HAI CẬU BÉ CÙNG QUÊ - Nguyễn Tấn Diệu
Gần 3 tháng vượt dốc băng rừng, bọn trẻ chúng tôi theo đường Trường Sơn, tới Hà Nội ngày 16 tháng 9 năm 1969. Sau buổi gặp mặt chớp nhoáng của lãnh đạo trạm đón tiếp thiếu niên nhi đồng miền Nam ở T64, quận Đống Đa, chúng tôi được chia nhỏ về sống chung ở các phân đội. Bạn Tám quê Duy Xuyên làm đội trưởng phân đội 11 sắp xếp chỗ ăn ở cho người mới tới. Giường tôi nằm gần lối đi, Nhạn bên phải, bên trái là Y Zích. Cuộc sống tạm ổn trong sự chăm sóc của các cô chú quản lý. Những ngày mùa thu thật dễ chịu rồi dần chuyển sang đông, chúng tôi - những cậu bé ốm yếu bắt đầu chịu trận với thời tiết lạnh buốt, đặc biệt là những trận sốt rét rừng hành hạ từng cơn, đắng miệng, chán ăn, những cơn đau đầu âm ỉ, bắt đầu nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê. Các bạn bày ra nhiều trò chơi: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… trong thời gian phục hồi sức khỏe. Tôi và Nhạn hay chọn đánh bài tiến lên, phần thưởng cho người thắng cuộc là được búng tai những người thua. Tính cách con người của từng đứa dần bộc lộ từ thói quen, sở thích; người cùng quê lại thấy gần gũi nhau hơn.
Vậy mà đã 52 năm trôi qua, thời gian không còn là yếu tố thử thách tình bạn, những tháng ngày đi qua cùng biết bao kỷ niệm vui buồn. Chia tay Hà Nội, chúng tôi được đưa đi học ở các trường khác nhau: Thái Bình, Hải Dương, Nam Hà, Đông Triều … Mấy năm sau hai đứa lại chung lớp 7C trường Đông Triều. Nhạn làm lớp phó học tập, tôi lớp viên, lại thêm Lê Xuân Hảo bí thư chi đoàn, Công Lang lớp trưởng, Phan Hồng Sơn… và các ả tươi đẹp dễ thương: Thọ, Quýt, Lài, Thuỷ, Dung, Bảy, Tuyết Mai, Phụng Hà, Kim Sơn… thêm mấy cậu nghịch ngợm có tiếng một thời như Vũ … Những chiến binh cùng ăn, cùng ở, cùng học, sớm sớm chiều chiều lại sử trò nghịch ngợm, lấy áo bạn đi đổi mía, đổi đường, hái trộm ổi, bắt trộm gà… và những chuyện tỉ tê. Anh Tại, anh Cưu của tôi mỗi lần tới thăm Diệu là một lần anh em chúng tôi được cải thiện. Tôi tự hào quê mình có trận đánh diệt Mỹ cấp đại đội diễn ra tại Núi Thành, ấy là trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ lớn đầu tiên khi chúng vừa đổ quân vào miền Nam với chiến thuật bám thắt lưng địch mà đánh. Quê Nhạn ở xã Bình Dương cũng là địa phương nổi tiếng thời chiến tranh chống Mỹ, một xã được nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng, nơi ấy còn có căn cứ lõm Bàu Bính nổi tiếng khắp nước. Vùng cát chúng tôi trải qua bao năm gian khổ, ác liệt, mới tuổi 13 chúng tôi đã tham gia du kích, giao liên, ngụy trang hầm bí mật và canh gác cho các cô chú cách mạng, cắm chông gài mìn và cũng lao động cùng cha mẹ để lo cuộc sống. Bình Dương và Tam Hoà là vùng biển xanh, cát trắng, nắng vàng, sóng và gió, phi lao, lông chông, cỏ cụm, xương rồng… Loài cây cỏ cũng chống chọi với môi trường khắc nghiệt, và cũng tồn tại hiên ngang, kiêu hãnh như con người nơi đây. Hòa bình, trở về quê hương, tôi và Nhạn cùng Phiến, Đinh học chung trường cấp 3 Trần Cao Vân, ăn cơm trường nội trú tỉnh. Lớp học sinh miền Nam chúng tôi trở thành lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào thi đua của trường.
Nay đọc báo Nhân Dân có bài “Vườn Mẹ”. Biết được ý tưởng ra đời “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn bao năm ấp ủ làm được gì cho quê hương, tôi thật tự hào về bạn của mình. Đó là sự tri ân đối với biết bao đồng bào ta đã hy sinh vì Độc lập - Tự do cho hạnh phúc muôn đời. Tôi ủng hộ ý tưởng của Phan Đức Nhạn và mong cho “Vườn Mẹ” trở thành hiện thực. Tôi nghĩ lịch sử đã đặt lên vai thế hệ chúng ta - những con người vừa bước ra từ cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc - có thể nói là một thế hệ giữ vai trò nhân chứng của lịch sử trong thời kỳ này cần suy nghĩ và hành động để góp phần bảo tồn, lưu trữ ngoài thực địa những dấu tích lịch sử thời kỳ giữ nước và dựng nước cho con cháu mai sau như ý tưởng không gian “Vườn Mẹ”. Cảm xúc từ sự việc này, tôi viết mấy câu thơ xin tặng quê hương vùng cát, tặng bạn và mọi người:
Kiên cường như loài xương rồng.
Không phân, không nước ai trồng mà nên.
Màu xanh nhựa sống hiện lên.
Con người gan góc tuổi tên anh hùng.
Tam Kỳ, 15.8.2021
Nguyễn Tấn Diệu
(Bác sỹ chuyên khoa 1)