ĐÔI ĐIỀU VỀ DỰ ÁN “VƯỜN MẸ” - Thượng tướng Võ Tiến Trung
Thượng Tướng PGS. TS, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Võ Tiến Trung
Tôi biết Phan Đức Nhạn, gia đình anh, nhất là người Mẹ và miền đất cát Bình Dương qua Nhật ký chiến tranh của nhà văn - liệt sỹ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Chu Cẩm Phong, trước khi chúng tôi thân nhau. Anh là người có nhiều công lao với cách mạng từ thời niên thiếu, khi trưởng thành lại càng giỏi giang trong công tác. Nhưng lần này, tôi rất bất ngờ vì ý tưởng phác thảo không gian “Vườn Mẹ”, thể hiện tâm huyết với quê hương, biết tôn vinh, ghi công những người đã vì Tổ Quốc hiến trọn đời mình và con cháu mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đặc biệt là các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trước hết, tôi rất ủng hộ dự án này. Trong khả năng có thể của mình, tôi sẵn sàng xin góp với anh một tay để dự án sớm được triển khai xây dựng thành công. Sở dĩ tôi ủng hộ nhiệt tình như vậy, bởi tôi nghĩ, chúng ta có những ngày sống hạnh phúc hôm nay đã phải đổi bằng bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ, trong đó sự hy sinh của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng là lớn lao nhất. Các Mẹ biết làm cách mạng giải phóng dân tộc là đau thương, là hy sinh, mà các Mẹ vừa tham gia chiến đấu, nuôi quân, nuôi giấu cán bộ, và hơn thế nữa là động viên những đứa con mà mình đứt ruột sinh ra tham gia đánh giặc, dẫu biết các anh các chị có thể sẽ hy sinh. Vì vậy, chúng ta làm bất cứ điều gì để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đều là việc làm rất đúng đắn. Những khu tưởng niệm như “Vườn Mẹ” sẽ góp phần nhắc nhở cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ thấy rõ cái giá phải trả cho những ngày hoà bình quý giá hiện nay, phải cố mà giữ lấy và phải biết tri ân những người đi trước, đừng làm hoen ố máu của những người đi trước như câu nói nổi tiếng của liệt sỹ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Vũ Xuân.
Về kỷ vật chiến tranh, hình thái chiến tranh, kinh nghiệm chiến tranh, hầu hết các bảo tàng cả nước đều lưu giữ nhiều, do vậy nơi đây, chúng ta tổ chức sưu tập lưu lại một số kỷ vật đặc trưng, liên quan cũng đáng quý, nó được xem như một bảo tàng ở một vùng đất, ở một địa phương. Điều tôi tâm đắc và muốn nói nhiều hơn, là những kinh nghiệm của chiến tranh. Không ai muốn có chiến tranh, nhưng ta chuẩn bị đối phó với nó càng tốt bao nhiêu thì chiến tranh càng lùi xa ta bấy nhiêu. Khi còn là Phó Tư lệnh Quân khu V phụ trách giáo dục Quốc phòng, tôi rất muốn mỗi tỉnh nên xây dựng một khu để dân ta, nhất là lớp trẻ biết, nếu có chiến tranh thì làm các hầm ngủ, hầm tránh bom, công sự chiến đấu như thế nào, làm vũ khí tự tạo để đánh giặc ra sao? Nhưng chỉ có một số ít được xây dựng tại các trường quân sự, còn địa phương thì chưa hoàn chỉnh, vì lực bất tòng tâm. Anh Nguyễn Hữu Mai - nguyên Phó Bí thư Quảng Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng định xây một khu như vậy ở Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam, nhưng việc cũng không tròn vẹn, bởi những hạn chế khách quan. Nay trong dự án “Vườn Mẹ”, việc quyết tâm đưa nội dung này vào thành mảng lớn, tôi rất vui mừng. Nếu thành công, nó sẽ góp phần vào công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, đặc biệt là giải thích, làm rõ cho người tham quan, thế hệ trẻ và người nước ngoài hiểu vì sao Việt Nam thắng được hai đế quốc là Pháp và Mỹ.
Xin chia sẻ và đồng tình cùng anh Phan Đức Nhạn, tác giả dự án “Vườn Mẹ”. Hy vọng với sự đồng hành, quyết tâm của mỗi người, chúng ta sẽ vận động, thuyết phục nhanh chóng các cấp, nhất là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ủng hộ để dự án này sớm được xây dựng thành công...
Hà Nội, tháng 8.2021
Thượng Tướng, PGS - TS, Anh hùng Lực lượng Vũ trang
Võ Tiến Trung
(Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng
Nguyên Đại biểu Quốc hội, Nguyên Giám đốc Học viện Quốc Phòng)