Vẻ đẹp của… Nến, bờ sông và acoustic

07.08.2017

Vẻ đẹp của… Nến, bờ sông và acoustic

Có cách kể nhẩn nha, có vận dụng tối đa ngôn ngữ bình dân, vùng miền, có gom ghép dặm mắm thêm muối cho đầy câu chuyện…, nhưng tất cả đều hút vào duy nhất ánh nến thinh lặng trong đêm tự cổ xưa, cái ánh sáng của vẻ đẹp tâm hồn đơn giản nhất…

Giờ tôi hiểu thêm vì sao Nguyễn Mỹ Nữ có nhiều bạn đọc, văn và báo. Và chị đàng hoàng sống bằng chữ, dù qua mấy long đong mưu sinh. Chị viết tuốt mọi thể loại, để kiếm sống, và cũng vui trong việc người cầm bút có bạn đọc. Khác với gánh chè chị bán, nghề em-xi chị từng: kia chỉ kiếm mấy đồng trang trải, này là được chia sẻ và có người chia sẻ, có phản hồi nữa. Chị không có ý làm “nhà văn” cho “sang”, sau một tai nạn, nằm dưỡng bệnh, viết thử may ra, và được in, có tiền. Rồi làm thiệt. Gặt hái nhiều giải thưởng văn chương, báo chí. Mới chơi tới luôn, chuyện chữ.

Đến giờ, chị đã in 7 tập sách văn xuôi, cho thiếu nhi, cho người lớn, truyện ngắn, tạp văn. Mà căn bản là các nhà xuất bản in, trả nhuận bút chứ không kiểu nhà nhà sáng tác nhà nhà in, nếu có tiền, nếu không vướng a b c gì. Các nhà làm sách kinh doanh nhạy lắm, cuốn nào bán được họ mới in, không sạt nghiệp. Và nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ nằm trong danh mục “kinh doanh” được này. Chị có bạn đọc, đơn giản vậy.

Nến, bờ sông và acoustic tập hợp những bài chị viết trên báo, bảy tám trăm, ngàn chữ. Gọn lỏn, xinh xắn đề tài và độ dài. Có cảm giác, báo cần nghàn rưởi, hai ngàn chị cũng làm luôn, miễn được in, có tiền. Như nhu cầu hàng chợ, mua gì bán nấy. Nhưng chính sự ổn định “hàng” bán của chị, phải hiểu vì sao chị bán hoài mà vẫn có người mua.

Vì mặc bao mưa gió thời tiết, xu hướng, Nguyễn Mỹ Nữ vẫn đơn giản con đường mình chọn- và chắc rằng cũng là sở trường của chị: tình yêu thương mênh mông chị dành cho cuộc đời, con người, dù cuộc đời có lúc chơi khăm, con người có khi phản bội hay gây thất vọng. Cả văn và báo, chị duy nhất một ưu thế này. Thì ra, bao giờ mọi cung bậc chữ tình vẫn cuốn hút, ít ra là làm xúc động lòng người.

Nó không có gì cả, chỉ những chuyện, những cảnh, những đời người chung quanh. Cũng không có chuyện nâng lên thành triết lý cao siêu gì. Không đúc kết như kinh nghiệm sống, như an ủi động viên ai. Chị trọn gói là người quan sát, lắng nghe, đồng cảm và yêu thương. Theo cách của chị, là con người với con người, chứ không nhà văn, nhà báo nào cả! Nguyễn Mỹ Nữ riêng, khác là ở những điều ấy. Riêng, khác tự thân chứ không sắm vai, và thực, muốn sắm chị cũng không sắm được. Nguyễn Mỹ Nữ tinh khôi. Chị chinh phục bạn đọc từ tinh khôi này.

Đã nói là chuyện chung quanh đời sống tình cảm gia đình- những người thân, chuyện chợ rổ rau con cá, chuyện bạn bè, chuyện bông hoa, tiếng chim, tắm biển, bài hát, bức tranh, cả những đề-phô trái khoáy nào đó phải chịu đựng hay bi bô con trẻ, hay miếng ăn, hay một cảm xúc bất chợt…, lạ lùng sao, chút gì Nguyễn Mỹ Nữ cũng viết được, nhẩn nha quanh mấy chuyện đơn giản ấy mà đọc vẫn trôi, vẫn cuốn hút. Không cao siêu gì cũng không mơn man giới bình dân, cái ma lực ấy từ đâu?

Từ nhẩn nha có duyên của chị. Từ những lan man chữ nhấn nhá của chị. Rồi bất ngờ một đúc kết, một suy nghiệm đoạn cuối. Và từ những cái tít bắt mắt nữa, như Đi chợ dòm chơi, Mùi lứa đôi và sắc đỏ trạng nguyên, Cách đi tới của bóng tối và vòng tay con trẻ, Cõng bà đi gội đầu, Gửi má đầu chợ, Được làm thùng rác, Những cánh hoa lương thiện…, v.v.

Nhưng yêu thương, cúi thật sát xuống cận kề những phận người vô danh, vất vưởng là chưa đủ. Nó chỉ là cảm thông, chia sẻ, trân trọng, động viên. Nếu đọc lai rai những bài viết của Nguyễn Mỹ Nữ trên báo, ta chỉ thấy cái điều đáng quý ấy ở hồn văn chị.

Lựa chọn, tập hợp thành 50 mảnh đời, góc riêng trong Nến, bờ sông và acoustic của nhà văn bất ngờ cho ta một cảm nhận khác: ở đó đều ngời ngợi, lung linh ánh thiên đường, dù bé mọn, đơn độc. Phải, nhẩn nha Nguyễn Mỹ Nữ là nhẩn nha với ánh sáng diệu kỳ những chớp lòe đom đóm đêm tối trời; khi thản hoặc bất chợt, khi quần tụ như lễ hội nồng nhiệt mê cuồng trên giăng giăng lùm bụi sông đêm.

Cái lặng im cùng ly rượu của một đôi vợ chồng lớn tuổi với màu đỏ hoa trạng nguyên trong ánh nến và thời gian đã ngừng trôi (Mùi lứa đôi và sắc đỏ trạng nguyên). Được ngồi đúng cái hốc quán cà phê quen, một góc khuất nhỏ bé ngó chung quanh, được gặp lại người chủ quán mấy chục năm xưa với nguyên cái phong thái lịch sự, ân cần trong chừng mực, ngước dõi phố cao mà thấu cảm thời gian trên từng phận người (Góc quán dõi phố cao). Một mẹ già yếu được con hiểu ý dắt ra chợ gần nhà, để hóng hớt, để chào hỏi người quen, để hòa cùng náo nức chợ tháng chạp chỉ để “dòm chơi” (Đi chợ dòm chơi). Với một cặp vợ chồng du khách cái mưa Huế hẳn rất không thích hợp, nhưng khi họ quyết đi dạo bờ sông thì gặp nhóm bạn trẻ với mấy cây guitar, trống cajon trên nền xi măng ngồi xệp đắm say thể hiện, cả khách Tây khách Nhật cũng ghé vào thưởng thức, cả dòng sông, bầu trời, làn gió… cùng đắm chìm mê ảo (Nến, bờ sông và acoustic). Cặp cụ ông cụ bà với nghề quay cước và nhẹ nhàng những lời trao đổi, bốn năm chục năm qua, một ngày cụ ông qua đời và cụ bà vẫn tiếp tục quay cước, trầm ngâm, một mình (Vòng cước, vòng đời). Một bà lão hơn trăm tuổi, còn tỉnh, còn biết mắc cỡ, nhưng lũ cháu vui vẻ thay nhau cõng bà đi ra tiệm gội đầu vì không thể ngồi gội mái tóc dài của mình, hình ảnh ấy làm sáng hẳn con phố nhỏ (Cõng bà đi gội đầu). Đám lân nghèo trong phố nhỏ, cận trung thu vẫn mưa, đành múa ngày, vào từng nhà, và niềm vui giản dị xóm nghèo hòa chung (Lân, chẳng đợi chị Hằng)… Rất tình cờ thử giở tập sách, bạn sẽ gặp những cảnh vậy. Mọi thứ đều ánh lên đốm sáng thấu tận một niềm vui.

Và một phần cũng khá nhiều, Nguyễn Mỹ Nữ viết về những người thân trong gia đình. Bà chị ở Nhật vụ động đất và sóng thần, ông cậu một chân luôn đem đến niềm vui cho lũ cháu thuở khổ nghèo, người chồng thân yêu và ngón đàn tài hoa, nhất là mẹ. Mẹ trong từng góc bếp, trong từng món ăn, từng niềm vui đơn giản dòm chợ, hay làm cô giáo cho mẹ, lắng nghe từng nhịp thở cuối đời của mẹ…,tất cả đều lung linh cái thiên đường bé mọn ấy, niềm hạnh phúc giản đơn ấy.

Thiên đường và hạnh phúc đôi khi chỉ để kể lại, tiếc nhớ và khóc. Khóc vì nhận ra, tận hưởng, khóc cay xót vì đã vụt mất nhưng cũng khóc để hạnh phúc muộn màng rằng, đã có những thiên đường như thế. Không chỉ cho riêng chị. Mà còn là lời gửi gắm, nhắn nhủ. Rằng bất kỳ ai, bất kỳ số phận nào, vẫn sẵn bên mình cái thiên đường, hạnh phúc ấy. Nếu bình tâm lắng nghe, cảm nhận.

Có cách kể nhẩn nha, có vận dụng tối đa ngôn ngữ bình dân, vùng miền, có gom ghép dặm mắm thêm muối cho đầy câu chuyện…, nhưng tất cả đều hút vào duy nhất ánh nến thinh lặng trong đêm tự cổ xưa, cái ánh sáng của vẻ đẹp tâm hồn đơn giản nhất.

Nến, bờ sông và acoustic đẹp vẻ đẹp ấy!

Lê Hoài Lương
(nhavantphcm.com.vn)