TỪ KÝ ỨC BÌNH DƯƠNG ĐẾN KHÔNG GIAN “VƯỜN MẸ” - Trung tướng Nguyễn Trung Thu

08.12.2021
Trung tướng Nguyễn Trung Thu
“Là người từng tham gia một số trận đánh ngay tại Bình Dương (lúc ấy tôi mới 13-14 tuổi) đã chứng kiến một số công trình ngầm như địa đạo, giao thông hào, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật... được xây dựng tại đây, ngay trên nổng cát. Vì thế, trong không gian “Vườn Mẹ”, rất cần tái hiện những cụm hình ảnh, mô phỏng các công trình làng xã chiến đấu, bảo đảm sát thực tế điều kiện hiện có lúc bấy giờ. Việc xây dựng cũng dễ dàng, tiện lợi, chủ yếu bằng tre mành, bao cát, lấy cỏ đắp lên trên, có hầm chông, bẫy cài...”

TỪ KÝ ỨC BÌNH DƯƠNG ĐẾN KHÔNG GIAN “VƯỜN MẸ” - Trung tướng Nguyễn Trung Thu

Trung tướng Nguyễn Trung Thu

 

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, xã Bình Dương (Thăng Bình) là một trong những xã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang đầu tiên của liên Khu V, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là ngọn cờ đầu của Quảng Nam, là nổi hoang mang, khiếp sợ của kẻ thù. Người dân vùng cát - Bình Dương rất đổi tự hào về quê hương mình với 3 lần được tuyên dương Anh hùng. Nhưng để xây đắp nên chiến công ấy, Bình Dương đã phải kiên cường trụ bám, chiến đấu, hy sinh anh dũng, trả giá bằng sự đau thương mất mát lớn lao trong cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù vũ khí hiện đại và mưu mô xảo quyệt. Mười năm chiến đấu (từ 1964 đến 1975) đã có 4.700.7.800 người dân ngã xuống. Toàn xã có 2.000 thương binh liệt sỹ, hàng trăm người bị bắt bớ, tù đày, hàng trăm người bị thảm sát và hàng trăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…

  Là thành viên Ban Cố vấn của dự án xây dựng không gian “Vườn Mẹ”, là người trực tiếp sống, cầm súng chiến đấu và ở trong chính hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt ấy ngay trên mảnh đất Bình Dương nên tôi ủng hộ và đồng tình rất cao về chủ trương và phương án huy động nhân lực, vật lực nhằm sớm triển khai xây dựng dự án này. Tôi chia sẽ và thống nhất cao với quan điểm và ý tưởng của kỹ sư Phan Đức Nhạn, tác giả dự án. Mục đích xây dựng “Vườn Mẹ” là để lưu danh thành quả cách mạng qua các thời kỳ ở xã Bình Dương, vinh danh quá khứ và tưởng nhớ công lao những người Mẹ Việt Nam Anh hùng vĩ đại đã sinh thành và nuôi dưỡng những anh hùng cho dân tộc, vì đất nước Việt Nam. Tạo ra một công viên - nghĩa trang - công trình lịch sử văn hóa để vinh danh 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, lập bia tưởng niệm 1.347 liệt sỹ, khơi dậy cảm xúc trong lòng những người còn sống, tạo nên bức chân dung về người Phụ nữ Việt Nam với đầy đủ sự tự hào và tình yêu thương. Tôi nghĩ việc tái hiện lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng ấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ đang sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay.  

 Ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” rất hay và sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn rất cao nhưng ai cũng biết thực hiện quần thể dự án này không đơn giản chút nào, mà cần rất nhiều sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, của các ngành Văn hóa-Thể thao, Lao động-Thương binh xã hội, Giáo dục... nhất là đóng góp tài lực, trí tuệ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhiều nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, kiến trúc sư, văn nghệ sĩ cả nước. Đặc biệt cần sự góp ý xây dựng của những người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu, công tác, từng nằm lòng ngay dưới cát bỏng Bình Dương trong những ngày sống mái, tranh đấu quyết liệt với giặc thù. Bởi chính họ là hiện thực sinh động nhất, sâu sắc nhất, nhân chứng lịch sử cụ thể nhất bảo đảm cho dự án không gian “Vườn Mẹ” rất gần với hiện thực, phản ánh chính xác, tái hiện những gì vốn đã từng diễn ra ở nơi này như vụ thảm sát Trảng Trầm, làng Lạc Câu, Bàu Bính, cây Dương thần...; một số công trình ngầm như địa đạo, giao thông hào, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật... trong dãy nổng cát bên dòng sông Trường Giang liên hoàn ở vùng cát cháy Bình Dương.

Vùng cát trắng Bình Dương (Thăng Bình) hơn 50 năm trước. Ảnh tư liệu

Trong “Vườn Mẹ” có tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng và bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ được xem là trung tâm, điểm nhấn của không gian lịch sử văn hóa trên nổng cát Bình Dương. Theo tôi, cần bổ sung và tái hiện các mô hình, cụm hình tượng khắc họa rõ về cụm và liên cụm các hình ảnh những người mẹ, người chị, các em nữ vùng quê nghèo lam lũ nhưng một lòng một dạ cống hiến hy sinh cho cách mạng: chở che cơ sở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội trong vòng địch kiểm soát; đấu tranh chính trị nơi đồn bốt giặc; đấu tranh trực diện khi địch càn quét vào làng (khi đàn ông, con trai không làm được). Hình ảnh phụ nữ lao mình chặn xe tăng, xe bọc thép khi chúng sục sạo vào làng truy tìm cán bộ. Đó còn là hình ảnh các mẹ, các chị vượt qua bom đạn khốc liệt của địch để nuôi nấng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, nhường cơm, áo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân … cho bộ đội, du kích đựng trong những chiếc thúng, mủng, nia, mo cau… Thời điểm đó, nhiều gia đình còn rất nghèo, chạy gạo từng bữa nhưng các mẹ, các chị vẫn huy động các hủ gạo tiết kiệm, rổ khoai lang, đường bát… bắt con cá, con tôm trong sông, dưới biển để chăm, nuôi cán bộ, du kích, bồi dưỡng cho thương binh…Vốn được lớn lên trong vùng tự do, bị kẻ thù đàn áp đã man nhưng trong họ luôn đặt niểm tin to lớn và son sắc với Đảng, cách mạng. Thổi bùng ngọn lửa đấu tranh kiên cường bất khuất còn cái lại quần, cũng đánh. Chính các chị em âm thầm ngày, đêm lặng lẽ xây dựng các công trình chiến đấu nhằm đánh giặc, bảo vệ cán bộ du kich; bảo vệ chính chồng, con là đàn ông, em trai hoạt động bất hợp pháp. Khi giặc càn đến, họ đưa đàn ông xuống hầm bí mật, ngụy trang, cung cấp cơm nước, giữ liên lạc với người ở dưới hầm, lừa mị giặc khi có dấu hiệu bị lộ. Họ can trường khi bom đạn khốc liệt; có thể bị bắn, bị giết như các chị em ở Ngã ba Đồng Lộc, Dốc Chín Cô, như bác sĩ anh hùng Đặng Thủy Trâm… và đau hơn, khủng khiếp hơn nữa là chị em khi bị bắt, bọn giặc còn giở trò đồi bại hãm hiếp, làm nhục ngay trước mặt những người thân, bà con làng xã mình.

Trong chiến tranh khốc liệt ấy, để tạo điểm tựa vững chắc trong đấu tranh trực diện với giặc thù thì bên các mẹ, các chị luôn có chồng, con, những người anh trai, em trai, là cán bộ, bộ đội, du kích… Vì thế, trong cụm tượng mô phỏng tái hiện hình ảnh cuộc chiến tranh đã qua, không thể thiếu hình ảnh những người đàn ông bên cạnh các mẹ, các chị…

Là người từng tham gia một số trận đánh ngay tại Bình Dương (lúc ấy tôi mới 13-14 tuổi) đã chứng kiến một số công trình ngầm như địa đạo, giao thông hào, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật... được xây dựng tại đây, ngay trên nổng cát. Vì thế, trong không gian “Vườn Mẹ”, rất cần tái hiện những cụm hình ảnh, mô phỏng các công trình làng xã chiến đấu, bảo đảm sát thực tế điều kiện hiện có lúc bấy giờ. Việc xây dựng cũng dễ dàng, tiện lợi, chủ yếu bằng tre mành, bao cát, lấy cỏ đắp lên trên, có hầm chông, bẫy cài...

Cũng như mọi thành viên của Ban Cố vấn và là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu tại Bình Dương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, tôi xin đóng góp những ý tưởng trên với mong ước rằng không gian “Vườn Mẹ” một công trình tâm huyết có ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc sẽ sớm hình thành trên quê hương Bình Dương Anh hùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển...

 

Đà Nẵng, tháng 10.2021

Trung tướng Nguyễn Trung Thu

(Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu V, du kích xã Bình Dương giai đoạn 1964 - 1969)