Dụng ý của Nguyễn Văn Xuân khi sử dụng thủ pháp “Mặt nạ tác giả” trong tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống - Vũ Đình Anh
Kỳ nữ họ Tống là sáng tác mà sinh thời Nguyễn Văn Xuân tâm đắc nhất. Đây cũng là tiểu thuyết dày dặn nhất của ông sau gần 70 năm cầm bút. Ngay sau khi phát hành, tác phẩm đã được công chúng đón nhận rộng rãi với nhiều thành công, được Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trao giải A, Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải A năm 2003. Khi truy tặng Giải thưởng Cống hiến đợt I năm 2017 cho 22 cố tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Văn Xuân được ghi nhận với 3 tác phẩm (Bão rừng, Hương máu, Kỳ nữ họ Tống).
Trong tiểu thuyết này, Nguyễn Văn Xuân đã sử dụng phương thức “Mê hoặc văn chương” với thủ pháp “Mặt nạ tác giả”. Về phương thức này, bạn đọc có thể tìm hiểu qua các bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Mặt nạ tác giả” - một gợi ý cho việc tiếp cận một vài hiện tượng văn học sử Việt Nam” [2]; “Mê hoặc văn chương” với “Mặt nạ tác giả” [1]. Nếu cần khái quát một cách ngắn gọn, tôi xin dẫn lại ý của Lại Nguyên Ân trong các bài viết trên: “Nói thật gọn, mê hoặc văn chương (MHVC) là khi cả một tác phẩm hoặc một số phần của tác phẩm được tác giả thực của nó đem gán cho một cá nhân giả nào đấy, thật hoặc bịa (...) tạo ra những hiệu ứng về văn hóa, thẩm mỹ khác thường”; “Mặt nạ tác giả” là thủ pháp chính để thực hiện “mê hoặc văn chương”.
Vận dụng cách tiếp cận trên vào tiểu thuyết, tôi thấy Nguyễn Văn Xuân dù không ký tên khác nhưng đã thể hiện ở hai cấp độ: thứ nhất, tác giả cố ý gán cả tác phẩm của mình cho người khác bằng việc tìm thấy tập ghi chép sử cũ tên “Tống Kỳ Nữ” trong đống sách cổ (Thay lời tựa); thứ hai, nội dung tiểu thuyết khẳng định với người đọc rằng, đây là tập hồi ký của Hải Bằng viết tại chùa Thiền Long, nhân vật kể chuyện và cũng là nhân vật chính bên cạnh Tống Thị. Điều góp phần tạo nên sự tò mò, lôi cuốn và hấp dẫn cho thiên tiểu thuyết.
Nguyễn Văn Xuân sử dụng phương thức này có sự phù hợp với tính chất của sáng tác hậu hiện đại. Nếu như ở văn học hiện đại, tác giả rất ý thức về bản quyền, về con đẻ tinh thần trong sáng tác của mình, thì tác giả văn học hậu hiện đại không quá nặng về bản quyền, họ coi sáng tác như là sự vi phạm bản quyền (hoặc nhiều hoặc ít; hoặc kín đáo hay lộ liễu). Bởi họ biết rằng, liên văn bản như là thuộc tính tất yếu của mọi văn bản. Và Nguyễn Văn Xuân chẳng dè dặt nói về điều này, thậm chí, như là sự phủ nhận những sáng tạo của bản thân. Ông khẳng định rất rõ là đã có tập truyện này trong đống sách cũ, được một “bậc tiền bối tích trữ, lưu lại nhiều đời” đem cho tác giả. Vai trò của nhà văn chỉ là “mạo muội biên tập lại cho dễ đọc”, cho “hợp thời thượng” mà thôi [6,tr.7]. Vì vậy, tập truyện chỉ như một trò chơi chữ nghĩa, tin cũng được, không tin cũng chẳng sao.
Và tôi thiết nghĩ, tác giả muốn gán câu chuyện mình viết cho một tập ghi chép sử cũ còn có dụng ý khác. Bởi tác giả còn là một nhà nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, lịch sử Đàng Trong, nên sẽ có người đánh giá về giá trị sử học trong tiểu thuyết này. Nên Nguyễn Văn Xuân gán cho một tập “Tống Kỳ Nữ” nào đấy thì chẳng ai cần phải xác minh tính đúng - sai, thật - giả. Bởi câu chuyện “có thực sự chép đúng đời bà do người trong cuộc kể lại hay cũng chỉ hư cấu theo một số sử liệu” [6,tr. 7], ông không xác quyết.
