Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc Giao

02.07.2019

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc Giao

Tôi được biết ông từ rất lâu nhưng tôi không nhớ lần đầu tôi gặp ông ở đâu, khi nào. Dáng vẻ nghệ sĩ, phong trần và một gương mặt rất manly, ông đã gây ấn tượng với tôi từ lần gặp đầu tiên. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng.

Tôi xem những bức ảnh nghệ thuật của ông được trưng bày trong các cuộc triển lãm, đôi khi là những bức ảnh được treo đâu đó trong ngôi nhà đẹp. Thường thì những lần đó, tôi dừng lại một chút để ngắm, rồi đi. Có lẽ cũng không có gì để nói nếu tôi chỉ xem những tác phẩm của ông, cũng như của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác được trưng bày trong các cuộc triển lãm. Năm 2007, tôi bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà của mình. Vốn mê kiến trúc nhà đẹp nên tôi đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, nhưng đến giai đoạn cuối tôi có phần lúng túng trong một số chi tiết mỹ thuật. Và tôi tìm gặp ông, từ đó.

Sau một thời gian dài góp nhặt, sưu tầm các đồ vật cổ xưa, năm 2010, ông cho ra đời quán cà phê tại ngôi nhà của mình và đặt tên quán là “Biển báo”. Vật dụng trong quán được làm từ các phế liệu ô tô, xe máy cũ, với ý tưởng độc đáo. Giai đoạn này tôi thường xuyên lui tới nhà ông, để trò chuyện cùng ông, một phần là để chiêm ngưỡng những thành quả mà có lẽ chỉ riêng ông mới có sự đam mê kỳ quặc đó.

Trong ngôi nhà thô mộc, những mảng bê tông trần, tường được dựng lên dữ dằn và lạnh lùng. Nhưng lạ thay, dưới đôi tay của ông, một người nghệ sĩ đam mê cái đẹp, tất cả đều trở lên độc đáo, đầy nghệ thuật và không kém phần lãng mạn.

Ngôi nhà màu trắng với tường vôi mộc và những mảng xanh của dây leo dịu dàng phủ xuống ngôi nhà. Trong đó lưu giữ những đồ vật cổ xưa được ông sưu tầm và trưng bày, có thể nói ở đây không chỉ có sự đam mê, mà còn có sự tinh tế trong chọn lựa và sắp đặt. Trên tường, những tác phẩm mỹ thuật của ông được lồng trong những khung ảnh thật độc đáo, đó là những thanh củi ghép lại. Những bức ảnh đen trắng là chân dung những cụ già, những bàn tay, bàn chân gân guốc, những đôi - mắt - biết - nói được ông lột tả thật tài tình qua ống kính, dưới những góc máy đầy sáng tạo.

Với hơn 30 năm sáng tác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đã mang lại cho công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh nhiều tác phẩm đẹp. Những sáng tác của ông thiên về ảnh đen, trắng. Đó là chân dung các cụ già, em nhỏ và những sinh hoạt đời thường diễn ra xung quanh chúng ta. Nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là những sáng tác của ông về biển. Những tác phẩm về biển phản ánh đời sống của một bộ phận người dân làm nghề chài lưới. Gương mặt những cụ ông, cụ bà, của những ngư dân hàng ngày mưu sinh trên biển vốn bình dị và thô mộc, nhưng qua góc máy tinh tế của ông, những bức ảnh đã đi vào lòng người yêu nghệ thuật cùng những cung bậc cảm xúc. Những đôi mắt trẻ thơ trong trẻo, những nụ cười hồn nhiên trước biển khơi cho ta khao khát hơn với đời sống này.

Bên cạnh những hình ảnh ông ghi lại khoảnh khắc những nụ cười mừng vui  của làng chài vào mùa bội thu, một nụ hôn vội vã của người cha dành cho con gái nhỏ trước chuyến ra khơi, những trai làng lực lưỡng làm nghề “ăn sóng nói gió”, đôi khi ta bắt gặp đâu đó hình ảnh một chiếc ghe đơn độc trên bãi cát hoang vu, xa xa dáng một người đàn bà tần tảo đi về trong chiều, cái bóng đổ của một cụ ông lưng còng trên đôi chân gầy guộc trong cuộc mưu sinh, cũng có khi là một chiếc thuyền thúng úp ngược bơ vơ trên bãi biển hoang vắng. Phải chăng ông muốn gửi gắm vào hồn người yêu nghệ thuật rằng: Cuộc đời là chuỗi ngày của những bình yên và xáo động? Của hội ngộ và chia ly? Cuộc đời chứa đựng những khổ đau và hạnh phúc của phận người?

“Lấy chồng làm ruộng em theo

Lấy chồng đi biển hồn treo

cột buồm”

Người xem cũng có khi lặng người trước những hình ảnh biển qua những trận thiên tai, nhân tai, qua những mùa biển động. Một chiếc thuyền thúng rách nát bị vùi trong sóng dữ. Một chiếc ghe phủ tang trắng. Những đứa trẻ ngơ ngác trên bãi biển trong buổi hoàng hôn... đã đẩy cảm xúc người xem lên đến tột cùng. Có thể nói rằng, Mỹ Dũng là người nghệ sĩ khai thác biển dưới nhiều góc độ. Qua đó, ta không chỉ xem bằng mắt mà còn có thể xem bằng những rung cảm của một người dành tình yêu và nỗi đam mê cho biển, cho những phận người làm nghề lênh đênh trên biển, nó vượt ra ngoài khuôn khổ một bức ảnh, dẫn dắt cảm xúc của ta đi xa hơn những điều ta thấy. Đó chính là sự tài tình mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đã đạt được.

Ông hầu như đã đi hết chiều dài của đất nước, để tìm hiểu văn hóa các vùng miền của biển kể cả văn hóa phi vật thể như ca dao, tục ngữ... Ông muốn lưu giữ và chuyển tải đến mọi người. Đó là tâm nguyện của ông về việc bảo tồn văn hóa biển. Trên chặng đường đó, ông đã ghi lại những hình ảnh độc đáo về biển và cho chúng ta được biết thêm về những dấu tích liên quan đến tín ngưỡng của các cộng đồng làm nghề biển, những tục lệ thờ cúng của ngư dân như: Lễ hội cầu ngư, lễ tạ biển, lễ cầu an, lễ Nghinh Ông, lễ hạ thuyền, lễ rước thuyền... và rất nhiều sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân vừa đa dạng, vừa phong phú và đầy ắp tâm linh.

Sau này, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi thật sự quý mến và cảm phục ông, không hẳn vì ông đã cho đời những tác phẩm đẹp, mà chính là sự đam mê cái đẹp trong ông luôn cháy bỏng. Một con người luôn lặng lẽ tìm tòi và sáng tạo. Đôi khi tôi bắt gặp sau nụ cười sảng khoái kia là đôi mắt ưu tư vì những lo toan cho cuộc mưu sinh còn đầy thách thức. Cầm mỗi vật dụng do chính tay ông tạo nên từ nhiều năm góp nhặt, tìm tòi, trong tôi dấy lên một cảm xúc rưng rưng khó tả. Những vật dụng thật bình thường nhưng chất chứa trong đó nỗi khao khát, đam mê. Trên con đường theo đuổi nghệ thuật, ông cần mẫn làm việc.

Sau nhiều cuộc triển lãm ảnh được người yêu nghệ thuật biết đến, năm 2018 ông cho ra đời tập sách ảnh “Biển trong chúng ta”.

“Biển trong chúng ta” ghi lại chân dung cuộc sống của ngư dân, công cuộc mưu sinh của những phận người ở làng chài, gần gũi và sống động.

Biển còn đó, ngàn đời sóng vỗ. Biển vẫn đón nhận và ban tặng tình yêu cho những người con yêu thiên nhiên, những người con dành gần hết cả cuộc đời cho niềm đam mê với biển, những người con như ông - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng.

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Về miền “Triệu Voi” - Văn KhoaGiáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnNghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Thơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê HuânHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh Hạnh