Vẫn hót bài ca thê thảm - truyện Trần Thị Trường
*
Màn mở, tiếng vọng hậu trường của một phán quan đang kết tội Socrates: "Ngươi mắc ba tội trọng, một là người đã không tin vào tôn giáo của nhà nước đề ra, hai là người dám cả gan nhập vào đất nước này những thần thánh mới, ba là với những lời rao giảng của ngươi làm cho thanh niên của đất nước chúng ta nghi kỵ, thiếu lòng tin vào thần thánh cũ... Vì những trọng tội nguy hiểm ấy ngươi sẽ phải chết, bản án đã được công bố khắp thành bang, nay công bố trước ngươi và vợ ngươi. Các ngươi có thể bàn nhau, xin ân xá hoặc chia tay nhau, trong ngày cuối cùng này...".
Trên sàn, người đàn bà quỳ mặc toàn đồ đen, dáng lả lướt mảnh mai. Phía xa xa là cảnh buổi sáng của thành Aten đầy nắng. Ngồi trước bà là Socrates chân bị xích xiềng, quần áo rách bạc, vẻ mặt hốc hác nhưng hai mắt rực sáng, dáng vẻ kiêu hùng. Tiếng người đàn bà vừa tha thiết vừa quyết liệt:
- Mình ơi, em van mình, em xin mình, mình hãy nghĩ lại, người ta cho mình nghĩ lại, người ta cho phép mình được sống, mình đừng chết, cái chết chẳng có ích cho ai, chỉ thiệt cho mình, chỉ thiệt cho em và cho con, em xin mình.
- Chẳng còn cách nào khác, tôi không muốn thay đổi, tôi thấy chẳng có gì sai nên tôi chọn cái chết này làm hạnh phúc cho mình, - Socrates trả lời vợ.
- Không mình ơi, mình đừng lựa chọn cái chết, mình hãy sống, mình có thể nhận tội, kể cả những tội mình không có cũng được. Để sống mình ạ. Đừng chết. Người ta bảo, rằng chỉ cần mình nói những lời họ buộc tội mình là thiếu căn cứ. Sau khi nói thế, chén thuốc độc định mệnh của mình sẽ ở trên môi kẻ tố giác mình. Chúng tố giác mình vì chúng ghen ghét và đố kỵ với mình.Và họ không thích cái cách mà mình tỏ ra kiêu hãnh trước độc quyền chân lý của họ .
- Mình tha hóa từ bao giờ thế. Sao mình lại muốn tôi nhận tội. Tôi không bao giờ nhận tội cả! Việc tôi làm không phải là tội lỗi.
- Nếu không nhận tội thì mình xin xỏ, hay mình cố nói những lời khác trước vậy. Họ bảo rằng mình có thể nói khác những điều mình đã nói, mình hãy nói rằng cuộc đời này rất hoàn thiện, không có bất công, mọi sự thật nằm ở môi nhà nước, dối trá không hiện diện. Mọi người đều hạnh phúc. Đau khổ chỉ là số rất nhỏ, ai nói thế là kẻ phá bĩnh.
- Không, tôi bảo rằng cuộc đời không thể hết bất công. Song, là người có quyền lực, hay bất cứ ai thà phải chịu bất công chứ đừng sinh ra bất công. Tôi bảo rằng dối trá hiện diện khắp nơi, sự thật luôn bị lớp lớp hoả mù che lấp.
- Họ bảo, mình không nên nói, hãy im lặng. Ít nhất mình hãy giống mọi người không được nói gì. Nếu muốn, nói mình hãy nói ở trong các căn phòng hẹp, trong bóng tối thì mình cũng được tha lỗi.
- Không, tôi nói ở bất cứ nơi nào có người muốn nghe tôi nói. Lời nói của tôi về sự thật này phải được nói ra ở nơi quang minh chính đại.