Điều này được tác giả thể hiện rõ trong Thay lời tựa, rằng: “Tôi không có ý tìm hiểu nguyên nhân nào ảnh hưởng tới con người như bà với hành động lạ lùng đến thế? Gia đình? Bản chất? Sự phân biệt quá gay gắt của đất nước (Trịnh - Mạc, Trịnh Nguyễn cùng song song phát triển) hay ngọn gió mới mẻ và kỳ dị của tư bản phương Tây thổi tới cùng sự thay đổi triều đại (Minh Thanh) của Trung Quốc (...) Không có sử liệu, tư liệu chính xác, sự quyết đoán chỉ có tính hàm hồ” [6,tr.6 - 7]. Tác giả nêu hàng loạt giả thuyết, nhưng kết luận một cách rõ ràng là “quyết đoán chỉ có tính hàm hồ”. Đây chính là một đặc trưng của văn chương hậu hiện đại, nhà văn thường có xu hướng không đại diện những sứ mệnh cao cả, những phát ngôn nhằm giáo huấn cuộc đời. Họ không tôn thờ chủ nghĩa hư vô, song họ nhận thức được “sự bất lực”, “tính bất khả tri” của mình giữa bát quái trận đồ cuộc đời. Cách đánh giá, cách nhìn nhận đúng - sai, trung tâm - ngoại vi... “chỉ là được nhìn từ một hệ quy chiếu nào đó, trong một trường hợp cụ thể nào đó” [4,tr.270-271].
Khi viết tiểu thuyết này, có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng bởi một số học thuyết của phương Tây, trong đó khá đậm nét là Phân tâm học. Bởi “Theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) - nhà tâm lý học vĩ đại người Đức, thì “tình dục” và “thị dục huyễn ngã” (lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) là hai thị dục căn bản nhất” [5]. Về “hai thị dục căn bản nhất” này, Nguyễn Văn Xuân đã thể hiện rõ trong tác phẩm. Ông cho rằng “tình dục” là “thú vui đệ nhất trời đất ban cho con người, để ai ai cũng có hạnh phúc tự thân và nhờ đó, người khốn khổ, bần cùng nhất cũng có thể tự hào mình thực sự sướng khoái hơn nhiều bậc đế vương”[6,tr. 363]. Về “thị dục huyễn ngã”, trọng tâm chính là sự háo danh lợi, nhà văn cũng viết: nhiều người “suốt đời chỉ mong ước đến tuyệt vọng não nùng là làm sao cho lọt cho được vào cửa công hầu vương giả để kiếm chút công danh quyền lợi. (...) bọn người sẵn sàng vất bỏ hết nhân phẩm, hết tim, hết óc để được sai bảo, mắng mỏ, chửi rủa và lấy làm vinh dự bị ngược đãi để khoe khoang... Đến cái việc “tự thiến” để vứt bỏ hết thú vui đệ nhất trời đất ban... họ còn làm được thì có gì phải bàn về nhân phẩm!” [6,tr. 363].
Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Xuân xây dựng công phu về một giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ XVII ở Đàng Trong. Các nhân vật được đặt trong bối cảnh hết sức xô bồ của giai cấp thống trị cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Các chúa, quan lại phần lớn là những con người nhiều dục vọng, hoặc tham quyền, hám lợi, hoặc hiếu sắc, hoặc hoang dâm, hoặc tàn nhẫn... Họ hiện lên thiếu lý tưởng, hành động theo các dục vọng, ít theo chuẩn mực đạo đức. Tình dục và danh lợi là hai dục vọng lớn nhất chi phối, tác động tới hành động của các nhân vật. Và nguy hiểm hơn, dục vọng đó lại trong tay những kẻ có quyền lực cao như các chúa Nguyễn, chúa Trịnh, quan lại... nên sự tác động, ảnh hưởng lớn, thậm chí là chi phối lịch sử của cả đất nước. Những cuộc nội chiến, tranh giành đất đai, quyền lực, sự loạn lạc, lầm than, cơ cực của nhân dân thường bị dẫn dắt, chi phối bởi những dục vọng của những người có quyền lực. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin điểm qua những nét chính của một số nhân vật để chứng minh cho các luận điểm trên.
