Điều kiện hình thành ý thức nghề nghiệp của nhà văn - Phạm Thị Thu Hương
Đối với một nhà văn, quá trình sáng tạo bắt nguồn từ nhu cầu giải thoát nội tâm, bày tỏ tình cảm. Nhưng khi đã tự đặt mình vào vị thế của một người viết chuyên nghiệp, nhà văn phải luôn có ý thức về nghề và chính ý thức đó là động lực lớn thôi thúc anh ta lao động sáng tạo một cách tự giác, hướng tới những giá trị văn chương đích thực.
Ý thức nghề nghiệp buộc nhà văn phải chấp hành những kỷ luật văn chương để giữ cho ngòi bút của anh không sa vào dễ dãi hay trượt theo thói quen, hơn nữa, nó thúc đẩy anh không ngừng trăn trở tìm tòi những ý tưởng nghệ thuật mới, những kỹ thuật viết văn hiện đại. Đối với nghề văn, ngoài tài năng thiên bẩm, các nhà văn còn cần phải có những tri thức nhất định về lý thuyết văn chương cũng như những kiến thức trong các lĩnh vực của đời sống. Trong thời đại ngày nay, khi các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ, trình độ nhận thức và ý thức thẩm mỹ của độc giả được nâng cao, các nhà văn lại càng phải nỗ lực hơn trong việc làm mới văn chương, làm mới chính mình. Chính ý thức về nghề đã thôi thúc các nhà văn lao động sáng tạo một cách khoa học trong tinh thần chuyên nghiệp, góp phần tăng tính hiện đại và thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa văn chương. Ý thức nghề nghiệp của nhà văn được thể hiện qua một số yếu tố sau:
1. Viết văn thành một nghề kiếm sống
Thời Trung đại, các nhà văn, nhà thơ chưa có ý thức coi văn chương là một nghề. Đối với họ, văn chương chỉ đơn thuần là một trò chơi, một hoạt động giải trí hoặc là phương tiện bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình. Trừ loại văn chương dùng trong khoa cử để tuyển chọn nhân tài ra làm quan là có lợi ích thực tế, còn lại văn chương là sản phẩm tinh thần không thể đem ra mua bán trao đổi mà nó chỉ được xem là một trò chơi:
"Văn chương nghề cũ xác như vờ" (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
"Mua vui cũng được một vài trống canh" (Nguyễn Du)
Mặc dù người viết văn, làm thơ tự xưng mình là những "thi ông", "ngâm ông", "văn nhân", "thi nhân", "thi gia"... nhưng các danh xưng đó không có ý nghĩa xác định một nghề nghiệp đặc thù. Chỉ đến khi xã hội xuất hiện nền kinh tế hàng hóa với sự phân công lao động kiểu tư bản chủ nghĩa, làm thơ, viết văn mới được xem là một nghề trong ý nghĩa khu biệt với tất cả những nghề nghiệp khác và người viết văn, làm thơ mới nhận được danh xưng cao quý "nhà văn", "nhà thơ" trong ý nghĩa tích cực nhất của nó.
Đầu thế kỷ XX, Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu là người tiên phong đưa "văn chương bán phố phường", thực sự coi đó là một "nghề nghiệp làm ăn" bởi theo ông "có văn có ích có văn chơi". Văn chương cũng là một thứ hàng hóa có thể đem ra chợ bán vì dụng đích kinh tế, văn chương được xem là một nghề kiếm sống.