Thiếu phụ lết đến chân chồng:
- Em van mình, nếu thế thì mình sẽ phải chết. Sự thật bị phơi bày nơi công chúng. Khác nào thuốc súng. Em xin mình, mình hãy đứng trong trật tự chung, trong trật tự có sẵn để bản thân mình được an toàn, em và con được bằng an. Mình hãy thương lấy bản thân mình và thương lấy con! Chẳng lẽ mình không còn yêu thương em và con nữa
- Một trật tự giả hiệu và đầy rẫy ô trọc. Không bao giờ! Tôi sẽ đánh đổi, cái chết của tôi sẽ thức tỉnh sự im lặng khốn nạn.
- Mình ơi, lẽ nào mình khăng khăng chọn lấy cái chết? Hay mình cần được vinh quang. Vinh quang chỉ là một ảo ảnh. Đừng bị nó cám dỗ. Em và con thì có thật. Cha mẹ mình thì có thật.
Socrates trừng mắt nhìn vợ.
- Mình, em van mình, em xin mình tha thứ cho em vì em đã nói như thế với mình, chỉ vì em không muốn mình phải chết. Chỉ vì em nghĩ đến con.
Ánh mắt của Socrates dịu lại:
- Nín đi em, nín đi Xanthippe thân yêu, đừng khóc, nước mắt của chúng ta quý lắm, hãy dành cho con trai, nó còn bé bỏng. Mình đừng buồn, tôi lúc nào cũng ở bên mình, cả khi tôi đã chết, hãy tin như thế Xanthippe! Xin đừng tưởng cái chết sẽ làm nên vinh quang. Có nhiều kẻ khát thèm vinh quang mà cái chết của họ muôn đời ô trọc. Còn tôi, tôi chết vì cần phải thế, vì kẻ thù của tôi không muốn cho tôi sống. Chúng không muốn kẻ dám nói về sự thật được sống, chúng không muốn sự dối trá bị phơi bày. Và tôi chết thì chúng tưởng rằng thế là xong, nhưng không, cái chết của tôi sẽ chứng tỏ chúng là kẻ yếu đuối, kẻ sợ hãi sự thật. Và sự thật sẽ càng chói lọi hơn.
- Ấy vậy thì mình hãy đi trốn, có một hạm đội từ xa đến, họ báo tin với học trò của mình rằng họ sẽ chiến đấu cho mình. Toàn những học trò yêu quý của mình đang chờ giải vây cho mình đấy. Họ bảo nếu cần sẽ nổ súng.
- Đừng làm thế. Làm thế là phá cái luật đang thi hành ở đây. Bộ luật này là một vết nhơ của lịch sử. Cứ để thời gian phán xét cùng với cái chết của ta mà do luật, từ trên môi những kẻ cầm quyền bảo thế. Cám ơn những người anh em, song ta sẽ không chạy trốn đâu. Luật pháp này buộc ta phải chết thì ta chết. Cứ để cho những người tuyên án chịu trách nhiệm của họ. Vả lại ta chạy trốn há chẳng là sự thú nhận linh hồn hèn yếu hơn thân xác hay sao? Há chẳng đã quên rằng sứ mệnh mà ta đã chọn trong cuộc đời chính là sự báo động không nguôi về công chính, công bằng và lẽ phải hay sao?
Tiếng quát trong hậu trường:
- Thôi! Im ngay. Giờ chết của mi đã điểm. Hãy mau thi hành án, bát thuốc độc trước mặt kia, hãy uống đi, đồ phản loạn. Quân vô đạo! Sống không muốn lại muốn chết? Đồ ngu xuẩn. Mi đừng mong mở mắt được ai, chẳng ai thích cái chết như mi đâu.
*
Trên sân khấu, trên bức phông màn, cảnh bình minh lúc trước đã chuyển dần thành chiều tà. Mặt trời đột ngột tắt lịm, sân khấu chìm trong bóng tối. Một phút. Đèn bỗng bật sáng màu máu đỏ.
Thiếu phụ ngã gục xuống chân chồng. Hai vệ binh chạy đến cởi xiềng xích ở chân Socrates và ấn vào tay ông bát thuốc. Anh em và bạn hữu của ông cũng chạy lại để xin ông đừng uống, nhưng ông đã mỉm cười và uống một cách thản nhiên. Lát sau thân thể ông đổ xuống trùm lên người vợ, tạo thành một nhóm tượng tuyệt đẹp. Màn hạ.
