Văn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh Tâm

02.07.2019

Văn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh Tâm

Theo tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn được xem là trẻ khi tuổi đời không quá ba mươi lăm. Mặc dù vậy, việc định danh văn trẻ chỉ nên hiểu mang tính tương đối về mặt tuổi tác - không hàm ý về năng lực chuyên môn. Người trẻ có một tài sản - như là thứ vốn của đời người, đó là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là điều kiện cho phép người ta có nhiều hơn những ước mơ, những dự định, những hành động. Dám làm, có thể làm, có điều kiện để làm là khi người ta còn trẻ. Bởi vậy, nói về văn trẻ là nói về sáng tạo nghệ thuật trong sự hăm hở của tuổi trẻ, trước các vẫy gọi của cuộc đời.

Tác giả trẻ không chỉ ưu thế hơn thế hệ cha anh về điều kiện học hành, mà còn được sống đầy đủ trong không gian công nghệ của thế kỉ XXI, nơi mà kĩ thuật, công nghệ đã làm thay đổi đời sống con người, thay đổi phương thức viết, thói quen đọc. Các tác giả trẻ hôm nay cũng dần tiến đến mô hình công dân toàn cầu. Kĩ năng sử dụng internet, ngoại ngữ, những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tri thức liên / xuyên không gian, thời gian, biên giới... đã tạo những tiền đề hết sức quan trọng để thế hệ trẻ có thể tiến xa hơn trên con đường sáng tạo và hội nhập. Mặt khác, bối cảnh đất nước cũng đang từng ngày đổi mới, tạo nên những cơ hội rộng mở cho người sáng tác. Như thế, về mặt thời đại, không gian sống và sáng tạo, các nhà văn trẻ có nhiều lợi thế hơn thế hệ đi trước.

Nhìn nhận về văn học Việt Nam từ thế hệ các nhà văn trẻ, có thể nói, điều đầu tiên cảm nhận được là sự nhập cuộc sôi nổi và tự tin. Trong bất cứ không gian xã hội nào, tuổi trẻ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong để tiến hành những kiến tạo xã hội. Trẻ, năng động, hiểu biết xã hội, công nghệ, ngoại ngữ... chính là người trẻ. Họ sở hữu những kĩ năng, tri thức nền mà thế hệ cha anh không có, không thể. Do đó, chính họ, không phải ai khác, tạo nên diện mạo của thời đại, diện mạo của thế hệ mình. Thế hệ trẻ hôm nay, viết như là một bản năng sinh tồn. Viết để hiện diện, để đối thoại với lịch sử, quá khứ, bản thể và tha nhân. Họ cần phải viết như là một cách thức để bày tỏ cái tôi bản thể. Chính trong khi viết, từ viết mà họ sống. Nguồn sống trẻ, điệu sống mới, nhịp đập khác của trái tim tuổi trẻ khiến cho họ có những trình hiện mang đậm dấu ấn thế hệ. Đó là Nguyễn Thế Hoàng Linh với những bài thơ lục bát mang hơi thở của giới trẻ đô thị - một thứ lục bát thị dân. Vi Thùy Linh khá dịu dàng, ý nhị ở Khát, Linh, táo bạo, mạnh mẽ, bung thoát ở Đồng Tử, Vili in love, Phim đôi tình tự chậm. Đoàn Văn Mật suy tư mà chơi vơi (Bóng người trước mặt). Lữ Thị Mai mượt mà những giấc mơ (Giấc). Du Nguyên buồn, bông lơn đi qua thế hệ nhợt nhạt (Khúc lêu hêu mùa hè). Mạc Mạc gai gợn những suy cảm phụ nữ (Bung nụ thu gầy). Nguyễn Phong Việt gợi cho ta những mộng mơ học trò (Từ yêu đến thương, Sống một cuộc đời bình thường). Lương Đình Khoa và những hoang mang, mơ mộng tuổi trẻ (Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người). Nguyễn Quang Hưng kín đáo, trầm tư (Chia ngũ cốc). Lu là những mảnh nhỏ khuất kín lặng im (Lấp kín một lặng im, Sự đã rồi anh ngồi anh hát). Việt Anh sống, yêu thương và những hoang hoải kiếm tìm bình yên (Rẽ lối nào cũng gặp yêu thương)... Cùng với những tên tuổi này, thế hệ trẻ hơn như Nguyễn Thị Thùy Linh, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Nhật Nam,... cũng đang chứng tỏ sự hiện diện của mình trong đời sống thi ca. Trong văn xuôi, cũng có thể nhận thấy một Chu Thùy Anh vừa mềm mại tinh tế trong trải nghiệm, vừa giàu kỹ thuật với lối viết mang đầy cảm giác (Vé một chiều - tập truyện ngắn, Xanh - tập truyện ngắn). Nguyễn Thị Kim Hòa giàu trắc ẩn, tha thiết (Hương thôn dã, Thôi mùa cỏ cháy, Đỉnh khói - truyện ngắn, Con chim phụng cuối cùng - tập truyện ngắn). Đinh Phương huyền mị với lối viết “sương mù” (Nhụy khúc - tiểu thuyết, Những đứa con của Chúa Trời - tập truyện ngắn, Đợi đến lượt - tập truyện ngắn). Nhật Phi cô đơn, âu lo về con người và thời gian của đời (Người ngủ thuê - truyện dài, Nhật ký một người cô đơn - tập truyện ngắn). Hạnh Nguyên tạo dấu ấn riêng với những truyện ngắn “lơ lửng” một cách ám ảnh về thế hệ mình (Những thiếu thời lơ lửng - tập truyện ngắn). Huỳnh Trọng Khang với những nhận thức mới về chiến tranh (Mộ phần tuổi trẻ - tiểu thuyết). Các tên tuổi khác như Gào, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao,... lại tìm thấy đời sống văn chương của mình trên mạng (văn học mạng đang ngày càng chứng tỏ vị thế, vai trò và tư cách của nó trong đời sống văn học Việt Nam). Ở mảng phê bình, công chúng cũng đã quen biết với những tên tuổi như Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Minh Tâm, Đặng Thái Hà,... Họ là những người trẻ tuổi, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan báo - tạp chí văn nghệ,... Nhắc đến những nhà phê bình này là nhắc đến một thế hệ phê bình có thể đồng hành cùng sáng tác, tạo được niềm tin cả ở người viết và người đọc.

Có thể nói, trong một hình dung khái quát, văn trẻ Việt Nam đang có một lực lượng với những tiền để thuận lợi để có thể tiến hành những cuộc bứt phá, dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn sáng tác của những cây bút trẻ, theo quan sát của cá nhân, có thể thấy đa phần, tác phẩm của nhà văn trẻ nằm ở thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn. Thể loại tiểu thuyết chưa thực sự gây được chú ý trên văn đàn. Ở một góc nhìn khác, những thành tựu về mặt chất lượng, tầm vóc của văn học trẻ vẫn dường như khá khiêm tốn so với di sản văn chương của cha anh. Đặc biệt là các tác giả trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ chính là lực lượng nòng cốt làm nên thời đại văn học sử thi hào hùng trong lịch sử văn học Việt Nam. Sau 1975, đất nước giải phóng, thế hệ nhà văn kháng chiến tiếp tục sáng tác và có nhiều đóng góp. Một thế hệ nhà văn trẻ hơn, đi ra từ chiến tranh, trưởng thành sau giải phóng, đổi mới, đã làm nên một giai đoạn khá rực rỡ trong văn chương Việt Nam những năm cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 (thế kỉ XX). Có một điều cần phải nhấn mạnh ngay tại đây, đó là, những tác giả, tác phẩm đã làm nên giá trị của di sản văn chương thời chiến và đầu đổi mới, có lẽ sẽ còn được nhắc lại nhiều nữa trong đời sống văn chương, học thuật nước nhà. Nhưng, chúng ta khó có thể điểm ra những tên tuổi nhà văn trẻ đủ sức thuyết phục người đọc về giá trị, tầm vóc cũng như khả năng hiện diện một cách ấn tượng, bền bỉ trong lòng công chúng đương đại. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao với những thuận lợi như đã nói ở trên, các nhà văn trẻ vẫn chưa có được những thành tựu cơ hồ có thể sánh với giá trị văn chương của các thế hệ đi trước?

Sẽ thật khiên cưỡng khi đặt ra những so sánh, nhưng rõ ràng, chúng ta đang chờ đợi ở văn trẻ những sáng tác có tầm vóc, có thể đứng bên cạnh những tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương,... Những tác giả thế hệ 7X như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Di Li, Tống Ngọc Hân, Doãn Dũng,... có lẽ cũng không nên xem là nhà văn trẻ nữa. Thế hệ đầu 8X như Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Phong Việt, Trần Thu Trang... cũng đã vượt qua ngưỡng 35 như tiêu chí đề ra. Vậy thì, thế hệ trẻ thực sự phải là cuối 8X, đầu 9X hoặc trẻ hơn nữa. So sánh với thế hệ đi trước, chúng ta sẽ thấy những chênh lệch ít nhất trên bình diện đội ngũ và kết tinh giá trị. Cần nhiều thời gian nữa lịch sử văn học mới có thể đặt ra một sự đối sánh như thế. Một số tác giả trẻ đạt giải cao trong các cuộc thi văn chương gần đây (Chu Thùy Anh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Nhật Phi, Nguyễn Thị Thùy  Linh, Hạnh Nguyên...) có thể là niềm tin cho một viễn cảnh tươi sáng. Tuy nhiên, ở hiện tại, người đọc không còn cách nào khác là tiếp tục chờ đợi và hi vọng.

Văn học trẻ chưa tự tin khi đứng bên cạnh những thành tựu của các thế hệ đi trước có thể lí giải từ nhiều nguyên nhân. Phải nói rằng, thời bây giờ, ít có những câu chuyện lớn, lôi cuốn toàn bộ xã hội, tập trung tinh thần, tư tưởng, ý chí cộng đồng như thời chiến. Câu chuyện của đời sống hôm nay là những diễn biến của thế sự, đời tư. Do vậy, mỗi cá nhân là một mảnh vỡ, một hình thái riêng biệt. Những vấn đề có tính phổ quát như tự do, quốc gia, chủng tộc, văn hoá, nhân tính, môi trường... vẫn xuất hiện trong văn chương nghệ thuật nhưng dưới những trải nghiệm và tường thuật cá nhân. Điều này lí giải sự giảm đi một cách rõ rệt của cảm hứng sử thi, cộng đồng, tập thể. Văn học trẻ đã tiếp cận đời sống và sản sinh nghệ thuật bằng một góc nhìn khác với văn chương thời chiến, đầu đổi mới. Do vậy, việc so sánh thành tựu cần có một khung quy chiếu tương đồng, một hệ thống tiêu chí cụ thể, khả dĩ áp dụng được cho các thế hệ nhà văn, các hình thái văn chương.

Văn chương với người trẻ chính là sự sống, sự phô bày bản sắc chủ thể. Chủ thể sáng tạo, chủ thể đọc cùng với các bên liên quan trong chuỗi sản xuất, phân phối, phát hành sách hướng đến thị hiếu của người trẻ là một nguyên nhân khiến cho văn chương trẻ hiện diện theo một cách khác với cha anh mình. Họ không chú trọng vào các đại tự sự. Họ dành mối bận tâm về phía những tiểu tự sự, vi lịch sử, từ đó, dấn thân vào cuộc đời bằng phương cách riêng của tuổi trẻ. Không phải không có căn cứ từ thực tế khi ta nhận thấy, phần lớn đề tài, chủ đề của văn học trẻ đương đại là đời sống của cái tôi cá nhân, những diễn biến trong tinh thần, tư tưởng của con người bản thể. Thậm chí, lịch sử, chiến tranh, dân tộc, quốc gia, cộng đồng, hệ tư tưởng... vốn là những vấn đề căn bản của văn học thế hệ trước cũng được cảm nhận và đánh giá, diễn giải từ góc nhìn, trải nghiệm cá nhân trong những mối tổng quan đời thường. Ðó là nguyên do dẫn đến việc văn học trẻ thiếu vắng các tác phẩm mang đặc tính cộng đồng, tập thể những văn học thời kháng chiến. Khi đã khác về quan niệm giá trị, nhân sinh quan, thế giới quan, sản phẩm của sự sáng tạo dĩ nhiên sẽ khó có thể tìm thấy những cơ sở cho phép một sự đối sánh. Đơn giản là nó không cùng một hệ quy chiếu. Có chăng, phải thêm một thời gian nữa, chúng ta mới có thể có một sự so sánh trên cơ sở đúc kết thành tựu nghệ thuật của các thế hệ.

Một điều cần phải nhắc tới ở đây như là một trở lực căn bản của văn trẻ chính là kinh nghiệm sống, những trải nghiệm văn hóa, tri thức cùng sự chuyên tâm với nghề viết. Có cảm giác văn chương thời này giống như một cuộc dạo chơi của người trẻ. Đôi khi, ở một vài người, văn chương lại là thứ trang sức. Câu chuyện sống chết với nghề không còn là điều gì khiến nhà văn trẻ trăn trở nữa. Những vấn đề cốt tử của văn chương nghệ thuật như tư tưởng, thẩm mĩ, ngôn từ dường như cũng không được ý thức một cách rốt ráo, có chiến lược đối với các nhà văn trẻ, nhất là ở bộ phận văn học đại chúng. Mà, như chúng ta biết, bộ phận văn học đại chúng lại đang khuynh loát thị trường sách văn học. Thật khó để có những tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật, tư tưởng từ dòng văn học đại chúng. Quan điểm cho rằng văn học trẻ chưa tương xứng hay non kém trước thành tựu của các thế hệ cha anh có lẽ xuất phát khá nhiều từ góc quan sát này.

Những thuận lợi đôi khi trở thành lực cản, thành nguyên do cho những hạn chế trong nghệ thuật văn chương của người trẻ. Internet, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện... đã khiến giới trẻ ít mặn mà với nghệ thuật ngôn từ. Sự lên ngôi của các giá trị giải trí nhất thời làm bùng nổ dòng văn học đại chúng. Bộ phận này có thể khá đông đảo người đọc, nhưng, do tính nhất thời, thiên về giải trí của nó, không hứa hẹn một tương lai giàu có cho văn chương Việt Nam. Những tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học tinh hoa vẫn hoạt động nhưng khá lặng lẽ. Rất tiếc, ở bộ phận tinh hoa, tác giả trẻ xuất hiện cũng chưa nhiều. Điều này cho thấy người trẻ đang dần dịch chuyển sự quan tâm của mình theo hướng đại chúng, nhất thời. Kể ra, thực trạng này cũng là bình thường trong sự vận động của một xã hội mở. Tuy nhiên, những người quan tâm đến giá trị cốt lõi, bền vững, mang bản sắc, cá tính Việt Nam trong tương quan với những di sản văn hóa, tinh thần của lịch sử, của nhân loại, hẳn sẽ thấy băn khoăn, thậm chí lo lắng. Và, như đã nói, sẽ còn nguyên ở đó những bận tâm về một thế hệ viết văn trẻ chưa tương xứng với những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa, thời đại, chưa có được những thành tựu ngang tầm với các thế hệ đi trước. Nhưng, đó vẫn là câu chuyện chưa đến hồi kết thúc.

Văn chương của người trẻ là một thực thể chưa hoàn tất. Nói cách khác, các nhà văn trẻ vẫn đang trong quá trình kiến tạo chân dung, giá trị của thời đại mình. Sự so sánh với di sản của thế hệ trước có thể còn khiên cưỡng, cũng chưa thật công bằng với văn trẻ, nhưng là cần thiết, như một cú hích để các nhà văn trẻ tiến lên. Hành trình của họ vẫn còn dang dở. Điều đó khiến cho những hi vọng luôn song hành cùng những băn khoăn về thành tựu của văn học trẻ. Với những điều kiện thuận lợi cả về khách quan, chủ quan như đã nêu lên, từ nỗ lực vượt qua những khó khăn và giới hạn, chúng ta tin rằng, các tác giả trẻ sẽ kiến tạo nên chân dung, thành tựu, giá trị của mình trong thế tương sánh một cách bình đẳng với di sản của cha anh. Đó không phải là một sự kế tiếp hay kéo dài, mà là một hình thái khác của sự sống, văn chương và nghệ thuật.

N.T.T

Bài viết khác cùng số

Về miền “Triệu Voi” - Văn KhoaGiáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnNghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Thơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê HuânHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh Hạnh