Từ ngữ nghề biển trong đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

02.06.2020

Từ ngữ nghề biển trong đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

1. Đặt vấn đề

Biển là một là trong những môi trường sinh thái gắn bó với sự hình thành và phát triển của loài người. Nếu con người có được vốn tri thức phong phú và lâu đời bao nhiêu đối với đất đai, rừng núi, sông ngòi, thảo nguyên,... thì cũng có chừng đó những hiểu biết về biển cả bao la mà trong lòng nó chứa đựng những nguồn tài nguyên phong phú, cần thiết cho đời sống con người, đồng thời cũng tiềm ẩn trong đó không ít hiểm nguy.

Với Đà Nẵng, một thành phố chạy dài ven theo biển miền Trung, đại bộ phận ngư dân nơi đây sống thành các xóm làng ngay trên bãi cát sát biển hay lùi xa vào trong bãi một chút. Nghề đi biển cũng được hình thành từ lâu đời. Kể từ khi những lưu dân người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ trên bước đường Nam tiến đã vào đây định cư, họ “gặp” những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - Polynésien) là người Chăm - một dân tộc nổi tiếng trong lịch sử với nghề buôn bán, khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển. Trong quá trình chung sống, người Việt đã giao lưu học hỏi cách làm thuyền buồm, cách chế tác ngư cụ để đánh bắt xa bờ của người Chăm, dần dần họ trở thành chủ nhân của vùng đất mới. Trải dài theo thời gian, ngư dân Đà Nẵng đã sáng tạo và lưu truyền nhiều câu tục ngữ, ca dao, lý, hò, vè,... Tục ngữ, ca dao vùng biển Đà Nẵng chính là kho tàng tri thức quý báu của ngư dân miền biển, nó góp phần quan trọng trong cuộc sống của cư dân các làng chài. Đó là những kinh nghiệm về thời tiết, về nghề nghiệp đánh bắt, chế biến thủy sản của ngư dân được đúc kết từ bao đời nay. Nó thể hiện sắc thái riêng của địa phương, đồng thời có tính khái quát cao, để có thể áp dụng cho những vùng khác. Nhờ những kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian mà các làng chài đã tránh được những mất mát về con người cũng như tài sản trong quá trình ra khơi, nhọc nhằn theo cuộc mưu sinh kéo dài hàng tháng trời lênh đênh trên biển cả mênh mông. Cho dù bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc hiện đại, song những tri thức được lưu truyền từ trong dân gian vẫn luôn giữ nguyên giá trị ban đầu của nó với nguyên lý sống và nhận định của con người qua nhiều năm tháng mà thế hệ kế tiếp luôn phải học tập.

2. Từ ngữ về nghề biển trong đời sống văn hóa của ngư dân Đà Nẵng

2.1. Từ ngữ nghề biển trong giao tiếp, ứng xử

Giao tiếp ứng xử thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Dân tộc ta từ xưa đến nay coi trọng điều đó và thường khuyên bảo nhau rằng “lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong gia đình hay ngoài xã hội, giao tiếp ứng xử luôn được dân ta chú ý. Giao tiếp ứng xử trong gia đình trước hết lấy chữ hiếu làm đầu. Đối với cư dân miền biển cũng vậy, đối với họ, cha mẹ là biển là trời.

Mẹ cha là biển là trời

Con đâu có dám cãi lời mẹ cha.

Cuộc sống của người dân chài luôn vất vả, khổ cực, người đàn ông làng chài quanh năm suốt tháng bám biển, lênh đênh trên biển, sống nhờ bọt biển mà những hiểm nguy, bất trắc luôn rình rập. Chính vì vậy, những người vợ ở nhà rất hiểu và thương chồng, họ chăm lo vá lưới, chăm sóc gia đình rất đảm đang:

Khéo khen con gái xóm chài

Thức khuya dậy sớm chẳng nài lưới hư

Lưới hư thì mặc lưới hư

Tôi đi bắt ốc cũng dư nuôi chồng.

 Nghề biển có khá nhiều gian lao, nguy hiểm. Biển cả thì bao la và rộng lớn, còn con người thì nhỏ bé, vì vậy những người sống bằng nghề biển, sinh mạng của họ luôn bị đe dọa hơn so với những nghề khác. Mỗi lần họ ra khơi thì không biết trước được những điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Và không chỉ riêng họ, những người vợ ở nhà bao giờ trong lòng bao giờ cũng sống trong tâm trạng lo sợ và cảm thấy bất an:

Có chồng nghề ruộng em theo

Chồng làm nghề biển hồn treo

cột buồm.

Dù biết sinh mạng của người chồng lúc nào cũng bị đe dọa bởi thiên nhiên nhưng tình yêu của những người phụ nữ không vì thế mà thay đổi. Họ ở nhà chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái, chăm lo làm lụng không kể ngày đêm. Sự đảm đang và thủy chung của họ là nguồn động lực vô cùng to lớn đối với những người chồng đang vươn mình ra biển, sống cùng biển. Điều đó được đúc kết qua câu ca:

Khen thay con gái Thọ Quang

Sớm mai đi chợ, tối đan mành mành.

Những câu ca dao được người dân truyền tụng, hát hò trong những lúc đang lao động đôi khi cũng tạo được ý nghĩa sâu sắc nhằm răn đe thói hư tật xấu của người đời. Người ta quan niệm giá trị của cái gì đó với cá lớn ở vực sâu, hay thói đời thường không vừa lòng với những gì đã có với thành ngữ Kén cá chọn canh để rồi kết quả là không đạt được cái gì.

- Cá lớn phải ở vực sâu

Tiền nào của nấy câu mâu nỗi gì.

- Béo chê ngấy, gầy chê tanh

Kén cá chọn canh, anh đành bỏ vợ.

Hay khi người ta khuyên bảo nhau chăm chỉ làm việc:

- Ngồi không sao chẳng xe gai

Đến khi có cá, mượn chài ai cho.

- Cá khôn chẳng núp bóng dừa

Gái khôn chẳng đến lê la nhà người.

Người dân miền biển sống nương nhờ vào biển. Nghề đi biển cũng phụ thuộc vào may rủi, có khi đi một ngày đủ ăn cả tháng nhưng cũng có chuyến đi không được gì. Những lúc gặp rủi ro do thiên tai thì lại càng khốn khó. Vì vậy cũng người dân miền biển đề cao đức tính cần kiệm, chịu thương chịu khó trong việc tích lũy dành dụm của cải cho gia đình.

Chắp đầu cá, vá đầu tôm

Miếng ăn miếng để, miếng chôn

trong nhà.

          Những vật dụng hàng ngày gắn với người dân biển như đăng, đó, lưới, câu cũng được đưa vào ca dao, tục ngữ với hàm ý rằng sự thuận thảo của vợ chồng, con cái, sự thủy chung của lứa đôi, lòng thương nhớ quê hương cũng là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của họ:

- Chồng chèo vợ lưới con câu

Thằng rể lóng ngóng con dâu dật dờ.

- Gỏi chi bằng gỏi cá kiềm

Đem ra đãi bạn, trọn niềm thủy chung.

- Xin đừng ham đó bỏ đăng

Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.

- Bao giờ cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng.

- Rừng Sơn Trà cây cao bát ngát

Nước sông Hàn dào dạt sóng xanh.

- Dặm ngàn chi sa nắng mưa,

Hóa Đông bến cũ lòng chưa cạn lòng.

Những địa danh, những sản vật của biển hoặc vật dụng của nghề biển cũng được người dân đưa vào đó những ý nghĩa hết sức thâm thúy:

- Chớp giăng núi Chúa, hạc múa

Sơn Trà

Lòng ta thương bạn, chiều lại nồm

 bạn trông ta.

- Vẫy vùng như cá trong nơm

Sớm mai nam ta trông bạn,

chiều lại nồm bạn trông ta.

Đôi khi trong tình yêu họ cũng mượn câu hát về biển để nói lên sự do dự, dằng co khi phải chia tay lứa đôi, lao động gắn với biển cả và tình yêu cũng mang hơi thở nồng nàn từ biển cả:

Nửa về nửa muốn ở đây

Nửa mắc trong lưới, nửa say

trong thuyền.

 Họ yêu bằng tình yêu mộc mạc của con người miền biển. Trong tình duyên, họ lại dùng những lưới những mành để thể hiện sự níu kéo, luyến tiếc:

Ra về răng được mà đành,

Ra về bỏ tấm lưới mành ai đan?

Có khi lại lấy những vật dụng, những cách thức khai thác hải sản khá bình thường trong cuộc sống hàng ngày như cái sào, câu, giăng hay lại mấy món ăn mang hương vị biển để mà thi vị hóa thành lời than trách vu vơ:

Lên non cho biết non cao

Xuống biển cầm sào cho biết cạn sâu

Sự đời nghĩ cũng nực cười

Một con cá lội mấy người giăng câu

(buông câu).

- Trách anh tình nỡ bồng bềnh

Em như chiếc thúng lênh đênh

giữa dòng.

Nhiều khi họ lại lấy một loài cá hay những thức ăn trong bữa ăn hàng ngày để nói lên những suy tư, tự trách:

Lỗi lầm vì cá trích ve

Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.

Thuyền - bến là hình ảnh quen thuộc thường được lấy để tỏ tình thủy chung của người Việt. Người dân biển cũng lấy hình ảnh thuyền, bến nhưng lại kết hợp với những đặc điểm của cá, tôm để nói lên tình cảm của mình thì thật là chân thực, ý nhị:

- Ví dầu cá bống hai mang

Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu

Ví dầu lòng thảm dạ sầu

Thuyền đâu có nhớ, chớ bến rầu,

bến thương.

- Ghe lui khỏi bến còn giầm

Người thương đi vắng, chỗ nằm

còn đây.

- Bữa nay anh gối tay nàng

Đến mai ra biển anh gối giàn dây neo.

Chúng ta thấy rằng tục ngữ, ca dao nói về những kinh nghiệm về thời tiết, về nghề biển, về những đặc sản của vùng biển địa phương có thể giúp cho, các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học hiểu được những sinh hoạt, những phong tục tập quán cũng như tính cách của cư dân biển Đà Nẵng trong những năm tháng xa xưa. Tuy nhiên cũng lắm lúc họ lại mượn những câu ca dao về nghề đánh bắt cá, tôm để suy ngẫm than trách cuộc đời:

- Tưởng rằng nước chảy đá mòn

Không ngờ nước chảy đá còn trơ trơ

Rồi đây nước cạn phơi bờ

Con tôm, con tép nương nhờ nơi đâu.

- Ghe không bánh lái ghe quay

Em không cha mẹ ai bày em theo.

- Rủ nhau xuống biển bắt cua

Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi.

Rồi với con cá, con còng mà ngư dân lại nói lên những suy nghĩ về cuộc đời, suy tư về cái khôn, cái dại:

- Bạn chê ở biển ăn còng

Bạn lên trên phố ăn ròng mắm nêm.

- Cá không cắn câu, nói rằng cá dại

Vác cần câu về, nghĩ lại cá khôn.

- Dã tràng xe cát biển Đông

Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.

Chính vì thấu hiểu tính chất gian khổ của nghề biển mà người dân làng chài thường an phận với cuộc sống bình dị vốn có của mình từ xưa tới nay:

- Măng chua nấu cá ngạnh nguồn

Sự đời đắp đổi, khi buồn khi vui.

- Kình nghê bơi với kình nghê

Tép tôm thì lại vui bề tép tôm.

- Thuyền em bán mấy anh mua cho

Đem về làm đò chở khách vãng lai.

- Con ơi giữ lấy nghề chài

Dù sao cam khổ, ngọt bùi đã quen.

- Đêm ra ngoài biển đốt đèn

Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui.

Cách ứng xử của ngư dân biển Đà Nẵng xuất phát từ hương vị mặn mòi của biển khơi. Từ lâu họ tự nhận mình là những kẻ “ăn sóng nói gió” nhưng hình như đó chỉ là âm lượng của họ khi nói. Nhưng còn lời nói, từ ngữ mà họ dùng thì tinh tế, chân tình, cởi mở và ta còn thấy sự khéo léo ở trong đó.

2.2. Từ ngữ nghề biển trong lao động

Nghề biển là một trong những nghề phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Ngư dân phải lao động rất vất vả nhưng được hay mất mùa không biết trước được. Nếu gặp lúc mưa thuận gió hòa thì còn có thu nhập nhưng gặp lúc biển động, sóng to gió lớn thì công sức lại đổ sông, đổ biển.