Thứ nhất, nhân vật chính, cũng là người kể chuyện - Hải Bằng. Cuộc đời của Hải Bằng trong toàn bộ tiểu thuyết như là một chuyến phiêu lưu tình ái đầy mạo hiểm. Từ ngày gặp lại Tống Thị, nhất là sau buổi tối nhìn thấy thân hình “lõa lồ” của Tống Thị với vẻ đẹp ngoài sức tưởng tượng, thì Hải Bằng say mê Tống Thị một cách mê muội. Dù là con người có bản lĩnh kiên cường, tháo vát, nhạy bén trong các tình huống nhưng hoàn toàn không có lý tưởng, một lòng phục tùng mọi âm mưu của Tống Thị. Ngay cả việc lấy vợ, một trong những việc hệ trọng nhất của đời người đàn ông thì Hải Bằng cũng chỉ nghĩ, nếu lấy Túy Nguyệt, chàng sẽ là cái cớ để tiếp tục được gần gũi Tống Thị nhiều hơn. Đến việc đem mật thư... của Tống Thị ra gặp chúa Trịnh để thỉnh cầu đem quân vào đánh chiếm Đàng Trong, nếu việc bại lộ ắt sẽ chết, nếu việc thành công thì xảy ra chiến tranh loạn lạc, Hải Bằng vẫn cố gắng thực hiện theo ý người đẹp. Khi âm mưu cấu kết với Chưởng dinh Nguyễn Phước Trung tạo phản bị bại lộ, Tống Thị bị bắt, Hải Bằng “mất hết lẽ sống”, cảm thấy “Tất cả những gì có trước mắt tôi đều trở nên thừa thãi, nhàm chán vô nghĩa, đáng ghê tởm. Nếu tôi chết được thì không còn gì thích thú, thoải mái hơn” [6,tr. 394].
Hay như trong đêm tiệc rượu mừng sau khi Hải Bằng cứu được Sáu (người con gái bị đưa lên thuyền bán sang Trung Quốc). Sáu trả ơn bằng cách trao trinh tiết của mình cho ân nhân. Hải Bằng thầm nghĩ: “Những vấn đề lương tâm, đạo đức, tự trọng tan biến như khói trước gió chỉ để lại cho tôi cái ao ước, ao ước đến thèm cháy một xác thịt đã nằm chắc trong tầm tay tôi” [6,tr.353].
Thứ hai, nhân vật chúa Trịnh Tráng (Thanh Đô vương) ở Đàng Ngoài. Chúa Trịnh Tráng xuất hiện chỉ qua vài đoạn đối thoại ngắn gọn khi Hải Bằng cầm mật thư và quà của Tống Thị trao cho. Hải Bằng đã có nhận xét: “Thái độ Thanh vương cho tôi biết ông là người thế nào, quả là phường háo sắc thì anh nào cũng giống anh nào” [6,tr. 251]. Ngay sau khi được Hải Bằng miêu tả về vẻ đẹp của Tống Thị cũng như ngửi “chuỗi bách hoa xuyến”, thì “hậu quả thì thật to lớn, to lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi nhiều lắm. Tôi không ngờ một vị Chúa, quyền uy đầy mình, nắm vận mạng bao nhiêu vạn sinh linh trong tay lại có thể xử sự một cách liều lĩnh đến thế chỉ vì hình ảnh một người đàn bà. (...) đã cử ngay đại đội hùng binh để Nam xâm, thực hiện đúng những yêu cầu của một mỹ nhân” [6,tr.257].
Thứ ba, quan trấn thủ Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Kỳ (chồng Tống Thị). Nguyễn Phúc Kỳ vốn là người tài giỏi, nhân đức, được quan quân và nhân dân tôn trọng, yêu mến, lại có công lao trong việc đánh quân Chiêm Thành phía Nam, chống quân Trịnh ở phía Bắc. Vì thế, được chúa Sãi tin tưởng, phong làm Thế tử kế thừa ngôi chúa sau này. Tuy nhiên, vì quá đam mê Tống Thị, quan hệ tình dục quá mức mà phát bệnh. Dù Tống Thị đã ra sức can ngăn vì lo cho sức khỏe đang ngày càng yếu của chồng, song vô ích. Ông không chống lại được ham muốn tính dục, hàng đêm cứ “lâm trận” này sang trận khác, nghỉ ngơi một lúc cho hồi sức rồi lại “vùng dậy và tái diễn”. Điều đó khiến Hải Bằng suy nghĩ Quan trấn thủ như “là con thiêu thân trần trụi đã rơi hẳn vào dĩa dầu còn cố ngoi dậy tìm lạc thú một cách vô vọng bằng cách uống cho ngây ngất chất dầu độc hại”[6,tr.51-52]. Và quả thực Quan trấn thủ Quảng Nam dinh không thọ được lâu, ông chết khi độ tuổi ngoài ba mươi, đó là hậu quả nhãn tiền đã được cảnh báo.
