Tình trẻ bụi đời - Uwem Akpan
Uwem Akpan sinh năm 1971 tại làng Ikot Akpan Eda ở miền đông Nigeria, cha mẹ ông đều là giáo viên.
Sau khi học triết học và Anh ngữ tại các trường đại học Creighton và Gonzaga, ông học thần học trong ba năm tại đại học Catholic ở Đông Phi. Ông được phong chức linh mục dòng Tên năm 2003 và nhận bằng MFA (master of fine art) khoa sáng tác của đại học Michigan năm 2006. Năm 2007, Akpan dạy tại trường cao đẳng Jesuit ở Harare, Zimbabwe, và năm 2008, ông nhận nhiệm vụ mục sư tại Nhà thờ Christ the King ở Ilasamaja - Lagos, Nigeria.
Ông là tác giả tập truyện ngắn “Say You're One of Them * Hãy nói bạn là một trong số họ” gồm 5 truyện, trong đó có 3 truyện ngắn và 2 truyện tương đối dài, được in bởi nhà xuất bản Little, Brown & Company.
Tập truyện “Say you're one of them” đã vào chung khảo giải thưởng - The Cain Prize về sáng tác của châu Phi” năm 2007. “Say You're One of Them” cũng đoạt giải thưởng “Tác phẩm đầu tay của các nhà văn khối Thịnh vượng chung” khu vực châu Phi năm 2009 và vào chung khảo giải “ Los Angeles Times Art Seidenbaum về Sáng tác đầu tay”.
Dưới đây là một truyện khác ngoài tập truyện nói trên của Uwem Akpan được Opah Winfrey giới thiệu.
Tình trẻ bụi đời
Đó là buổi chiều thứ bảy trời nắng nóng ở Kenya, tôi đang đi dạo như thường lệ vào các khu ổ chuột bất tận ở Kibera. Tôi lang thang qua những con đường nhớp nháp chằng chịt như mê cung dẫn vào các thung lũng và qua những ngọn đồi đầy những ngôi nhà lụp xụp. Tôi tự giận mình vì đã đi quá xa và phải đang vội vàng về để dùng bữa tối ở trường Cao đẳng Hekima - ngôi trường dòng Tên ở đó tôi đang học để trở thành giáo sĩ. Chiếc áo phông của tôi ướt đẫm mồ hôi, còn đôi dép tông của tôi thì bám đầy bụi nâu. Tôi thường ăn mặc như vậy khi vào khu ổ chuột đông đúc. Tôi cũng ít khi nói chuyện với ai, như thế giọng nói Nigeria sẽ không lật tẩy tôi. Con đường có nhiều người thợ đang quai búa trên những tấm kim loại phế liệu, và hai bên đường đầy những manh chiếu của những người bán đồ lặt vặt như cà chua, quần áo cũ và sukuma-wiki(1). Nhưng trí óc tôi thì đang nghĩ về món cá rô sông Nile, cơm và ugali(2).
Đột nhiên phía sau tôi có người đang chạy. Tôi trấn tĩnh, cho cả hai tay vào túi quần để cảnh giác thủ cái ví tiền theo bản năng. Một thằng bé chạy vượt qua tôi, chợt dừng lại và xoay người nhìn mặt tôi. Nó là một đứa trẻ đường phố, một thằng bé bụi đời, khỏang chừng 7 tuổi và có vẻ đói. Nó mặc chiếc quần cụt màu nâu và chiếc áo sơ mi màu vàng quá khổ rộng thùng thình mất hết cả nút. Khi nó chạy chiếc áo bay tạt về phía sau như một đôi cánh dị hình. Thằng bé có đôi mắt to, mặt đầy bụi bặm như thể nó hứng chịu bụi cát suốt ngày. Nó đang cầm một cái ly giấy cũ xì dơ bẩn đựng thứ gì đó. Nó đưa cái ly lên cao. Thỉnh thỏang nó lại uống một ngụm, hay là giả vờ uống, rồi lau miệng bằng cách liếm mép bằng cái lưỡi dài, tạo thành một vệt tròn trên khuôn mặt lấm lem của nó, giống như một lọai râu ria.
“Sasa!”, thằng bé chào tôi trong khi nó đứng chặn đường tôi.
“Ừ, sasa!”, tôi đáp lại bằng chút vốn liếng ít oi tiếng Kiswahili mà tôi biết, rồi tôi bước vượt qua mặt nó. Thằng bé đi theo tôi và thấy áo sơ mi của tôi ướt đẫm, tỏ ra thông cảm với sự mệt mỏi của tôi.
“Sữa chua... sữa chua nè!”, nó nói và đưa cho tôi cái ly giấy của nó.
“Không... asante”, tôi cảm ơn nó.
“Uống đi... sữa chua”.
“Không, anh không khát”, tôi nói dối và nhún vai.
Nhìn tôi đăm đăm, nó nói, “Em, em... eng, hoan hô!”.
Tôi nhớ ra nó và dừng lại. Nó là một trong hai thằng nhóc bụi đời mà tôi đã mời nhầm vào Hội thánh Đức bà Guadalupe vào một tối trời mưa cách đây mấy tháng. Tôi nhớ ra cách chúng nhìn những tín đồ đang thụ lễ ban Thánh thể, đã chui tọt vào dãy tín đồ, để được nhận miễn phí bánh quy. Tôi nhớ lại cảm giác ấm áp khi tôi xong lễ Mass vì chúng đã dám liều lĩnh đi trong hàng của các “thánh”.
Tôi bước tới để bắt tay nó. Thằng bé nhẹ nhàng chuyển cái ly sang tay trái, chìa tay phải ra. Tôi cầm nhẹ bàn tay nó vì mấy ngón tay của nó ướt do lấm nước gì đó đựng trong ly. Thằng bé vui vẻ vì thấy tôi nhận ra nó, cười khoe hàm răng cáu bẩn. Chúng tôi nói chuyện vài câu, rồi tôi cho nó 40 si ling.
“Asante sana... asante”, thằng bé cám ơn tôi rối rít.
“Có gì đâu mà cảm ơn. Thôi nhé, hẹn gặp em sau. Anh cần trở về Hekima gấp”.
“Đợi chút mà…sữa chua, sữa chua nè!”. Thằng bé ấn cái ly vào tay tôi, mắt nó van lơn.
“Không”, tôi nói.
“Không à?”
“Ừ, không”.
“Không, bwaaaaaaaa... cầm đi! Cười đi mà, dô, sasa, nhé?”
“Đừng uống sữa chua!”, có tiếng người kêu lên, rồi tiếng cười phá lên một cách độc địa. “Để mặc eng ấy! Eng ấy không thích dân bụi đời”. Tôi nhìn lên thì thấy một băng nhóc bụi đời đang chờ xem một cách nghi ngại dưới một gốc cây ổi. Lúc này cũng có mấy người qua đường đang nhìn chúng tôi, tôi cảm thấy mất tự nhiên. Thằng bé chẳng thèm quan tâm đến mấy đứa bạn. Chúng đang cười nhạo nó. “Tại sao chúng không ùa vào mình để xin xỏ mọi thứ như lệ thường?” Tôi nghĩ thầm. “Sao thằng bé này cứ nài cho mình uống sữa chua, khi mà mọi thằng bé bụi đời chỉ luôn quan tâm đến việc có được món gì? Mình sắp là nạn nhân của một trò lừa chăng? Có bao nhiêu vi trùng trong cái ly này?”.
Tôi cho thằng bé thêm 20 siling nữa và nhắc bạn nó đang đợi nó. Nó cảm ơn tôi nhưng không chịu đi. Nó không nhấm nháp sữa chua nữa. Những thằng bé bụi đời đi theo chúng tôi xa xa, cười rú inh ỏi như bầy chó hoang. Vài cơn gió mạnh thổi qua, khuấy lên hàng đống bụi, rác và lá khô, mờ mịt cả Kibera. Tôi nghe tiếng xe búyt rì rì trong gió từ hướng Kebera. Tôi cố nói với nó rằng tôi không mệt hay khát. Tôi dùng hết sức lực để chứng tỏ mình khỏe qua những bước chân. Tôi bảo nó rằng tôi cảm thấy bụng không ổn, hẹn sẽ uống sữa chua của nó vào một ngày khác. Tôi cừơi lớn để chứng tỏ với nó và đám đông đường phố rằng tôi không hề sợ trẻ bụi đời hay sợ tất cả những trò điên khùng có thể xảy ra ở Kibera. Thằng bé cúi đầu không nói gì. Nó có hiểu tôi không? Hay đã không hiểu tôi?
Cuối cùng, khi về gần tới nhà và không biết cách nào để bảo nó đi đi, tôi dừng lại và nhận cái ly nơi thằng bé. Thằng bé chăm chú nhìn tôi, mắt nó mở to, miệng nó há ra, hai tay nó thủ thế sẵn sàng như thể tôi sẽ thay đổi ý kiến và thả rơi cái ly. Nó liếc nhìn mấy đứa bạn, đang đứng cứng đơ vì ngạc nhiên ngay khi tôi nhận cái ly. Tôi nhấp món sữa chua đã tan lõang của nó, trả ly lại và cám ơn nó. Thằng bé nhận lại cái ly, mắt nó rươm rướm và dịu lại. Nó uống hết sữa chua, đưa cái ly lên cao như một ngọn đuốc Olympic, nhảy nhót và hát líu lo. Rồi nó chạy về phía các bạn, chạy qua mặt các bạn, đôi cánh vàng của thằng bé tung bay trong niềm vui được thừa nhận. Những thằng bạn của thằng bé hào hứng chạy theo nó.
Võ Hoàng Minh dịch
(Từ “Chokra Love”)