Hoa khiết bông - Vĩnh Quyền
Đẹp hùng vĩ. Đẹp thơ mộng. Đẹp nao lòng. Đẹp đến đơn giản khó nắm bắt. Mọi người thường bảo đẹp không thể tả. Nhà văn chẳng hơn gì bèn nháy vài shot ảnh thay chữ.
Tôi đang nói về mùa hoa rừng Sơn Trà từ cuối tháng Ba đến trung tuần tháng Năm mỗi năm.
Giờ thì mưa gió thập diện mai phục, tẩn mẩn mở ảnh xem lại. Chúng gợi nhớ những gì từng thấy và những điều từng nghĩ vào những ngày vui ngược xuôi giữa cánh rừng trổ hoa trong nắng gió ngọt lành cuối xuân chớm hạ. Để thấy ảnh không cất chứa được hết mà cần thêm chữ. Nên có những dòng này.
Mươi ngày cuối tháng Ba, hơn hai chục cây số từ cửa rừng đường Yết Kiêu đến cửa rừng đường Hoàng Sa sôi động hẳn. Bên cạnh khoảng hai mươi tay máy vốn là “thường trú nhân Sơn Trà” chuyên săn ảnh voọc vá chân nâu đã xuất hiện nhóm “thời vụ”, cũng khoảng như thế. Đông vui, râm ran chuyện đón mùa hoa, mà mở đầu là vàng lim. Thật ra lúc ấy rừng vẫn xanh như mọi ngày, nhưng không ai muốn lỡ cơ hội chứng kiến thời khắc những nụ hoa đầu khai nở.
Rồi một sáng tinh mơ sự kiện mong đợi ấy đã đến. Và chỉ vài hôm sau, khóm rừng lim xẹt trở thành vườn mai khổng lồ với chiều cao ngót ba mươi mét. Hoa lim trông rất giống hoa mai, từ hình dáng đến màu sắc.
Cuối tháng Tư, khi khúc dạo đầu của lim vàng chưa kết thúc, mùa hoa Sơn Trà đã gối vụ, cũng là vụ chính được mọi người chờ đợi nhất, với thàn mát tím.
Gọi vụ chính bởi thàn mát gây ấn tượng mạnh khi dường như nhuộm tím Sơn Trà trong gần hai tuần lễ. Và ngay trước thời điểm hoa nở, lá rừng phô diễn bảng màu hoành tráng, rực rỡ với những mảng xanh lam - xanh lục, vàng chanh - vàng cam, đỏ tươi - đỏ thắm đan xen trùng điệp ngút ngàn, phối cùng xanh dương biển rộng, xanh lơ trời cao...
Gợi nhớ tranh của Levitan, nhưng tác phẩm “Một thoáng ôn đới” của thiên nhiên Sơn Trà khác ở chỗ sắc độ chuyển động nhanh đến mức có thể trông thấy được và diễn ra chỉ trong bốn hoặc năm hôm trước khi tất cả rủ nhau trở lại xanh màu xanh vĩnh cửu rừng nhiệt đới. Nên không lạ khi nhiều tay máy, và cả du khách, vào rừng trước mặt trời mọc và chỉ chịu ra về sau mặt trời lặn. Hân hoan và nuối tiếc.
Thàn mát cổ thụ có tán rộng hơn mười mét và cao gần 20 mét. Hoa nẩy từ các nách lá đầu cành, tạo thành chùm dài chừng 15 phân, buông rủ mềm mại, xa trông như lớp lớp rèm thưa đung đưa trong gió. Vào rừng lúc sáng sớm trông hoa còn tím nhạt, đến trưa nhận ra hoa đã tím sẫm, rồi nhạt dần khi chiều xuống. Đã vậy, cùng khoảng thời gian nhưng với dao động cường độ của ánh sáng, thàn mát cũng chuyển biến theo: lúc tím nhạt, lúc tím xanh, lúc tím hồng, lúc tím biếc... Chính vẻ đẹp biến hóa ấy khiến thàn mát trở thành “nữ hoàng”, bất chấp tên tuổi các loài hoa hiếm quý đặc hữu ở Sơn Trà
như riềng gợn sóng (Alpinia rugosa), muôi dằm (Melastoma paleaceum), dành dành (Gardenia), Uvaria Vietnamesis (Endemis)...
Âm thanh màn trập máy ảnh reo vui không ngớt cùng hoa lá xôn xao. Nhưng với các tay máy, chừng ấy thôi chưa trọn niềm vui. Nhớ mãi cái lắc đầu chép miệng của Trần Tấn Nghinh, tay máy thâm niên ở Sơn Trà, khi anh chia sẻ tâm trạng tiếc nuối: “Mùa hoa năm nay đẹp quá, hơn hẳn mấy năm trước...”. Tôi hiểu như vậy là anh chưa gặp may, bởi vàng lim hay thàn mát tím huyền thoại kia phải được tôn vinh cùng “diễn xuất” của voọc ngũ sắc, hoặc sóc bụng đỏ, chí ít là chim hút mật xác pháo mới làm nên bức ảnh chờ đợi.
Cuối cùng, dường như mọi người đều mãn nguyện, bởi hoa lim và hoa thàn mát nằm trong thực đơn yêu thích của voọc và sóc. Hơn thế, các tay máy cũng không quản thời gian săn ảnh. Ngày thường họ chỉ thực hiện một vòng vào - ra trên cung đường rừng có khả năng xuất hiện voọc vá chân nâu. Nhưng trong mùa hoa thì không biết bao nhiêu vòng “tuần tra” như thế mới gọi là đủ. Phải tính đến yếu tố may mắn để gặp được động vật hoang dã trong môi trường sống của chúng, nhưng thời gian cũng góp phần quan trọng.
Những tay máy cũng là đội ngũ đưa tin ảnh mùa hoa Sơn Trà nhanh nhất và tỏa rộng trong cộng đồng mạng xã hội. Mỗi ngày có hàng trăm du khách, phần lớn phụ nữ, vào rừng tham gia “trẩy hội hoa”. Không cần máy khủng lens dài như các “thường trú nhân Sơn Trà”, họ “tác nghiệp” bằng smartphone với chủ đề muôn thuở: người đẹp bên hoa. Họ cũng vui vẻ vào vai “mẫu” cho các tay máy những lúc rừng vắng voọc, vắng chim.
Thú thật, nhiều tên hoa trái ở Sơn Trà nghe qua một lần không thể nhớ nổi mà phải lặp đi lặp lại hoặc ghi chép, như hoa thàn mát, trái chàng ràng... Đã vậy, chúng còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Thàn mát (tên khoa học Millettia Nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm) cũng là thàn mát đen, thàn mát rủ, thàn mát nước hoặc chỉ mỗi một âm nghe tức anh ách: nánh.
Bệnh nghề báo, gì cũng muốn biết, mà vào rừng, cơ man là thứ chưa biết vây quanh. Ngoài hoa lim và hoa thàn mát đình đám không thể không biết, còn hàng trăm loài hoa khác đang cùng khoe sắc. Vậy là “hoa này tên gì” trở thành một trong những câu nói đầu môi.
Mùa hoa năm nay tôi để ý có mấy rặng cây cao vút trên đỉnh Sơn Trà nở bung hoa trắng toàn thân trông như tuyết phủ rất đẹp. Hỏi mãi, không ai biết, cho đến khi gặp ông cụ dân địa phương vào rừng hái lá. Ông vẫn chăm chú công việc khi trả lời gọn bâng: “Hoa khiết bông”. Tôi cám ơn, ghi vào sổ tay, thầm khen ai đặt tên hoa đúng quá, màu trắng của hoa thật tinh khiết. Lát sau đã có cơ hội chia sẻ tri thức với anh bạn họa sĩ đồng hương xứ Huế đang say sưa chụp ảnh loài hoa tôi vừa được biết tên.
Hôm sau gặp lại nhau, họa sĩ thúc cùi chỏ vào tôi, cười: “Anh đùa tỉnh bơ khiến em tưởng thiệt, đăng ảnh kèm tên hoa lên facebook, tụi bạn nhạo quá trời.” Tôi nào có đùa, chỉ là ông cụ nói lái Quảng Nam, là hoa... không biết.
Mùa hoa vàng - tím qua đi để lại khoảng trống hụt hẫng, phải mất một thời gian mới nhận ra không ngày nào trong năm Sơn Trà không có hoa, tất nhiên tản mạn thôi, và hoa nào cũng có nét duyên riêng. Hoa chưa biết tên, tôi tự bằng lòng gọi chung là hoa khiết bông.
V.Q