Nữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt Thư

04.06.2014

Nữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt Thư

Quyết định giao hơn trăm mẫu đất vàng thuộc huyện Phú phía đông kinh thành được viên Thị lang tâm phúc trình duyệt trực tiếp không qua văn phòng bộ như quy định cho Tham tri bộ Hộ Nguyễn công, lão nhướng mắt nhìn viên quan thân cận, hắn tươi tỉnh gật đầu và nói nhỏ: - “Ngàn quan”. Đầu gật gật lão lấy bút ký rẹt, lòng rạo rực nghĩ đến bà chủ xinh đẹp, rực lửa, có đôi chân tròn lẳn dài miên man, vốn nòi phong tình ong bướm, lại dẻo dai, nồng nàn lúc lâm hạnh đang  ngồi ở  văn phòng. Nuốt nước bọt đánh ực lão hỏi nhỏ:

-  Còn gì nữa không?

-  Dạ, Võ hoàng xin mời đại quan chiều nay đến Vương gia tửu quán dự yến cảm tạ việc đã thành.

    Nguyễn Tham tri thoáng đỏ mặt, nhìn người giúp việc:

-  Còn phần ngươi?

-  Dạ bẩm, cảm tạ đại nhân, Võ có quên ai đâu. Lễ vật quà cáp đều khắp và gấp đôi thiên hạ. Thật xứng đáng với danh xưng: “ Nam thiên đệ nhất nữ hoàng”.

   Lão nhíu mày, lòng thoáng âu lo, Võ chi bạo quá, chắc là lợi nhuận của những vụ việc phải khủng lắm, nàng chỉ quà cáp một phần nào thôi chứ có ai thông minh sắc sảo như nàng lẽ nào lại vung tay quá trán. Còn ta ký duyệt cho nàng, hồ sơ đã qua văn phòng thẩm tra theo luật rồi ký nháy. Mà có việc gì thì ngài Mô (1) – Khâm sứ sẽ bao che, vì ta là thủ túc, lại lễ trọng. Nghĩ đến đó lão hân hoan xếp đống công văn như núi rồi ra khỏi thự bộ tìm phút thư giãn để đêm nay đủ đầy năng lượng tiếp nàng.   

     

    Vương gia tửu quán chỉ dành cho những bậc vương giả tới lui. Là một mê cung đúng nghĩa. Cửa vào có 2 tráng đinh giả mặc như cấm quân đứng gác. Phòng dưới rộng rãi, sang trọng, những cột lim to cao uy nghi lừng lững, những bức họa Trung Hoa như tỏa thần khí ma mị, giăng hoa kết đèn huyền ảo.

    Gác trên có những phòng riêng, trang trí càng mê hoặc, khách như lạc vào chốn đào nguyên. Phiên bản bức tranh “Leda và thiên nga” của danh họa Mi-sên… gì gì đó người Ý-đại-lợi do vị quan lớn người Pháp ở tòa Khâm tặng gây một cảm giác xôn xao. “ Minh Mạng thần tửu ” được rót trong chén ngọc lóng lánh, dùng cùng ba ba hầm sâm, bào ngư, súp yến … càng khiến lòng người rạo rực.

 

  … Khi xuân tình đã thỏa, nàng rủ rỉ:

-  Ngân lượng thiếp lo liệu mọi sự là từ vay mượn của những kẻ kinh tài, bảy phần cấp bách, phần chàng phải lo đốc thúc thủ tục rồi hối thúc bọn trọc phú học đòi ấy giành phần và đặt cọc để thiếp hoàn trả cho lũ áo ôm ấy nhé.

    Lão Nguyễn sẽ sàng:

-  Công văn nhiêu khê lắm, ta sợ sẽ chậm trễ gây phiền phức cho nàng.

-  Thế thì chàng bảo lãnh cho thiếp vay tư khố vậy. Được chứ ?

Lão vân vi:

-  Khó đó. Lệnh truyền chỉ bảo lãnh cho những vụ việc quan trọng. Ta cũng ngại…

-  Nguyễn công ! Chàng là Tham tri, lại là tay chân của ngài Khâm, ai không nể chàng. Vả lại thiếp đã là của chàng, thân này còn bao kẻ thèm khát… Ứ… hư … Nguyễn lang. - Nàng chợt đổi giọng: -  Lê quân đã có bằng chứng về chuyện đôi ta, hắn cứ đòi làm đơn …

   Lão thấy vừa khó xử vừa bực bội:

-  Sao nàng không ly hôn nó đi?

-  Đã ba lần thiếp lập đơn mà lão có chịu đâu. Mệt thật.

  

     Mà mệt thật. Nàng vốn con nhà cự phú, được học hành giao lưu với bạn Tây nên có lối sống phóng túng từ thời niên thiếu, nàng học lực chẳng ra gì nhưng vẫn tốt nghiệp đíp-lôm năm 18 tuổi, đó là nhờ lão Tây già hiệu trưởng si mê nhan sắc của nàng đã gạ tình đổi điểm, rồi đỗ Tú tài, lại được tốt nghiệp khóa chuyên tu Sư phạm loại khá đều nhờ cái dáng sắc và nỗi đam mê trời đày.

    Và nhờ thế, đang là cô giáo, lên hiệu phó nàng lại được quan tri huyện chú ý đưa lên huyện, rồi lên tỉnh, chớp thời cơ nàng rẽ qua thương nghiệp, nàng tin câu truyền miệng : - “ Phi thương bất phú (2) và được giao làm đại lý mua bán rượu, muối là những mặt hàng nhà nước bảo hộ độc quyền kinh doanh. Nàng giàu lên nhanh chóng, mọi chuyện dù khó khăn với ai vào tay nàng đều dễ dàng như bỡn.

    Nàng đã là bà hoàng một vùng trời, nàng xem nhẹ mọi sự, tiền tài với nàng như giấy lộn, ngàn quan tiền chẳng là cái gì ghê gớm đối với nàng. Nàng đang ở đỉnh cao danh lợi. Lão Tham tri này cũng chỉ là người đưa đường cho nàng mưu đồ chuyện lớn, với 2 khu dinh điền, giờ đây khu đất kia nay mai sẽ là khu biệt thự nghỉ mát của bọn Việt tư sản học đòi, đất sẽ hóa vàng, nàng sẽ là đệ nhất phú hào phương nam của đất nước này. Danh lợi, giàu sang … Ha…ha… nàng sẽ ngụp ngụa trong vàng son cao sang lồng lộng. 

    Gia đình nàng? Gã chồng nàng con nhà gia giáo, là viên thư lại của bộ Công, gã sống nghiêm nghị như một ông cụ non, tu thân đến khắc kỷ, tề gia nệ cổ, vợ chồng nhiều tương khắc. Những đêm vợ chồng như một nghĩa vụ, gã e ngại gì đến nỗi không dám thắp lên một ngọn nến hồng, xong việc gã lại về thư phòng, bỏ nàng hẫng hụt trở trăn nóng rực. Sinh thú vợ chồng là thế này chăng? Bổn phận! Nó khiến ta oằn người trong lắm việc nhiêu khê, quá nhiều điều vô lý, bất công với giới phụ nữ phương Đông. Những đứa con đẹp ngoan kia hình như mới là mục đích của gia đình họ, còn những hoan lạc trời cho thật xa lạ với Lê. Ôi những hủ nho tội nghiệp.

    Biết nàng vốn mạnh mẽ, nặng dục tính nên có lối sống phóng túng, gã răn đe nặng nề, nhưng dù cố gắng giữ danh hiền phụ nàng vẫn không chế ngự được bản năng khốn nạn ấy, nó thôi thúc nàng mờ mắt, gã phải xuống nước mong nàng gìn giữ gia phong, sống có trách nhiệm với đàn con vô tội, mọi việc phải kín đáo, có nơi. Nàng thẹn với lương tâm, đã nhiều lần xin ly hôn nhưng gã sợ mang tiếng với thiên hạ  nên không đồng ý. Khốn khổ.

 

     Mong muốn xây dựng những khu biệt thự nghỉ mát vùng cửa Hiền phá sản do bọn chúng lo sợ trước tình hình đất nước, Việt Minh ngày càng mạnh, thế cuộc có cơ thay đổi. Quan Mô bị triệu về nước vì bất lực, quan Ê (3) qua thay, vị trí Tham tri của Nguyễn công lung lay tận gốc. Còn nàng thì ngập trong nợ nần. Các tư khố đua nhau làm đơn khởi kiện, việc lớn dần. Khâm sứ Ê chỉ thị bộ Hình vào cuộc.

    Thế là hết một thời vàng son lộng lẫy, thế là hết một thời quyền năng nhất mực. Nàng bị kê biên tài sản, thụ lĩnh án tử. Lão Nguyễn cũng bị tước hết quyền lực, bị án 10 năm. Trong tù oán hận xung thiên vì bị những huynh trưởng bỏ mặc, lại nhận được đơn ly hôn của chồng, nàng lại bất tỉnh.

    Chưa đến số lại tham si đè nặng nàng không sao siêu thoát, lẩn quẩn nơi dương thế tìm cơ hội làm lại cuộc đời. 20 năm sau, khi đã tu luyện khí lực cường linh nàng chen lấn vào cửa sinh một nhà trọc phú họ Cù.

 

                                                    ********

 

      Đời trôi 1 vòng, 60 năm sau nhân đọc những vụ án do nữ nhân gây tổn hại cho đất nước, bản thân họ bị tù đày, trong đó vụ Cù thị lớn nhất nước,  bọn Thứ -  những lão hưu rảnh rỗi có học võ vẽ dăm câu Luận ngữ ngồi bốc phét. Lão Thứ vốn nhiều chuyện, kể lại vụ nói trên cho anh em nghe rồi bực bội:

-  Mẹ! Thánh dạy: “chính danh”. Phải có tài đức đúng ngành nghề mới mong thành đạt. Cù thị vốn dân giáo viên mà qua kinh doanh, chẳng biết gì lại thu chi như kẻ chợ, nghe phỉnh nịnh thì chi bạt mạng cho xứng hư danh, quà cáp vô tội vạ, thu ít chi nhiều, dự án thì may rủi. Sai luật rành rành, chết là phải.

    Lão Trung phụ họa:

-  Đúng là phụ nữ nghe bằng tai, lời nịnh nọt tâng bốc cứ tưởng thật, lại nhẹ dạ cả tin. Lão cao giọng: - Nữ hoàng ! Ha …ha… nữ hoàng. Chết là phải.

    Nghĩa ưu tư:

-  Sao khi khám nhà gia sản của thị lại chỉ là ngôi nhà cấp bốn, tiền mặt chỉ vài trăm ngàn nhỉ?

    Thứ buồn buồn:

-  Cuối đời thị mới nhận ra mục đích sống của người phụ nữ: Xây dựng hạnh phúc gia đình, sống an vui bên chồng con là nhất. Còn tất cả việc khác chỉ là phụ. Sống cũng phải lụy, vì mình, vì người nhưng phải biết chừng mực và quan trọng nhất là phải biết mình.

   Nam trầm ngâm:   

- Sao bây giờ họ hay phỉnh nịnh phụ nữ xông pha, có chút thành công nhờ nâng đỡ lại nhầm tưởng mình là số một, danh lợi hão đời nào cũng chỉ là ảo mộng phù vân, thân mang tù tội. Thật đáng thương.

   Lại Thứ:

-  Này các ông! Lão Nguyễn cũng tướng tá một thời đấy nhé, không ngờ lại bị ngã ngựa bởi danh lợi và giai nhân. Mà không! Cù thị có phải là giai nhân đâu!

         

                                                                                   Trung thu Qúy Tỵ - 2013

Đ.N.T

 

 

 

------------------

(1) Maurice Fernand Graffeuil - Khâm sứ Trung kỳ 1934 – 40

(2) “ … Phi thương bất hoạt ….”  -  Lê Quý Đôn

(3) Emile Louis Francois Grandjean -  KSTK     1940 -  3/ 45

 

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng