Nguyễn Ngọc Phú- Nhà thơ cất giữ linh hồn biển
Thơ viết về biển của anh đã trở thành một dòng chảy riêng biệt - một thương hiệu. Và cũng không ngoa như nhiều người nhận xét, Nguyễn Ngọc Phú là người cất giữ linh hồn của biển.
Ngày ấy tôi làm được khoảng mươi bài thơ trực tiếp mang đến tạp chí Hồng Lĩnh tìm gặp Tổng biên tập nhờ góp ý mà không gặp. May mắn được chị cán bộ văn phòng Hội chỉ cho tôi địa chỉ nhà riêng, hóa ra nhà anh và nhà tôi chỉ cách nhau có năm ki lô mét.
Anh ở làng biển Kim Đôi, một làng biển nổi tiếng đất chật người đông và hiếu học. Nơi sinh ra 13 vị linh mục đi cai quản các xứ và… một nhà thơ. Một làng biển lúc nào cũng sực nức mùi cá nướng, mùi nước mắm và la liệt các loài hải sản khác được bày bán khắp các ngã ba đường vào đến tận chợ Hôm. Qua vài ba lần hỏi thăm tôi cũng tìm được đến cổng nhà anh. Trước mắt tôi là ngôi nhà hai tầng khang trang với mảnh vườn khá rộng trồng đủ các loại hoa và cây cảnh. Một mảnh vườn cực hiếm giữa cái làng nhà cửa chen chúc như bát úp này.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú tiếp tôi trong phòng khách. Qua phút chào hỏi đầu tiên anh cất giọng nhã nhặn:
- Bác gặp tôi có chuyện chi không ạ? Cái giọng trong, âm thanh sắc gọn ấy cứ lắng mãi trong tôi. Tôi vừa cười vừa nói:
- Vì thơ anh ạ!
Anh cúi xuống rót cốc nước nhân trần mời khách, giọng phân bua ở nhà tôi chỉ quen uống độc có loại này. Tôi cười nâng cốc nước lên và cảm ơn anh. Trước mắt tôi là một người đàn ông thấp đậm, cái đầu to và tròn, tóc thưa, trán cao, hơi rụt rè khi giao tiếp. Nhưng chỉ với vài câu thơ mở đầu được đọc lên, người đàn ông ngồi trước mặt rụt rè, kiệm lời đã không còn nữa. Anh như hóa thân thành một người khác hẳn. Giống như những lần gặp bạn thơ lâu ngày được khơi đúng mạch chảy, giọng hào sảng anh say sưa đọc thơ cho tôi nghe. Tôi chợt nghỉ, người của thi ca bao giờ cũng lương thiện và dễ gần. Tôi kết bạn vong niên với anh bắt đầu từ lần đó…
Sau này tôi mới biết anh đã từng học ở Học viện Kĩ thuật quân sự. Và chính thơ đã cứu anh một bàn thua trông thấy. Chả là hồi đó học kỹ thuật nhưng mê thơ. Cuốn vở ghi bài trên lớp của anh được chia làm hai. Một bên là các công thức tích phân vi phân của toán học cao cấp. Nửa trang kia dành chép tứ thơ chợt đến. Lúc bảo vệ tốt nghiệp kỹ sư xe máy anh rất lo. Đề tài cuả anh là động cơ xe tăng. Hôm bảo vệ anh mở đầu ví von động cơ là trái tim của xe tăng. Cả hội đồng chấm luận văn bỗng vỗ tay rào rào. Kết thúc anh xin phép đọc bài thơ “Xe tăng qua miền quan họ” vừa đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội được mọi người tán thưởng. Còn phần bản vẽ chi tiết máy thì gần như sai toàn bộ, bởi không chính xác. Nhưng rồi anh cũng được điểm trung bình. Anh thường bảo mình lưu ban đại học vì học đến 9 năm trong đó có 4 năm ở trường viết văn Nguyễn Du hệ cử nhân. Sau khi ở quân đội ra anh lại có mấy năm đi biển sửa máy cho thuyền đánh cá và viết tập thơ “Đám mây màu vảy cá” làm hành trang thi vào trường viết văn Nguyễn Du, ngôi trường mà trước anh nhà văn Đức Ban từng học. Và anh nói rằng, nếu không có trường viết văn Nguyễn Du khóa 5 mà nhà văn Dạ Ngân làm lớp trưởng và người thầy đáng kính trọng là Thầy giáo Hoàng Ngọc Hiến cũng người Hà Tĩnh thì Anh sẽ không có gia tài thơ về Biển hôm nay. Tôi nghe Anh nói sắp đi Cà Mau… Lại đi. Anh mê Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Quả trời không phụ người, mạch thơ viết về biển của anh được thai nghén từ đây đã tỏa sáng trên văn đàn thi ca. Hồi đó tôi đi đâu, làm gì cũng đọc thầm bài “Nẻo về” không bỏ sót một từ“Khuất khuất con đường cát bụi/ Ai vừa gỡ lưới ra phơi/ Tóc cha lẫn vào sợi cước/ Mái gianh thấm hết chuyện đời…”. Tôi đồng cảm với những gì thiêng liêng nhất mà anh đã thể hiện trong tứ thơ của mình.
