Chuyện về đôi mắt - Huyền Trang
Tôi là cô bác sĩ tuổi đời còn trẻ. Cứ nghĩ cuộc đời sẽ ngắn lại, mà sự học rộng mở không ngừng, con đường phía trước dài miệt mài. Mỗi lần tôi khoác chiếc áo blouse luôn ngự trị ánh mắt thân thiện và nụ cười xoa dịu nỗi đau người bệnh. Tôi luôn bảo họ hãy quan tâm đến sức khỏe của mình.
Mỗi buổi sáng trên đường đến bệnh viện, tôi luôn cho mình những hơi thở nhẹ nhàng, nhưng không giấu được nỗi lo lắng của một bác sĩ chuyên khoa mắt. Đôi lần trộm soi đôi mắt cận thị của mình, tôi cảm nhận được những nỗi buồn thoáng qua. Nhưng ngay sau đó, tôi nở một nụ cười, nụ cười mang hình ảnh của loài hoa hướng đến mặt trời - hoa hướng dương. Dường như, nó là thói quen cho từng ngày làm việc. Tôi luôn bị áp lực trước số đông người bệnh. Đó là sự lo lắng cho sức khỏe của bệnh nhân. Trước mỗi ca mổ phaco đục thủy tinh thể, nhiều bệnh nhân lo lắng, nhìn họ, tôi bỗng chùng lòng, thấu hiểu những lo âu hiện lên trong đôi mắt họ. Đôi lần ngẫm nghĩ, tôi cứ ước gì mình là siêu nhân, giải cứu cho hàng trăm đôi mắt ở mọi miền vùng xa xôi.
Mỗi khi về quê phố núi, về Ban Mê Thuột đất đỏ bazan với những cơn gió vi vu se lạnh, hay những lúc chạy ngang qua đồi núi, rừng cây, thoảng hoặc thấy những ngôi nhà quê hoang phế, lòng tôi bỗng có những cảm giác khó tả. Tôi lại nhớ khoảng trời sinh viên y khoa Tây Nguyên đầy hoài bão. Nhất là những lúc dừng lại để ngắm ngôi nhà gỗ cũ kĩ khiêm nhường bên bờ cỏ dại xanh um, trong tôi bỗng hiện câu nói của Benjamin Rush (một bác sĩ, chính trị gia người Mỹ): “Nghệ thuật chữa trị giống như ngôi đền bị dỡ mái, trần trụi trên đỉnh và rạn nứt dưới móng”. Có lẽ, lời nói cội rễ ấy là tiếng lòng tôi đồng vọng. Tôi bị ám ảnh bởi tiếng kêu cứu, than vãn bệnh tật, ánh mắt người bệnh. Họ như mặt trời lặn chờ ngày bình minh. Dịp nghĩ lễ về thăm nhà, một cảm giác thích thú với vườn lan của Ba tôi, góc sau hè luôn thơm hương tỏa ngát. Mẹ thì hay đứng trước sân, hàng cây già bàng xòe lá tỏa bóng mát. Mẹ chỉ biết nhìn cô con gái luôn mang cọng kính cận thầm cười khẽ, mẹ cũng là bác sĩ nên mẹ hiểu nỗi trăn trở của tôi. Mẹ lặng lẽ chỉ dạy cho tôi những kinh nghiệm quý báu trong nghề. Mẹ vẫn hay chia sẻ: “Khi chính con chọn y khoa là nghề thì đó cũng là quyết định không đơn giản, mà ngược lại sẽ đầy chông gai, gian nan, thử thách. Con hãy làm việc bằng chính cái tâm nhân hậu của mình và trên hết là phải biết lắng nghe”. Dường như, những câu nói đó làm ấm dịu. Tôi chỉ biết cười và mọi ngày vui buồn lẫn lộn trôi qua.
Đêm về, đi dọc sông Hàn, gió thổi từng cơn man mát, như xoa dịu nỗi mệt nhọc của cả ngày với biết bao ca mổ. Đôi lúc, trong lòng lại hiện lên những kỉ niệm từ khi bước chân vào ngành Y đến giờ. Mới đó mà đã gần mười năm, thời gian ngỡ dài nhưng so ra vẫn chẳng thấm tháp gì. Nghề cứu người được xã hội tôn vinh, nhưng mỗi bác sỹ, y tá mới có thể hiểu được những áp lực vây quanh mình. Chỉ cần “sai một ly là đi một đời”. Với ngành y học phẩu thuật mắt, lại càng áp lực hơn. Một màng mỏng mong manh nhưng lại là ánh sáng. Chỉ một phút giây sơ sẩy, có khi sẽ đẩy người bệnh vào cuộc đời tăm tối. Sự khác biệt so tất cả chuyên khoa này, càng là nỗi ám ảnh của mỗi bác sĩ khoa mắt. Cuộc sống ngoài đời cũng khó tìm ra sự đồng cảm với bạn bè trang lứa, bởi trong mắt họ, tôi là bác sĩ, nên những vấn đề khi nói chuyện cũng chỉ quẩn quanh những cầu hỏi về bệnh tật. Tìm được một tình bạn gần gũi đúng nghĩa cũng thật là khó, bởi vậy, tôi thường tìm niềm vui trong trang sách. Có lẽ, sách lại là người bạn tốt nhất. Tôi luôn tự an ủi chính mình, y học giải cứu con người. Vì thế, mà tôi không ngừng theo các khóa học tu nghiệp. Mỗi lần được học là niềm hạnh phúc đối với tôi. Tôi được chứng kiến, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tiếp cận những căn nguyên của các căn bệnh về mắt.
Những chuyến bay rạng sáng với điểm đến là Sài Gòn vào những ngày cuối tuần thật thú vị. Bầu trời se lạnh, phố xá thưa bớt bóng người, lô nhô tiếng ồn và khói bụi. Đó là thời gian tôi đi tập huấn. Những lớp học ấy rất bổ ích: “Lớp định hướng sơ bộ trong Bệnh viện Chợ Rẫy”. Tôi vẫn hăng say đam mê học hỏi không ngừng. Những lúc đứng nhìn bệnh viện Chợ Rẫy với dòng chữ Hôpital Municipal de ChoLon tôi thấy mình thật nhỏ bé. Vì vậy tôi càng chăm chỉ và cố gắng hơn. Nơi đây, tôi được gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành. Học hỏi được rất nhiều điều có ích cho công việc. Trong đó có cả những ca phối hợp thăm khám giữa các khoa. Trong những đợt tập huấn ấy, có một lần tôi bất ngờ gặp Sư bà, vị nữ tu đã tuổi đời sáu mươi, người mảnh mai, khuôn mặt phúc hậu. Sư bà an nhiên ngồi lặng im, vẻ đạo trong màu áo tu an nhiên. Tôi coi hồ sơ bệnh án, thì Sư bà hoại tứ chi do tiểu đường, dẫn đến bị viêm loét giác mạc cả hai mắt. Người thầy và tôi nhìn nhau, ánh mắt đầy lo toan vì tiên lượng xấu. Thời lượng đều đặn, tôi luôn ghé thăm Sư bà hỏi han, giọng nhỏ nhẹ: “Thưa Sư bà, Sư bà có bớt đau mắt, trong người bớt mệt không?”. Vẫn tự tại lòng giải thoát, Sư bà luôn nở cụ cười rạng ngời. Trong lúc đứng cạnh giường, Sư bà đôn hậu nói: “Bác sĩ, có thể cho tôi nắm lấy tay bác sĩ được không?”. Tôi hồn nhiên không kịp trả lời, xòe đôi bàn tay kỹ lưỡng của bác sĩ phẫu thuật. Sư bà nắm chặt bàn tay tôi. Chất giọng miền Tây ngọt ngào: “Giọng nói của bác sĩ dịu dàng quá”. Trái tim tôi nhẹ bâng, tôi cảm nhận được hạnh phúc từ cái nắm tay ấm áp. Nỗi đau - sự thấu hiểu là sự chia sẻ đầy lan tỏa. Đây là cảm xúc giản dị, yêu thương giữa bác sĩ và bệnh nhân. Từ ấy, mỗi khi gặp khó khăn gây cấn, tôi tỉnh thức trợ lại rất nhiều cho công việc bề bộn. Vì tôi hiểu bệnh nhân họ cần thuốc, cần hơn nữa là sự quan tâm của bác sĩ và y tá. Bởi thế, bệnh viện tên gọi khác là nhà thương, để khi người bệnh đến đó, nhiệm vụ của một người làm y tế là làm sao người bệnh cảm thấy như ngôi nhà mang tình yêu thương cho họ.
Tháng mười một. Một cơn mưa tầm tã, ẩm ướt kéo gió lạnh tràn về. Ngôi nhà Bệnh viện mắt Đà Nẵng vẫn không trống bệnh nhân khám mắt, người luân phiên qua lại, vô ra đầy lo lắng. Có những trường hợp không lường trước xảy ra, đó là một bệnh nhân nam, tuổi ngoài trung niên, ông ta đang rất cau có căn bệnh mắt. Người đàn ông này bắt đầu to tiếng, chất giọng Quảng Nôm vang to phòng khám. Đôi mắt ông giận dữ, liếc ngang dọc quanh, ngoài hành lang với rất nhiều bệnh nhân trình tự theo số thứ tự. Ông ta cứ than phiền rằng: “Tôi mắt đau khó chịu, sao phải chờ đợi quá lâu”. Dáng đi nặng nề, tim đập không đều vì uẩn khúc, phân bua mọi điều trong vẻ bất lịch sự. Tôi tự nghĩ mình bình tĩnh, cần nhỏ nhẹ giải thích rành mạch. Tôi nói: “Bệnh nhân rất đông phải cần đến lượt thứ tự”. Ông ta vẫn cương quyết cáu giọng hơn, trong đáy lòng cả ngọn lửa đang cháy phừng phực chưa chịu tắt. Ngoài kia vẫn mưa trắng mù, phòng khám dãy ghế ngồi, từng bệnh nhân và người nhà thay phiên đợi. Người y tá gọi tên thứ tự ông ta. Tôi nhìn điềm tĩnh và giải thích thân tình, kỹ lưỡng. Ông đã hiểu về mọi việc về quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện. Nhìn thẳng, tôi nói từ tốn: “Một tuần nữa, ông đến tái khám nhé. Hoặc nếu ông cảm thấy mắt đau nhức hơn, nhìn mờ hơn, ông có thể đến bất kỳ lúc nào trong ngày và chúng tôi sẽ kiểm tra lại cho ông”. Người đàn ông khuôn mặt vuông, nước da đen còn đẫm giọt mồ hôi trên trán, cúi đầu nhìn trên bàn đống hồ sơ bệnh án dày cộp, gương mặt đã giãn ra giọng nói dịu lại: “Cảm ơn bác sĩ”. Tôi thấy vui trong lòng. Mọi ngày của tôi cứ trôi qua, ở nơi bệnh viện mắt Đà Nẵng vẫn đầy rẫy bao vướng mắc, không ít những trường hợp như vậy. Tôi đối thoại với chính mình: “Mi là ai. Mi đừng chạy theo cảm xúc vì nó là lửa, thổi tắt bằng sóng nước êm đềm”. Vì chỉ khi ở trong vị trí của bệnh nhân ta mới thấu đáo nỗi khổ đau của họ.
H.T