VƯỜN MẸ, MỘT DỰ ÁN THAY LỜI MUỐN NÓI - Phan Kế Vân

08.12.2021
Phan Kế Vân
Đọc bài báo cùng sơ đồ phác họa ý tưởng quy hoạch không gian “Vườn Mẹ” của tác giả Phan Đức Nhạn đăng trên báo Thời Nay - ấn phẩm của báo Nhân Dân ngày 27.7.2021, tôi thật sự xúc động, cảm xúc trào dâng, gợi những hoài niệm về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, của dân và quân xã Bình Dương đầy gian khổ hy sinh. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch coi Bình Dương là điểm có vị trí đặc biệt quan trọng ở phía Đông-Bắc của huyện Thăng Bình và Nam thị xã Hội An thủ phủ của nguỵ quyền Quảng Nam. Địch đã tập trung đánh phá ác liệt, gây nên những tổn thất vô cùng lớn về người và của. Song, chúng không thể khuất phục được tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất, kiên gan của người dân Bình Dương.

VƯỜN MẸ, MỘT DỰ ÁN THAY LỜI MUỐN NÓI - Phan Kế Vân

“Vườn Mẹ” một bài viết mang nội dung chân thật, đầy cảm xúc, ghi lại những cái mốc, những dấu ấn sâu đậm diễn ra qua những cuộc chiến đấu kiên cường, gan dạ của các chiến sỹ, họ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự sinh tồn của quê hương, đất nước. Ý tưởng quy hoạch không gian “Vườn Mẹ” là một ý tưởng đẹp, đậm tính nhân văn với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đặc biệt, thể hiện sự tri ân sâu sắc với những người Mẹ Việt Nam tuyệt vời! Đọc “Vườn mẹ” và những chia sẻ về dự án “Vườn Mẹ” của các anh, các chị - là những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh gian khổ, đã đánh đổi bao nhiêu xương máu, góp sức vào giải phóng quê hương, đất nước, đem lại tự do cho dân tộc, tôi rất trân quý, kính phục và biết ơn.

Là một người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, tôi không được trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến đấu chống giặc ở quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, song tôi cũng rất tự hào vì những người thân trong gia đình đã đóng góp tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên quê hương mình. Với tôi, sự cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mang của ba, sự hy sinh tần tảo của mẹ, sự hy sinh cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước của người em luôn là tấm gương, là động lực, là sức mạnh trong rèn luyện đạo đức cách mạng,trong học tập và công tác góp phần nhỏ sức mình vào sự nghiệp trồng người cho đất nước. 

Mỗi người ai cũng dành tình cảm của mình nhiều nhất cho người mẹ. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, đến khi con cất tiếng khóc chào đời nuôi con khôn lớn, sự khổ cực, khó khăn, vất vả là vô cùng. Mẹ tôi, người mẹ tuyệt vời nhất. Người phụ nữ đặc biệt nhất trong cuộc đời của mình. Ba đi tập kết lúc tôi mới lên năm tuổi, đứa em kế tiếp ba tuổi và mẹ mới sinh em bé được 7 ngày. Mười ngày sau sinh, mẹ phải bươn chải để kiếm củ khoai, lon gạo  nuôi con. Lúc bấy giờ cuộc sống của mẹ cực khổ gian nan lắm, mẹ  đi sớm về tối, em bé ở nhà mỗi lần khát sữa khóc đòi ăn, tôi bế em sang những người hàng xóm có con nhỏ để bú nhờ. Khi học lớp 2 tôi mới hiểu câu người nông dân phải chịu cảnh một nắng hai sương là thế nào. Một nỗi khổ mà gia đình tôi phải gánh chịu nữa là: chính quyền ngụy thực thực hiện chính sách tố Cộng - cách ly những gia đình Cộng sản (những gia đình có người đi tập kết) cấm những người khác quan hệ, giúp đỡ bởi vậy gia đình sống như tách biệt với bà con, hàng xóm.