Là Tổng biên tập của tạp chí Hồng Lĩnh, cuốn tạp chí uy tín của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, Nguyễn Ngọc Phú giản dị, khiêm nhường và dễ gần nhưng cực kì cẩn trọng trong việc biên tập. Nhiều bạn bè thân quen của anh đã giận dỗi, oán trách khi bài không được chọn in vào tạp chí. Anh đã làm mất lòng khá nhiều người, đổi lại cuốn tạp chí ngày càng được nâng cao về chất và có phần nổi trội hơn so với một số tờ tạp chí văn nghệ khác trên toàn miền. Tôi tin vào khả năng thẩm định văn chương của anh. Những bài nhạt, sáo rỗng anh cương quyết loại bỏ mặc kệ người đó là ai. Những người đổi mới phong cách tư duy thơ anh đều trân trọng. Có một điều đáng quý nhất ở Nguyễn Ngọc Phú là khi phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của ai đó về văn học anh tìm mọi cách để giúp đỡ tài năng đó phát lộ và thăng hoa. Trong văn chương anh bình đẳng với tất cả mọi người không đố kị không ganh ghét một ai và không có một đặc ân nào khác ngoài tài năng đích thực của họ.
Một chuyện không kém phần quan trọng đối với Nguyễn Ngọc Phú là anh đã kịp hòa mình vào dòng chảy của trào lưu cách tân thơ từ rất sớm. Bạn bè khá thân với Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn những nhà thơ luôn sáng tạo nghệ thuật để vươn tới những tìm tòi mới mẻ.
Thơ viết về biển của anh đã trở thành một dòng chảy riêng biệt - một thương hiệu - Những trường ca “Biển và tôi”, “Tổ quốc tôi ba ngàn cây số biển” rồi trường ca “Con đường thức.” lần lượt đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam với báo Vietnam.net hay Bộ Giao thông vận tải (Giải thưởng trị giá 50 triệu đồng).
Anh cũng là người duy nhất viết trường ca ở Hà Tĩnh và tất nhiên trường ca của anh cũng nghiêng về với biển (trong tổng số bốn trường ca, trừ trường ca “Ngã ba Đồng Lộc” ba trường ca còn lại của anh đều viết về biển). Và cũng không ngoa như nhiều người nhận xét, Nguyễn Ngọc Phú là người cất giữ linh hồn của biển. Những lần cùng dạo bước trên bãi biển Cửa Sót cùng anh tôi thấy mình thật quá bé nhỏ khi đứng trước biển như câu thơ anh viết: “Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi/ Đem ướp cả trời đêm vào biển…”. Riêng tôi thấy không ai hiểu biển bằng Ngọc Phú và cũng không ai yêu biển hơn anh. Có lần tôi tò mò hỏi Ngọc Phú: “Có cái gì ở biển mà chú kí thác cả đời thơ mình vào đó?”Ngọc Phú trầm giọng xuống trả lời: “Biển luôn ám ảnh tôi vì ngay trong dòng họ ngày trước có nhiều người gửi thân vào biển bác ạ!” Quả thật thơ viết về biển của anh là tâm thức biển, tâm linh biển. Một sự hóa thân ký thác cả cuộc đời như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: - “Biển đã đầu thai vào anh”. Trong trường ca viết về biển chương nào cũng có những câu thơ đặc quánh nhớ đời. Có những tình huống quăng quật giữa sự sống và cái chết đầy bi hùng giữa lòng biển khơi. Cả những bài thơ ngắn viết về biển của anh cũng ám ảnh đến tận thẳm sâu tâm can người đọc: “Nấm mồ những người chết biển/ Phơ phơ bạc cả khói hương/ Sợi dây neo còn dang dở/ Neo mồ vào dưới gốc dương” (Nẻo về). Hay “Những thiếu phụ đêm chong đèn trước gió/ Họ che chắn cho chồng/ Đèn chong chong đời họ”(Thiếu phụ). Và điều lạ lùng hơn là những trường ca viết về biển của anh đều đạt giải cao. Nhiều khi tôi tự hỏi có một kí thác tâm linh nào đó để dẩn đến một sự linh ứng đến kì lạ vậy chăng?.
Với bút lực của mình, Nguyễn Ngọc Phú đã đạt nhiều thành tích đáng nể, đáng để mọi người trân trọng. Chín tác phẩm văn học ra đời trong đó có bảy tập là thơ và trường ca. Tương ứng với chín tác phẩm đó là chín giải thưởng Văn học một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ba giải A của giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du và sáu giải thưởng của Tuần báo Văn nghệ, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và những giải thưởng danh giá khác.
Người ta bất ngờ khi nhà thơ viết về biển lại cho ra mắt một “Linh thiêng Đồng Lộc” (2012) và năm sau tập thơ viết cho thiếu nhi “Mùa Chim” (2013) ra đời lại tạo một cú đúp bất ngờ cho người đọc. Cũng không làm sao lí giải nổi một người chuyên viết thơ dài hơi lại có thế viết thành công những bài thơ một hai khổ ngắn hồn nhiên trong sáng dành cho các cháu thiếu nhi.
Nguyễn Ngọc Phú là một người viết báo giỏi. Anh là cộng tác viên thân tín của hơn 20 tờ báo khắp cả nước. Có lần anh bảo thu nhập viết báo gấp đôi lương của Phó Chủ tịch Hội văn nghệ. Anh rất thích đi để viết ký cho báo. Anh đã từng bay sang Ấn Độ dự liên hoan thơ quốc tế do Hội nhà văn cử. Chuyến đi đó anh cùng mấy thành viên trong đoàn bỏ thêm tiền túi sang tận Nê Pan thăm nơi Đức Phật sinh ra. Có lần mới thấy anh đi hội thảo các tạp chí văn học ở Sa Vĩ thuộc mũi đầu Móng Cái thì 2 tuần sau đã thấy anh đăng bài lên cao nguyên Đồng Văn Hà Giang đến cột cờ Tổ quốc ở mỏm tột cùng cực Bắc. Anh viết báo, bình thơ rồi tản văn. Có tờ báo địa phương mời giữ một chuyên mục quan trọng trang nhất khi có những sự kiện trọng đại của Đất nước mấy năm liền. Ở cái đất Hà Tĩnh này nuôi sống gia đình bằng đồng tiền nhuận bút thì chỉ có riêng một mình Nguyễn ngọc Phú. Nhiều khi chuyện trò với Ngọc Phú: -“Tại sao chú không chơi facebook, không uống cà phê như mọi người”. Phú chỉ cười: -“Em tiếc thời gian lắm bác ạ.”
Thơ đến từ miền thánh thiện, quả đúng như nhiều người từng nói. Xuất thân trong một gia đình mà bố anh, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ngoài làm nghề thầy thuốc đông y khá nổi tiếng với các bài thuốc gia truyền còn là một người biết làm thơ và yêu thơ, nhất là thể thơ Đường luật. Mẹ anh ít chữ nghĩa nhưng thuộc truyện Kiều và ca dao hát ru anh từ nhỏ. Bà coi trọng đạo nghĩa trong đối nhân xử thế, là cái nôi để Nguyễn Ngọc Phú thăng hoa. Bên cạnh anh, người bạn đời đã bỏ cả việc làm đang ổn định ở quê mẹ Vĩnh Phúc theo chồng về làm dâu Hà Tĩnh theo đúng nghĩa “nâng khăn sửa túi.” Là chỗ thân tình, nhiều khi tôi tự hỏi nếu không có thím Sinh thơ chú Phú có cất cánh bay cao bay xa được hay không và tự trả lời khó đấy! Thím Sinh là một người phụ nữ phúc hậu và đức độ, có vẻ đẹp đoan trang mà sang trọng cùng quê với nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Thỉnh có lần mỗi nói vui với chú Phú: “Được hoa khôi Vĩnh Phú hồi chưa chia tỉnh thì cậu đã đưa về Hà Tĩnh mất rồi”. Thím Sinh gặp chú Phú yêu vì tài, trọng vì nghĩa đã theo về làm dâu xứ biển, đến bây giờ con gái lớn đã lấy chồng, thím đã lên chức bà mà vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng riêng có. Với vẻ đẹp tự nhiên đó tôi nhớ không sai là có lần thím Sinh đã được lên trang bìa 4 của tạp chí Hồng Lĩnh như một diễn viên điện ảnh thực thụ. Riêng chuyện nấu rượu cho chồng đã là một câu chuyện dài. Rượu mua ở ngoài thì đủ loại chẳng biết đâu mà lường. Với kỹ thuật và kinh nghiệm cất rượu có sẵn từ Vĩnh Phúc mang vào cứ mươi, mười lăm ngày thím Sinh lại nấu một nồi khoảng dăm ba lít bằng phương pháp thủ công cho riêng chồng uống và tiếp bạn bè văn chương. Ngoài nếp tốt men phải là men thuốc bắc chuẩn của Thanh Hóa chính hiệu và nước ngâm cốt rượu của thím phải lấy từ khe Hao Hao bên kia rú Bể hay còn gọi là Nam giới cách nhà qua con sông Sót Hải. Nước cốt ngâm rượu lấy từ khe Hao Hao rượu chưng cất lên nhìn cứ trong veo. Rượu của thím Sinh thơm ngon đến lạ lùng ai uống vào một lần đều nhớ mãi và nó đã trở thành một thương hiệu đối với bạn bè mỗi lần gặp gỡ. Câu hỏi đầu tiên khi gặp Ngọc Phú là có rượu thím Sinh hay cô Sinh chị Sinh không. Nhớ có lần nghe anh ví, chất liệu cuộc sống như gạo nấu thành cơm là văn xuôi chưng cất thành rượu là thơ đó bác.
