Vài kỷ niệm về nhà văn Bùi Tự Lực - Thanh Quế

02.06.2020

Vài kỷ niệm về nhà văn Bùi Tự Lực - Thanh Quế

Cách đây một tuần, Bùi Tự Lực gọi điện cho tôi: “Hết giãn cách xã hội là anh em mình đi lên Hiệp Đức, Khâm Đức nhé anh! Lâu rồi, tụi bạn nhắc mãi, lên quậy với chúng nó một bữa”.

Vậy mà hôm nay Bùi Tự Lực đã ra đi. Lực đi vội quá, đột ngột quá...

Tôi quen Bùi Tự Lực vào những năm 90 của thế kỷ trước. Dạo đó, Phan Chí Thanh, một cây bút làm thơ trẻ dẫn đến nhà tôi một người cao, gầy, giới thiệu: “Đây là anh Bùi Tự Lực, hiệu trưởng một trường cấp hai ở Thăng Bình - Quảng Nam, ảnh có làm thơ, muốn chú xem dùm”. Lực rón rén mở túi dết, lấy ra một sấp giấy đưa cho tôi: “Nhờ anh xem giùm em”. Lực tâm sự thêm: “Em khổ từ nhỏ. Lúc năm sáu tuổi, ba em bị địch bắt đi tù, mẹ em bị o ép phải đi lấy chồng khác. Em sống với bà nội. Bà nội em là người hết sức thông minh khôn khéo, luôn đi đầu trong những cuộc đấu tranh với giặc. Bà bị bọn địch hèn nhát thủ tiêu trong một đêm tối trời. Sau này bà được nhà nước phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 12 tuổi, Lực xin bà cho đi làm giao liên ở trạm giao liên Thăng Bình. Mấy năm sau, Lực được các chú lãnh đạo cho ra Bắc học. Tốt nghiệp cao đẳng Văn sử vừa lúc giải phóng Miền Nam, Lực xung phong về quê dạy học.

Tôi đọc tập thơ, thấy cảm động lắm, toàn mất mát và chia ly. Tôi đưa một số bài cho tạp chí Đất Quảng của Hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng sử dụng. Một thời gian sau, Lực nhờ tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ Mùa hoa bưởi. Xem tập thơ này, tôi thấy Lực làm thơ được. Nhưng sao tôi vẫn cứ tiếc. Với cuộc đời phong phú của Lực, giá Lực viết văn xuôi sẽ hay hơn. Tôi bộc bạch với Lực:

- Sao cậu không tập viết văn xuôi? Vốn sống của cậu phong phú lắm.

- Em định viết tiểu thuyết về bà nội em có được không anh?

Tôi nói:

- Tiểu thuyết khó lắm, phải có kết cấu này nọ, mà Lực chưa viết văn xuôi bao giờ, chi bằng, Lực cứ kể những kỷ niệm về bà một cách chân thực thì tốt hơn.

Thế là Lực cặm cụi viết những kỷ niệm nhỏ về bà. Được vài mẫu, Lực cho tôi xem. Tôi rất thích và khuyến khích Lực viết thêm nhiều mẫu như thế nữa. Thế rồi, chúng tôi ngồi xâu chuỗi những kỷ niệm ấy vào với nhau để trở thành một truyện vừa hết sức xúc động - đó là tập Nội tôi.

Tập Nội tôi của Lực đã được giải nhì trong cuộc thi sáng tác truyện của nhà xuất bản Kim Đồng năm 2000-2001. Sau đó Lực viết tiếp những kỷ niệm thời làm giao liên của mình, và tập truyện vừa Những nẻo đường giao liên ra đời. Chúng tôi giới thiệu Lực vào Hội nhà văn Việt Nam và được Ban chấp hành chấp nhận. Được đà, Lực phấn khởi viết tiếp những truyện ngắn về tuổi thơ. Bấy giờ, Lực trở thành một cộng tác viên đắc lực của nhà xuất bản Kim Đồng.

Cách đây gần chục năm, Lực đến nhà tôi chơi và kể câu chuyện về một con chó hoang ở khu vực Lực đang sống rất lạ, nghe xong tôi xúi Lực viết. Lực viết say mê suốt 4 tháng trời thì xong tập truyện dài Chó hoang. Đọc, tôi hết sức kinh ngạc về sự chuyển biến trong cách viết của Lực. Từ những truyện kỷ niệm của đời mình, Lực đã viết về cuộc sống hiện tại ở Đà Nẵng hết sức sinh động. Chất triết lý cũng thuần thục hòa nhuyễn với hiện thực. Đây là một bước tiến mới của Bùi Tự Lực. Tập truyện đã được nhà xuất bản Kim Đồng đánh giá cao và chỉ trong mấy năm đã tái bản đến 3 lần.

Gần đây, Lực nói với tôi Lực bị đau ốm nhiều. Cứ vài tuần, lại ghé nhà tôi chơi, nói vừa đi khám bệnh lấy thuốc. Biết sức khỏe Lực suy yếu dần dù mới trên 60 tuổi, nhưng tôi vẫn động viên Lực viết tiếp những dự định mà lực ấp ủ.

Ai ngờ...

Lực đột ngột ra đi vào đêm 30/4, giữa ngày vui toàn thắng của dân tộc...

Nghe tin tôi hết sức bàng hoàng.

T.Q