                        Cánh cò cõng nắng cõng mưa

Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào mẹ vẫn luôn dành trọn tình thương yêu cho những đứa con của mình, chăm lo cho con lớn khôn, dù khó khăn là vậy nhưng anh em chúng tôi lớn lên đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, mẹ luôn khuyên bảo các con cố học để nên người. Đời của mẹ với các con là vậy. Với ba mẹ tôi là người rất thủy chung son sắc. Lúc ra đi tập kết ba dặn mẹ ở nhà cố gắng chịu khó nuôi các con sau 2 năm nữa thống nhất nước nhà ba sẽ trở về. Nhưng chính quyền Sài Gòn có sự hậu thuẫn của Mỹ đã phá hoại không thực hiện cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7 năm 1956, đất nước bị chia cắt lâu dài, những người đã đi tập kết không biết ngày nào trở lại. Khi đó mẹ tôi làm một việc mà với suy nghĩ của một đứa trẻ con tôi rất sợ là: mẹ có mái tóc dài, đen đẹp một buổi tối mẹ nhờ người đến cắt đi mái tóc, mẹ cạo đầu. Tôi ngồi cạnh mẹ chỉ biết khóc mà không dám hỏi tại sao mẹ làm vậy. Tôi sợ rằng vì khổ cực quá mẹ xuống tóc vào chùa đi tu bỏ anh em tôi. Mãi sau này tôi mới hiểu được rằng việc làm đó của mẹ là thể hiện lòng chung thủy của mẹ đối với ba. Sau hai năm hay chờ đợi bao lâu nữa mẹ vẫn đợi chờ. Và chờ mãi 10 năm sau (năm 1964) mẹ mới gặp được ba, gia đình đoàn tụ được 3 ngày để rồi từ đây mẹ xa ba và các con mãi mãi.

Với Cách mạng, mẹ là người luôn trung thành, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Năm 1962, mẹ chuyển cả nhà xuống ở sau nổng ông Cả, một khoảnh đất không rộng, chung quanh lại có nhiều mồ mả. Tôi hỏi mẹ tại sao chuyển nhà xuống đây? Mẹ bảo để các con đi học cho gần. Đến giữa năm 1963 và những tháng đầu năm 1964 thi thoảng có những tối khoảng 10 giờ đêm có các anh Hai Thị (Vĩnh), anh Năm Minh, chú Hai Thận ghé lại bàn chuyện gì đó rất nhanh rồi họ lại đi. Khi đó tôi đã hiểu được lý do mẹ chuyển nhà xuống đây, mục đích làm nơi gặp mặt bàn công việc của những người hoạt động bí mật. Sau này họ gọi những gia đình như vậy là cơ  sở cách mạng. Tôi xa mẹ, theo ba lên chiến khu được Đảng cho ra miền Bắc học năm 15 tuổi. Mười một năm sau trở về mẹ không còn nữa. Mẹ hy sinh năm 1973 không một người thân bên cạnh, lúc đó ba trên chiến khu, em trai hy sinh, tôi và em gái út học ở miền Bắc. Ngày hôm nay, mỗi lần nhắc đến mẹ bao ký ức tuổi thơ những năm tháng được sống bên mẹ, nhớ lại sự gian khổ, héo hon, lam lũ, mẹ luôn cam chịu để nuôi các con thơ dại lớn khôn trong tôi luôn đong đầy cảm xúc.

  Ba tôi là một lão thành Cách mạng. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, để lãnh đạo quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, Chi bộ đảng cộng sản được thành lập ở xã Bình Dương có 3 đảng viên. Ba tôi (Phan Toại) là một trong ba đảng viên đầu tiên của chi bộ, cùng với các đảng viên trong chi bộ, ông tham gia xây dựng và lãnh đạo phong trào quần chúng ở xã phát triển mạnh mẽ. Cách mạng tháng 8 năm 1945, chi bộ lãnh đạo nhân dân trong xã xuống đường hòa nhập với nhân dân các xã bạn đấu tranh cướp chính quyền ở phủ Thăng Bình giành thắng lợi, chính quyền thuộc về nhân dân. Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện và các xã  được thành lập, Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Bình Dương  do ba tôi làm Chủ tịch. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève (1954) về Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết, buộc Pháp phải công nhận Việt Nam là nước độc lập, có chủ quyền. Sau Hiệp định, các bên thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh; vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời khi thực hiện những công việc đó và cả nước sẽ thống nhất sau cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956. Ba tôi cùng những cô chú cán bộ khác tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định được kí kết và tất cả đều hẹn với gia đình sau 2 năm sẽ trở về, lúc ba đi tôi mới 5 tuổi, còn quá nhỏ không cảm nhận được sự lưu luyến lúc chia xa, mẹ mới sinh em bé chưa được 7 ngày. Tối hôm ba đi mẹ ôm anh em chúng tôi ngồi khóc trong đêm.

Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổng tuyển cử, thống nhất đất nước với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Tập kết ra Bắc, ba tôi công tác ở Bộ Thủy lợi, sau đó về Ủy Ban Thống nhất. Đến năm 1961, theo sự phân công của Đảng ông vượt Trường sơn trở về niềm Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sự trở về này của ba tôi, gia đình, bà con không ai hay biết. Theo sự phân công, ba về trường Đảng Khu V - thuộc Ban Tuyên huấn Khu Uỷ làm công tác đào tạo cán bộ. Năm 1964, ba đi công tác ở các huyện cánh Đông tỉnh Quảng Nam. Ngày 5 tháng 9 năm 1964 các xã vùng đông Thăng Bình được giải phóng trong đó có xã Bình Dương, ba có điều kiện về thăm nhà, tôi được gặp ba, gia đình được đoàn tụ trong thời gian rất ngắn sau 10 năm xa cách. Ba con tôi nhiều lần xa cách nhau và gặp lại nhau, xa cách trong lo âu vì trong chiến tranh sự mất mát hy sinh nào ai biết trước và lúc gặp lại tràn đầy cảm xúc. Tôi nhớ nhất cảm xúc nhất lần gặp sau 10 năm - lúc ba đi tập kết (1954) - đến khi nhân chuyến công tác ông ghé thăm nhà (1964). Hôm ấy, chiều ngày 6 tháng 9 năm 1964 sau 1 ngày quê hương được giải phóng, tôi cùng một số người vác cuốc đi phá ấp chiến lược, đến đầu kiệt nổng ông Cà gặp một nhóm người khá đông đứng bao quanh một người đàn ông cao to, mọi người hỏi han, nói cười rất vui vẻ; trong họ có một người thấy tôi đi đến liền chạy lại nắm tay kéo tôi chạy đến người đàn ông đó và nói: Ba cháu đó! Tôi đứng sững, ngỡ ngàng ngước mắt nhìn ông, tôi không biết, không tin, bởi lúc ba đi tôi còn quá nhỏ, bây giờ làm sao biết được mặt ba. Và vào những năm 1959, 1960 bọn địch đã treo giải thưởng khắp nơi nếu ai bắt được bác Ngô Tấn Tâm và ba tôi… Lúc này nghe có người nói: Thằng Vân con anh đó! Ông khụy xuống ôm chặt tôi vào người ông  và gọi khẽ: Con! Và tôi cũng ôm chặt ông gọi: Ba! Đây là lần đầu tiên tôi gọi tiếng ba tròn vành, đầy cảm xúc. Tôi cảm nhận được hơi nóng từ người ba truyền sang cho con chạy trong người như dòng điện. Tôi nắm tay ba đưa ông về nhà. Ba sống cùng gia đình được 3 tối; ban ngày ba làm việc với địa phương; tối ngày 10 tháng 9 ba về lại chiến khu và đưa tôi theo cùng, tôi ra đi cùng ba vào một buổi tối cuối tháng, trời tối lắm lúc ra đi mẹ và các em ôm tôi khóc tôi cũng vậy, lúc đó ba bảo tôi rằng đi làm cách mạng không được khóc. Thế là tôi mang balo ra đi. Lên chiến khu ở cùng ba được ba chăm lo như người mẹ. Tôi được sống cùng ba đến cuối tháng 11 năm 1964 sau đó tôi được Đảng cho đi học ở miền Bắc. Đây là lần thứ 2 chia xa ba. Từ trường Đảng Khu V, ba tiễn tôi qua một con rẩy rồi theo anh giao liên vượt Trường Sơn ra Bắc. Cuộc chia xa ấy 10 năm sau (1974) tôi mới gặp lại được ba nhân chuyến Ba đi công tác ở miền Bắc. Cuộc gặp ba lần này khác lần trước, khi thấy ba tôi chạy đến ôm chầm lấy với nỗi mừng vui khó tả. Nhưng sau sự mừng vui ấy tôi đón nhận một nỗi buồn khủng khiếp khi ba kể với tôi về chuyện quê hương, gia đình trong chiến tranh em trai tham gia du kích xã hy sinh trong trận chiến không cân sức với địch năm 1968. Tiếp đến trong một trận càn của giặc vào cuối năm 1972 ở xã mẹ tham gia đấu tranh chính trị bị địch bắt bà đã đấu tranh đến cùng bị địch bắn hy sinh cùng theo đó là sự hy sinh của những người thân khác là các chú, các em, sự tàn phá của quê hương… 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất Ông là Bí thư Đảng bộ, Phó giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc IV tại Đà Nẵng (nay là Học viện Chính trị Quốc gia khu vực III). Với tôi, ba luôn là một người đàn ông đáng kính, là một người Cộng sản thực thụ từ khi vào Đảng cho đến hết cuộc đời của mình ông luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, ông đã bôn ba khắp các mặt trận tham gia chiến đấu cho nước nhà bình yên. Trong công tác với đồng nghiệp ông được mọi người nhận xét là một người lãnh đạo công minh, tình cảm, ân cần và sâu sắc.

