Một cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương Nghi

04.06.2014

Một cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ -  Phương Nghi

Nếu đánh mất những ký ức chiến tranh hào hùng một thời của dân tộc, thì chúng ta sẽ mất đi một phần ý nghĩa của cuộc sống hôm nay.


Trong cách mạng giải phóng dân tộc, có những giai đoạn vô cùng gian khó, thậm chí có lúc nguy nan nhưng Bác vẫn luôn đề cao và giữ vững đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Đạo đức cách mạng có nội hàm rộng nhưng Bác luôn chỉ ra những nội dung rất cụ thể, dễ làm, dễ thực hiện. Như đối với cán bộ, đảng viên Bác quan tâm đến 6 việc: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Các đức tính này là cốt lõi của đạo đức làm người.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều thế hệ đã học tập đạo đức Bác Hồ. Từ người chiến sỹ, người công nhân, nông dân hay cụ già, em bé cũng biết sống vì Tổ quốc.

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, vấn đề đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới lại đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, vấn đề  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đặt ra một cách cấp thiết cho mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Trong thời gian qua, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng. Nhiều cá nhân, tập thể “làm theo” tấm gương của Bác tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị. Một trong những tấm gương “làm theo lời Bác” tạo ấn tượng nhất trong tôi là một cựu chiến binh. Đó là ông Nguyễn Văn Phụ, nguyên là Đại tá, Hiệu trưởng Trường Hạ sỹ quan Kỹ thuật - Cục Kỹ thuật Quân khu 5.

Ông là một người bình dị, gần như an nhàn trong ngôi nhà cấp 4 tại tổ 34B, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bước vào mới thấy nó không như vẻ bên ngoài. Nhà ông có nhiều sách báo và những kỷ vật một thời chinh chiến. Ông là người cởi mở, nhiệt tình. Những lần sang chơi, ông kể cho tôi nghe chuyện thời quân ngũ. Năm 1946, lúc mới 14 tuổi, ông đã viết truyền đơn cùng du kích làng xã tuyên truyền cách mạng. Năm 1946, khi người thầy chia tay ông và các bạn để đi bộ đội thì hai năm sau ông cũng nhập ngũ. Ông từng tham gia các trận đánh quân Pháp ở An Khê, Bình Định. Ông kể: ngày ấy vũ khí của chúng ta rất thiếu nhưng bằng sự sáng tạo và dũng cảm nên bộ đội ta luôn đẩy địch vào thế bị động, thất bại. Sau các trận đánh, tịch thu vũ khí địch, ông và đồng đội mày mò nghiên cứu cách sử dụng và sửa chữa để phù hợp với đạn dược của mình. Địch rất bất ngờ và lúng túng vì không hiểu ta dùng loại vũ khí gì để chống đỡ.

Cuộc chiến đấu chống Mỹ vô cùng ác liệt. Gia đình ông cũng như bao gia đình ở miền Nam thời loạn lạc. Hai người em gái của ông tham gia hoạt động bí mật tại thành phố Đà Nẵng. Cô út Nguyễn Thị Sáu bị bắt giam tại nhà lao Hội An. Không khai thác được gì, chúng phải thả ra. Trở về làng quê, cô tham gia lực lượng vũ trang địa phương. Là xã đội phó kiêm trưởng ban binh vận xã Điện Hòa. Trong một trận chống càn cô bị thương và hy sinh khi mới 26 tuổi. Cô được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2002. Hai người em trai thì một người tham gia du kích tại quê nhà rồi hy sinh. Người em trai kề ông là Nguyễn Văn Hồng, là cán bộ hoạt động trong phong trào sinh viên chống chiến tranh ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Hồng chính là nhà báo Cung Văn, người đã cùng một số cán bộ thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng chính phủ cách mạng ngày 30 tháng 4 năm 1975...

Ông từng tham gia nhiều chiến trường: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Đà... Trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông bị thương được đưa ra Bắc chữa trị rồi lại trở vào Nam chiến đấu. Rồi ông được đề bạt làm Hiệu trưởng trường Hạ sỹ quan Kỹ thuật Quân khu 5 cho đến khi về hưu.