Khi đưa văn chương vào nền kinh tế thị trường và coi đó như là một thứ hàng hóa, các tác giả của nó phải thay đổi quan niệm về những chức năng của văn chương. Trước đây, trong quan niệm truyền thống, văn chương được coi là một sản phẩm tinh thần dùng để giáo hóa đạo đức và nhà văn được coi là những kỹ sư tâm hồn chuyên đi giáo dục cho người khác. Nhưng nay văn chương được coi là hàng hóa nên mục đích "viết cho ai", "viết để làm gì" được nhìn nhận lại một cách khác hơn. Văn chương trong nền kinh tế thị trường có mục đích lớn nhất là để phục vụ. “Thiên chức văn chương nếu cuối cùng là hướng tới cái Đẹp, có nói đến Chân, Thiện thì cũng phải thông qua cái Đẹp, thì cũng phải là cái Đẹp được tiêu thụ, tức là cái Đẹp có giá, trong khi ta thường nghe quen nghệ thuật và cái Đẹp tinh thần là vô giá” (1)
Do xem văn học là một nghề, một loại hàng hóa cho nên người nghệ sĩ phải lao động thực sự trên trang viết của mình, không phải kiểu làm chơi chơi, hứng thì viết, không thì thôi. Để tạo ra một sản phẩm có giá trị người nghệ sĩ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên những trang viết của mình. Có người cho rằng: "Không có một thứ lao động cực nhọc và "thổ tả" nào lại ghê gớm kinh khủng như lao động của nhà văn", "lao động chữ"... là thứ lao động "khổ ải" nhất” và “con đường sáng tạo là con đường vác thập giá đau đớn, trăn trở thường kì nhất, chứ không phải con đường du hí, chơi tài tử, hay thưởng thức du ngoạn” (2)
Mặt khác, khi xem viết lách là một nghề, người nghệ sĩ buộc phải quan tâm hơn đến khách hàng của mình, đến những thị hiếu thẩm mĩ của các thế hệ độc giả và do vậy mà có ý thức nâng cao tay nghề của mình hơn, sáng tác “tốc độ” hơn và phải làm sao cho tác phẩm của mình thêm độc đáo, đa dạng, có phong cách. Nguyễn Huy Thiệp từng tâm sự: “Viết ra được một tác phẩm không dễ. Viết hay thì lại càng khó. Nghề văn trong thời hiện tại là một nghề khó vào bậc nhất. Khi Internet phát triển, tác giả không thể tưởng tượng, "lừa bịp" hoặc sáng tác được. Thông tin để xử lí, cung cấp cho các chi tiết, sự kiện văn học có quá nhiều. Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu. Anh buộc phải giỏi máy tính, giỏi ngoại ngữ, anh ta phải "tự tổ chức" viết lách và bán hàng. Anh ta phải trở nên chuyên nghiệp, không mất thì giờ vào những "chuyện tầm phào"... không có gì hết nếu anh không viết được hay, không bán được tác phẩm của anh cho người đọc” (3)
Ngày nay xã hội có sự phân công lao động, viết văn trở thành một nghề thực thụ, các nhà văn được ưu đãi nhiều hơn, có cơ quan bảo vệ bản quyền tác giả, có những cơ sở in ấn và phát hành tác phẩm, điều kiện làm việc cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng "xét về khía cạnh thương mại, văn chương là loại chất xám tương đối rẻ", "Nghề văn không dễ là nghề nuôi sống người". Tuy nhiều người tìm đến văn chương không phải để kiếm tiền, không toan tính cá nhân. Viết vì mình muốn viết, và không quá suy nghĩ về việc nhuận bút của nó có đủ tiền mua giấy bút hay không.
Khi viết văn được coi là một nghề nghiệp bình thường thì địa vị kinh tế và địa vị xã hội của nhà văn cũng được cải thiện một cách rõ rệt, các nhà văn có thể sống được bằng nghề của mình, số lượng nhà văn tham gia sáng tác cũng tăng lên một cách đáng kể. Năm 1975, số hội viên Hội nhà văn có khoảng dưới 300 người, đến nay đã tăng lên tới hơn 1000 người, chưa kể số hội viên của các Hội văn học nghệ thuật địa phương, số nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại, các nhà văn sáng tác tự do... Các cuộc thi sáng tác văn chương cũng được diễn ra thường xuyên vừa góp phần rèn luyện tay nghề, thi thố tài năng, khẳng định cá tính sáng tạo, tôn vinh nghề nghiệp, vừa tăng thêm thu nhập cho các nhà văn. Đây là điều kiện đầu tiên rèn luyện ý thức nghề nghiệp cho nhà văn, tạo nên một động lực lớn thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn học.
2. Báo chí, các phương tiện in ấn phát triển mạnh
Để văn học ngày càng phát triển thì bên cạnh ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ còn rất cần tới sự hỗ trợ của các phương tiện bên ngoài bởi văn chương là sản phẩm tinh thần, nó chỉ đến được với người đọc thông qua các cơ sở vật chất khác. Do vậy công tác xuất bản tác phẩm qua những hình thức sách và báo càng ngày càng được quan tâm nhiều hơn, việc in ấn, xuất bản và phát hành được dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho các nhà văn yên tâm sáng tác.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tính đến tháng 6/2017, cả nước Việt Nam có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động (Trong đó có: 193 cơ quan báo in (Trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); 150 cơ quan báo điện tử với hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.
Về hình thức phát hành báo chí cũng rất phong phú từ báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo ảnh đến báo mạng điện tử. Đây là môi trường làm việc ban đầu cho các nhà văn rèn chữ, luyện văn, quảng bá sáng tác của mình. Đặc biệt các tạp chí chuyên ngành còn tạo điều kiện cho các nhà văn khai thác sâu hơn những đề tài mình quan tâm. Với ưu thế là khả năng phát tin nhanh, diện phủ sóng rộng, tính thời sự kịp thời, báo chí là nguồn động lực quan trọng tạo nên những “cú hích” cần thiết đối với sự phát triển văn học, nhất là trong công cuộc đổi mới văn học. Qua báo chí, đặc biệt là các tạp chí văn học nước ngoài, các báo trên mạng Internet, các nhà văn được mở rộng thêm sự hiểu biết của mình đối với các vấn đề văn chương đương đại mang tính toàn cầu, học tập được những quan điểm nghệ thuật mới, kĩ thuật viết văn hiện đại... từ đó có sự điều chỉnh cần thiết đối với hoạt động sáng tạo của mình để đáp ứng được với nhu cầu và thị hiếu thẩm mĩ của độc giả trong thời đại mới. Mặt khác báo chí phát triển rộng khắp với lưu lượng thông tin lớn, hệ thống sự kiện nhiều, tính chân xác cao, gần gũi với đời sống còn tạo nên một nguồn tư liệu dồi dào cho văn học khai thác để văn chương vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng đồng thời cũng bám rễ được với hiện thực cuộc sống, với những vấn đề thời sự hôm nay, do đó văn chương cũng sâu sắc hơn. “Tính xác thực của báo chí làm cho văn chương thời kì Đổi mới cũng đầy ắp sự kiện và ngôn ngữ văn học không chỉ đa giọng điệu, “nhạt dần tính chất sử thi”, “đậm thêm tính hiện thực - đời thường” mà phải “tăng tính tốc độ, tính thông tin và tính triết luận”, không bóng bẩy cầu kì theo kiểu làm văn mà mang hơi thở của cuộc sống hiện đại” (4)
Bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống báo chí thì công tác xuất bản bao gồm việc in ấn và phát hành cũng thuận lợi hơn. Trước đây nếu chỉ có các nhà xuất bản thuộc sở hữu của nhà nước thì việc in ấn và phát hành sách, các ấn phẩm về văn học rất khó khăn và bị hạn chế, thì nay với sự nới rộng Luật xuất bản, các phương tiện in ấn phát triển mạnh tạo điều kiện cho các nhà văn tự do sáng tác, in ấn và phát hành tác phẩm của mình. Ngoài xuất bản nhà nước họ còn có thể in ấn bằng các phương tiện không do nhà nước quản lí, như các ấn bản photo coppy, các Website văn học có xuất xứ ngoài Việt Nam... Do vậy cùng một vấn đề nhưng độc giả có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, thấy được nhiều cách bày tỏ khác nhau, từ đó mà có cách đánh giá, nhìn nhận hợp lí.
Số lượng sách văn học nghệ thuật xuất bản tăng liên tục. Theo số liệu thống kê của cục xuất bản thuộc Bộ văn hóa thông tin thì năm 1985 có 430 đầu sách, năm 1986 có 556 đầu sách, năm 2004 có 1881 cuốn, năm 2006 có 3.243 cuốn, năm 2017 có đến 14.499 cuốn sách, với hơn 214 triệu bản (số liệu tính đến hết ngày 30/8/2017). Số lượng Nhà Xuất bản và số bản in cũng tăng nhanh và nếu như người ta tiên đoán sách in và tiểu thuyết trong thế kỉ XXI là “Những cái chết được báo trước”, rằng “Tương lai của văn học là ở màn hình máy tính”, “Người ta sẽ chỉ còn những hoài niệm về sách in” thì “Văn học viết và sách in có lẽ sẽ vẫn tồn tại bất chấp những tiên đoán ảm đạm về nó” (5), hơn nữa, còn khẳng định vị thế của mình qua việc nối dài với các loại hình văn hóa khác.
Bên cạnh đó, mảng văn học dịch cũng rất được quan tâm. Những tác phẩm văn học có giá trị của nhiều nước, các tác phẩm được giải thưởng... được dịch thuật, in ấn và phát hành ở Việt Nam tạo được sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau. Làm giàu có và mở rộng tầm nhận thức của người Việt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn học nghệ thuật, góp phần thay đổi thị hiếu thẩm mĩ của người đọc. Do vậy độc giả có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, các tác giả nếu không muốn đánh mất độc giả của mình thì bắt buộc phải đổi mới tư duy, đổi mới cách viết của mình vì thế nó vừa kích thích quá trình sáng tạo lẫn tiếp nhận văn học.
3. Sự ra đời của một tầng lớp độc giả mới
Bất cứ nhà văn nào khi sáng tác văn chương cũng đều nhằm đến một đối tượng cụ thể: người đọc, không ai quan niệm chỉ viết cho riêng mình dù rằng sự viết đó chỉ nhằm mục đích giải tỏa những ẩn ức trong lòng tác giả. Có hai loại người đọc chủ yếu là người đọc tiềm ẩn và người đọc thực tế. Trong đó người đọc tiềm ẩn tồn tại trong kết cấu văn bản, trong tâm tưởng của nhà văn. Vấn đề “viết cho ai” cũng đã được các nhà văn định hình từ trước. “Không ai có thể trở thành nhà văn, nhà thơ mà không cầm bút trong cái ý nghĩ: viết cho ai đó đọc, không tính đến hiệu quả từng từ mình chọn, từng hình ảnh mình dựng, từng dấu chấm, dấu phẩy mình dùng, thậm chí đến cái chỗ mình phải chấm cái dấu chấm hết. Tất cả những thủ pháp nghệ thuật ấy đều được thực hiện trong một ám ảnh: người đọc” (6). Chỉ đến khi tác phẩm được in ấn, phát hành, được các kiểu độc giả đón nhận như thế nào lại là một việc khác.
Trong thời Trung đại “chưa có khái niệm độc giả như một tầng lớp xã hội mà cũng chưa có cả khái niệm độc giả như một tư cách độc lập được hiểu như những kẻ tiêu thụ các sản phẩm văn học” (7) do điều kiện khắc in khó khăn, tác phẩm khó có thể đến được với các tầng lớp nhân dân, nó chỉ được “lưu truyền” qua một số ít người có trình độ và chức vị trong xã hội. Chỉ đến đầu thế kỉ XX, khi ngành báo chí và xuất bản phát triển mới xuất hiện độc giả như một tầng lớp xã hội và là một thành tố quan trọng làm nên sinh hoạt văn học. Chu trình nhà văn - tác phẩm - bạn đọc mới được hình thành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Người đọc đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiếp nhận tác phẩm, làm xuất hiện những lớp nghĩa mới cho tác phẩm qua sự tương tác giữa văn bản với người đọc, làm phong phú thêm tác phẩm bằng những khả năng cảm thụ và thưởng thức văn chương, đồng thời là nhân tố quan trọng trong việc sàng lọc và bảo lưu chất lượng tác phẩm qua thời gian. Cùng với sự tiến bộ xã hội, sự thuận lợi trong các điều kiện tiếp nhận và sự đổi mới trong tư duy đã kéo theo sự ra đời của một tầng lớp độc giả mới. Lớp độc giả này có tri thức, có trình độ, thị hiếu thẩm mĩ mới, chú trọng nghệ thuật ngôn từ. Khác với những “độc giả chung chung” chỉ đọc sách, đọc báo để biết thông tin, cốt chuyện, thì “độc giả văn học đúng nghĩa” là người có trình độ thưởng thức, năng lực cảm thụ tinh tế, tư duy tiếp cận hiện đại. Sự ra đời của tầng lớp độc giả này cũng kéo theo những cách đọc mới. Đó là cách đọc độc lập, loại bỏ thói quen đồng nhất lời của văn bản với lời của nhà văn, hiện thực trong tác phẩm với hiện thực ngoài đời, các hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm là những hình tượng có thật trong đời sống... mà họ xem những sự thật trong tác phẩm là những “trò diễn ngôn từ”. Thế hệ độc giả mới là những người có trình độ đọc rất cao, yêu thích sự mới lạ và sẵn sàng chấp nhận đối diện với sự thách đố về cảm quan thẩm mĩ.
Thực tế cho thấy có một thế hệ độc giả sinh ra cùng với sự tồn tại của máy tính. Hệ thống thông tin truyền thông nối mạng toàn cầu này cung cấp cho họ những tri thức mới, những tin tức cập nhật, những kĩ thuật hiện đại... Trình độ thẩm mĩ của độc giả được nâng cao đòi hỏi các nhà văn cũng phải tự nâng cấp về trình độ sáng tác, thay đổi tư duy, đổi mới cách viết, phải làm mới văn chương qua đó tự làm mới mình nếu không muốn đánh mất đi lớp độc giả này. “Ngày xưa, nhà văn lớn là một tài năng lớn; ngày nay, một nhà văn lớn không những là một tài năng lớn mà nhất thiết còn phải là một nhà thông thái và là một nhà tư tưởng” (7)
Nếu như trước đây người đọc tìm đến văn chương bởi những cốt truyện đơn giản, dễ hiểu theo trật tự tuyến tính, quen thuộc với những tác phẩm có đầu có cuối, chú trọng những cái được kể chứ không phải nghệ thuật ngôn từ. Thì nay người đọc như lạc vào “mê lộ”: “trang nào cũng có thể là trang đầu, trang nào cũng có thể là trang cuối”. Họ có thể theo dõi câu chuyện ở nhiều vị trí và thời gian khác nhau. Họ không bị sự dẫn dắt của tác giả như trước mà phải tự tìm cho mình một cách đọc hợp lí, một câu chuyện thú vị. Không chỉ người viết bây giờ phải xem hoạt động sáng tạo của mình là một cuộc “phiêu lưu ngôn từ”, mà người đọc cũng phải phiêu lưu trong “sự nổi loạn của ngôn từ”, “sự hoạt náo ngôn từ” đó. Họ cùng tham gia vào “trò chơi ngôn từ” mà tác giả tạo ra, từ đó lắp ráp nó thành một chỉnh thể hợp lí theo cách hiểu của mình, cùng tham gia vào quá trình đồng sáng tạo và có những cách hiểu khác nhau về cùng một tác phẩm. Chẳng hạn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được sáng tác trong cấu trúc “tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết” với không gian đa diện, thời gian đa chiều, người đọc có thể tìm hiểu nỗi buồn của một người lính trở về sau chiến tranh như Kiên, cũng có thể tìm hiểu về sự ám ảnh của thân phận tình yêu, thân phận người phụ nữ trong thời chiến. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp lại mở ra những kiểu kết thúc khác nhau, gợi mở những hướng đi khác nhau cho độc giả tự do lựa chọn, người đọc được giải phóng khỏi vai trò thụ động, phát huy tính dân chủ trong tiếp nhận văn chương.
Khi văn học trở thành một nghề, nhà văn sáng tác một cách chuyên nghiệp thì cũng có những độc giả chuyên nghiệp ra đời. Bên cạnh những độc giả tiếp nhận văn chương một cách thông thường thì còn có một bộ phận độc giả tiếp nhận văn chương trong một tinh thần chuyên nghiệp. Họ đọc, nhận xét, đánh giá, thẩm bình. Đó là những nhà phê bình văn học. Đây là lớp độc giả có tầm đón nhận và mức độ cảm thụ sâu sắc, khoa học, là một trong những nhân tố tác động và tổ chức quá trình văn học, có vai trò quan trọng trong việc định hướng cách thức tiếp cận văn bản nghệ thuật cho độc giả và phát hiện, gợi mở khuynh hướng sáng tạo cho tác giả.
Như vậy để hình thành ý thức nghề nghiệp cho nhà văn, bên cạnh những thuận lợi của yếu tố khách quan, sự hối thúc của tư tưởng thẩm mĩ tiến bộ của thời đại... còn rất cần tới sự tự ý thức của chính bản thân tác giả. Đó là điều kiện tiên quyết để dẫn dắt nhà văn trong hành trình sáng tạo văn chương, làm cho đời sống văn học thêm phong phú, đa dạng và tạo đà cho văn chương nước nhà có thể hòa nhập được với nền văn chương thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phong Lê, Văn học Việt Nam trên tiến trình của thế kỉ XX, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1997.
2. Nguyễn Hoàng Đức, “Đà viết văn nước nhà thế kỉ XX lao sang thế kỉ XXI như thế nào?”, http://tienve.org.
3. Nguyễn Huy Thiệp, “Trò chuyện cùng hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, http://talawas.org, 2004.
4. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2006.
5. Nguyễn Thanh Sơn, Phê bình văn học của tôi, Nxb Trẻ, 2002.
6. Nguyễn Hưng Quốc, “Viết, như một cách tự họa”, http://tienve.org.
7. Nguyễn Hưng Quốc, “Viết cho ai”, http://tienve.org.
P.T.T.H