Thứ tư, chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan, người kế vị chúa Sãi (em trai Nguyễn Phúc Kỳ). Nhà văn không miêu tả nhiều về lai lịch bản thân, cũng không đề cập đến tài năng và công trạng, mà được miêu tả qua những lần gặp gỡ với Tống Thị. Và rồi, “Ngay trong tiệc rượu đầu tiên này, chúa đã cùng chị Tống trở thành đôi tình nhân cực kỳ quyến luyến tưởng không thể rời nhau được. Mệnh lệnh trong cung từ đó được truyền ra từ miệng Tuý Nguyệt và chúng tôi răm rắp thi hành” [6,tr.194]. Lợi dụng sự ân sủng, mê muội của chúa Thượng, Tống Thị lệnh cho gia nhân ra sức chèn ép, vơ vét, bóc lột của thiên hạ để làm giàu. Tình cảnh dân chúng càng khổ cực, nhà tan cửa nát để phục vụ cho sự ăn chơi sa đọa của chúa Thượng và âm mưu của Tống Thị, mọi sự can ngăn của quan lại đều không hiệu quả. Phải đến khi Vân Hiên (là người có công lớn trong vụ dẹp nội loạn, được chúa nhớ ơn và kính trọng) can gián, và nhất là việc nêu ra cái nguy cơ trước mắt là quân địch cả phía Nam, phía Bắc lăm le bờ cõi. Trước những lời can gián chân thành và những nguy cơ hiện hữu, chúa Thượng đã nghe lời khuyên, quan tâm đến chính sự. Nhưng rồi cái chết bí ẩn của chúa Thượng trong đêm sau khi ăn mừng chiến thắng, có sự hiện diện của nhiều cung tần, mỹ nữ và có cả Tống Thị vẫn chưa được tiểu thuyết làm rõ, nhiều “lời đồn đại” chưa có lời giải.
Thứ năm, Chưởng dinh Nguyễn Phước Trung (về nhân vật này, có lúc Nguyễn Văn Xuân đã nhầm lẫn gọi là chú chồng, song thực chất là em khác mẹ của chồng Tống Thị) là người nổi tiếng tàn ác, độc địa và cũng “Chỉ được cái mê gái như điên” [6,tr. 270]. Tống Thị đã khai thác yếu tố “mê gái” của “con quỷ dâm dục”, nên Chưởng dinh ban đầu có ý định giết Tống Thị nhưng sau lại thành đôi nhân tình quấn quýt lấy nhau. Thậm chí, Tống Thị còn điều khiển, thuyết phục Chưởng dinh làm cả việc tày đình nhất là phối hợp tạo phản nhằm lật đổ chúa Hiền (là cháu ruột của ông, đang được nhân dân tôn sùng như “thánh nhân”). Hậu quả là Chưởng dinh phải tự tử chết trong nhục nhã bởi: “Ai đời một Chưởng dinh chú của chúa, xem như người quyền uy duy nhất của đất nước, mỗi lời nói ra chúa phải lắng nghe, tuân hành mà lại bị bắt vì tội phản loạn do một người đàn bà xúi giục thì còn mặt mũi nào thấy chúa, thấy quần thần, thấy thiên hạ” [6,tr.418]...
Thứ sáu, nhân vật có thể coi là chính diện, là chính nhân quân tử: chúa Hiền (Nguyễn Phước Tần). Chúa Hiền là người được quân, dân Đàng Trong truyền tụng là một vị “chân chúa”, là “một con người hiền đức, có đạo tâm sâu sắc như thánh nhân”. Người có chí lớn, có nghị lực phi thường, có tài thao lược lãnh đạo quân đội “đánh bại hạm đội Hà Lan, đô đốc Bich (Peak) phải tự sát, rồi tiếp tới bắt gọn gần như toàn bộ đại quân Chúa Trịnh” khi vào xâm chiếm ở mạn Bắc. Khi nhà Minh mất (Trung Quốc), tàn quân đổ vào các cửa biển Đàng Trong, chúa Hiền “có tài điều động, chế ngự để họ vào khai thác Thuỷ Chân Lạp lập cơ sở cho ta” [6,tr. 263 -264]...
