Tuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm Trâm

04.06.2014

Tuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm Trâm

Tiếp sau Trường thơ Loạn (gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê…) và Xuân Thu nhã tập (gồm Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh…), nhóm Dạ Đài (gồm Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…) là bước tìm tòi đổi mới cuối cùng của phong trào Thơ Mới với sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. “Với tinh thần tiên phong và ước vọng cao đẹp về sự đổi mới của thi ca Việt, Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm thơ mới lạ và giàu ý nghĩa. Nhưng do nhiều lý do, hoàn cảnh nên lâu nay hiện tượng văn chương này chưa được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học.” (Hồ Thế Hà)(1)

Khởi điểm của Dạ ĐàiBản tuyên ngôn tượng trưng với những quan niệm thơ mới mẻ, độc đáo được tiếp biến từ lý luận văn học phương Tây. Đây cũng là đóng góp lớn nhất của nhóm vì sau khi ra được số đầu tiên ngày 16/11/1946, số 2 chưa kịp ra mắt thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với Bản tuyên ngôn tượng trưng, Dạ Đài có in sáu bài thơ của Trần Dần, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu (bút danh của Trần Mai Châu). Tập thơ Một mùa địa ngục (Une saison en enfer) của Rimbaud gợi cảm hứng cho cái tên Dạ Đài. Và cái tên như vận vào số kiếp, Dạ Đài là “ngọn nến bùng lên cuối một thời thơ nhiều hứng khởi và bứt phá. Ngọn nến đó sớm tắt vì hoàn cảnh không cho phép dung hợp được thực và hư bằng hình tượng” (Huỳnh Như Phương)(2)

Chủ nghĩa tượng trưng là một trào lưu nghệ thuật và quan điểm triết học – mỹ học xuất hiện cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX nhằm phản đối lối thơ thiên về trau chuốt, chạm trổ ngôn từ cầu kỳ của phái Thi Sơn (Parnasse) và cách diễn tả cảm xúc trực tiếp, dài dòng, “dễ dãi” (từ của Baudelaire) của trường phái lãng mạn. Các nhà tượng trưng chủ nghĩa cho rằng giữa vũ trụ và con người có những mối liên hệ siêu việt. Thơ phải nắm bắt những tương giao bí ẩn đó giữa con người và vũ trụ bằng sự tương ứng giữa các giác quan. Biểu tượng nghệ thuật được xem là công cụ hữu hiệu nhằm vươn tới bản chất siêu thời gian của thế giới – cái vẻ đẹp siêu nghiệm. Cùng với biểu tượng và nhạc tính, yếu tố then chốt hàng đầu của chủ nghĩa tượng trưng là trực giác.

Thi phái Dạ Đài khát khao đổi mới thơ Việt cũng xuất phát từ quan niệm về sự cạn kiệt, bất lực của các thi sĩ lãng mạn đã được khai mở từ hơn mười năm trước: “Vả lại, làm sao người ta cứ lặn lội mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bảy dây tình cảm! Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu?” (Từ đây, những câu để trong ngoặc kép đều trích từ Dạ Đài - Tuyên ngôn tượng trưng* ). Với ước nguyện tạo nên những giá trị tân kỳ và ưu tú nhất, họ muốn từ bỏ lãng mạn: “Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy nghĩ giấc mơ của những người thuở trước”.

Xu hướng thơ tượng trưng trong Thơ Mới đã có từ trước, nhất là với Trường thơ Loạn và Xuân Thu nhã tập, nay lại tiếp tục mở một lối thơ theo hướng tượng trưng cho Dạ Đài: “Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa.

Có đến bốn lần cái mệnh đề “chúng tôi – thi sĩ tượng trưng” được lặp đi lặp lại để khẳng định, nhấn mạnh xu hướng cách tân thơ dân tộc theo trường phái tượng trưng. Tuy vậy, cũng như Xuân Thu nhã tập trước đó, Dạ Đài vừa vươn tới tư duy thơ tượng trưng Âu Tây lại vừa trở về với cội nguồn, về với sự “uẩn súc, huyền ảo” (từ của nhóm Xuân Thu) của thơ Á Đông. Thi sĩ Dạ Đài cũng muốn nối nay và xưa, muốn thâu tóm tất cả tinh hoa thơ ca cổ kim, Đông Tây về một mối, rồi sáng tạo thành những giá trị ưu tú nhất: “Chúng tôi sẽ nối lại: nghiệp dĩ của một Baudelaire – tâm sự của một Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của một Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn”.