Mẹ tôi tham gia đấu tranh chính trị ở địa phương là liệt sỹ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; em trai tham gia du kích xã là liệt sỹ. Với tôi sự cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng của người cha, sự hy sinh thân mình cho đất nước của người mẹ, người em là tấm gương để mình noi theo, là động lực thúc đẩy mình rèn luyện phấn đấu suốt đời trong học tập, trong công tác.

Phan Đức Nhạn vừa là người anh trong họ tộc cùng sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Dương, vừa là người bạn cùng học chung dưới một trường - trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, nơi ấy đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho miền Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Những năm tháng ấy ngày đêm chúng tôi luôn hướng về miền Nam, về quê hương ruột thịt - nơi mà luôn xảy ra chiến sự, luôn có sự hy sinh mất mát của những chiến sỹ, của những người dân, của những người thân qua các trận chiến; chúng tôi luôn chờ đón tin chiến thắng mỗi ngày, luôn trông mong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Và ngày đó đã đến ngày 30 tháng 4 năm 1975

Sau ngày miền Nam giải phóng chúng tôi trở về quê hương, mỗi người một lĩnh vực công tác. Anh là một kỹ sư xây dựng, Giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Quảng Nam rồi trở thành một chính khách; tôi là một luật gia, giảng viên, Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật  Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III - nơi đào tạo các bộ cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

“Vườn Mẹ” một dự án đã được anh ấp ủ từ lâu, anh muốn có một nơi để tri ân những vị tiền bối Cách mạng, những anh hùng liệt sỹ, những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng những người con cũng như hy sinh thân mình cho quê hương đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một dự án thay lời muốn nói.

Sinh thời, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng nói: Tôi nghĩ để tôn vinh những người mẹ Việt Nam mà để làm nên một công trình thực sự là nghệ thuật, nó lại mang tính lịch sử nữa thì càng tốt... Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, người đã bỏ ra nhiều năm liền đi dọc chiều dài đất nước, qua 63 tỉnh thành bằng chiếc xe máy, đến hàng ngàn vùng quê để làm một việc duy nhất vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tính đến gần đây (29.4.2021), bà đã vẽ được 2.418 chân dung Người Mẹ. Trả lời câu hỏi vì sao bà lại thực hiện một việc vất vả đến vậy, nữ họa sĩ lắc đầu rồi vỗ vào ngực bên trái nói, đó là mệnh lệnh từ trái tim mình.

Chính vì vậy, theo tôi, khi dự án không gian “Vườn Mẹ” của tác giả Phan Đức Nhạn đề xuất  được hiện thực hóa, thì đó sẽ là một món quà quý giá của những người con hiếu thảo Bình Dương tri ân về Mẹ. Nơi đây, không chỉ là một cõi đi về của những Mẹ Việt Nam Anh hùng đã từ trần, của những Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất quê nhà, mà còn là nơi để con cháu, du khách có dịp ghé thăm thắp nén tâm nhang tỏ lòng thành kính, tri ân biết ơn và luôn ghi nhớ công lao của họ. “Vườn Mẹ” sẽ là một nhân chứng lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tôi mong ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” sớm thành hiện thực...

 

Đà Nẵng, tháng 8.2021

Phan Kế Vân

(Nguyên Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương III)