Phước Trà một thuở - Nguyễn Bá Thâm

28.06.2019

Cuối tháng Chạp năm Giáp Dần (1974, đầu tháng 02 năm 1975), khi về lại chiến trường Khu 5 chừng nửa tháng, sau bữa cơm sáng của một ngày Chủ nhật, nhà văn Phan Tứ(1) lên căn lều tôi và Nguyễn Khắc Phục ở (Nguyễn Khắc Phục lúc đó lên công tác ở Tây Nguyên đã hơn một tháng). Anh đột ngột hỏi tôi: “Nè, cậu bơi lội có khá không?”. Đang nằm trên võng, ôm cái đài National tập hát theo Chương trình tập hát của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam dành cho bạn nghe đài, tôi bật dậy, sững người và chợt nghĩ: “Lại chuyện về vụ đuối nước của Hà Xuân Phong đây. Đã nói với ảnh, bữa Phong mất, mình đang ở Phước Cẩm dự Hội nghị sơ kết Phong trào chiến tranh Nhân dân của Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức kia mà!...”.

Phước Trà một thuở - Nguyễn Bá Thâm

Tôi cảm thấy bực bội, tụt xuống khỏi võng, định lên tiếng thì anh đã kéo cái kính cận dày cộp xuống cánh mũi, vừa dụi mắt, vừa cười: “Bữa ni Chủ nhật, trời nắng ấm, tớ và cậu ngược sông Trà Nô kiếm chút tươi đi. Được chớ!”. Như để thuyết phục tôi, anh đế thêm: “Tớ bị bệnh đường ruột, ăn mãi thứ mắm cái lạt thếch, tanh rình, bụng cứ sôi òng ọc. Mà tớ biết: sông Trà Nô, sông Gia, sông Trường, cá trèng (một loại cá giống cá trê nhưng rất nhỏ), cá niêng, cá bống đá, tôm càng, đặc biệt là cá chình, nhiều lắm. Hồi năm 60 trên đường từ miền Bắc vô Trà My và cuối năm 66 khi trở ra Bắc, tớ đều đi qua vùng này. Hồi đó đất Phước Gia, Phước Trà, Phước Hiệp sông suối cá đặc nước, rừng núi đầy heo, mang, có cả cọp, gấu, voi nữa đấy. Anh nào biết săn bắt, chịu khó chút xíu thì bữa ăn không lo thiếu chất tươi cậu à!”. Nghe anh thả thính mùi mẫn, tôi mừng rơn, gật đầu. Thế là sáng ấy, tôi và anh ngược dòng Trà Nô.

Đã cuối mùa mưa, con sông Trà Nô hiền hòa, nước trong vắt, không xoáy xiết, cuồn cuộn gầm réo, đục ngầu, hung dữ như hồi tháng 9, tháng 10. Sông cạn, rộng chỉ chừng vài chục mét. Chỉ những chỗ có thác mới có hục sâu vài ba mét, còn lại cùng lắm nước cũng chỉ ngang đầu gối hay ngang lưng quần.

Suốt buổi sáng hôm ấy, theo sự chỉ vẽ của anh Phan Tứ, tôi đã học thêm được thủ thuật bắt tôm càng núp dưới những cục đá lớn, cách lùa cá niêng, cá “tén lửa” (một loại cá giống cá đối cồi, vây đỏ, động nước thì phóng như bay trên mặt nước) trên những đoạn nước chảy xiết hay các hục nước lặng, buộc lũ cá chạy trốn vào các hộc hang dọc sông để tóm chúng.

Ngược xuôi sông Trà Nô - chỉ đoạn hạ nguồn - khu rừng mà Ban Tuyên huấn đóng quân, đến xế trưa thì hai anh em cũng kiếm được hơn ba hăng gô (khoảng 5 cân) cá trèng, cá tràu hố (một loại cá lóc núi, đầu to, vây đỏ, con lớn nhất chỉ bằng cán liềm), cá bộp (như cá diếc, bụng to, thịt mỏng), cá bống đá, ít cá niêng, tôm càng và chừng vài cân ốc đá.

Tối hôm ấy, anh Phan Tứ dốc từ “ruột nghé” ra 4 lon gạo trắng - số gạo mà anh còn dành dụm được trên đường từ Bắc vào - đãi anh em một bữa cơm không ghế sắn. Đã 4 năm vào chiến trường Khu 5, ngoài những ngày tháng đi công tác xuống vùng sâu, đồng bằng Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định, còn những tháng ở cứ, chưa bao giờ tôi được ăn một bữa cơm gạo trắng, cá tươi, ngon miệng như hôm ấy.

Điều đặc biệt của lần đi bắt cá ấy cùng anh Phan Tứ, anh đã truyền dạy cho tôi kiến thức, cách sống, vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp khi sống và viết ở chiến trường. Bởi lớp trẻ chúng tôi hồi ấy, sau khi rời trường đại học được bồi dưỡng cấp tốc nghề viết văn, viết báo chỉ chừng nửa năm rồi được ra mặt trận làm phóng viên. Tất cả chuyện nghề đều đang tập tễnh. Rất ít người vào chiến trường là làm thơ, viết văn chững chạc được ngay. Có người đã bốn năm bám thực tế chiến trường, cặm cụi viết nhưng chưa có một ghi chép, một bút ký, truyện ngắn hay bài thơ được chọn in tạp chí. Với tôi, trong 4 năm ấy, vật vã lắm mà Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ cũng mới được chọn một bút ký, một bài thơ để in. Anh Phan Tứ biết rất rõ hiện trạng ấy đối với số anh em học viên được bồi dưỡng ở trường Viết văn Quảng Bá (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) - khóa phục vụ chiến trường - mà anh là một trong những nhà văn trực tiếp truyền dạy nghề, truyền chỉ kinh nghiệm sống và viết ở chiến trường cho chúng tôi. Và giờ ở chiến trường Khu 5, ở Tiểu ban Văn nghệ, anh lại là người phụ trách, cai quản số “học trò” ấy với chức danh quyền Trưởng Tiểu ban. (Thời gian này, nhà thơ Vương Linh - Hải Lê: Tên thật là Lê Công Đạo “1921 - 1992” - Trưởng Tiểu ban ra Bắc chữa bệnh; nhà văn Nguyễn Chí Trung “1930-2016” - sau này là thiếu tướng, trợ lý nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - được Khu ủy giao quyền Trưởng Tiểu ban Văn nghệ về lại Quân khu để tiếp tục giữ chức Phó Ban Văn học Quân khu).

Đã gần 50 năm trôi qua, mãi tới bây giờ trong tâm trí tôi vẫn khắc sâu câu hỏi đầu tiên nhà văn Phan Tứ hỏi tôi - khi tôi và anh vừa bước xuống một khúc sông cạn, lô nhô đá cục của sông Trà Nô - trước khi anh lật từng cục đá, bày cho tôi cách bắt tôm càng hay con cá bống: “Cậu ở đây cả năm rồi, vậy đã biết được gì nhiều về vùng đất này không?”. Tôi giật mình, lúng túng đáp: “Dạ, cũng biết sơ sơ ạ?”. “Sơ sơ là thế nào?”. Giọng anh giật cục. “Thì đây là sông Trà Nô, ngoài kia là sông Trường, cầu Bà Huỳnh, Đi về phía Tây thì có cầu Bà Xá, đi về phía Đông thì qua cầu Thanh Niên, cầu Lai Nghi, bến phà Tân An v.v...”. Anh ngắt lời: “Ôi, những địa danh ấy, ai ở căn cứ này mà không biết. Cậu là anh viết văn, đến sống ở vùng nào thì cậu phải biết, không nhiều thì ít, về địa lý, lịch sử của vùng đất đó; đặc biệt là con người, tính cách, phong tục, tập quán của họ v.v...”. Tôi dừng tay mò tôm, đứng thẳng người, từ tốn: “Ở căn cứ, nhất là ở Khu A, ai ở đâu biết đó. Tụi em đâu được cho biết mình ở thôn nào, xã nào. Gặp dân, hỏi họ, họ cũng trả lời xà quần. Có lúc họ nghi còn hỏi cả giấy tờ tùy thân. Ra khỏi cứ, đi công tác hay công tác về đều phải ở trạm giao liên đầu mối của cứ nằm đó một hai ngày. (Thực tế là để kiểm tra an ninh trước khi vào - ra khu A của căn cứ Khu ủy). Đi cõng gạo, cõng hàng thì đã có sẵn đường dây. Chặt cây làm nhà thì phải rút ngọn, không để lại cây lá khô. Ở khu A ngay gặp nai, gặp mang cũng không được bắn, cấm gây tiếng tiếng nổ mà. Việc đó anh biết rành hơn em...”. Tôi đang định tuôn một lô, một lốc những qui định bảo mật của khu căn cứ thì anh xua tay: “Đúng rồi, đúng rồi. Nhưng về con người, về địa lý, lịch sử của nơi mình đang ở thì có ai cấm cậu tìm hiểu để biết đâu. Về điểm này thì cậu phải học. Vốn sống của một người viết văn để trở thành một nhà văn đấy cậu ạ”. Tôi cứng họng. Hóa ra 4 năm qua ở chiến trường, vốn sống để sống, để viết của tôi đang rất lơ mơ. Và trong suốt buổi sáng hôm ấy tôi đã được nhà văn Phan Tứ kể khá tường tận về căn cứ địa của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 từ sau ngày Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng cho phép cách mạng miền Nam được dùng vũ khí để chống lại những tội ác man rợ, tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm, của Nguyễn Văn Thiệu và đế quốc Mỹ xâm lược.

Theo anh, con sông Trà Nô mà chúng tôi đang mò tôm, bắt cá chỉ là một con sông nhỏ, chảy từ hướng Tây Nam về hướng Đông Bắc, ở thượng nguồn có con sông Gia nhập vào. Tới hạ nguồn - nơi Ban Tuyên huấn Khu ủy đóng quân, đi bộ khoảng mươi lăm phút là gặp con sông Trường. Sông Trường là một nhánh sông khá lớn của hạ nguồn sông Tranh (phía thượng nguồn sông Tranh cũng có một dòng sông Trường, sát Nước Oa, là khu căn cứ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - ở huyện Bắc Trà My hiện thời - trước khi căn cứ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chuyển ra vùng Phước Trà - Trà Nô cuối năm 1973). Từ ngã ba sông Trà Nô - sông Trường, lội bộ chừng chưa tới dăm phút thì gặp cầu Bà Huỳnh và đường 16 (nay là quốc lộ 14E). Sông Trà Nô thuộc đất xã Phước Trà. Chếch về phía Tây Nam, gần thượng nguồn sông Trà Nô có con sông Gia đổ từ đất xã Phước Gia về. Ngược sông Gia theo hướng Tây Nam là đất Trà My. Trà My là vùng rừng núi cực kỳ hiểm trở, nằm ở mạn Đông Bắc dãy núi Ngọc Linh - nóc nhà của Nam dãy Trường Sơn, là nơi khởi nguồn của dòng sông Tranh - mà từ cuối năm 1959, Liên khu ủy Khu 5 đã chọn làm khu căn cứ. (Sau năm 1954, Liên khu ủy Khu 5 bao gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 1962, Liên khu ủy Khu 5 được chia làm 3 khu: Khu Trị-Thiên, Khu 5, Khu 6. Khu 5 - còn gọi là Khu Trung - Trung bộ gồm các tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum). Từ giữa năm 1961, nhà văn Phan Tứ đã có mặt ở Mật khu Đỗ Xá (căn cứ Nước Là) của Liên khu ủy 5, về Ban Tuyên huấn để làm một anh cán bộ vận động quần chúng, vừa viết truyền đơn, ca dao, hò vè, vừa viết báo, viết văn. Và khi Liên khu ủy 5 mở đợt Đồng khởi đầu tiên của đồng bằng Liên khu 5 ở thôn Tứ Mỹ (xã Kỳ Sanh của huyền Tam Kỳ cũ - nay thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) thì anh đã có mặt tại đó để sống với đồng bào và Đội Công tác Tuyên truyền - Vũ trang của huyện Tam Kỳ.

Với Phước Trà, theo lời anh Phan Tứ kể, cùng với các xã Phước Gia, Phước Hiệp, là vùng núi thấp của huyện Phước Sơn. Trước Cách mạng tháng 8-1945 thuộc huyện Quế Sơn, do một đồn Pháp đóng ở Tân An cai quản. Sau Cách mạng tháng 8, đất Phước Sơn và đất Trà My (thuộc huyện Tiên Phước được Ủy ban Kháng chiến-Hành chính sát nhập lại thành châu Trà My. Đến cuối năm 1948, Phước Sơn được tách khỏi châu Trà My, rồi nhập với mấy xã mé Tây Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước giáp với Phước Gia, Phước Trà và mấy xã vùng cao Giang Rẫy, giáp với Kon Tum(2) để thành lập huyện Phước Sơn.

Kể tới đây, anh Phan Tứ kéo cái kính cận ra cầm tay, dụi mắt và bật tiếng cười có vẻ hóm hỉnh: “Cậu biết ai làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính của Phước Sơn khi mới thành lập huyện không?”. Không kịp cho tôi trả lời, anh vừa gật gật đầu, vừa nói: “Mấy ông lãnh đạo tài thật. Đời thuở nào một huyện miền núi cao, đang xây dựng thành căn cứ địa cho vùng tự do Quảng Nam, cho Liên khu 5, vậy mà người đứng đầu của huyện lại là một ông nghệ sĩ, một ông nghệ sĩ chỉ giỏi về dân ca và hát Bội (tuồng)”. Dừng lại chốc lát để quấn điếu thuốc rê, vừa châm lửa, anh vừa tiếp: “Cũng may, thời đó với đồng bào miền núi, ta mới vận động họ từ bỏ dần những tập tục lạc hậu, phòng tránh các loại dịch bệnh thông thường, đưa cho họ dao, rìu, giống lúa, bắp, sắn, muối v.v..., vận động bà con chăm lo sản xuất; chỉ cho họ biết người tốt, người xấu. Mọi việc đều bám vào người có của, có uy tín trong mỗi nóc, mỗi làng. Cụ Hoàng Châu Ký nhà ta là ông Chủ tịch đầu tiên của huyện đó, nhờ có tài làm thơ, ca bài chòi, hát Bội giỏi, kể chuyện hay nên rất dễ lôi cuốn, thu phục bà con Bh'noong, Cadong(3). Bà con nơi đây máu mê ca hát mà. Hồi đó, các làng dọc đường 16, đường 14, mỗi lúc nghe tiếng lục lạc loong coong là bà con đổ ra đường đón đợi. Họ biết có ông cách mạng to nhất huyện về làng, họ sẽ được xem ông hát Bội, chỉ cho nhiều cái nghĩ hay, cái việc làm tốt.

Làm Chủ tịch huyện, cụ được tỉnh cấp cho một con ngựa đực, màu xám nâu còn tơ, làm phương tiện đi lại. Bấy giờ đường sá từ Tân An lên đèo Lò Xo trên quốc lộ 16 và quốc lộ 14, tất cả cầu cống, mặt đường đã bị phá nát theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Vả lại, phương tiện đi lại thời ấy, oai nhất, sang nhất vẫn là xe đạp. Với đường núi lên Trà My, Hiên, Bến Giằng, Phước Sơn, Chủ tịch huyện có ngựa để cưỡi cũng chỉ có cụ Hoàng Châu Ký. Tội nhất, khổ nhất là những cán bộ người Kinh ở đồng bằng lên vùng núi cao, chốn “rừng thiêng, nước độc”, “lạ nước, lạ cái”, “có đi, không về” để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con nơi đây; kiên trì vận động họ đi theo Đảng, Bác Hồ; ủng hộ Việt Minh đánh Pháp, giữ núi, giữ rừng. Ở chốn núi cao đụng trời, vực sâu không đáy, cán bộ Việt Minh muốn giao tiếp với bà con Cadong, Bh'noong thì buộc phải dựa vào những thương lái người Kinh cựu trào, thông thạo địa hình, tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào. Do dân cư ít, rừng núi lại trùng trùng, mênh mông nên có vùng cán bộ Việt Minh muốn đi từ làng này đến làng kia phải lội bộ mất cả ngày đường. Ở vùng thấp Phước Gia, Phước Trà, Phước Hiệp lại lắm cọp, gấu, rắn độc; rồi còn ruồi vàng, bọ mắt, vắt xanh đầy rẫy các ngả rừng... Vậy mà anh em cán bộ Kinh vẫn cứ bám rừng, bám núi, bám dân để cùng bà con xây dựng nơi đây thành vùng đứng chân an toàn cho cách mạng.

Bỗng anh Phan Tứ dừng kể, đôi mắt anh dường như ươn ướt, ánh lên vẻ nhìn xa xăm, giọng anh trầm hẳn: “Tớ sống đã nhiều nơi, trong nước, ngoài nước đều có. Phải khẳng định: bà con người Cor, người Cadong, Bh'noong, Cơtu ở miền Tây Quảng Nam tốt vô cùng. Có thể do sống cách biệt với thế giới bên ngoài, đời sống còn hoang sơ, nặng về chọc tỉa trong trồng trọt, sản xuất; chăn nuôi lợn bò thì thả rông; béo gầy, sống chết là nhờ trời; dường như cuộc sống thường nhật đều dựa vào hái lượm rau quả của rừng, săn bắt chim, cá, thú rừng. Đất đâu tốt, rừng nào lắm chim thú, sông suối nào nhiều ốc, cá thì họ tìm đến lập làng. Khi mọi thứ của rừng vơi cạn, họ lại tìm đất khác dễ sống hơn để lập làng. Nơi nào, làng nào ở lâu nhất chỉ được mười, mười lăm năm. Cũng như con cọp, con gấu, con voi vậy, mỗi tộc người, mỗi làng đều có vùng đất, vùng rừng núi riêng biệt, quen thuộc, nếu xâm phạm của nhau là bị phạt, có khi xảy ra đâm chém đẫm máu. Rừng núi, đất đai, dẫu nay nơi này, mai nơi khác, họ đều không bao giờ rời bỏ vùng đất rừng tổ tiên, ông cha để lại. Họ sống thật thà như đếm, một là một, hai là hai. Họ biết đùm bọc, chở che cho nhau khi no, khi đói, lúc ốm đau, hoạn nạn; sống nghĩa tình, thủy chung, son sắt; đã thương, đã tin, đã quý nhau thì sống với nhau như anh em ruột thịt. Họ ghét sự dối trá, gian lận; ức hiếp, chèn ép nhau. Và tìm mọi cách chống trả đến cùng những hành vi xấu xa ấy.

Hồi giữa năm 61, trên đường từ miền Bắc vào Liên Khu ủy Khu 5 (đóng ở Nước Là - Trà My), tớ được một anh giao liên người Cadong, biết bập bẹ tiếng Kinh, dẫn đi qua vùng Phước Trà, Phước Gia kể: Hồi đầu năm 60, nóc ông Tía nổi dậy giết chết mấy thằng đại diện, cảnh sát, tổng đoàn dân vệ của Ngô Đình Diệm. Bọn chúng ác với bà con quá mà... Vô tới Liên Khu ủy, tớ xin mấy anh lãnh đạo cho trở ra Trà Nô để tìm Tía, nhưng sau cuộc khởi nghĩa, địch kéo quân lên đàn áp vùng này dữ dội, bà con phải chạy vào những cánh rừng phía Tây Nam, giáp với vùng cao Trà My, để ẩn náu. Vả lại ở đồng bằng Quảng Nam có nơi đã vùng lên diệt ác.

Năm 66, tớ bị bệnh nặng và thương tích nhiều, được các ông cho ra Bắc chữa trị. Hồi đó bọn Mỹ đã đổ quân đánh phá, chiếm cứ một số địa phương của Quảng Đà, Quảng Nam, nhưng vùng núi Phước Trà vẫn do cách mạng hiểu về cuộc khởi nghĩa của nóc ông làm chủ. Trên đường trở ra Bắc, đến một nóc mạn Tây Nam, dưới ngã ba sông Gia, sông Trà Nô, tớ phải nằm lại gần cả tháng trời trong nóc. Các vết thương, bệnh đường ruột, bệnh sốt rét hành hạ tớ, quật ngã tớ, không thể chống gậy để theo mấy anh em ra Bắc cùng chuyến. May mà nhờ bà con Cadong nóc ấy dùng củ, lá rừng vừa chườm bóp, vừa sắc nước cho uống. Rồi mía, cháo gạo rẫy, mật ong, mật gấu, bà con bón cho hàng ngày mà tớ thoát chết, sống được đến bây giờ...”. Giọng anh Phan Tứ khàn khàn, như tắc nghẹn. Thấy vậy tôi dừng bắt tôm, nhảy lên bãi đá sát cạnh, nơi anh Phan Tứ đang trầm ngâm như để nhớ về những năm tháng gian truân buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và vội giục anh về lại cơ quan.

 

Điều may mắn của cuộc đời tôi là sau một thời gian ngắn, anh Phan Tứ và tôi được Ban chọn đi theo Bộ Tư lệnh Tiền phương của Khu ủy trong chiến dịch mùa xuân 1975, giải phóng Tiên Phước, Tam Kỳ và Đà Nẵng. Và từ cuối năm 1977 đến năm 1995 - khi anh bị bệnh hiểm nghèo qua đời - tôi đều là lính, là cộng sự của anh ở Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong quãng thời gian này, anh là Chủ tịch Hội và tôi lại là cán bộ của cơ quan Hội. Tôi tiếp tục được nghe anh kể nhiều chuyện về miền Tây Quảng Nam, về đồng bào Cor, Cadong, Bh'noong, Cơtu mà anh từng gắn bó, được biết và hiểu nhiều về họ, về vùng đất được mệnh danh là “Việt Bắc của Khu 5”.

Tôi còn nhớ, sáng ngày 24 tháng 3 năm 1975, khi nghe bọn ngụy quân, ngụy quyền bỏ chạy khỏi thị xã Tam Kỳ, căn cứ Chu Lai; ngồi cạnh tôi trên thùng xe Gát (một loại xe tải nhẹ của Liên Xô), anh Phan Tứ cứ gật gù, chậc lưỡi kêu: “Tài thật, các cụ ở Khu ủy tài thật. Mới nổ súng cái rẹt mà tụi địch đã tháo chạy như vịt. Kiểu ni chẳng mấy ngày nữa ta sẽ lấy được Đà Nẵng cho coi”. Chiều hôm ấy anh tìm gặp ông Mười Chấp - bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nhờ ông mượn cho một cái xe đạp và bắt tôi chở anh rảo khắp lượt các ngõ phố Tam Kỳ. Tối hôm ấy sau khi đã viết xong những bài báo ngắn nói về không khí những giờ phút đầu tiên của thị xã Tam Kỳ được giải phóng để gửi qua Đài Phát thanh Giải phóng Trung Trung bộ, khi đã về khuya anh vẫn trằn trọc trong bọc võng. Biết tôi vẫn còn thức, anh gọi tôi ngồi dậy rót nước, pha trà. Tôi cứ nghĩ, chắc chắn tâm trạng của anh bừng lên bao kỷ niệm. Anh rời Tam Kỳ, rời Quảng Nam, rời chiến trường Khu 5 từ năm 1966. Giờ đã 9 năm! Đất xưa giờ ra sao? Người xưa giờ ai còn, ai mất? Tối 11 tháng 3 khi từ ngả Trà My xuống, gặp anh Mười Chấp, anh Võ Bá Đoàn - những người một thuở “nếm mật, nằm gai” trong giải phóng Tứ Mỹ với anh, các anh đã hàn huyên suốt đêm. Còn lúc này anh đang nghĩ gì?

Hít hà sau khi hớp một ngụm trà Kim Phát (một loại trà xanh nổi tiếng của Quảng Ngãi thời ấy) và rít một hơi thuốc Capstan, anh gật gù lẩm bẩm: “Các cụ ta tài thật. Hồi mới về tới Trà Nô, tớ cứ nghĩ: Chắc ta sẽ hốt thằng Đà Nẵng nay mai. Ai dè các cụ lại hốt thằng Tiên Phước, Tam Kỳ trước!”. Và sau đó, tôi không ngờ anh lại nói về Trà Nô, luận về thế đứng của khu căn cứ Nước Là và Phước Trà.

 

Trong tâm thức và cái nhìn của nhà văn Phan Tứ: Vào thế kỷ XX, không một quốc gia nào trên trái đất nghèo khó, nhỏ bé như Việt Nam; không có một đất nước nào tiến hành một cuộc chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc kéo dài tới 30 năm (1946-1975); lại đánh loại được liên tiếp hai thằng đế quốc xâm lược đầu sỏ, giàu có, hùng mạnh, hung hãn nhất thế giới và diệt trừ được lũ bán nước, hại dân đê hèn, tàn bạo như Việt Nam.

Là một anh lính Tình nguyện quân đánh Pháp giúp bạn trên đất Lào, lại là nhà văn - người có khả năng dự báo về tương lai - về tới Khu 5 ngay từ ngày đầu “trứng nước” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tay sai, khi đặt chân đến căn cứ Nước Là, nhà văn Phan Tứ đã linh cảm nhận biết: Cuộc đánh Mỹ sẽ vô cùng gian khổ, kéo dài nhưng chắc chắn cách mạng sẽ toàn thắng. Anh Phan Tứ cho rằng: Chỉ việc chọn nơi đặt căn cứ đứng chân cho Liên Khu ủy là anh có thể đoán định được điều này. Vì rừng núi miền Tây Quảng Nam rất rộng, rất hiểm trở, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam có truyền thống chống Pháp ngay từ khi chưa biết cách mạng, Đảng, Bác Hồ. Sau Cách mạng tháng 8-1945, khi gặp người của cách mạng, biết người cách mạng là người đánh Pháp, loại trừ bọn người xấu, thương đồng bào, cho đồng bào muối, áo quần, thuốc chữa bệnh, chỉ bày cho đồng bào làm nhiều việc hay, việc tốt nên họ đã quý, đã yêu người cách mạng. Liên Khu ủy 5 chọn Nước Là lập căn cứ còn dựa vào một yếu tố sống còn khác: Đó là địa thế đứng chân. Nằm trên sườn Đông của Nam đại ngàn Trường Sơn - ngay ở ngã ba sông Tranh - Nước Là: đất màu mỡ, rừng già lắm thú, lắm rau quả, sông suối chằng chịt, nhiều cá, là đất dễ sản xuất tự túc, dễ kiếm cái ăn. Xuôi sông Tranh đi về phía Bắc là Phước Sơn, là Nam Giang, là Hiên, là Thừa Thiên Huế; từ đó sẽ ra miền Bắc; đi về phía Nam là Quảng Ngãi, Bình Định; đi về phía Tây là Kon Tum; từ Kon Tum là sang Gia Lai, Đắk Lắk, qua Lào, Campuchia; đi về phía Đông là tới đất Tiên Phước, Tam Kỳ, là đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v...; cán bộ Liên Khu ủy, cán bộ các tỉnh từ Bình Thuận ra, từ Trị - Thiên vào, từ Tây Nguyên xuống cũng không phải đi bộ vất vả, hiểm nguy, mất quá nhiều ngày; thế tiến công địch thuận lợi; thế phòng thủ vững chắc, an toàn; đặc biệt là được “thế trận lòng dân” bảo bọc, che chở. Đường đi hiểm trở, rừng núi dày đặc chông, thò; cán bộ ta vô, ra căn cứ đã khó nên bọn biệt kích, thám báo của Mỹ -Diệm cũng phải ớn lạnh, không dám mò tới. Vì thế hồi đó, bọn chúng phải thốt lên câu: “Dốc Quảng Nam, gan Cộng sản”.

Mười bốn năm sau (1961-1974), khi chiếc U oát thả anh xuống Văn phòng Ban Tuyên Khu ủy ở Trà Nô, anh đã sững người, mừng thầm trong bụng. Trà Nô -Phước Trà nằm bên dãy núi Vin, phía Đông Bắc sát trục lộ 16, cách sông Tranh chừng hai giờ đi bộ; cách dãy núi Ban Thùng và dãy núi Hòn Tàu - Quế Sơn chỉ hơn một buổi đường đi ghe câu theo dòng sông Trường ra sông Tranh - sông Thu Bồn, xuôi xuống Nông Sơn cũng chỉ mất ba bốn tiếng đồng hồ; dọc đường 16 (14E) về hướng Đông là gặp thị trấn Đông Phú, từ đây cuốc bộ vài ba tiếng đồng hồ là gặp quốc lộ I ở ngã ba Hương An; chếch về phía Đông Nam là thị trấn Hà Lam, là quốc lộ I, là vùng đất Sơn -Cẩm - Hà, đại bản doanh của Tỉnh ủy Quảng Nam; ngược lên hướng Tây, Tây Bắc thì qua xã Phước Hiệp, qua ngã ba làng Hồi thì gặp quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh hiện thời); từ quốc lộ 14 đi về phía Nam là qua thị trấn Khâm Đức, qua đèo Lò Xo để sang đất Kon Tum, đi về hướng Bắc là qua đất Nam Giang, đất huyện Hiên (Đông Giang và Tây Giang) để qua huyện A Lưới của Thừa Thiên -Huế hay qua huyện Kà Lùm của Lào. Ở mạn Tây đất Phước Trà, Phước Hiệp có dãy núi Glei Yang (Xuân Mãi) cao ngất trấn giữ. Cũng từ Trà Nô - Phước Trà đi về phía Tây Nam là đất xã Đốc, xã Trà Pui của Trà My (nay thuộc huyện Bắc Trà My). Từ mùa xuân 1972, vùng đất Tân An, Quế Bình, Quế Thọ chạy xuống ngã ba Việt An đã được giải phóng. Đến mùa thu năm 1974 (tháng 7, tháng 8) cứ điểm Nông Sơn và quận lỵ Thượng Đức - hai cứ điểm tiền đồn kiên cố trấn giữ phía Tây đồng bằng Quảng Nam, Quảng Đà đã bị quân Giải phóng Khu 5 và quân chủ lực của miền Bắc vào nhổ bỏ. Lực lượng quân Giải phóng của Quân khu 5 từng bước áp sát vùng đồng bằng, ven biển Quảng Nam, Quảng Đà. Thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất nhì miền Nam của Mỹ - ngụy đã nằm đầu nòng súng của quân Giải phóng.

Kể đến đây, anh Phan Tứ lại gật gù: “Các cụ ta tài thật. Ông Năm Công (Bí thư Khu ủy), ông Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5) tài thật. Hồi đầu cuộc kháng chiến, mới được phép dùng vũ khí để chống trả kẻ thù; gian khổ, khó khăn, hiểm nguy vây bọc bốn bề; để tồn tại, để đứng vững, để phát triển phong trào cách mạng thì chọn vùng đất “rừng sâu, núi thẳm”; khi cách mạng đang ở trên thế thắng, đất giải phóng đã mở ra rộng lớn thì lại chọn nơi giáp mặt với kẻ thù để đánh vỗ mặt”. Giọng anh bỗng chùng xuống: “Nhưng cũng phải mất 15 năm đấy cậu ạ! À không, phải mất 30 năm. Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Và cả triệu người Việt Nam phải gánh chịu bao thảm nạn, thảm cảnh của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược...”.

Nghe những chuyện anh kể về chiến tranh chống Mỹ, về căn cứ địa cách mạng của Khu 5, tôi thầm cảm phục, kính phục sự hiểu biết, tầm nhìn, sự cảm nhận cuộc sống thật sâu sắc, thật sâu rộng của một nhà văn lớn, từng trải như anh.

 

Tôi cũng là người may mắn được sống và gần gũi với giáo sư - nhà văn Hoàng Châu Ký, với anh Hồ Văn Điều - người Bh'noong (quê Phước Sơn, từng là Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc - Miền núi của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khóa IX), đã hỏi cụ Hoàng Châu Ký và anh Hồ Văn Điều những chuyện nhà văn Phan Tứ kể cho tôi nghe về cụ, về đồng bào Cadong, Bh'noong ở Trà Nô - Phước Trà. Cụ Hoàng Châu Ký chỉ cười: “Thằng cha Bốn Gương (tên gọi thân mật của cán bộ, bà con cánh Nam Quảng Nam dành cho nhà văn Phan Tứ - Lê Khâm. Vì anh đeo kính cận - gương - là con thứ 3 của cụ Lê Ấm và mẹ là bà Phan Thị Châu Liên - con gái của Chí sĩ Phan Châu Trinh) nhớ dai quá!”. Còn anh Hồ Văn Điều thì nhấp nháy mắt như cười: “Ồ, anh ấy mới biết sơ sơ về người Cadong, người Bh'noong, về Phước Trà thôi. Anh muốn biết, muốn hiểu về Phước Trà, về Phước Sơn, về bà con Cadong, Bh'noong, anh phải mang gạo lên đây, sống với họ chừng mười, mười lăm năm, may ra anh mới thấu hiểu được đất và người Phước Trà, người Phước Sơn anh ạ!”.

 

Tôi rời đất Trà Nô - Phước Trà vào chiều tối ngày 10 tháng 3 năm 1975. Ngày 13 tháng 3 năm 2019, tôi mới về lại Trà Nô - Phước Trà. Nếu tính theo tháng năm là đúng tròn 44 năm. Vẫn con đường 16 xưa (14E), giờ đã mở rộng, rải nhựa phẳng lì, vẫn con sông Trường có cái cầu Bà Huỳnh (thời chống Pháp ta đã đánh sập để tiêu thổ kháng chiến mà hồi chống Mỹ thường gọi là cầu Bà Huỳnh), vẫn dòng sông Trà Nô một thuở đi - về cơ quan mà chúng tôi phải lội qua, lội lại... Nhưng tất cả không còn dấu tích gì của rừng núi xưa. Rừng cây bụi, toàn cây muồng đen, cây thành ngạnh, cây máu chó, bị trơ trọi vì chất độc hóa học, vì bom đạn của đế quốc Mỹ. Còn lại là giang, nứa, cây lá nón, lau lách... Phước Trà, Trà Nô bây giờ, đồi núi đã ngút ngàn rợp mát cây cao su, keo lá tràm. Các làng nóc xưa không còn là làng ông Tía, nóc ông Tía, làng ông Êng, ông Sum mà là thôn 1, thôn 2, thôn... theo chữ số cứng đờ, vô cảm. Đường đi không phải chui rúc, luồn lách, lên dốc, xuống vực như xưa mà tất cả đã được rải bê-tông. Nhà cửa không còn lụp xụp, hôi nồng mùi khói trong những căn nhà dài - có tới chục bếp lửa chen chúc (thời chiến tranh chúng tôi gọi là nhà toa tàu) mà dọc đường bê-tông, nhà gỗ, nhà ngói, nhà lợp tôn - từng gia đình - được qui hoạch hẳn hoi, nối liền nhau, chẳng khác gì những nhà làng xóm ở đồng bằng. Chỉ khác nhau là làng, nóc đều nép cạnh hay dưới những tán rừng xanh ngắt.

Khi tôi rời Phước Trà thì trời đã tối. Và điện đã rực sáng khắp mọi nhà. Đây đó tivi đã vang lên tiếng ấm áp của cô phát thanh viên Mai Anh trong bản tin thời sự trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây đó vang lên câu hát lý của người Cadong. Đây đó vang lên tiếng trẻ học bài.

Cùng với Đình Ngạt - cán bộ văn hóa của huyện Hiệp Đức và nhạc sĩ Dương Trinh - người dân tộc Cor từ Bắc Trà My sang, tôi và các bạn cùng về thăm căn cứ quay lại cầu Bà Huỳnh, đốt nén hương rồi rải xuống dòng nước sông Trường. Những gương mặt của bạn bè, đồng nghiệp tôi đã ngã xuống đất Phước Trà, xuống đất Quảng Nam, xuống chiến trường Khu 5; gương mặt của Hà Xuân Phong, của anh Phan Tứ, của cụ Hoàng Châu Ký như ẩn hiện, thấp thoáng trên mặt nước sông Trường. Đêm xuống đất trời ở sông Trường, sông Trà Nô, rừng núi Phước Trà thật tĩnh lặng, yên bình.

 

(1) Nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm, 1930-1995) quê xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Từ 1950 ông là Tình nguyện quân đánh thực dân Pháp trên chiến trường Lào. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, học ngành Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961 ông về Ban Tuyên huấn Liên Khu ủy 5, vừa làm phóng viên mặt trận, vừa làm cán bộ vận động quần chúng ở vùng sâu, vừa sáng tác.

Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Lào, nói và sành sỏi về cuộc sống của đồng bào Cor, Cadong.

Năm 1966, do thương tật nặng và nhiều bệnh hiểm nghèo, ông phải ra Bắc chữa trị. Cuối năm 1974 ông về lại chiến trường Khu 5.

Ông là Ủy viên Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, đại biểu Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng từ 1978-1990.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông: · Trước giờ nổ súng · Bên kia biên giới · Trên đất Lào · Về làng · Gia đình má Bảy · Trong mưa núi · Măng mọc trong lửa · Trại ST 18 · Mẫn và tôi · Người cùng quê (3 tập)  · Từ chiến trường Khu 5 - Nhật ký và ghi chép Văn học (3 tập) · Sông Hằng mẹ tôi (dịch tiểu thuyết Ấn Độ).

Nhà văn Phan Tứ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - năm 2000.

(2) Giang Rẫy: Gọi theo tên hai thủ lĩnh người Bh'noong (thuộc dân tộc Giẽ Triêng) - người làng Cà Dhoạt Mừng (xã Phước Công ngày nay), trước Cách mạng tháng Tám - 1945 đã nổi dậy chặn đánh bọn lính Pháp từ đồn Đák Glei xuống Phước Sơn để bắt người Bh'noong làm đường, nộp sưu thuế, sản vật quý, buộc bọn Pháp và tay sai phải kinh sợ, dè chừng, khi cai quản vùng đất này.

(3) Hoàng Châu Ký (1921-2008): Quê Cẩm Kim, Hội An - Nhà văn, Giáo sư Nghệ thuật. Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Phước Sơn, ông về làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục, phụ trách Phân hội Văn nghệ (kháng chiến) Quảng Nam. Sau 1954, tập kết ra Bắc, ông từng là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hiệu trưởng trường Sân khấu, Viện trưởng Viện Sân khấu v.v... Sau 1975, ông là Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Đà Nẵng.

N.B.T