Vua Thủy Tề là con rể làng tớ - Truyện Trần Đức Tiến

22.07.2013

Ngày xửa ngày xưa…

          Tức là từ cái ngày tôi còn chưa ra đời, làng tôi đã có một ngôi chùa. Chùa chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ trên mảnh đất giữa làng, bên trong ngự dăm ba pho tượng Phật. Vườn chùa phía trước có mấy cây hoa mộc, hoa lan tiêu, hoa móng rồng, phía sau là rặng nhãn cổ thụ. Ở hậu cung có giếng nước ăn, miệng giếng chỉ bằng cái nia, tối om, sâu hút.

Người thường xuyên trông coi, quét dọn, lau chùi đồ thờ tự trong chùa là bà Hướng Tự.

Vua Thủy Tề là con rể làng tớ - Truyện Trần Đức Tiến

           Bà Hướng Tự ở một gian nhà nhỏ ngay cạnh chùa. Bà có cô con gái duy nhất, năm ấy mười bảy tuổi, nghe nói cực kỳ xinh đẹp ngoan hiền. Nhưng cô tên gì thì không ai trong làng còn nhớ.

            Một sáng bà Hướng Tự thức dậy chuẩn bị đi làm những công việc hàng ngày. Cô con gái đã dậy trước mẹ. Bà Hướng Tự nghĩ cô ra vườn hái hoa. Những bông hoa nở vào sáng sớm bao giờ hương thơm cũng dịu dàng thanh khiết. Con gái bà thường hái những bông hoa ấy đặt vào đĩa dâng lên bàn thờ Phật.

            Nhưng sáng nay không thấy cô ngoài vườn. Vườn trước vườn sau đều không có. Trong chùa cũng vắng lặng. Những bông hoa nở sớm vẫn còn nguyên trên cây.

            Bà Hướng Tự linh cảm có chuyện khác thường. Vốn người điềm tĩnh, bà tìm khắp trong chùa một lần nữa. Lúc vào hậu cung tới bên giếng nước, bà mới chợt nhìn ra sự lạ.

            Trên miệng giếng có đặt chiếc đĩa. Trong đĩa rành rành một quả cau vàng và ba lá trầu vàng.

            Lần đầu tiên được nghe kể lại chuyện này, tôi lên bảy tuổi. Tôi quên không hỏi chiếc đĩa làm bằng gì, nhưng đinh ninh là đĩa sứ. Ở nhà tôi cũng có một chiếc đĩa như vậy. Lòng đĩa men xanh vẽ hình hai ông tiên đang ngồi đánh cờ, tóc búi sau gáy và chòm râu rất dài. Mẹ tôi vẫn dùng đĩa này để đựng trầu cau. Chỉ khác trầu cau của mẹ tôi là trầu cau thật, còn trầu cau bà Hướng Tự nhìn thấy trăm phần trăm là trầu cau bằng vàng.

            Buổi sáng hôm ấy, dân làng biết tin kéo đến, tha hồ đoán già đoán non… Mãi sau mới có người hiến kế: lấy trái bưởi khắc tên bà Hướng Tự lên vỏ rồi thả xuống giếng chùa. Lại sai người ra đón sẵn ở cửa sông Tuần Vường, nơi con sông nhỏ chảy qua làng tôi đổ ra sông Cái. Hai ngày sau, quả nhiên thấy trái bưởi nọ bập bềnh trôi ra cửa sông. Dân làng thở phào: không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị vua Thủy Tề đã xin cưới con gái bà Hướng Tự làm vợ!

            Bà Hướng Tự - bây giờ đã là mẹ vợ vua Thuỷ Tề - hiến cau vàng trầu vàng cho làng bán đi để lấy tiền xây chùa. Ngôi chùa mới được xây bên cạnh. Còn cái giếng, khi bà mất, người làng xây trùm lên trên một ngôi miếu nhỏ để thờ bà. Cả chùa, cả miếu lẫn giếng vẫn còn cho đến tận hôm nay.

                                                              *

                                                           *    *

            Bọn trẻ con chúng tôi thường lừa lúc sư ông mải tụng kinh mà lẻn vào vườn chùa vặt trộm hoa. Hoa lan tiêu thơm nóng trong túi áo. Hoa móng rồng thơm nức trên bàn học mấy ngày. Hoa trứng gà thơm mát trên tóc bọn con gái… Sư ông phát hiện ra chúng tôi, bao giờ cũng chỉ nói một câu: “Các cháu, đừng phá cây trong chùa, phải tội”. Một câu ấy thôi, nhưng sư ông có tật nói lắp, thành ra:

            - Cá… cá… cá… cây… cây… cây… tội… tội… tội… tội…

            Ông dứt tiếng cuối cùng thì chúng tôi cũng đủ thì giờ để thoát ra khỏi vườn, không sót đứa nào.

            Nhưng cũng có hôm sư ông vẫy chúng tôi ở lại. Ông chia lộc Phật cho cả bọn. Khi thì phẩm oản nếp, khi quả chuối chín nẫu, khi mấy quả ổi, quả doi. Rồi ông thong thả ngồi xuống cạnh giếng, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cổ tích của làng. Lạ lùng! Thường ngày ông nói năng thật khó khăn, nhưng khi kể chuyện lại không hề vấp. Ngôi chùa xưa. Mẹ con bà Hướng Tự. Vua Thủy Tề hỏi vợ. Quả cau vàng và ba lá trầu vàng… Tôi ngồi gần thấy da ông trắng xanh. Những ngón tay thon dài đan vào nhau cũng trắng xanh. Nếu lúc ấy, có đứa nào vô tình chen ngang hỏi một câu thì lập tức ông bị đứt mạch. Hai bàn tay rời nhau ra. Bệnh nói lắp nổi lên. Lưỡi ông cứng lại. Răng va nhau lập cập. Ông không làm sao kể tiếp được nữa. Mồ hôi vã ra trên cái đầu mới cạo nhẵn thín.

            Tôi đã nhiều lần cúi nhìn xuống lòng giếng. Nhìn rất lâu không chớp mắt. Tĩnh lặng. Tối om. Thăm thẳm. Hình dung ra mạch nguồn nối từ làng tôi ra sông con, từ sông con ra sông Cái, rồi từ sông Cái ra biển.

            Học cùng trường tôi có nhiều đứa ở những làng xung quanh. Đứa nào cũng khoe những thứ độc đáo ở làng mình.

          Làng có cây đa cao nhất. 

          Làng làm được con diều to nhất.

          Làng có cây nhãn hai cùi.

          Làng có nghề đóng cối nổi danh…

          Chờ chúng nó khoe xong, tôi chỉ thủng thẳng nói một câu:

          - Vua Thuỷ Tề là con rể làng tớ!

            Một câu đủ làm cho cả bọn im bặt.

         Chứ gì nữa?

         Đa ư? Diều ư? Nhãn ư? Cối ư?

          Làm sao sánh được với Vua Thủy Tề!

 

                                                                                 T.Đ.T