Viết về chiến tranh là viết về tình yêu và thân phận

18.05.2022
Lục Diệp
Điều khiến người đọc rung động trong nhiều tác phẩm văn học chiến tranh đương đại chính là câu chuyện của tình yêu và thân phận con người. Cuộc chiến cho dù trôi qua bao lâu, vẫn luôn có những “điểm nhìn” khác biệt được các nhà văn khai thác.

Viết về chiến tranh là viết về tình yêu và thân phận

Những góc nhìn khác biệt

Chỉ trong tháng 4/2022, làng văn đón nhận ba tác phẩm viết về đề tài chiến tranh - hậu chiến với ba chiều kích khác biệt: Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (Đoàn Tuấn), Nồi Đất (Bùi Quang Lâm) và Quỹ chủ (Lưu Vĩ Lân). Đây đều là những nhà văn tên tuổi, đã được trao các giải thưởng văn học trong nước. Sự trở lại lần này của ba nhà văn đều gây bất ngờ với góc tiếp cận và phương thức thể hiện trong tác phẩm.

Nhà văn Đoàn Tuấn vốn đã viết rất nhiều về chiến trường K., trong đó có hồi ức chiến binh dày dặn: Mùa chinh chiến ấy (Nhà xuất bản Trẻ, 2017). Lần này, với Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, ông kể về hành trình của người cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, trong hình ảnh nhà sư cầu siêu cho những người đã ngã xuống. Và từ đó, quá khứ - hiện tại cùng song hành trong một câu chuyện xúc động, thấm đẫm giá trị nhân văn. Còn họa sĩ - nhà văn Bùi Quang Lâm chọn kể về số phận con người thời hậu chiến, với bối cảnh cụ thể là vùng đất Q.4 nơi anh đã và đang sinh sống.

Riêng nhà văn Lưu Vĩ Lân, sau Nghiệp chướng (tác phẩm được trao giải Hội Nhà văn TP.HCM 2021), tiếp tục chọn bối cảnh Sài Gòn sau năm 1975 cho Quỹ chủ. Câu chuyện lần này về Cao - người lính từng hoạt động nội thành, nhưng rồi vì những vướng mắc với “người bên này, người bên kia” khiến Cao trở thành một nhà tư sản. Nhân vật trở thành chứng nhân của lịch sử, đồng thời cũng là người đối thoại với kẻ thua cuộc bằng góc nhìn của hòa giải và hàn gắn.

Dù ở hình thức nào, hư cấu hay bán tự truyện, cả ba tác phẩm đều đã có những điểm nhìn rất khác biệt. Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, Nồi Đất, Quỹ chủ ra đời như một lời phản biện thuyết phục nhất cho quan điểm từng cho rằng đề tài chiến tranh cũ kỹ, khó có cách làm mới ở thời điểm này. “Hơn 70 năm sau thời kỳ nội chiến của nước Mỹ, Margaret Mitchell mới viết tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió. Không so sánh giá trị kinh điển, nhưng nói như vậy để thấy rằng đề tài chiến tranh không bao giờ cũ, quan trọng là nhà văn chọn cách tiếp cận và viết như thế nào” - nhà văn Trầm Hương bày tỏ quan điểm.

Văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh, nhìn lại đã có nhiều tác phẩm viết từ trong cuộc chiến, thời hậu chiến và đến giờ, sau một độ lùi gần nửa thế kỷ cũng đã có thêm nhiều tác phẩm khác. Dù không phải là đề tài luôn được người cầm bút quan tâm, nhưng sự xuất hiện của các tác phẩm mỗi năm cho thấy mạch nguồn vẫn tiếp nối. Có “đứt gãy” thế hệ trong lựa chọn khai thác đề tài này, nhưng cũng có những nhân tố mới xuất hiện, tạo tiếng vang như Viet Thanh Nguyen với Người tị nạn, gần đây là Ocean Vuong với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Tác phẩm có thể là ghi chép của các cựu chiến binh, những chứng nhân trở về từ cuộc chiến, nhưng cũng có thể là những câu chuyện của thế hệ phải chịu đựng di chấn hậu chiến.

“Đề tài chiến tranh không bao giờ cũ vì luôn có tình yêu”

Trong một buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề Văn học chiến tranh đương đại (do Nhã Nam vừa tổ chức mới đây), dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định: “Văn học viết về chủ đề chiến tranh là viết về con người trong hoàn cảnh cực hại, mà ở đó, tình yêu có thể là sức mạnh nâng họ lên, giữ cho con người bản tính thiện lương. Các tác phẩm văn học chiến tranh đã lột tả bản chất con người ở nhiều chiều kích. Tôi cho rằng đề tài này luôn rất cần thiết cho văn học. Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn để lại vết thương sâu trong lòng nhiều người, quá khứ vẫn hiện diện trong hiện tại”. Anh là dịch giả của tập truyện ngắn Những thứ họ mang (được xem là “Nỗi buồn chiến tranh” phiên bản Mỹ, tác giả: Tim O’Brien). “Điểm nhìn” cũng là từ dùng của dịch giả, khi nhận định về giá trị khác biệt của các tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh, hậu chiến.

Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của văn học Việt Nam trong những năm trở lại đây phần nhiều thuộc thể loại hồi ký, ghi chép. Trong đó, nổi bật một số tác phẩm: Nhật ký thời chiến Việt Nam (bốn tập, Đặng Vương Hưng biên soạn), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (Đoàn Tuấn), Đất K (Bùi Quang Lâm)… Thể loại tiểu thuyết, hư cấu có: Quỹ chủ, Mật đạo, Ngẫu tượng, Nghiệp chướng (Lưu Vĩ Lân), Gái thời chiến (Hoài Vũ), Mối tình đầu (Kim Quyên), Vẫn là binh nhất (Trần Văn Tuấn)… tác phẩm từ chất liệu hồi ức, tư liệu lịch sử: Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh)… Các tác phẩm cho người đọc sự tiếp cận đa chiều về cuộc chiến: về những đoàn quân ra trận, những dấu mốc lịch sử, số phận con người trong chiến tranh, và cả tình yêu…

Dịch giả Lan Huế cảm nhận: “Chiến tranh là đau khổ, hoang tàn, chết chóc, nhưng cái hay của văn học chiến tranh có thể là câu chuyện của tình yêu thương. Tôi từng dịch tác phẩm viết về đề tài chiến tranh Thợ xăm ở Auschwitz, không phải là cuộc chiến hào hùng hay khắc nghiệt, mà điểm nổi bật của tác phẩm này chính là tình yêu nảy nở giữa vùng tăm tối, cho ta sự cảm phục và yêu thương con người”. Tình yêu và thân phận con người trong chiến tranh mãi là đề tài không bao giờ cũ trong văn chương. Tình yêu lứa đôi hay lớn hơn, cao cả hơn là tình yêu đất nước, tình đồng đội, tình yêu thương con người luôn là vẻ đẹp nhân văn trong các tác phẩm - dù tác phẩm được viết theo tự truyện, bán tự truyện hay hư cấu. 

(PNO)