Chúa Hiền có công trạng lớn, có cách xử thế thuyết phục được nhân tâm đến thế, nhưng Hải Bằng cho rằng “Con người ấy có quá nhiều tham vọng nên nhiều khi trở nên tàn nhẫn”. Theo Hải Bằng, bản chất của chúa Hiền là quá nhiều dục vọng cả tình dục cũng như quyền lực, nhưng vì đam mê quyền lực lớn hơn. Vì vậy, Chúa phải giết chết người con gái đẹp hiếm có trong cuộc đời để tập trung cho giấc mộng quyền lực. Bởi chúa “Hiền còn ghê gớm hơn Chúa Thượng. Ông là một con người bằng sắt, bằng thép, bằng một kim loại tôi luyện kỹ lưỡng như một lưỡi gươm Nhật Bản. Không cái gì làm oằn ông nổi và cũng không cái gì động được tâm ông. (...) Đó chỉ là một bản tính tàn bạo, thích giết người thôi”[6,tr.397].
Nói như vậy, không phải toàn thiên tiểu thuyết chỉ là trò chơi, là thiếu lập trường, là phủ nhận, là phê phán... mà khi đọc kỹ, nhất là phần Vào truyện và phần sau khi Tống Thị bị bắt, bị tử hình, tôi nhận thấy nhân vật kể chuyện có gửi gắm, nhắn nhủ những mối quan tâm, đó là: đề cao sự lương thiện; đề cao tình nghĩa; đề cao cái đẹp; muốn gìn giữ phong tục được lo hậu sự, được thờ cúng sau khi chết... Tuy nhiên, những vấn đề này tôi sẽ triển khai ở một bài viết khác.
Nói chung, Nguyễn Văn Xuân rất có dụng ý khi sử dụng thủ pháp “Mặt nạ tác giả”. Điều này giúp nhà văn thoải mái hơn trong các nhận định, phát ngôn nhiều khi thiếu lập trường, nhiều khi phủ nhận cực đoan, nhiều khi có tính chất hư vô... Bởi nếu ai đó có ý kiến về các vấn đề tiểu thuyết nêu ra, thì người viết có thể trả lời đó là nội dung của tập sử cũ “Tống Kỳ Nữ”. Qua những câu chuyện, những suy tư, nhân vật Hải Bằng như muốn truyền thông điệp về sự mất niềm tin về các đại tự sự, về các vua chúa, quan lại thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Điều này được thể hiện khá rõ trong Kỳ nữ họ Tống mà tôi đã phân tích ở trên. Liệu những suy tư đó có mối liên hệ với quan điểm của nhà văn? Tôi nghĩ là có. Bởi trong cuộc sống, Nguyễn Văn Xuân cũng gián tiếp thể hiện sự bất phục của mình đối với giai cấp cầm quyền của chế độ phong kiến thời kỳ suy tàn. Cụ thể, như Trần Hữu Tá từng đề cập, trước 1975, Nguyễn Văn Xuân nhiều lần bày tỏ với một số tri kỉ về ước muốn được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm (1832-1884). Bởi ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này khi nhận xét về triều đình Huế thời ấy: “Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chúi đầu ăn, chẳng lo chi việc nước”[3].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân (2009), “Mê hoặc văn chương” với “Mặt nạ tác giả”, http://www.vanhoanghean.com.vn/ chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/me-hoac-van-chuong-voi-mat-na-tac-gia, ngày 11/12/2009.
[2] Lại Nguyên Ân (2010), “”Mặt nạ tác giả” - một gợi ý cho việc tiếp cận một vài hiện tượng văn học sử Việt Nam”, Tạp chí Sông Hương, số 252, số 253, năm 2010 (bài đăng 2 kỳ).
[3] Trần Hữu Tá (2015), Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng, http://www.vanhoanghean.com.vn/ chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nguyen-van-xuan-nguoi-khoi-day-hon-xu-quang, ngày 06/10/2015.
[4] Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội Nhà văn.
[5] Dương Quốc Việt (2018), Giáo dục lương tâm?, http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Giao-duc-luong-tam-13990, ngày 19/11/2018.
[6] Nguyễn Văn Xuân (2002), Kỳ nữ họ Tống, Nxb. Trẻ.
V.Đ.A