Văn nghệ sĩ với đường phố Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng
Tôi có cảm hứng để viết bài này khi đọc bài báo Con đường đầu tiên mang tên Vũ Đình Long của nhà thơ Trần Tuấn - hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng - đăng báo Tiền Phong(1). Theo tác giả tập thơ Ma thuật ngón thì “điểm cuối cùng của quận Ngũ Hành Sơn nơi phường Hòa Quý từ gần mười năm trước đã có con đường mang tên nhà thơ/kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Và từ năm ngoái, ở điểm gần cuối quận Sơn Trà này, có thêm đường mang tên kịch tác gia Vũ Đình Long. Cho đến nay Đà Nẵng vẫn là nơi duy nhất có đường mang tên hai nhà viết kịch lừng danh này”. Trần Tuấn còn cho rằng, Đà Nẵng cũng là nơi duy nhất đặt tên đường nhà thơ Vũ Tông Phan: “Loanh quanh trên đường mang tên tác giả Chén thuốc độc, lại tình cờ thêm một phát hiện thú vị, đó là cái tên Vũ Đình Long tình cờ đứng chung một cột bảng đường với Vũ Tông Phan - nhà thơ lớn của đất Kinh kỳ, bạn xướng họa với Thần Siêu, Thánh Quát. Đáng nói là Vũ Tông Phan vẫn chưa được đặt tên đường ở đâu, ngay cả tại Hà Nội!”. Trần Tuấn viết bài báo này cách đây gần mười năm, giờ đây chắc Đà Nẵng chỉ là nơi sớm nhất chứ không còn là nơi duy nhất vinh danh ba văn nghệ sĩ Vũ Tông Phan, Vũ Đình Long và Lưu Quang Vũ qua việc đặt tên đường phố.
Bốn văn nghệ sĩ đầu tiên được thành phố bên sông Hàn đặt tên đường phố từ rất sớm là bốn người làm thơ nổi tiếng trên văn đàn Việt thời trung đại: Nguyễn Du - tác giả Truyện Kiều - được đặt tên đường năm 1956(2); Trần Tế Xương - nhà thơ trào phúng cuối thế kỷ XIX - cũng được đặt tên đường năm 1956(3), Nguyễn Trãi - tác giả Ức Trai thi tập và Đoàn Thị Điểm - một trong các dịch giả của Chinh phụ ngâm khúc cùng được đặt tên đường năm 1958. Đương nhiên cũng có một số người làm thơ nổi tiếng được đặt tên đường ở Đà Nẵng từ thập niên 50 của thế kỷ trước như Lê Thánh Tôn được đặt tên đường năm 1958, Phạm Phú Thứ được đặt tên đường năm 1956(4), Phan Châu Trinh được đặt tên đường năm 1956(5), Phan Bội Châu được đặt tên đường năm 1956(6)... nhưng chủ yếu với tư cách những nhà chính trị/ chí sĩ yêu nước chứ không phải với tư cách những người sáng tạo văn chương.
Được Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố, ngoài bốn nhà thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm và Trần Tế Xương nêu trên, còn có thể kể đến những người làm thơ thời trung đại như Hồ Xuân Hương được đặt tên đường năm 1995, Bà huyện Thanh Quan/ Nguyễn Khuyến cùng được đặt tên đường năm 2000, Nguyễn Gia Thiều tác giả Cung oán ngâm khúc được đặt tên đường năm 2002, Bà Bang Nhãn/ Nguyễn Đình Chiểu/ Cao Bá Quát cùng được đặt tên đường năm 2003, Cao Bá Nhạ được đặt tên đường năm 2005, Chu Mạnh Trinh được đặt tên đường năm 2007, Dương Khuê được đặt tên đường năm 2008, Nguyễn Huy Tự tác giả truyện Hoa Tiên được đặt tên đường năm 2009, Vũ Tông Phan được đặt tên đường năm 2009, Mai Am được đặt tên đường năm 2010, Tú Quỳ được đặt tên đường năm 2011, Tùng Thiện Vương/ Tuy Lý Vương cùng được đặt tên đường năm 2012, Phạm Thị Lam Anh được đặt tên đường năm 2016...
Nhưng có lẽ đông đảo nhất là những người làm thơ thời hiện đại, như Chế Lan Viên được đặt tên đường năm 2000, Xuân Diệu được đặt tên đường năm 2002, Tản Đà/ Hàn Mặc Tử cùng được đặt tên đường năm 2003, Lê Anh Xuân/ Lưu Trọng Lư cùng được đặt tên đường năm 2005, Bùi Kỷ được đặt tên đường năm 2007, Thế Lữ/ Huy Cận/ Tố Hữu cùng được đặt tên đường năm 2008, Thanh Tịnh/ Nam Trân cùng được đặt tên đường năm 2009, Tú Mỡ/ Quang Dũng cùng được đặt tên đường năm 2010, Thôi Hữu/ Thúc Tề cùng được đặt tên đường năm 2011, Đoàn Phú Tứ/ Khương Hữu Dụng/ Vân Đài Nữ Sĩ/ Hằng Phương Nữ Sĩ/ Anh Thơ cùng được đặt tên đường năm 2012, Phan Khôi tác giả bài thơ Tình già/ Thu Bồn/ Tế Hanh cùng được đặt tên đường năm 2013, Xuân Tâm/ Huỳnh Văn Nghệ tác giả hai câu thơ nổi tiếng “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” được đặt tên đường năm 2015, Bùi Giáng/ Phạm Huy Thông cùng được đặt tên đường năm 2016, Hoàng Trung Thông được đặt tên đường năm 2017, Bích Khê/ Vũ Đình Liên/ Nguyễn Bính/ Đoàn Văn Cừ/ Nguyễn Nhược Pháp/ Xuân Quỳnh cùng được đặt tên đường năm 2018, Nguyễn Đình Thi/ Chính Hữu/ Trần Triệu Luật/ Trần Quang Long cùng được đặt tên đường năm 2019...
Trong các nhà thơ được Đà Nẵng đặt tên đường vừa nêu trên, có nhiều người ngay từ năm 1942 đã có tên trong cuốn sách Thi nhân Việt Nam 1932-1941, từ đồng tác giả/ chủ biên Hoài Thanh cho đến ba nhà thơ được nhắc tới trong bài tổng quan Một thời đại trong thi ca là Tản Đà, Phan Khôi, Tú Mỡ cùng 21 trên tổng số 44 nhà “thơ mới” được chọn đưa vào tuyển tập này như Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Nam Trân, Xuân Tâm, Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ, Tế Hanh, Huy Thông, Bích Khê, Vũ Đình Liên, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Nhược Pháp. Đáng chú ý là ngoài ba nhà thơ nữ trong phong trào Thơ mới vừa nêu trên - Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ, còn có thể kể thêm các gương mặt nữ thi sĩ thuộc lớp tiền bối như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Bà Bang Nhãn, Phạm Thị Lam Anh, hay thuộc thế hệ đi sau như Xuân Quỳnh - người bạn đời của kịch tác gia Lưu Quang Vũ.
Được Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố còn có các nhà văn và các nhà nghiên cứu/ phê bình văn học, như Nam Cao/ Phan Tứ/ Nguyễn Huy Tưởng cùng được đặt tên đường năm 2000, Nguyễn Công Hoan được đặt tên đường năm 2002, Thạch Lam/ Vũ Ngọc Phan/ Phan Kế Bính/ Nguyên Hồng cùng được đặt tên đường năm 2003, Nguyễn Tuân được đặt tên đường năm 2004, Vũ Trọng Phụng/ Chu Cẩm Phong/ Nguyễn Thi cùng được đặt tên đường năm 2005, Huỳnh Lý được đặt tên đường năm 2006, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đổng Chi/ Dương Quảng Hàm/ Nguyễn Đỗ Mục/ Nguyễn Văn Bổng/ Hoàng Ngọc Phách tác giả Tố Tâm - cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học miền Bắc - cùng được đặt tên đường năm 2007, Hoài Thanh/ Hồ Biểu Chánh được đặt tên đường năm 2008, Trần Thanh Mại/ Hoàng Thúc Trâm cùng được đặt tên đường năm 2010, Dương Thị Xuân Quý/ Lê Thước/ Võ Quảng/ Nguyễn Minh Châu/ Thép Mới cùng được đặt tên đường năm 2012, Nguyễn Văn Xuân được đặt tên đường năm 2013, Trương Vĩnh Ký/ Nguyễn Văn Vĩnh/ Huỳnh Tịnh Của cùng được đặt tên đường năm 2014, Huỳnh Thị Bảo Hòa/ Lê Đình Kỵ/ Nguyễn Văn Ngọc cùng được đặt tên đường năm 2016, Đinh Gia Trinh/ Phạm Duy Tốn/ Bùi Hiển cùng được đặt tên đường năm 2018, Trương Minh Ký được đặt tên đường năm 2019.
Nhiều nhà hoạt động sân khấu cũng được người Đà Nẵng ghi công và tưởng nhớ qua việc đặt tên đường. Về sân khấu cổ truyền, trước tiên có thể kể đến soạn giả tuồng Tống Phước Phổ được đặt tên đường vào năm 1998; soạn giả tuồng Đào Tấn được đặt tên đường vào năm 2002; nghệ sĩ tuồng Nguyễn Nho Túy và nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai cùng được đặt tên đường vào năm 2005; soạn giả cải lương Trần Hữu Trang được đặt tên đường năm 2007; nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu và nghệ sĩ tuồng Nguyễn Phẩm cùng được đặt tên đường vào năm 2008; nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng Phạm Phú Tiết được đặt tên đường vào năm 2010; nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng Hoàng Châu Ký được đặt tên đường vào năm 2013... Về sân khấu hiện đại, ngoài hai kịch tác gia Lưu Quang Vũ được đặt tên đường năm 2002 và Vũ Đình Long được đặt tên đường năm 2009 như đã nêu ở đầu bài viết, còn có thân sinh của Lưu Quang Vũ là kịch tác gia Lưu Quang Thuận được đặt tên đường năm 2012. Ngoài ra cũng có thể kể đến đạo diễn điện ảnh Nguyễn Văn Thông được đặt tên đường năm 2019...
Được Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố còn có thể kể đến các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao tác giả Tiến quân ca/ Quốc ca được đặt tên đường năm 2000, Lưu Hữu Phước/ Hoàng Việt cùng được đặt tên đường năm 2004, Văn Cận được đặt tên đường năm 2008, Đỗ Nhuận được đặt tên đường năm 2009, Nguyễn Xuân Khoát được đặt tên đường năm 2010, Trịnh Công Sơn/ Lê Thương cùng được đặt tên đường năm 2012, Hoàng Hiệp/ La Hối cùng được đặt tên đường năm 2018, Thuận Yến được đặt tên đường năm 2019; hay các nghệ sĩ tạo hình tài danh như họa sĩ Tô Ngọc Vân được đặt tên đường năm 2000, họa sĩ Bùi Xuân Phái được đặt tên đường năm 2003, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được đặt tên đường năm 2008, họa sĩ Nguyễn Sáng/ họa sĩ Dương Bích Liên / họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - con trai của nhà dịch thuật văn học Nguyễn Đỗ Mục cùng được đặt tên đường năm 2009, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật được đặt tên đường năm 2010, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh/ Trần Văn Cẩn cùng được đặt tên đường năm 2012, họa sĩ đầu tiên vẽ tranh sơn dầu ở Việt Nam Lê Văn Miến được đặt tên đường năm 2013, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh được đặt tên đường năm 2015, họa sĩ vẽ Quốc huy Bùi Trang Chước được đặt tên đường năm 2018, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm được đặt tên đường năm 2019...
Dạo chân trên đường phố Đà Nẵng ngày nay, nhiều cư dân bản địa và du khách thập phương không chỉ có thể hồi tưởng và tri ân thành tựu nghệ thuật của các văn nghệ sĩ quá cố qua bảng tên đường, mà còn có thể trực tiếp ghi nhận và ngưỡng mộ thông điệp thẩm mỹ của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình - từ những người chỉ còn để lại dấu vân tay cho đến những người vẫn đang tiếp tục sáng tạo cái Đẹp cho đời - qua không ít công trình kiến trúc cùng các bức phù điêu và các pho tượng dọc theo những con phố hay trong những quảng trường, và thậm chí vào một đêm đẹp trời nào đó còn có thể thưởng thức tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ hát bội đang đưa tuồng xuống phố.
(1) Báo Tiền Phong điện tử ngày 21-8-2011.
(2) Trước năm 1956, đường Nguyễn Du mang tên Paul Bert.
(3) Trước năm 1956, đường Trần Tế Xương là Rue de France (xin nói thêm rằng từ năm 1956 đến nay, tên đường Trần Tế Xương vẫn bị nhầm là Trần Kế Xương. Sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ Sở Cuồng Lê Dư khi tuyển chọn tác phẩm của Trần Tế Xương để in sách Vị Xuyên thi văn tập tại Nam Kỳ thư quán năm 1931).
(4) Trước năm 1956, đường Phạm Phú Thứ là Rue de la Mission.
(5) Trước năm 1956, đường Phan Châu Trinh là Rue Marc Pourpe.
(6) Trước năm 1956, đường Phan Bội Châu là Rue Albert Deligne.
B.V.T