*
Phía dưới khán giả không một tiếng vỗ tay như thường lệ. Một khoảng lặng im đến rợn người, rồi người ta gào lên như vỡ ra. Nghe rõ tiếng la hét "Đúng là vết nhơ của lịch sử loài người". "Với con người không có cái chết nào vinh quang hơn". "Socrates xứng đáng đứng sau Jesus, con Đức Chúa Trời"... “Bọn già cỗi và cũ rích mới là bọn phản động”… Toàn thể nhà hát rung lên. Một biển người hừng hực kêu vang những từ: "công chính", "công bằng", “sự thật", "can đảm" và "vĩ đại"...
Chúng tôi không thể nào chen ra sớm hơn, với vóc dáng vốn nhỏ bé của người Việt, chúng tôi gần như chìm trong biển người Âu. Đến khi ra được, anh nhìn tôi đầy bất mãn và giận dỗi, còn tôi, tôi chẳng hề bận tâm để hỏi anh giận dỗi cái gì, trong tôi tràn ngập hình ảnh Socrates và những lời nói của ông. Một quãng dài đi bên nhau ven công viên Mùa Đông, chúng tôi không nói với nhau câu gì. Mãi khi gần đến nhà, anh mới bảo: “Em có muốn quay lại sân khấu với thằng cha Socrates hiện hình thì cứ việc, anh chán ngấy hắn ta là tất nhiên rồi, nhưng anh chán cả cái bộ mặt đam mê những cái không đâu ba lăng nhăng này của em. Có chăng anh chỉ thương xót người đàn bà đã lấy phải một thằng chồng gàn dở như vậy, hỏng cả một đời.”
Tôi vô cùng ngạc nhiên trước câu đuổi phũ phàng, bởi chúng tôi đang đứng trước cửa nhà anh. Tôi ngơ ngác rồi cúi xuống, anh nâng đầu tôi lên chỉ vào bầu trời trời đầy sao và chỉ vào dòng người vui vẻ đi trên đại lộ:
- Cuộc sống khác xa với sân khấu, với chữ nghĩa, với lời nói, em đừng bị lôi cuốn vào sân khấu đến mê muội như thế, cái cách truy tìm sự thật, cách minh chứng chân lý của mấy cha ấy xưa lắm rồi, cuộc sống nó giản dị chứ không phức tạp, nó diễn ra cấp tập và mạnh mẽ, không kịp để cho mấy cha ấy triết lý rồi mới sống đâu.
Tôi len lén thở dài rồi chào tạm biệt trước con mắt ngạc nhiên của anh, từ trước tới nay anh vẫn cho rằng tôi không muốn ngủ ngoài vòng tay của anh.
*
Tưởng chỉ một đêm như thế, ai ngờ suốt một tháng liền chúng tôi không ai tìm ai. Đôi khi đêm đến, cái khoảng cô đơn nhất của một ngày, khuôn mặt anh cũng hiện tới, chập chờn, sau khoảng khắc ngọt ngào, ký ức bỗng vụt ra một trân trối lời anh ta nói: "Tôi chán ngấy lão triết gia cổ lỗ đã đành, tôi còn chán cái vẻ mặt đam mê sự không đâu của cô".
Tôi xua đuổi ngay lập tức cái khuôn mặt anh ra khỏi tâm trí tôi và chìm vào cuộc suy tư mới về thân phận người đàn bà có chồng là vĩ nhân hiện ra cùng cuộc đời các vĩ nhân khác cùng với những cái chết vì ước vọng thay đổi đời sống của họ. Những hình ảnh ấy hiện ra vô cùng sống động và hấp dẫn.
Bẵng đi một dạo không gặp nhau như thế, chợt tôi nghe tin anh ấy bị bắt về tội giết người. Tin như sét đánh, bao nhiêu giận hờn quên hết, chỉ một niềm thương xót vì tôi tin chắc anh đã bị oan. Anh là người ưa thực tế nhưng chưa thực dụng đến mức có thể cướp giật của người khác để sống như một bọn chủ trương "hãy sống nốt đêm nay" vẫn thường làm ở đây để mà phải giết người.
Chạy vạy khắp nơi tôi mới kiếm được tờ phép vào thăm "kẻ giết người". Trong song sắt nhà tù trông anh tiều tuỵ, bạc nhược, ủ rũ và vô cùng thê thảm. Tôi trào nước mắt, nhìn sang thấy mắt anh cũng đỏ hoe. Tôi không sao cất được lên lời. Mãi sau anh mới nói:
"Họ bắt nhầm mà anh không sao thanh minh nổi. Em còn nhớ thằng Hùng chứ, nó gửi chiếc cặp trong thùng hàng của anh, chiếc cặp đó nó đã giết thằng Hải mà lấy được. Lúc công an khui thùng tìm thấy chiếc cặp thì thằng Hùng đã chối phắt, anh không làm sao cãi nổi nó được. Sự việc rất là rắc rối. Điều duy nhất chỉ có em biết, rằng chính cái đêm thằng Hải bị giết thì chúng ta đi xem Socrates, khi chia tay nhau đã mười hai giờ khuya, em đi, còn anh về ngay buồng của mình với sự bực bội khôn tả về em, người đàn bà mà sự sắc sảo luôn đặt đàn ông vào giữa cuộc suy tư về cuộc đời. Thằng Hải chết, anh không hề biết, nhưng mọi tang chứng đã phản lại anh.”
- Thế còn thằng Hùng đâu? - Tôi hỏi.
- Nó đã về nước từ tuần trước.
- Sao lại thế?
- Nhiều người làm chứng cho nó vô tội.
- Sao lại thế?
- Em đừng hỏi sao lại thế. Nó là con ai em biết rồi. Dễ hiểu hơn nữa là mỗi người làm chứng rằng nó vô tội nó đã tặng mấy tờ xanh (1). Phần anh chỉ có em là người làm chứng duy nhất thì hôm nay mới đến, tuy vậy anh cũng chẳng mấy tin tưởng. Em có làm chứng thì chúng ta vẫn ít ỏi quá, bọn chúng đông vô cùng, những kẻ ngửa tay cầm tờ xanh ấy.
- Em không tin quan tòa lại như vậy, em sẽ đến làm chứng cho anh! Họ còn phải căn cứ vào nhiều điều khác nữa. Chẳng lẽ xét xử một con người lại giản đơn như vậy sao?
- Tôi vô ích em ạ, họ sẽ chẳng tin em đâu. Họ cũng chẳng làm gì đâu. Nguyễn Du đã nói, quả là rất đúng, nén bạc đâm toạc tất cả!
- Tin hay không là việc của họ, còn nói sự thật là việc của em. Sự thật là căn bản của đời sống. Không có sự thật đời sống mới loạn.
Sau đó tôi còn đi lại nhiều lần nơi những cơ quan luật pháp nhưng đúng là không ai tin tôi. Họ rất có nhiều bằng cớ, chẳng hiểu lấy từ đâu ra là anh đã giết người. Tôi và anh đều thất vọng, chờ đợi những gì phi lý nhất dành cho số phận mình.
*
Tôi về nước sau khi bản án được công bố, anh phải ở tù mười năm. Trong thời gian ấy chúng tôi vẫn thư từ cho nhau, tôi hứa sẽ chờ anh cho dù có chờ cả một đời. Mười năm nữa chúng tôi mới gặp lại nhau, cả tóc tôi và anh đã bạc trắng, chúng tôi không còn đến nhà hát xem kịch nữa nhưng vẫn mê những vở kịch, và anh chính là người đã viết lại vở kịch về Socrates bằng tiếng Việt để cho người Việt trên đất Âu xem (Ngày chúng tôi xem người ta diễn bằng tiếng của họ). Chúng tôi không còn cho rằng Hôn nhân là một chiếc lồng nhốt con hoạ mi Tình yêu nữa. Nhưng con hoạ mi vẫn hót bài ca thê thảm vì giờ đây nó đã hiểu rõ những oan khóc cuộc đời.
10/ 1989
T.T.T
(1) Đồng tiền mạnh
Nguồn: http://vanvn.net