- Buông câu thả lưới cho dài

Họa may kiếm được con cá biển

ngoài lần vô.

- Ra khơi bữa có bữa không

Lạy trời đừng để tố giông cho mình.

- Làng tôi nghề biển nghề sông

Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài

Cá thu cho chí cá khoai

Còn như cá lẹp, cá mai đã nhiều.

Người dân miền biển Đà Nẵng có kinh nghiệm quý báu khi nhận thấy những tín hiệu tự nhiên từ sự thay đổi bất thường trên bầu trời hoặc những hiện tượng lạ chung quanh mà đoán biết tình hình thời tiết ở vùng đất mình đang sinh sống:

- Đời ông cho chí đời cha

Mây phủ Sơn Trà, không gió thì mưa.

- Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Sấm rền Non Nước, trời đà

chuyển mưa.

- Mây đen phủ kín Sơn Trà

Gấp lo thu dẹp kẻo mà có mưa.

Và những kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao đời nay đã giúp cho họ kịp thời lo liệu được những công việc thường ngày trong cuộc sống:

- Mống cao gió táp, mống rạp mưa dầm

- Mống Cu Đê trở về dọn gác

- Mống đóng đằng Tây mưa rây gió giật

- Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa

- Mây kéo xuống biển thì nắng

chang chang

Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút

- Chớp phía đông, mưa giông đã tới

- Ba con chảy, bảy con cường.

- Nắng ui ui thui chết người

- Sao tua rua mọc, vàng cây chết lá

Sao tua rua lặn, chết cá chết tôm

- Trăng quần thì hạn, trăng tán thì mưa.

Những lúc thời tiết bất lợi cho nghề nghiệp thì ngư dân cũng tranh thủ nghỉ ngơi, chờ ngày nắng lên ấm áp để ra khơi được thuận buồm xuôi gió:

Chớp phía Đông, hồng phía Tây

Ghe câu lên bãi ba ngày nằm chơi.

Bên cạnh những kinh nghiệm về thời tiết còn là sự báo hiệu từ những biểu hiện bất ổn của người nhà hoặc người nhà trước giờ ra khơi, chính nhờ như thế mà họ có thể tránh được những rủi ro, mất mát đáng tiếc:

Thuận buồm xuôi gió thì đi

Mặt nặng như chì ở lại nuôi con.

Đối với họ, lao động là niềm vui trong cuộc sống, đồng thời cũng là nguồn thu nhập kinh tế vô cùng quan trọng. Những khi thời tiết bất thường, không ra biển đánh bắt, đối với họ là nỗi lo toan:

Một ngày vãi chài bằng mười hai ngày

phơi lưới.

Công việc giăng lưới, thả câu trên biển, ngoài yêu cầu người đi biển phải luôn có sức khỏe và sự dẻo dai thì cũng cần có sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng cùng nhau trong công việc. Bởi vậy, trong lúc làm việc vất vả thì họ đã cùng nhau cất lên câu hò để công việc được đều tay và nhanh hơn.

Hò hố, giàn nậu vô!

Hò hỡi hò lơ, hố hò lơ, là hò hỡi lơ

Ra đi mà sóng biển

Sóng biển mịt mù, là hò hỡi lơ!

Trời cho mà lưới nặng, là hò hỡi lơ!

Dô hò ta kéo lên! là hỡi hò lơ!

Rị hố rị! hố rị!

Ra đi! hố rị! lưới nặng... hố rị! dô hò...

hố rị!

Kéo lên! hố rị rị rị rị rị!

Nghề đánh bắt cá trên biển cả cũng có lúc được mùa tùy theo hướng gió, con nước hợp chiều. Họ sống gắn bó với nghề biển, nên đã áp dụng được kinh nghiệm nghề biển trong cuộc sống:

- Thuyền ngược ta khiến gió nam

Thuyền xuôi ta khiến gió nồm thổi lên.

- Nồm mùa sông, dông mùa biển.

- Coi gió bỏ buồm.

- Có nước có cá.

Những người đánh bắt cá gần bờ biển hoặc ở sông, với phương tiện đánh bắt thô sơ, bắt được cá hôm nào thì đem bán đổi gạo bữa ấy để sinh nhai:

Tốt lưới tối no.

Dân chài vùng biển cho rằng, khi gió nồm thổi về thì có nước lợ ở vùng sát bờ, nên cá thường ra xa bờ. Những lúc đó, thuyền to không thể đánh bắt gần bờ nên có được bất cứ con gì cũng phải bắt cho được, không bỏ qua:

Nồm ngoài nước ngọt, chẳng để lọt

 con nào.

2.3. Từ ngữ nghề biển trong ẩm thực

Người Việt có truyền thống ẩm thực từ lâu đời là “cơm - rau - cá”. Chính vì vậy, trong bữa ăn thì dân ta thường chuộng ăn cá hơn ăn thịt. Có lẽ do đặc thù nhiều sông suối, lại giáp biển Đông nên lượng hải sản cung cấp cho người dân dồi dào. Từ xưa người dân Đà Nẵng đã biết nhiều cách chế biến các loại hải sản như kho, hấp, nướng. Tuy nhiên, để biết được con cá nào tươi, con cá nào ươn, ăn như thế nào ngon và phải chế biến ra sao thì ngư dân nơi đây có kinh nghiệm riêng.

- Mua cá thì phải xem mang

Mua thịt thì phải xem gan kẻo lầm.

- Không cá thì thà gắp mắm

Con cá đánh ngã bát cơm.

Thức ăn của người dân biển chủ yếu là các loại hải sản. Bởi đặc thù nghề nghiệp nên họ được ăn cá thoải mái và luôn rành rẽ những bộ phận ngon nhất của từng loài cá. Đặc biệt, với người dân biển thì có lẽ cá lúc nào cũng là của ăn của để:

- Nhà biển ăn cá bỏ đầu

Nhà quê thấy tiếc bèn xâu đem về.

- Nhứt đầu cá thu, nhì mui (môi)

cá chuồn.

- Nhứt đầu cá chang, nhì gan cá mập.

Sản phẩm của nghề biển được ngư dân đem chế thành đặc sản nước mắm Nam Ô nổi danh khắp nước. Nó trở thành món quà quê ý nghĩa mà mỗi người dân làng Nam Ô gửi gắm vào. Làng Gành hay Nam Ô đều là chỉ làng Nam Ô. Nơi đây, có lẽ do thổ nhưỡng và khí hậu giao hòa giữa núi và biển nên đã tạo ra những sản vật, sản phẩm ngon lạ lùng:

- Đợi mắm Nam Ô, đợi cua làng Gành.

- Nam Ô nước mắm thơm lừng

Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà.

Và mỗi loại hải sản lại thích hợp với một cách chế biến riêng, tép Nam Ô thì thường có thịt béo hơn:

Rủ nhau mua tép Nam Ô

Sẵn bờ cát trắng, phơi khô đem về.

Đối với ngư dân, hương vị của món ăn cũng cần phải kết hợp tinh tế, chế biến nêm nấu phù hợp tùy vào từng loại. Họ đem kinh nghiệm đó lưu truyền đời này qua đời khác.

- Tôm nấu sống, bống để ươn

- Con tôm kho mặn thì bùi

Con cá kho mặn mất mùi không ngon

- Mắm cơm, mắm nục, mắm kình

Có muối có mắm, có mình có ta

- Ai về nhắn với bạn nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

 Cá chuồn, mít non là món ăn dân dã trong vùng nhất là nông thôn, là món không thể thiếu trong thực đơn của người dân Đà Nẵng. Người giàu có mua cá chuồn tươi về xẻ dọc bụng, sau đó trở sống dao dần cho mềm xương sống cá ra, chặt đầu vằm nhỏ với thịt heo mỡ và ruột cá, cho gia vị tiêu, ớt, hành, nước mắm ngon bóp nhuyễn cho vào bụng cá, gấp đôi hoặc gấp ba con cá lại, lấy dây buộc chặt tất cả cho vào chão rán chín, cho nước và muối vào kho gọi là “um cá”, sao cho nước vừa và sít là được, ăn rất ngon. Người nông dân thì khi đến mùa cá chuồn, mua về xâu lại phơi nắng thật khô, cho vào bầu tre ủ kín để dành, mỗi khi ăn hái quả mít non vườn nhà, vạc hết gai, chẻ ra băm nhỏ hoặc thái thành lát mỏng cho vào nấu với cá chuồn khô, khi chín cho lá lốt vào, đó là món ăn thường ngày khi mùa cá chuồn đến. Món ăn vừa rẻ tiền, để dự trữ với mít non sẵn có ở vườn nhà.

2.4. Từ ngữ nghề biển trong tín ngưỡng

Từ ngữ nghề biển trong tín ngưỡng chủ yếu thể hiện trong những từ ngữ kiêng kỵ của ngư dân. Kiêng kỵ là sự kiêng cữ, cấm đoán, được cộng đồng trong xã hội tin theo và thực hiện bằng các hành động nghi lễ tín ngưỡng để tránh sự trừng phạt của một lực lượng siêu nhiên nào đó; hay những kinh nghiệm cho rằng, sự vật hay hành động nào đó sẽ mang đến điềm xui, rủi,... Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, những điều kiêng kỵ đã được đặt ra từ thời xa xưa của hầu hết các nền văn hóa trên thế giới mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, chúng tôi tìm hiểu những từ ngữ kiêng kỵ của ngư dân ven biển Đà Nẵng để có thể thấy được những nét văn hóa đặc sắc, sự đa dạng trong cuộc sống của ngư dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày khi ở trên biển, dù là người của biển khơi, “ăn sóng nói gió” nhưng họ cũng có nhiều từ ngữ kiêng kỵ như: trước khi thả lưới đánh cá thì không ai được nói trước là bắt được nhiều cá hay không? Nếu có nhiều cá thì nói là “vô mánh”, nếu không có cá thì dùng từ “không có”. Dùng từ “no rồi” hoặc “chững dòng” thay cho “thôi”, “đầy” khi cá đã đầy khoang vì họ cho rằng từ “thôi” sẽ làm cho những lần đi biển khác không thu hoạch được gì. Thậm chí còn quan niệm “thôi” tức là “không bao giờ ra biển nữa”. Những thành viên trên tàu không được nói từ “đổ” vì nếu nói từ đó ra thì sợ rằng sẽ không đánh được cá. Không được nói “con khỉ”, “nai”, “vích”,... theo quan niệm của người dân biển thì những con vật này thường mang lại xui xẻo nên người ta kỵ không được nói ra. Trong sinh hoạt hay nghỉ ngơi trên thuyền thì không được nói từ “vân tiên” vì theo quan niệm của ngư dân từ này có nghĩa là “rong chơi” cho nên không có hiệu quả. Họ sợ rằng khi nói như vậy thì không đánh bắt được gì.

Khi ra biển đánh bắt thì ngư dân cũng kiêng nhắc đến từ “sóng”. Sóng to gió lớn luôn là nỗi lo thường trực của người dân khi đang lênh đênh trên biển. Cho nên thay vì gọi “sóng” người ta nói “nhóc” khi sóng nhỏ và nói “tố” khi sóng lớn. Họ cũng kiêng gọi tên các loại ngư cụ nên chỉ dùng những từ chung chung như “bộ nghề”, “mang nghề” hay “dọn nghề”. Lúc đánh bắt sợ xúc phạm đến thần biển hay ông Ngư nên người ta không dùng từ “đánh”, “bắt” mà nói là “múc” (khi kéo cá thì họ sẽ hô “hồ múc”: “hồ” là dự lệnh, “múc” là động lệnh). Chuyến đi biển đầu tiên thì gọi là “đi mở hàng” mà không nói là “đi biển”. Trong hành trình trên biển tránh nói đến từ “úp” mà thay vào đó từ gần nghĩa hoặc trái nghĩa: nói “nghiêng” thay cho “úp” (nói “nghiêng thúng” thay cho “úp thúng”) để tránh những chuyện mất mát.

Trong lúc thả lưới xuống hay kéo cá lên thuyền thì nói “chững” mà không nói “thôi”. Bởi họ cho rằng từ “chững” có nghĩa là dừng lại một lúc rồi tiếp tục chứ từ “thôi” thì có nghĩa là hết hẳn, là chấm dứt, nếu mà hết thì sợ không đánh được cá nữa nên người ta tránh dùng.

Với sự tôn kính dành cho cá Ông thì ngư dân không gọi là “cá voi” mà sử dụng các từ khác để gọi tên như: cá Ông, Ông Ngư, Ngài, đức Ngư, nhân Ngư, Ông Sinh, Ông Lụy. Họ coi cá Ông như một vị thần phù trì, bảo hộ, giúp đỡ họ khi ở ngoài biển khơi. Dưới thời nhà Nguyễn, trong các sắc phong, cá Ông được các vua nhà Nguyễn ban tặng các danh hiệu: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Minh Mạng); Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Thiệu Trị); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần (thời Duy Tân).

Cuộc sống lênh đênh của những ngư dân trên biển cả bao la bất cứ lúc nào cũng gặp những sự cố mà không biết trước và cũng rất khó chống đỡ đã tạo nên tâm lý kiêng kỵ của họ. Trên đây là những kiêng kỵ chúng tôi khảo sát tại các làng biển Đà Nẵng có thể có nhiều điểm giống những làng biển ở địa phương khác và cũng có những điều là riêng có ở vùng đất này. Những kiêng kỵ này phản ánh tâm thức, quan niệm của ngư dân Đà Nẵng đối với việc hành nghề, thái độ ứng xử với giới trong một cộng đồng. Đồng thời phản ánh những mong muốn của người dân làm nghề biển. Họ khát khao mỗi lần ra biển sẽ được an toàn trở về và đánh được nhiều cá tôm. Việc thực hiện những kiêng kỵ không chỉ tạo sự bình an trong tâm tưởng mà còn thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với các lực lượng phù hộ cho họ trong cuộc sống.

3. Thay lời kết

Từ những gì được trình bày ở trên, thông qua phân tích, chúng tôi thấy rằng:

- Về ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ phương tiện và công cụ khai thác hải sản thì có nhiều từ đã phổ biến và hầu như ai cũng biết là thuyền, ghe, tàu, lưới, câu. Nhưng cũng có rất nhiều từ ngữ chỉ ngư dân mới biết như: lưới rùng, trủ, câu giàn, rập... Đối với nghề nước mắm cũng vậy, có nhiều công cụ như: thùng nhựa, can, chai thì phổ biến, còn những dụng cụ như: chụt, lù thì không phải ai cũng hiểu được.

- Về lớp từ chỉ hoạt động, cách thức khai thác đánh bắt hải sản cũng rất phong phú. Tùy vào từng giai đoạn thì có những từ gọi tên các hoạt động khác nhau. Trong cách thức khai thác cũng tùy vào từng đối tượng đánh bắt mà có cách thức tiến hành khác nhau. Điều này thể hiện sự trải nghiệm qua lao động hàng ngày của người dân vùng này. Đối với nghề nước mắm thì những từ gọi tên của từng công đoạn sản xuất cũng rất đặc biệt mà nếu như người ngoài nghề nghe thì thường không hiểu như: náo đảo giang phơi, pha đấu, khuấy đảo bã chượp...

- Đối với việc định danh sản phẩm cũng thể hiện cách nhìn, cách suy nghĩ phong phú của người dân. Họ có rất nhiều cách định danh sản phẩm. Đối với các loại hải sản thì có thể định danh theo tính chất, theo màu sắc, theo hình dáng, theo thời kỳ sinh trưởng. Đối với sản phẩm của nghề sản xuất nước mắm thì họ định danh theo độ đạm, tính chất ngon hay dở, theo chu trình sản xuất.

Qua việc tìm hiểu từ ngữ nghề biển trong đời sống văn hóa người dân thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong ca dao, hò vè có thể hiểu được những sắc thái văn hóa tinh thần của ngư dân Đà Nẵng. Những lời ca, tiếng hát đó là sự gắn bó với biển, với nghề, thể hiện tình yêu lao động. Đó cũng là nét duyên, sự lạc quan yên đời cho dù luôn luôn phải đối mặt với sóng gió biển khơi. Tuy “ăn sóng nói gió” nhưng trong ứng xử hàng ngày vẫn rất mặn nồng, giản dị. Những nét văn hóa đặc sắc được thể hiện bằng những hình ảnh biểu trưng như cá - nước, thuyền - bến; những quan niệm, những tín ngưỡng của ngư dân... Tất cả đã đi vào các tác phẩm dân gian và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của ngư dân.


Đ.T.T