Nguyễn Ngọc Phú- người cất giữ linh hồn của biển, có hai con một trai một gái và được cho ăn học tử tế. Cô chị tên Vĩnh Hà xinh đẹp tốt nghiệp Thạc sĩ loại giỏi của trường đại học văn hóa Hà Nội, theo chồng vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty nước ngoài. Cậu em Nguyễn Quốc Huy khôi ngô tuấn tú tốt nghiệp cử nhân báo chí Huế lại đam mê lập trình máy tính bỏ nghề được đào tạo của mình để theo đuổi nghề mới mà mình ưa thích tại thành phố Huế. Không có ai nối nghiệp văn chương báo chí như bố cả, mặc dù bố nuôi con học hành thành đạt bằng tiền nhuận bút của mình.
Người ta thường nói trong nghiệp văn chương nếu không có kiến thức uyên thâm, không đọc nhiều hiểu rộng thì không thể viết được gì. Trên tủ sách của Nguyễn Ngọc Phú đủ mọi thể loại thơ, phê bình tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đông Tây cổ kim đều có cả. Nghe tin cửa hàng nào có sách mới anh tìm mua bằng được và đọc ngấu nghiến cả ngày cả đêm và cũng truyền luôn cảm hứng đó cho bạn bè. Tôi may mắn ở gần nhà anh và thường xuyên được anh cho mượn tạp chí Thơ của Hội Nhà văn để học hỏi nâng cao khả năng tư duy thơ của mình, nhờ đó thơ tôi trưởng thành hơn so với những ngày đầu gặp anh.
Chuyện văn chương là vậy chứ Nguyễn Ngọc Phú ngoài đời là một người dễ mến không để bụng điều gì. Không có tham vọng về chính trị và quyền lực chỉ biết làm mỗi công việc của Tổng biên tập. Cố gắng phấn đấu làm sao cho cuốn tạp chí Hồng Lĩnh ngày càng tốt hơn. Bây giờ chỉ còn vài năm nữa Nguyễn Ngọc Phú nghỉ hưu. Khi nghe tôi hỏi với kinh nghiệm 15 năm làm Tổng biên tập và là người viết báo giỏi chú có định làm đại diện cho một tờ báo nào không? Ngọc Phú bảo nghỉ hưu là để đi và thèm được đi và viết, thế là sướng rồi sức đâu mà làm đại diện dù có tờ báo hay cộng tác nhắm nhe. Rồi anh lại bảo, thú vui nhất lúc đó là đọc sách viết bài, lấy báo nuôi thơ niềm đam mê của đời mình. Cứ chiều hè ra tắm biển, chăm sóc cây cảnh và chim cảnh. Vườn nhà anh có nhiều loại chim như khướu, cu gáy, chích chòe, chào mào… Tôi là người thích sinh vật cảnh và truyền lại cho anh tình yêu đó từ khi mới biết nhau. Anh muốn trở về với thiên nhiên. Khi nghe xong tôi hỏi: “Chú chọn một câu thơ tâm đắc nào đó vận vào đời thơ mình”thì nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đọc ngay câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh “Quả chín trên cây giấu một nỗi xanh trời”. Thơ anh và cuộc đời anh đã chín còn “nỗi xanh trời” thì chỉ có nhà thơ mới biết…
Nguyễn Văn Thanh
(vanhocquenha.vn)