Những cô gái mở đường Trường Sơn
27.07.2021
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2021), chúng tôi giới thiệu bài viết của Nguyễn Thu Thủy về "những cô gái mở đường Trường Sơn" một thời khói lửa chiến tranh.
Trường Sơn - một thời hoa lửa, từ lâu đã trở thành một đề tài không vơi cạn trong thơ ca Việt Nam chặng đường 1954 - 1975. Nhắc đến tuyến đường huyền thoại nối liền Bắc - Nam, ta không thể bỏ qua sự góp mặt của một “binh chủng” đặc biệt: thanh niên xung phong.
Trong những năm khói bom rực trời ấy, lực lượng thanh niên xung phong (chủ yếu là nữ) có vai trò hết sức quan trọng tham gia mở đường, phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm con đường huyết mạch luôn được thông suốt cho những đoàn quân, đoàn xe ra trận. Đặc biệt, hình ảnh các cô xuất hiện như những ngôi sao lấp lánh không rực rỡ mà sáng trong, tưởng như xa mà lại gần trong các bài thơ: “Lá đỏ” (Nguyễn Đình Thi ), “Khoảng trời-hố bom” ( Lâm Thị Mĩ Dạ ), “Gửi em, cô thanh niên xung phong” (Phạm Tiến Duật ).
Lực lượng thanh niên xung phong đã từng xuất hiện trong thơ ca chặng đường 45 - 54 và họ được gọi là dân quân, dân công góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ: “Dân công đỏ đuốc từng đoàn - Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay ”(Tố Hữu). Thơ ca 54-75 ghi lại tập trung hơn nhiều hình ảnh đẹp, chân thực, cao cả về những cô gái thanh niên xung phong- “nhân vật của thời đại, nhân vật của văn chương”.
Trước hết, các nữ thanh niên xung phong bước vào trang thơ là những cô gái vô danh, được gọi tên chung là Em. Tuy không tên gọi thậm chí không một lần rõ mặt nhưng các cô mãi là những ấn tượng khó quên. Nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ tưởng niệm cô gái không tên, không tuổi hi sinh để cứu con đường cho đoàn xe kịp giờ ra trận qua những dòng thơ dạt dào xúc động:
“Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng”
( Khoảng trời- hố bom )
Thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu
Với “Lá đỏ”, Nguyễn Đình Thi đã thân mật gọi tên các nữ thanh niên trong một lần gặp mặt vội vã, trên con đường hành quân xa là “em gái tiền phương”:
“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp em nhé giữa Sài Gòn”
Viết về hiện thực Trường Sơn và những cô gái thanh niên xung phong, ta không thể bỏ qua thi sĩ Phạm Tiến Duật. Anh được mệnh danh là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, cây săng lẻ của rừng già”. Hình tượng nữ thanh niên xung phong xuất hiện xuyên suốt trong thơ anh, nhưng hầu hết đều không có tên gọi. Họ đại diện cho vẻ đẹp chung cho thế hệ trẻ Việt Nam:
“Tên em đã thành tên chung anh gọi
Em là cô thanh niên xung phong”
( Gửi em, cô thanh niên xung phong )
Dù xuất thân từ những vùng quê khác nhau, giọng nói và lối sống mỗi người mỗi vẻ nhưng các cô lại gặp nhau trong tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, ở lí tưởng xả thân và vẻ đẹp tâm hồn bình dị, sáng trong. Ta bắt gặp cô thanh niên xung phong tinh nghịch hồn nhiên trong thơ Phạm Tiến Duật:
“Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn”
( Gửi em, cô thanh niên xung phong )
Nét chua ngoa đanh đá nhưng thật trẻ trung bình dị của các cô ở ý thơ gợi ta liên tưởng đến mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc năm nào; họ là điểm nhấn trong kí ức mỗi người khi về thăm nghĩa trang tưởng niệm những liệt sĩ Trường Sơn. Gian khổ đe dọa, cái chết rình rập không ngăn được nét lạc quan, trong trẻo trong tâm hồn của người con gái Việt Nam. Ta không khỏi bật cười khi đọc những dòng thơ sau của Phạm Tiến Duật: “Đại đội thanh niên đi lấp hố bom- Áo em hình như trắng nhất”. Thời gian làm việc ban đêm giữa chiến trường “nhà ngói cũng như nhà tranh”, nhưng các cô vẫn mặc áo trắng để làm tiền tiêu cho các đoàn xe không đèn. Ý thơ vừa gợi lên cái khốc liệt của hoàn cảnh khiến chúng ta cảm thấy xót xa, vừa tô đậm nét nữ tính, đời thường của người nữ thanh niên xung phong.
Các chị, các cô chính là hình ảnh của quê hương trong lòng người ra trận, là nguồn động viên, thôi thúc người chiến sĩ trên chặng đường hành quân gian nan:
“Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường”
( Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
Và đến khi nằm xuống, tâm hồn của các cô là khoảng trời, vì sao mãi ngời chói soi đường, dẫn lối cho những đoàn xe ra mặt trận:
“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh”
( Khoảng trời – hố bom )
“Có cái chết hóa thành bất tử” và cái chết của cô gái mở đường trong ý thơ muôn đời ngời sáng như tấm gương trong vắt để thế hệ mai sau soi mình và tìm ở đó những “chất ngọc” quý giá. Hình ảnh người nữ thanh niên xung phong không chỉ xuất hiện trong thơ ca mà còn hiện lên ấn tượng trong văn xuôi của Lê Minh Khuê với Những ngôi sao xa xôi, Nguyễn Minh Châu với Mảnh trăng cuối rừng hay Ráng đỏ của Đỗ Chu… Sau này, trong những trang viết sau 1975 ta lại gặp họ tái hiện trong Hai người đàn bà xóm trại (Nguyễn Quang Thiều), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo)… Trong âm nhạc, giai điệu thân quen của Xuân Giao về “Cô gái mở đường” Trường Sơn năm nào khiến chúng ta không thể nào quên: “Ôi biết bao cô gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”
Có thể nói hình ảnh người nữ thanh niên xung phong năm xưa đã góp phần dệt nên những trang sử hào hùng cho quê hương thân yêu. Hình tượng các cô xuất hiện với nhiều dáng vẻ khác nhau bởi nét riêng trong phong cách của mỗi nhà thơ khi thể hiện. Đó là một Lâm Thị Mĩ Dạ cảm xúc lắng sâu, một Nguyễn Đình Thi triết lí suy ngẫm, một Phạm Tiến Duật tếu táo, đùa nghịch ...
Trở về đời thường, các cô là những người vợ, người mẹ gần gũi thân thương; và cũng không hiếm người đã cống hiến tuổi xuân để đến khi trở về, tóc không còn xanh nữa. Sự hi sinh thầm lặng của các cô đáng được ghi công. Hãy nhớ về những ngày đã qua để sống tốt hơn trong hiện tại; phải chăng là thông điệp mà Nguyễn Đình Thi, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phạm Tiến Duật gởi lại cho đời, từ hình ảnh của những con người: “Cả một thời trẻ trung sôi nổi - Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa…” (Phạm Tiến Duật)!
N.T.T.T
Có thể bạn quan tâm
Nhà thơ Việt Phương: Uyên thâm và dũng cảmSự trỗi dậy của điện thoại thông minh trong tiểu thuyết hiện đạiNhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Ngược dòng số phận”Nguyễn Nho Nhượn – chàng thi sĩ cô đơn trong tình yêu*Nhà văn Ma Văn Kháng: Miên man ký ức TếtNhà thơ Hoàng Cầm, mưa dần xanh lại lá diêu bông“Không có Ngọc thì không có Núp…”Nhà thơ Nguyễn Duy : " Thời gian đi, xám mặt đỉnh đồng "Ngạc nhiên Giáng VânPhan Huỳnh Điểu và thiên sứ tên Quơ