            Dưới ảnh hưởng của thơ tượng trưng, Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm về thơ, nhà thơ và người tiếp nhận thơ khá tân kỳ so với lúc bấy giờ. Thơ, theo họ, không thể “nông hẹp”, “nông cạn”, “đơn nghèo”, “nhạt nhẽo”… như trước. Muốn vậy, thơ không nên và không thể “đắp lên trên cái trật tự đơn thuần, cái lý trí”, thơ phải là “tất cả một vũ trụ muôn chiều”, phải “góp gom hình ảnh tinh cầu”, từ đường lên “quỹ đạo của trăng sao” tới đường về trên cõi chết”; từ quay về thế tục” đến lấn sang cả bến bờ u huyền”; là “cõi mộng và cõi đời đã thâm nhập và đã thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hòa bí mật”. Thơ phải “đi giữa bến bờ U Huyền và Hiện Thực, trong thơ sẽ “hiện lên những đường lối u minh”, thơ “sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”.

Thơ là cả một thế giới thực và ảo không chỉ không gian mà còn cả thời gian: “Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về, chúng tôi cố trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi trời đất khai lập”, “thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy.

Thế giới thơ Dạ Đài vì thế mà rất “lạ” – lạ từ cái đã có trong thực tại đến cái ẩn sâu và ẩn sau muôn nghìn thực tại – là “muôn trùng biển lạ”: “Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại. Chúng tôi lạ từng sắc nắng bình minh đến màu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả. Và chúng tôi đã thấy những cái người ta chẳng thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần.

Dạ Đài quan niệm làm thơ là “bản năng”, kết quả của lối viết “thả lỏng đam mê và khoái lạc”: “Người ta tìm mãi Đạo Lý ở đường lên: ghìm giữ bản năng kham khổ ở nhục hình. Chúng ta sẽ tìm Đạo Lý ở con đường xuống: thả lỏng thiên năng đam mê và khoái lạc. Những triết nhân đã chẳng kêu gọi sự quay trở lại đó ư?

Khi thơ là tiếng nói tự động tâm linh, là “bài ca huyền mặc” thì nhà thơ tượng trưng không chỉ cảm thấu cái thế giới bên ngoài mà còn phải có cái nhìn “thấu thị” (từ của Rimbaud) thế giới bên trong, không chỉ nắm bắt cái “hiện thực” mà còn cảm thấy cái “u huyền”, bí ẩn, vô hình của cả thế giới hữu thức lẫn thế giới vô thức, một thế giới cao siêu và vĩnh cửu. Theo họ, “thi cảm phải gây trong thực tại” nhưng“phải gây nên cả hai không khí hoang đường và hiện thực. Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những cái gì có thể có và cả những cái gì không có nữa”, “phải xáo trộn cả thực hư.

Đối với Dạ Đài, thơ tác động đến người đọc như một đấng toàn năng sáng tạo ra cả muôn nghìn thế giới khác, làm rung chuyển muôn nghìn thế giới khác: “Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng linh động”. 

Quan niệm nghệ sĩ phải là người tinh nhạy cả thế giới thực và ảo bằng cả hồn và xác, cảm hứng nghệ sĩ phải từ cái đã có, cái chưa có và cả cái không có, Dạ Đài cho rằng thiên chức của nhà thơ là tạo nên những “cuộc giao hòa bí mật” giữa cõi thực và hư, cao hơn phải làm cho “trần gian phải hư lên vì sự thực”.

Từ quan niệm thơ có tính huyền ảo, bí ẩn, các thi sĩ tượng trưng Dạ Đài xem nội dung của thơ không cần gò bó đề tài, chủ đề: “Đến cái hình thức cao nhất, thơ không còn lý luận, và cũng không còn phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt. Chỉ cần có những phút mà Im Lặng rung lên. Vì trong im lặng có tất cả: những thành quách đang xây, những tinh cầu đang đổ vỡ. Thơ chỉ cần bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền mặc”.

Khi nội dung thơ đã không theo “chuẩn” thì hình thức thơ cũng “lệch chuẩn”: “Chúng tôi đã không cần tới thi đề, vì thi đề của chúng tôi là tất cả một vũ trụ muôn chiều, và thi liệu của chúng tôi là tất cả mớ ngôn từ rộng rãi”. Cái “mớ ngôn từ rộng rãi” mà Dạ Đài nói ở đây đó chính là thi pháp thơ tượng trưng: ngôn từ của biểu tượng và của nhạc tính.

Dạ Đài cũng như Xuân Thu nhã tập vốn rất tâm huyết thơ tượng trưng, trường phái thơ biểu tượng (symbolisme) giàu sức ẩn chứa và sức gợi ấn tượng. Để tôn trọng điều bí ẩn trong thơ, các nhà thơ tượng trưng tránh sự miêu tả trong thơ mà dùng những biểu tượng để nói về “một sự thống nhất sâu xa và khó hiểu” (từ của Baudelaire) giữa vũ trụ và con người. Dạ Đài vạch ra hướng đi cho thơ là dùng những biểu tượng biến ảo được xây dựng bằng trực giác: “Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê đồ. Chúng ta chỉ có thể dung hợp được thực và hư bằng hình tượng”.

Các nhà thơ tượng trưng cho rằng giữa vũ trụ và con người có những mối liên hệ siêu việt. Để nắm bắt và thể hiện những tương giao bí ẩn đó, Verlaine yêu cầu thơ “trước hết phải có nhạc tính”. Dạ Đài cũng rất đề cao tính nhạc huyền diệu của thơ. Theo họ, âm nhạc của một bài thơ phần lớn là do ở sức rung động tâm lý bài thơ ấy chứ không chỉ là do sự kết hợp của “những cú điệu số học, những luật lệ bằng trắc”. Và nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến “sức khêu gợi của chữ”. Muốn vậy, ngôn ngữ thơ phải “tân kỳ”, là thứ ngôn ngữ từ trong cuộc đời nhưng là ngôn ngữ chưa từng có trong cuộc đời: “Phải lập lại ngôn ngữ trần gian, phải gột bỏ cho mỗi chữ cái tâm tình dung tục cũ. Một câu thơ sẽ có một ý nghĩa – cái ý nghĩa rất thường – nhưng sẽ mang nặng biết bao nhiêu ý nghĩa âm u và khác lạ.

 Xuân Thu nhã tập trước đó đã từng đề cập đến quan niệm về mối quan hệ tác giả - độc giả: “Thi sĩ làm xong bài thơ, có thể nói: bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc” (Thơ). Quan niệm về tiếp nhận của Dạ Đài cũng đề cao vai trò và trực giác của bạn đọc. Họ chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm của Mallarmé: “không nắm bắt và trình bày ra hết, mà chỉ gợi bằng những hình ảnh có tính chất ám thị… gọi tên đối tượng có nghĩa là phá hủy sự hưởng thụ bài thơ… khêu gợi, đó là mơ ước và mục đích”: “Cảm thâu những bài thơ siêu thực, chúng ta không được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng một quan năng tách bạch của chúng ta – dù là quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc và đột nhiên, vì thơ đã không cần lý luận”.  

Quan niệm thơ ca của Dạ Đài in đậm dấu ấn của trường phái thơ tượng trưng của phương Tây, là những quan niệm khá mới mẻ và trừu tượng đối với thơ Việt Nam bấy giờ. Nó có nhiều điểm tương đồng với tuyên ngôn Xuân Thu nhã tập “mặc dù không hệ thống và sâu sắc bằng quan niệm của nhóm Xuân Thu” (Lê Lưu Oanh)(3). Đóng góp của Dạ Đài chủ yếu là lý thuyết, sáng tác của họ mới ở mức dạo đầu. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946 đã làm gián cách quan niệm thơ Dạ Đài.

Dạ Đài là bước nỗ lực cách tân cuối cùng của Thơ Mới. Tuy chưa đủ sức và cũng không có những điều kiện thuận lợi để đi đến đích, song những quan niệm của họ đã thể hiện tính tiên phong đổi mới trên hành trình thơ ca dân tộc. Đúng như lời thừa nhận của nhà thơ Vũ Hoàng Địch: “Sau mấy chục năm, nhìn lại tôi càng thấy con đường mà Dạ Đài mở ra là đúng. Dạ Đài đã nghĩ rất xa khỏi thời của mình, nhưng vì tuổi trẻ nên những sáng tác của chúng tôi không đủ tầm như mơ ước”(4). Đóng góp của Dạ Đài chủ yếu là lý thuyết, sáng tác của họ mới ở mức dạo đầu nhưng đó là cơ sở để Trần Dần – người chấp bút cho Bản tuyên ngôn tượng trưng Dạ Đài ra đời – phát triển sau năm 1954.

Dạ Đài vừa xuất phát đã phải hạ cánh nhưng tâm huyết đổi mới thơ Việt của nhóm mang ý nghĩa tích cực rất đáng trân trọng, chứng tỏ khát vọng sáng tạo nghệ thuật không ngừng của một phong trào thơ lộng lẫy vào hàng bậc nhất trong nền thơ dân tộc – phong trào Thơ Mới.

                                                                                    C.D.T

 

 

 

 



(1) Hồ Thế Hà – Quan niệm về thơ của Dạ Đài - Nhìn từ sự tiếp biến lý luận văn học phương Tây – In trong Những khoảnh khắc đồng hiện, Nxb Văn học, 2007

 

(2) Huỳnh Như Phương – Trần Mai Châu làm thơ, dịch thơ và bàn về thơwww.phebinhvanhoc.com.vn

 

* Những trích dẫn từ “Dạ Đài - Bản tuyên ngôn tượng trưng” ghi theo sách Trần Dần – Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008, trang 53 – 59.

 

(3) Lê Lưu Oanh – Quan điểm nghệ thuật tượng trưng của nhóm Xuân ThuDạ Đài – www.leluuoanh.wordpress.com

 

(4)Theo Quỳnh Hương – Trần Dần và câu chuyện “chôn” Thơ Mớiwww.tuoitre.vn

 

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng