Một con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế

04.06.2014

Một con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế

 

 

 

Vào thời gian làm Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Phạm Phát có nhiều dịp rủ anh em văn nghệ đến nhà chơi, uống bia, nói chuyện văn chương. Có một lần, nói rằng mình nghiệp dư thôi, có làm một bài thơ nhờ anh em xem thử. Anh rào đón như vậy nhưng bài thơ thật hay, thật xúc động, làm cho tôi nhớ đến bài Viếng bạn của Hoàng Lộc. Đó là bài Đám tang giữa mùa lũ, sau này đã được chọn vào các tuyển tập thơ ở Trung ương và địa phương. Cũng lần đó, tôi được biết anh viết lách, làm báo làm thơ từ lâu chứ chẳng phải “tay nghiệp dư” như anh nói.

Phạm Phát sinh tại làng Kim Bồng, một làng ngoại ô của thành phố Hội An. Kim Bồng có cái gì đó hết sức Việt Nam với những ngôi nhà nằm giữa những vườn cây, những vườn hoa, những con đường xinh xắn rợp bóng mát đổ ra phía bờ sông Hoài êm đềm. Kim Bồng nổi tiếng với nghề mộc, những người thợ ở đây đã góp phần xây dựng kinh đô Huế. Cha của Phạm Phát cũng là một người thợ mộc. Đây là quê hương của hai nhà văn mở đường cho văn học lãng mạn Việt Nam là Nhất Linh và Thạch Lam, cũng là quê hương của nhà văn Nguyễn Thành Long với truyện ngắn nổi tiếng “Lặng lẽ Sa Pa”. Thuở nhỏ, Phạm Phát học ở trường tiểu học quê nhà. Vào những năm cuối thập kỷ 40, thế kỷ 20, anh vào học ở Trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi), một trường trung học nổi tiếng của Khu 5 thời chống Pháp. Năm 1950, anh được cử đi học ở Trung Quốc. Trên đường đi bằng thuyền qua Hải Nam, anh bị giặc Pháp bắt đưa về tra khảo, giam giữ ở nhà lao Con Gà (Đà Nẵng). Sau khi được trả tự do, anh vào lại Quảng Ngãi, gia nhập quân đội thuộc Trung đoàn 84 Tây Nguyên, làm phóng viên mặt trận rồi chuyển qua Đội tuyên truyền vũ trang do nhạc sĩ Nhật Lai phụ trách, làm văn nghệ. Anh thường cười vui cho rằng “máu văn nghệ” của anh có từ đấy. Sau Hiệp định Giơnevơ, anh tham gia xây dựng Đội Văn công 120 Tây Nguyên. Tập kết ra Bắc, đội sát nhập vào Đoàn Văn công Khu 5. Đến tháng 8-1959, Phạm Phát chuyển sang học Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp, anh về làm phóng viên báo “Người giáo viên nhân dân” tiền thân của báo “Giáo dục thời đại” hiện nay. Tại đây, anh được kết nạp vào Đảng và trở thành một cây bút chủ lực của tòa báo với bút danh Hội An, cùng với Lê Phú Hưởng (tức cố nhà thơ Diệp Phú Hương), Lê Khắc Hoan, Nguyễn Văn Toại, và sau này có Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Minh Tường…Năm 1970, sau một cú sốc lớn trong đời: con trai đầu lòng của anh bị mất, Phạm Phát thương vợ đau buồn ở Hải Phòng nên anh xin về công tác gần nhà. Từ đó, anh tạm gác bút, sang làm giáo viên dạy các lớp chuyên văn của trường cấp 3 Thái Phiên, mang tên một chí sĩ yêu nước của Quảng Nam – Đà Nẵng quê anh.

Đầu năm 1973, như nhiều anh em miền Nam tập kết, Phạm Phát hăng hái xin đi chiến trường. Anh được điều động về Ban Giáo dục Khu 5. Phạm Phát hăng hái đi công tác các tỉnh, các vùng đất kháng chiến ở Khu 5. Chính điều đó đã cho anh nhiều vốn sống, vốn thực tế của chiến tranh, khởi nguồn cho những bài thơ, những truyện ngắn của anh sau này.

Sau giải phóng (1975), anh làm cán bộ nghiên cứu ở Văn phòng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Trung, do đồng chí Võ Chí Công trực tiếp phụ trách rồi chuyển sang Văn phòng Đại diện Ban Khoa giáo Trung ương tại miền Trung.

Từ tháng 10-1977, Phạm Phát chuyển về tỉnh làm Phó Ban Khoa giáo tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ XIII, anh được bầu làm Tỉnh ủy viên và được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục rồi Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Liên tục từ Đại hội XIV, XV, anh được bầu là Tỉnh ủy viên. Đến 1990, anh được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Trưởng Ban Tuyên Giáo. Đầu 1997, Phạm Phát nghỉ hưu, sau nhiều năm công tác.

Thời gian làm Trưởng Ban Tuyên Giáo anh có nhiều dịp gần gũi với anh em văn nghệ và cũng là thời gian anh quay lại với nghề viết lách mà lâu nay vì bận công tác anh chưa có dịp thực hiện. Anh thường nói với tôi:

- Mình cầm lại cây bút để coi thử có còn viết lách được gì không…?

*

*    *

            Anh Phạm Phát khiêm tốn nói mình là “dân nghiệp dư”, và thường rất kiệm lời khi nói về các sáng tác của mình mặc dù phần lớn những cái anh viết đều được đăng trên Tuần báo Văn nghệ và báo chí địa phương. Đọc anh, ai cũng nghĩ ngay: anh là một người sáng tác chuyên nghiệp. Với một vốn sống phong phú, một vốn văn hóa cao do được học từ trường và tự học, nhiều năm làm báo, tiếp xúc với nhiều loại người nên anh đã có tay nghề vững vàng ngay từ những bài viết đầu tiên. Bài thơ mà tôi nhắc ở đầu bài viết này – bài Đám tang giữa  mùa lũ – là bài vừa có tứ hay vừa có câu chữ cô đọng, vững chắc và kìm nén. Bài thơ nói lên nỗi đau thương của tác giả khi chứng kiến người đồng đội của mình bị lũ cuốn trôi mà không cứu được trên đường đi công tác. Đơn vị không tìm được xác anh phải tổ chức truy điệu và chôn cất anh với chiếc quan tài rỗng làm bằng nứa, lấy gỗ vụn thay trầm hương và kết lá làm vòng hoa:

         Đồng đội lặng cúi đầu

         Quanh chiếc quan tài rỗng

         Trăm nỗi đau dồn vào

         Không lấp đầy khoảng trống

Cùng với sự cô đọng, dồn nén trong câu chữ, thơ Phạm Phát còn rất trau chuốt và nhuần nhị tinh tế. Bài Hoàng hoa mai cho ta cảm giác tác giả trau chuốt thơ đến từng chữ. Đoạn thơ sau đây là đoạn thơ xuất sắc, xứng đáng để nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đưa vào tập “Nghìn câu thơ tài hoa”

                        Hoa thả hương vào thời gian

                        Cho mùa xuân xưa thơm nức

                     Hoa thả hương vào ký ức

                        Cho mùa xuân này bâng khuâng

Có thể thấy cái tài cấu tứ và cách diễn đạt vừa cô đọng vừa tinh tế của Phạm Phát trong một loạt bài thơ khác như: Một giọt, Nghe đàn bầu, Ngửa mặt nhìn trời…

Một lối thơ khác, thơ kể chuyện cũng được Phạm Phát vận dụng và rất thành công, bởi nó vừa có tứ hay, lạ vừa có nhiều chi tiết sống đắt giá làm cho người đọc giật mình sửng sốt, gây được hiệu quả cao trong suy nghĩ và cảm xúc:

Đến chỗ linh thiêng

Giày dép bỏ lại dưới cầu thang

Trưởng đoàn chúng tôi mang đôi giày mới

Cứ loay hoay tìm chỗ an toàn

Anh hướng dẫn viên liền lễ phép thưa:

Xin ngài yên tâm, nước chúng tôi không có ăn cắp

Cái chi tiết: “Xin ngài yên tâm, nước chúng tôi không có ăn cắp” làm bật sáng lên chủ đề bài thơ, làm cho người đọc suy nghĩ về những gì mà tác giả muốn nói.

Một ông lão cô đơn ở Núi Thành (Quảng Nam) được đưa về trại người già neo đơn, sống sung sướng hơn nhưng chỉ mấy hôm đòi về nhà, vì:

Nhớ con gà trống ngủ trên cành khế sau hè

Đêm nghe nó gáy biết mình còn sống

            Chi tiết trên cực kỳ đắt giá, nếu không có vốn từng trải như Phạm Phát có lẽ không nghĩ ra được.

            Bài thơ Đồng đội tác giả kể về người bạn của mình, cùng sinh một quê, học một lớp, rủ nhau vào bộ đội một ngày. Bạn bè san sẻ cho nhau từng đôi dép, bát mì. Qua hai cuộc kháng chiến hai người vẫn vẹn nguyên, thế mà:

Bom đạn xưa hai thằng cùng chịu

Bệnh trọng giờ đành một hắn đi

            Phạm Phát thốt lên đau đớn. Cái chi tiết “bệnh trọng” ấy làm xót xa lắm, không thể nói thành lời được. Càng đau đớn hơn khi thấy vật kỷ niệm mình tặng bạn ngày nhập ngũ vẫn còn kia:

Chợt thấy đôi dép nằm cạnh quan tài

            Ôm mặt

            Nấc không thành tiếng

            Thơ Phạm Phát giàu chất suy nghĩ, triết học, anh đã đưa được cái chất ấy vào tất cả các bài thơ của mình, làm cho thơ anh có độ âm vang, sâu đắm, dễ gây xúc động cả về tâm hồn lẫn trí tuệ người đọc, đặc biệt là các bài thơ Ngửa mặt nhìn trời, Mồ hôi tiền, Trớ trêu và chùm thơ Haiku. Tôi xin trích ba bài Haiku anh viết rải rác lâu nay:

 

            1- Cửa lồng mở

            Chim vù bay

            Người thả được cả bầu trời

 

            2- Dầm chỗ đau vào biển

                Mát

               Mà xót

 

3- Đón Tết vào nhà người

    Gốc mai già năm ngoái

    Vô tình hoa vẫn tươi

Mới gần đây Phạm Phát tâm sự với tôi về một tai nạn trút xuống gia đình, tai nạn làm anh mất cả nhà cửa, của cải. Anh tỏ ra bình tĩnh chấp nhận nhưng đọc bài Haiku sau đây ta hiểu anh đau đớn xé lòng:

   Ở nhờ trong nhà mình

   Trái tim thoi thóp đập

   Trong lồng ngực người khác

Tôi không nghĩ là mình đã nói hết cái hay của thơ Phạm Phát trong một bài viết ngắn. Tôi chỉ muốn nói cảm nhận chung rằng: Thơ anh cô đọng, tinh tế, giàu chất triết học, giàu lòng nhân hậu. Thơ anh không những có tứ chung toàn bài hay mà câu chữ cũng hay hoặc vững chắc. Trong chùm thơ Haiku 23 bài mà anh vừa cho tôi xem là chùm thơ từ trung bình khá trở lên, nhiều bài hay và cảm động.

Thế thì anh bảo anh là “dân nghiệp dư” ở chỗ nào, anh Phát?

 

*

*     *

 

Những năm gần đây, Phạm Phát viết cả văn xuôi, song song với thơ. Truyện ngắn của anh gần như những ký ức được cất giữ một cách nguyên vẹn tươi ròng trong tâm hồn anh để đến nay giãi bày lên mặt giấy. Truyện của Phạm Phát là truyện của một nhà thơ: Cấu tứ chặt chẽ, giàu chi tiết xúc động và thường bật ra chủ đề ở đoạn cuối. Truyện Trầm viết về một người phụ nữ gánh chịu mọi gian khổ vất vả về mình từ khi còn nhỏ: mẹ chết, chị đã thay mẹ nuôi các em, bồng em đi bú nhờ. Khi cha chết, chị xin vào du kích để trả thù cho cha. Chồng đi tập kết, lấy vợ khác, chị có buồn nhưng biết xử sự: “Chuyện chi còn đó, cứ bảo ổng về cho hai đứa nhỏ thấy mặt”. Chị lại nuôi con vợ hai của chồng…Đối với bà con hàng xóm chị đều chăm chút yêu thương. Chị đã hy sinh hạnh phúc của mình để đem lại hạnh phúc cho người khác. Chị đúng là một phụ nữ Việt Nam. Truyện Trầm mang đầy đủ giá trị nhân văn sâu sắc, kết cấu truyện và các chi tiết rất xúc động. Ngay cả đầu đề (Trầm), tác giả cũng đã chuẩn bị cho độc giả thấy chủ đề truyện. Trầm là một loại cây bề ngoài trông có vẻ mộc mạc nhưng hương thơm sâu lắng tự bên trong… Đây là một truyện ngắn hay trong văn học Việt Nam đương đại. Truyện đã được dịch sang tiếng Trung trong tuyển “Truyện ngắn Việt Nam đương đại” và đang được dịch ra tiếng Anh.

Truyện “Quê ngoại” kể về những chuyến về thăm quê ngoại của tác giả cùng những người thân. Truyện giàu những hình ảnh, những chi tiết sống động, dựng lên được những con người, những phong tục, lối sống của một vùng quê một thời đã qua. Đây là hình ảnh bà ngoại: “Vừa thấy mẹ con tôi bước vào, bà ngoại đã chửi:

- Cha con gái mẹ bay, răng chừ mới về”.

Một câu chửi yêu thấm đẫm tình mẹ con. Còn ông ngoại thì cầm gói quà của con cháu hết sức vui:

-Để coi cà cưỡng tha mồi chi về cho ông đây.

Cái hay ở đây Cưỡng là tên đứa cháu, là tên thường gọi ở nhà hồi nhỏ của tác giả.

Còn mẹ tác giả là một phụ nữ kiểu xưa, luôn nói tốt cho chồng trước mặt cha mẹ mình:

- Thưa…cha sắp nhỏ mua trà hiệu Ông Tiên kỉnh cho cha đó.

Rồi hình ảnh người cha mang quà về quê vợ dâng ông bà nhạc. Chứng tỏ ông rể này rất hiểu tục lệ, quà biếu: “Ngày giỗ kỵ thì sắm bánh ngọt Hiệp Lợi. Mồng 5 thì bánh ú tro, tết phải có bánh tổ lấy tận lò Phó Tám”…

Quê ngoại cũng là một truyện ngắn hay của Phạm Phát.

Truyện Cha con tôi là những trang hồi ức đầy xúc động của một người con viết dâng hương hồn cha mình, thể hiện lòng yêu kính cha sâu sắc. Khi chuẩn bị đi tập kết, nghĩ mình không có dịp gặp cha, anh viết: “Còn tôi ước chi được về nhà một chặp, thế nào cũng được mẹ cho ăn cao lầu và được ôm chầm lấy cha, hít một hơi thật dài cái mùi nồng trầu thuốc của ông già ghiền trầu pha lẫn mùi hăng hăng mùn cưa dăm bào một đời thợ mộc, cái mùi thơm thân thuộc trên người cha tôi chỉ riêng tôi nhận biết, đã tẩm ướp cả tuổi thơ tôi ở cái làng Kim Bồng ven thị Hội An”. Người cha ấy đã lặn lội từ Hội An vào Quy Nhơn để tìm thăm con, ôm con vào lòng, ngủ bên con vài đêm rồi về. Ngày xa nhau, ông cho anh chiếc nhẫn: “lận lưng để cưới vợ, nhớ kiếm đứa kha khá dắt về cho ba mẹ có cháu nội hỉ”. Nhưng ngày giải phóng anh về tìm cha thì cha anh đã không còn. Anh đến nghĩa trang thăm mộ cha: “chập chờn sau làn khói mỏng tôi thấy hiện lên gương mặt cha tôi đúng như gương mặt người nhìn tôi lần cuối qua ô kính xe khách chạy than 20 năm về trước”.

Đọc truyện ngắn này, người đọc cứ thấy nhói đau trong lòng, khi nhớ lại những người thân của mình đã mất.

Các truyện Lạc tết, Chết không nhắm mắt cũng nằm trong mạch hồi ức này. Đó là những truyện xúc động, giàu chi tiết đắt, làm bật sáng lên hình ảnh những con người, những phong tục, những hiện thực đã qua của một thời nay không bao giờ trở lại. Đọc những truyện này ta càng hiểu thêm mảnh đất, con người Hội An những năm xa xưa.

Phạm Phát còn viết những kỷ niệm về con, về một em học sinh, về một bà già Vện, về nhà lao cũ mà anh bị địch giam, Ở truyện nào cũng giàu cảm xúc, giàu chi tiết sống động, làm cho ta khi đọc lên cứ rưng rưng nước mắt.

Đọc truyện anh, người đọc thấy dễ cảm thông với tác giả vì đó là những chuyện thật, gắn liền với đời anh, được kể lại một cách chăm chút và giàu xúc động. Tôi có cảm giác không phải đang đọc những câu chuyện mà đang nghe những giãi bày của tác giả. Chất nhân văn, lòng trắc ẩn đậm đặc trong các truyện. Ngay cả một truyện cực ngắn Người đàn bà xách cái phích đi ngang nhà tôi cũng thấy sự quan tâm chia sẻ của tác giả với những người chung quanh.

Đọc văn anh, tiếp xúc với anh hàng ngày, tôi càng nhận ra anh là một con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái. Tôi tin với một con người từng trải, giàu vốn sống và thực tế như anh, anh sẽ còn viết được nhiều truyện ngắn hay hơn nữa.

Mới đây, tôi giục anh tập hợp thơ và văn để in một tập sách, anh cười bảo:

- Chưa vội, để coi thử có thể viết thêm gì nữa, sửa thêm gì nữa những cái đã viết…Mình chỉ là “dân nghiệp dư” thôi mà.

Và anh khoát tay, cười…

 

 

                                                                                                            T.Q

 

 

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng