Cà phê - Trần Thu Thủy

04.03.2020

Cà phê - Trần Thu Thủy

Cà phê bây giờ không chỉ đơn thuần là thức uống nữa. Một ngày mới của nhiều người, được bắt đầu bằng sự nhấm nháp cái hương vị ngọt đắng của thứ nước thần thánh này. Ngày trước, quán cà phê gần như dành cho thanh niên, các “thành phần” khác không nhiều, còn phụ nữ thì chẳng mấy khi. Bây giờ thay đổi. Có lẽ không có con đường nào trong thành phố này mà không có một quán cà phê nào đó. “Đẳng cấp” của một quán không chỉ ở chất lượng của thứ nước màu đen huyễn hoặc lạ lùng này, mà còn ở nhiều “phụ kiện” khác: không gian, nội thất, phục vụ và nhất là âm nhạc.

Thường ở những quán lớn, việc uống cà phê hình như xuống hàng thứ yếu, để nhường cho việc ăn. Đến những nơi hoành tráng này thường không thể một mình: tiếp khách, bạn bè, hay cả nhà đổi món... Bát bún, tô mì và cả những chén bánh bèo dân dã, khi vào đây thân phận trở nên kiêu sa cho vừa miệng khách. Nhà hàng cà phê không chỉ dành cho buổi sáng, mọi buổi trong ngày đều đông ứ. Và tôi chợt nhận ra mình đôi khi cũng nghiện cái không gian, cả thứ âm nhạc mà mỗi quán chăm chút tạo ra. Thành phố hối hả, đường phố mỗi ngày sầm uất, và những quán cà phê cũng trở nên tân kỳ, lộng lẫy hơn. Vào quán cà phê bây giờ cũng là một cách thể hiện đẳng cấp. Nhà hàng cà phê cứ mỗi ngày thêm hoành tráng, nhưng hình như vẫn còn thiếu điều gì đấy. Chọn được một quán thật sự ngon, có chút không gian nội tâm không phải là điều dễ.

Ai đó nói rằng, cùng với Đà Lạt, Nha Trang thì Đà Nẵng là nơi có cách pha cà phê ngon nhất nước. Chẳng ai thi mà biết. Nhưng điều này thì chính xác: sản lượng cà phê Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, dĩ nhiên là xuất thô là chính. Vài lần tới Tây Nguyên, trong bạt ngàn thảo nguyên bazan, những triền cà phê xanh mỡ màng bất tận. Tôi nhìn không chớp mắt những chùm hoa trắng ngần, nhỏ rưng rưng, kết thành từng chùm chen chúc bám trắng cành. Không thể nào quên cái mùi thơm ngọt ngào hòa trong nắng sớm ban mai tinh khiết. Cà phê chồn đã lui vào hoài niệm, nhưng gần đây cà phê trứng trở nên nổi tiếng. Nhiều du khách khi đến Hà Nội, đứng chờ cả giờ để được vào cái quán nhỏ xíu, mục đích duy nhất là uống cà phê trứng. Món uống lạ lùng này là phát minh của người Việt, không chừng cùng với phở, cà phê trứng là đóng góp quan trọng cho kho tàng ăn uống thế giới chăng. Tôi cũng vài lần được thưởng thức cái món cà phê sền sệt, béo và ngọt thơm ấy. Nghe đâu cà phê trứng xuất ngoại và được người Pháp, Nhật, những người sành uống bậc nhất thế gian ấy xiêu lòng.

Có lẽ qua rồi cái thời sinh viên uống cà phê ký nợ, cũng không còn dòng chữ nho nhỏ nhưng tràn đầy uy lực “miễn thiếu chịu”. Ngày trước, mỗi lần vào quán cà phê là cả một sự kiện. Quán cà phê nhỏ, bàn ghế đơn giản, nhưng mùi thơm của cà phê cứ như quấn lấy thần thái mỗi người. Thỉnh thoảng, được ai rủ cà phê là một quãng dài chộn rộn trong nỗi chờ đợi. Tuổi mới lớn hồn nhiên, cà phê cũng hồn nhiên. Bây giờ đời sống thay đổi, chuyện ăn và uống không còn theo sự nhọc nhằn mưu sinh, và cà phê cũng không còn độc quyền của quí ông. Đều đặn hằng tuần, vài người bạn thân của tôi, từ thuở học trò, lại có dịp đầy đặn và bình yên trong nhau. Thường thì sau khi chở con đi học, tới quán chỉ uống cà phê và tâm sự đủ chuyện. Thỏ thẻ vài câu, nhiều khi tôi dành cho mình sự im lặng. Tôi lắng nghe. Một chút nhạc, một nụ cười, một sẻ chia... có được tâm giao nhiều khi không quá nhiều giải thích. Không gian cà phê như nhắc mình về sự giàu có của cảm xúc. Ít ai ngồi cà phê một mình, nhưng bây giờ một mình cà phê không là chuyện hiếm: vào quán, mỗi người một điện thoại và cứ thế hai tiếng qua nhanh. Hình như tới quán để là cái cớ cho mình đắm chìm trong một thế giới khác. Tự nhiên thấy thương cho mùi thơm hào phóng ấy trước sự hờ hững của con người. Nghe kể, Trịnh ngày còn ở Đà Lạt, mỗi sáng đến đúng chiếc bàn của quán cà phê ấy, đúng kiểu châm điếu thuốc, đúng dáng ngồi một mình trước phin cà phê, ơ hờ nhìn sương giăng ngoài cửa. Và cũng thời điểm ấy, có một người con gái bên kia đường, áo dài trắng tinh khôi, bước nhẹ sang đường. Sau những ngày cà phê im lặng nhìn ngắm ấy của Trịnh, bây giờ ta có “Cho đời chút ơn”. Bạn hãy nghe tôi đi, tối nay bạn hãy lắng lòng trong tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng và cũng hết sức liêu trai của TTH để nói nhỏ với riêng ai đó cho đời chút ơn. Ước chi quê mình, cũng có vài quán cà phê thật ngon, không quá cầu kỳ nhưng phải thật nội tâm, nơi đó quần tụ những văn nghệ sĩ thành phố hay phương xa đến... cà phê giúp họ thăng hoa, cà phê ướp họ trong nỗi khắc khoải và chiều sâu nội tâm. Và quanh họ, những người khách cũng đến với sự nhẹ nhàng, trong nhiều điều khách nghĩ, có người thầm nhắc lại một bản nhạc hay một kỷ niệm nào đó. Họ đọc một câu thơ hay, họ chan hòa trong thôi thúc sáng tạo, họ góp phần cho nơi này bớt đi sự gào thét công danh, thị phi chòi đạp, để cho nơi này thêm chút thơ, chút nhạc. Được một ly cà phê như vậy có lãng mạn quá không...

Cảm ơn ly cà phê thật hiền, thật thơm cho tôi về với những hoài niệm của một thời chưa xa. Giữ gìn nhau trong đầy đặn tin yêu. Chẳng ai đếm bao nhiêu giọt cà phê đã nhỏ, nhưng mùi thơm ấy đã gom lại như một sự chưng cất đầy đặn trong những buổi sáng như là sự hăm hở của sự bắt đầu. Cảm ơn chút lặng lẽ khiêm nhường cho tôi được những phút giây nghỉ ngơi với căng tràn hơi thở bình yên.

T.T.T