Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương Định

04.06.2014

  Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt -  Lưu Phương Định

         Nhắc đến Lê Đạt  không thể không nhắc đến những bài thơ để đời Bóng chữ, Thu nhà em, Thuở  xanh hai, Át cơ … Bóng chữ, tên bài thơ được chọn đặt cho một tập thơ của ông được giới nghiên cứu, phê bình, những người yêu văn học quan tâm nhiều nhất và theo tôi đây là bài thơ tiêu biểu cho cái đa nghĩa của con chữ, cái được biểu đạt chìm sâu, ẩn khuất dưới nhiều tầng nghĩa của cái biểu đạt hay nói như Lê Đạt đó là “phần tiền kiếp không được hóa giải của chữ”. Tôi đã từng đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần, từng đọc nhiều trang “thẩm thơ” về Bóng chữ nhưng những luận giải xem chừng chưa thỏa đáng. Thử đưa ra đây một số ý mọn có tính gợi mở để được trao đổi chứ không thể gọi là hiểu hết ý của bài thơ vì chính Lê Đạt đã tự nhận “tôi tương đối hiểu thơ tôi”.

 

                                                    Bóng chữ

                                   Chia xa rồi anh mới thấy em

                                   Như một thời thơ thiếu nhỏ

                                   Em về trắng đầy cong khung nhớ

                                   Mưa mấy mùa

                                   mây mấy độ thu

                                   Vườn thức một mùi hoa đi vắng

                                   Em vẫn đây mà em ở đâu

                                   Chiều Âu Lâu

                                   bóng chữ động chân cầu

           Bài thơ chỉ vẻn vẹn 9 dòng, 49 âm tiết, có thể chia làm 2 khổ. Năm dòng trên khổ đầu, bốn dòng dưới khổ cuối.

           Khổ đầu chạm sâu đến miền ký ức, dĩ vãng, đến những kỷ niệm môt thời không dễ quên. Sự gần gũi mọi thứ đều trở nên bình thường, lắm khi là tầm thường nhưng một khi có sự chia xa cách trở nó lại hiện về trong niềm nhớ thương, tiếc nuối.

                   “ Chia xa rồi anh mới thấy em

                      Như một thời thơ thiếu nhỏ”

Âm “th” lặp lại 3 lần trong “Thời thơ thiếu” làm cho thời gian ngưng đọng, không tồn tại một biến động nào để cái “thời thơ thiếu” trở nên bất biến, vĩnh hằng.

              “Em về” không hẳn là hiện hữu mà sự trở về có thể là trong ký ức, trong kỷ niệm. Như trên đã đề cập tác giả sử dụng ít nhất 16 từ “trắng” nhưng ở mỗi từ mang một nội dung, một hàm nghĩa khác nhau. Tác giả muốn đem cái riêng cá biệt để chỉ cái toàn thể chăng? Đề cập đến người con gái ngoài dáng yểu điệu thục nữ ra thì thường  quan tâm đến làn da: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” (Kiều)

              “Trắng” có thể là biểu trưng của người con gái, ở đây là của riêng em, chỉ riêng em. Sự nhớ được đóng khung và em chiếm lĩnh trọn vẹn, choán đầy cái khung nhớ ấy:

                “ Em về trắng đầy cong khung nhớ”

           

               Thời gian xa cách đươc tính qua mùa và theo diễn biến tâm trạng của tác giả. Cái tâm trạng lúc đầu xa cách thật buồn “mưa mấy mùa” nhưng

rồi cũng nguôi ngoai để rồi ùa về với bao kỷ niệm ấm lòng, dịu nhẹ “mây mấy độ thu”:

                    “ Mưa mấy mùa

                       mây mấy độ thu”

               Khổ đầu nhắc đến ký ức, hoài niệm; khổ cuối dẫn ta về hiện thực nhưng là cái hiện thực đầy ám ảnh và có cả mất mác (“ một mùi hoa đi vắng”), chờ mong (“vườn thức”)

                 “ Vườn thức một mùi hoa đi vắng”

                Có thể nói câu thơ đắc, thần cú nằm ở:

                 “Em vẫn đây mà em ở đâu”

Cùng một chủ thể “em”, cùng một thời gian nhưng lại ở hai không gian khác biệt “đây, đâu”. Cái không có lý hiểu theo nghĩa thông thường lại nâng tầng nghĩa lên một cấp độ khác. “Em vẫn đây” chỉ là những kỷ niệm để lại, những hính ảnh tái hiện trong trí nhớ quay quắt của tác giả mà thôi. Ta liên tưởng đến: “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (Nguyễn Bính) để thấy nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tài tình của những thi nhân bậc thầy là như thế nào.

                Ở đây Lê Đạt đã thực sự thể nghiệm ngôn chí của mình “Người làm thơ chơi những phép tu từ như một thứ bẫy vô thức. Anh ta sinh sự với ngữ nghĩa và ngữ pháp để tạo ra một sự sinh mới cho thơ” (Đường chữ)

                Không phải ngẫu nhiên thơ Lê Đạt có “Bà mẹ Âu Lâu”(Bà mẹ Âu Lâu/ngồi/như gốc mai nở trắng), “Bến Âu Lâu”(Bến Âu Lâu sông Hồng/Nhận ra tôi là một cây gạo cụt) và“Chiều Âu Lâu” (Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu) mà vì Âu Lâu ở Yên Bái chính là quê ngoại, nơi đã gắn bó máu thịt, lưu giữ bao kỷ niệm của tác giả  và có chăng một tình yêu- nguyên nhân ra đời của Bóng chữ.

                Kết thúc là thời gian (Chiều), không gian nơi phát nguồn của thi tứ (cầu Âu Lâu), “ bóng chữ” một ẩn dụ vừa mơ hồ viễn tượng nhưng cũng vừa gần gũi thân thuộc, là “phần tiền kiếp không được hóa giải của chữ” chất chứa một tình yêu không hề nhỏ, có sức lay động mạnh (động chân cầu) dành cho người yêu.

                        “Chiều Âu Lâu

                          bóng chữ động chân cầu”.

          Bài thơ là thông điệp tình yêu, kiệm lời, kiệm chất liệu (khung, mưa, mây, vườn, hoa, chân cầu) nhưng tạo trường liên tưởng rộng lớn đạt hiệu quả mỹ cảm cao mang bút pháp thơ riêng có của Lê Đạt.

 

                   

                                                                                             L.P.Đ

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng