còn đánh thức và tái hiện quá khứ không chỉ để tri ân mà còn nhắc nhở chúng ta nhớ biết rằng, quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy không thể tách rời. Biết ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chúng ta những con cháu, chắt chít... của mẹ, tiếp tục sống tiếp, sống tốt, cống hiến không mệt mỏi cho quê hương, đất nước, những khát vọng chống chiến tranh phi nghĩa, mong mỏi hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
L.A. D