Trở về với cuộc sống đời thường nhưng ông cũng vẫn giữ tác phong người lính cụ Hồ. Thời gian đầu mới nghỉ hưu, đồng lương eo hẹp, con cái đang tuổi học hành, ông phải làm thêm nhiều việc: gia công cơ khí, làm bảo vệ, giữ xe đạp thuê... Ông vào cả Sài Gòn làm thuê, thức khuya dậy sớm để kiếm thêm tiền lo cho các con  đang học đại học. Ông cho rằng: Con cái có tri thức, thành đạt thì đất nước có thêm người cống hiến và bớt đi gánh nặng cho xã hội. Ông khuyên dạy con cháu sống có đạo lí, có thủy chung, lao động bằng trí lực của mình, đi lên bằng đôi chân của mình, làm giàu chính đáng, đúng pháp luật.

Sau khi các con học xong ông mới về lại Đà Nẵng. Tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt các tổ chức tại địa phương như Chi bộ, Mặt trận, Cựu chiến binh, Người cao tuổi... Ông tham gia nhiệt tình các phong trào: xây dựng gia đình, tổ dân phố văn hóa, an ninh trật tự tốt. Các đợt quyên góp ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ đồng bào lũ lụt hay ủng hộ các chiến sỹ Trường Sa... luôn có tên ông đầu tiên trong danh sách và cũng luôn là người đóng góp cao. Tuổi cao, sức yếu nhưng trong tổ có người đau ốm hay khó khăn ông đều thăm hỏi. Trong các cuộc họp tổ dân phố, ông tích cực đóng góp ý kiến xây dựng. Những vấn đề khiến nhiều người e ngại nhưng ông vẫn phát biểu thẳng thắn, với suy nghĩ đóng góp để cuộc sống của tổ, phường ngày càng tốt hơn. Những lần bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, ông xem kỹ các đại biểu được giới thiệu với suy nghĩ tìm người xứng đáng để gánh vác được trọng trách công việc. Đợt đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, không ít người cho rằng “nói chắc gì người ta đã nghe” hoặc đơn giản hơn, thời gian để đọc các văn bản ấy họ dành cho giải trí, nghỉ ngơi. Nhưng ông tìm tòi sách báo, đọc, ghi chép, trao đổi... Riêng về dự thảo luật đất đai, vấn đề liên quan đến quyền lợi cốt tủy của 70% người dân nước ta, với ông, người có lương hưu trí có thể sống nhàn tản nhưng ông không bàng quan mà ngược lại, nó như là quyền lợi của chính ông. Ông đem tài liệu sang nhà tôi, trao đổi với tâm tư gan ruột của mình. Đã 81 tuổi nhưng tinh thần, phong cách ông vẫn như một chiến sỹ.

Con cháu nội ngoại đang ở nơi khác nhưng vào dịp Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ông cũng đóng góp để mua quà bánh, tham dự phát quà cho trẻ em trong tổ. Đi đâu về hay đôi lúc đi ăn sáng, ông cũng mua cho mấy đứa nhỏ hàng xóm một món quà nhỏ.

Tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn mang tinh thần người lính bộ đội cụ Hồ. Rất ít người biết rằng giữa những đợt đi viện, ông lại đi tìm mộ liệt sỹ. Lặng lẽ, miệt mài, ông tìm kiếm các nguồn thông tin, kể cả bằng phương pháp ngoại cảm. Ông vào tận Vĩnh Long để tìm. Ông thấy khỏe hơn, vui hơn mỗi khi tìm được mộ đồng đội. Điều ông đang trăn trở là biết tin người thầy của mình hy sinh ở Phước Tường nhưng vẫn chưa tìm ra mộ.

Trong buổi lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho người em út của mình, liệt sỹ Nguyễn Thị Sáu, ông lý giải về việc giáo dục truyền thống cho con cháu: nếu đánh mất những ký ức chiến tranh hào hùng một thời của dân tộc thì chúng ta sẽ mất đi một phần ý nghĩa của cuộc sống hôm nay để xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước. 

Gần ông, tôi hiểu đạo đức cách mạng mà Bác Hồ đã chỉ ra thật gần gũi, thật cụ thể. Rèn luyện đạo đức theo tấm gương của Bác chính là rèn luyện nhân cách sống tốt đẹp cho mỗi người, từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp.

 

P.N 

 

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng