Bức bích họa được vẽ từ niềm tin và hy vọng - Long Vân

02.06.2020

Bức bích họa được vẽ từ niềm tin và hy vọng - Long Vân

Khi tôi đặt bút viết bài này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, khiến không ít quốc gia có nền y học tiên tiến, hiện đại bậc nhất cũng phải lao đao. Trong khi đó, Việt Nam đã có những biện pháp phòng, chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19 bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể. Việt Nam có ca nhiễm mới ít hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều. Có được kết quả đó là nhờ sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là lực lượng “tuyến đầu” chống dịch, như Y tế, Công an, Quân đội. Và, đầu tháng Năm này, đã tròn 20 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Ngày 6-5, trong tổng số 271 ca dương tính thì đã có 232 ca được chữa khỏi và xuất viện; còn 39 ca đang điều trị thì có 9 người kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV- 2 từ 2 lần trở lên. Đã có nhiều người nước ngoài sau khi hết thời hạn cách ly tập trung; hoặc xuất viện sau khi được chữa khỏi bệnh dịch Covid-19, còn được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện “hồi cố hương”. Họ trở về nước và mang theo “hành trang” là tình cảm nồng ấm của những con người Việt Nam thân thiện, mến khách; dù còn nhiều khó khăn, thậm chí phải đối mặt với sự lây nhiễm chéo của dịch bệnh, song vẫn không chút nề hà, vẫn cố gắng vượt qua, nhiệt tình giúp đỡ họ tránh được sự lây nhiễm của căn bệnh quái ác. “Xin cám ơn! Cám ơn Việt Nam!”... Đó là những lời cám ơn chân thành từ những du khách nước ngoài gửi lại trước khi lên máy bay rời Việt Nam về lại quê hương mình...       

 

Tôi đã gặp và trò chuyện với Irena Petkovic, một kiến trúc sư đến từ Serbia, cũng là người đã vẽ bức bích họa “đặc biệt” tại Bệnh viện 199 - Bộ Công an, đóng ở đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Irena đã bỏ công sức mày mò vẽ bức tranh suốt 3 ngày liền, khi cô biết mình sắp hết thời gian cách ly. Bức tranh được vẽ lên bức tường mặt tiền của gian tiếp đón bệnh nhân, thuộc khu vực cách ly tập trung tại Bệnh viện 199. Nhiều người đến đây xem tranh và rất ngạc nhiên, vì bức tranh không đơn thuần chỉ vẽ lại hình ảnh chân chất, hiền lành “ăn sóng, nói gió” của những ngư dân, hay nếp sống, sinh hoạt của làng biển như ở làng du lịch bích họa Tam Thanh (Quảng Nam). Nó cũng không mang màu sắc tuyên truyền, vận động mọi người hưởng ứng, giữ gìn vệ sinh môi trường như thường gặp ở một số bức tường trong kiệt, hẻm của các khu dân cư đông đúc. Bức tranh được vẽ nên từ niềm tin và hy vọng của Irena. Cô trãi lòng: “Được tin sắp ra viện, chúng tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì được xuất viện sau 14 ngày ròng rã ở bệnh viện, nhưng cũng buồn vì phải xa nơi này, xa những con người tử tế ở đây. Chúng tôi muốn để lại bức tranh này làm kỷ niệm, cũng là niềm tin và hy vọng của chúng tôi đối với Việt Nam sẽ đẩy lùi được đại dịch COVID-19 trong tương lai không xa”...

Irena kể rằng, cô cùng bạn trai là Bojan đến Đà Nẵng để du lịch. Nhưng mọi sự háo hức của họ về cây cầu vàng trên đỉnh núi Bà Nà, hay 5 ngọn núi nằm bên bãi biển từng được một tờ tạp chí Mỹ ca tụng bãi biển đẹp nhất hành tinh... đã vụt tan biến. Vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, họ đã được đo thân nhiệt, kê khai y tế. Và, khi phát hiện Irena bị sốt cao, thế là cả hai được đưa vào cách ly 14 ngày tại Bệnh viện 199. “Đó là ngày 25-3-2020, ngày khởi đầu cho chuyến du lịch của chúng tôi khi đến Đà Nẵng. Khi được đưa đến bệnh viện để cách ly, tôi và Bojan vô cùng thất vọng, chán nản và bực bội...”, Irena nhớ lại.

Nhớ lại những ngày đầu cặp đôi Bojan và Irena nhập viện, bác sĩ Hà Quang Phương, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện 199, kể rằng, thời gian đầu thực hiện cách ly đối với Bojan và Irena, các y, bác sĩ bệnh viện và nhân viên y tế rất vất vả. Do bởi, họ luôn tỏ ra bực dọc, khó chịu, thường xuyên cáu gắt. Mặc dù Bojan và Irean biết tiếng Anh, song việc tiếp cận trò chuyện, động viên cho họ hiểu được công tác cách ly phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan theo quy định của Chính phủ Việt Nam là cần thiết, cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã không chút phiền lòng, nản chí. Các y, bác sĩ bệnh viện đã dành nhiều thời gian để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho Bojan và Irena mọi việc, khi họ có yêu cầu. “Chúng tôi xem Bojan và Irena như người thân trong gia đình. Nhẫn nại chịu đựng sự cau có, bực bội của họ và sẵn sàng giúp họ khi cần thiết. Dần dà họ đã cảm nhận được tình cảm đó từ chúng tôi và bình tâm hơn. Và, thú thật, khi nhìn thấy họ cười vui là chúng tôi như cất được gánh nặng trong lòng mình...”, Bác sĩ Hà Quang Phương tâm sự. 

Kể về bức bích họa của Irena, bác sĩ Lê Thị Xuân, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện 199, cũng góp thêm câu chuyện “then chốt” đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ bực dọc của Bojan và Irena. Đó là những ngày đầu vào bệnh viện cách ly, Irena luôn tỏ ra tức giận, thậm chí còn khóc như trẻ con và nói rằng, cô rất buồn chán, vì sắp đến sinh nhật Bojan mà cả hai đã phải ở bệnh viện để cách ly... Biết được điều này, các y, bác sĩ bệnh viện vừa thay nhau động viên, thăm hỏi thường ngày; vừa bàn bạc tổ chức mừng sinh nhật cho Bojan. “Thật may, khi lần đầu cả hai được xét nghiệm âm tính, thế là chúng tôi đặt bánh sinh nhật và chọn một phòng nhỏ gần khu cách ly để tổ chức sinh nhật cho Bojan. Chúng tôi bố trí hơn 10 y, bác sĩ, nhân viện y tế; tất nhiên tất cả đều mặc đồ bảo hộ y tế và bịt kín khẩu trang. Bojan và Irena cũng vậy, hai người cũng bịt kín khẩu trang và được mời đến. Khi họ bước vào gian phòng, tất cả chúng tôi đều hát vang bài hát Happy Birthday chúc mừng sinh nhật. Nhìn thấy hoa và bánh sinh nhật, cả hai đã khựng người lại, xúc động đến tột độ, rồi liên tục nói “cảm ơn” với chúng tôi. Bojan bày tỏ rằng, anh ta đã rất bất ngờ, vì chưa từng thấy y, bác sĩ, nhân viên y tế ở nơi nào làm điều này. Cũng từ đó, Irena và Bojan đã cởi mở hơn, nói cười nhiều hơn đối với các y, bác sĩ ở khu cách ly...”.     

Khi được biết chỉ còn non tuần lễ nữa là đủ 14 ngày cách ly và ra viện, Irena đề nghị các y, bác sĩ mua giúp cho cô các loại sơn màu để vẽ lại một bức tranh tường kỷ niệm những ngày được cách ly. Irena nói rằng, dù không được đi tham quan các danh lam, thắng cảnh, hoặc tắm biển, ngắm cảnh mặt trời lên ở bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhưng những ngày cô cùng với Bojan sống trong bệnh viện, được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình cũng là những ngày rất đẹp. Cô muốn vẽ bức tranh tường để lưu lại làm kỉ niệm, cũng là bày tỏ niềm tin, hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch Covid-19, khi có biện pháp nhanh nhạy ứng phó với dịch bệnh, với những đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch; trong đó có các y, bác sĩ, nhân viên y tế tận tâm, tận lực vì công việc, vì sự tồn tại của cuộc sống mỗi người. Và, lãnh đạo Bệnh viện 199 đã đồng ý để Irena thực hiện ước nguyện của mình. Irena đã bắt tay vào vẽ ròng rã trong 3 ngày liền và bức bích họa trước gian đón tiếp bệnh nhận vào khu cách ly đã hoàn thành... 

Bức bích họa vẽ một cậu bé Việt Nam với khuôn mặt bình thản, đầu đội nón lá, tay cầm cần câu, ngồi trên một phiến đá giữa một rừng lá xanh và những chiếc lồng đèn xinh xắn đang tỏa sáng. Trên đầu cậu bé là bầu trời đêm nhấp nháy những vì sao. Có một điều kì lạ, cậu bé không câu cá mà đầu móc câu là cuốn sách có bìa ghi hai chữ Việt Nam. Giải thích cho sự ngạc nhiên của mọi người khi đến ngắm tranh, Irean bảo rằng, cô muốn khắc họa một hình ảnh đất nước Việt Nam yên bình; mặc dù “bầu trời đêm” đại dịch đã làm cho vạn vật xung quanh như tối lại, nhưng ở Việt Nam vẫn được chiếu sáng bởi những “tia sáng hy vọng”, dù những tia sáng ấy như tia sáng của những chiếc đèn lồng. Bằng cách sống, cách nghĩ và cách làm, cũng như sự thân thiện của người Việt Nam, cô tin rằng, dịch Covid-19 sẽ không còn trên đất nước này và sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn. Đó cũng là niềm tin của cô đối với Việt Nam, cũng như sự an nhiên, bình thản của cậu bé trong tranh khi truy cầu cuốn sách của tri thứ c mang tên Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh...

Câu chuyện của Irena và Bojan đã gợi lại cho tôi những ấn tượng trong ngày đến khu cách ly tập trung Hội An Beach Resort tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, khi phối hợp cùng đại diện Hội Golf Đà Nẵng trao tiền hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ trực chốt điểm cách ly này. Bắt đầu ngày 17-3-2020, Hội An Beach Resort đón 87 du khách nước ngoài là những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính Covid-19 đến cách ly; trong đó có một nhà báo người Bỉ là anh Jan Bleyenberg. Khi được chuyển từ một khách sạn trên địa bàn thành phố Hội An đến cách ly, Jan Bleyenberg đã tỏ thái độ không hợp tác, không đồng ý và đề nghị được quay trở lại khách sạn ban đầu. Trước tình thế khá bất ngờ này, các cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ đã nhẹ nhàng, khéo léo tuyên truyền, thuyết phục. Sau khi ở lại Hội An Beach Resort một thời gian, thấy các cán bộ, chiến sĩ Công an trực điểm chốt này quá tận tình với du khách nước ngoài đến cách ly mà không hề đòi hỏi bất cứ một điều gì; tất cả du khách nước ngoài cách ly đều được miễn phí, không phải tốn một cắc bạc nào; Jan Bleyenberg như hiểu ra mọi việc, đến đây cách ly chỉ vì mục đích không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Và, anh đã khóc, gửi lời xin lỗi đến lực lượng Công an làm nhiệm vụ. Trung tá Dương Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam, trao đổi rằng, bắt đầu ngày 17-3-2020, Hội An Beach Resort đã đón 87 du khách nước ngoài là những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính Covid-19 đến cách ly. Tại điểm cách ly này, ngoài việc trực gác đảm bảo an ninh trật tự, các cán bộ, chiến sĩ Công an cũng phải làm “người vận chuyển” đồ ăn, thức uống; chạy đi mua giúp những đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho du khách cách ly. Trung tá Dương Minh Hùng tâm sự: “Thậm chí, anh em chúng tôi còn phải làm nhiệm vụ dọn vệ sinh buồng phòng cho họ, mua băng vệ sinh cho những phụ nữ đến ngày “đèn đỏ”… Thế nhưng, tất cả anh em làm nhiệm vụ tại đây không một ai nề hà, hay cáu gắt. Mọi người đều làm việc hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Cũng vì thế mà nhiều du khách nước ngoài cách ly tại đây đã cảm kích, chia sẻ với chúng tôi trong công việc”.

Ngoài chuyện nhà báo Bỉ, Jan Bleyenberg, Trung tá Dương Minh Hùng cũng kể cho tôi nghe về trường hợp một du khách đến từ Ba Lan, là Joanna Zythowska. Trong thời gian cách ly, thấy các cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ quá vất vả, dù không biết tiếng Việt, nhưng cô Joanna Zythowska đã sử dụng Google dịch để viết bức thư cảm ơn đầy xúc động bằng tiếng Việt. Joanna Zythowska bày tỏ lời cảm ơn đến các nhân viên y tế đã chăm sóc sức khỏe các du khách mỗi ngày, mạo hiểm cuộc sống vì họ; cảm ơn các anh Công an bảo vệ, đáp ứng rất hiệu quả với nhu cầu và yêu cầu của du khách, cho họ những bữa ăn ngon, bao gồm cả bánh mì mà họ yêu thích. Cảm ơn cư dân của Hội An đã mang nước uống, trái cây đến nơi cách ly cho họ... Đoạn cuối bức thư, Joanna Zythowska nói lên những nỗi niềm tự đáy lòng mình: “Việt Nam là một đất nước của những con người tuyệt vời, tuyệt vời những trái tim đẹp. Chúng tôi chắc chắn sẽ muốn quay trở lại một ngày nào đó để hoàn thành hành trình của chúng tôi”.

Không riêng Joanna Zythowska, khi hết cách ly rời Hội An Beach Resort về nước, trên máy bay, cô Cristina Daus, Trưởng đoàn du lịch của nhóm 15 du khách đến từ Rumani, cũng gửi email thư cám ơn đến tổ công tác do Trung tá Dương Minh Hùng phụ trách. Trong thư, Cristina Daus viết rằng, cô và các thành viên trong đoàn du lịch Rumani luôn nhớ về những ngày tháng cách ly ở Việt Nam như một trải nghiệm rất đặc biệt. Họ không thể đòi hỏi sự giúp đỡ nào tốt hơn thế, vì các nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ Công an trực tại đây quá tuyệt vời trong việc giải quyết nhanh chóng mọi vấn đề họ cần và luôn thường trực nụ cười trên môi, mà họ đều có thể cảm nhận được, dù bị che khuất sau khẩu trang. Họ đã được chăm sóc, phục vụ rất tốt! “Đây là lần thứ 3 tôi đến Việt Nam nhưng lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cùng một nhóm người như vậy trong 14 ngày cách ly và tôi có thể nói, tất cả các bạn là đại diện tuyệt vời của đất nước bạn. Ngay cả những du khách khó chịu nhất cũng phải thừa nhận điều đó và tự hỏi rằng, tìm đâu ra được nơi nào khác chúng ta có thể có được sự đối xử tuyệt vời như vậy, trong tình huống như thế này?... Tôi hy vọng rằng, sự lây lan của virus này sẽ sớm dừng lại để tôi có thể quay lại với các nhóm khách du lịch khác để cho họ thấy vẻ đẹp của đất nước của bạn”...

Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 cho tôi biết thêm, từ cuối tháng 1-2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Bệnh viện 199 đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đội ngũ nhân lực, cũng như có các phương án cụ thể để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đến tháng 3-2020, Bệnh viện được UBND TP. Đà Nẵng và Sở Y tế tin tưởng chọn làm nơi cách ly đối với các trường hợp cần theo dõi. Bệnh viện đã tổ chức cách ly và đảm bảo chế độ sinh hoạt cho gần 300 trường hợp đến từ các vùng dịch, hoặc có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 60 người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng sàng lọc để sớm phát hiện các trường hợp mắc bệnh để chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị theo nhiệm vụ được phân công. Qua công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện cũng tuyên tuyền cho người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ bản thân, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng... Với sự nỗ lực đó, ngày

1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có bằng khen tập thể y, bác sĩ, công nhân viên Bệnh viện 199, về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc...

Đến thời điểm tôi chắp bút viết bài này, các trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam được cách ly tập trung để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đã hết hạn cách ly; hoặc nhiều người bị dương tính với dịch bệnh cũng được chữa khỏi và được xuất viện, lên máy bay về nước. Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia với nền y học tiên tiến, hiện đại bậc nhất. Còn đối với Việt Nam, với nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sự góp sức rất lớn từ lực lượng “tuyến đầu” “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” đã mang lại hiệu quả đáng kể. Thế giới ca ngợi Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Và, bức bích họa của Irena vẽ tại khu cách ly của Bệnh viện 199 như một lời chứng minh, nhắn gửi cho mọi người niềm tin và hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Irena cũng như nhiều du khách chưa có được một kỳ nghỉ trọn vẹn, nhưng trong hành trang trở về của họ đã mang theo nhiều tình cảm của các y, bác sĩ; của các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, những người Việt Nam hồn hậu mến khách, dù đất nước đang còn khó khăn, song ứng phó với đại dịch Covid-19 vẫn bình tĩnh và quyết tâm, quả cảm vượt lên chính mình để giành chiến thắng...

L.V