Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung Sáng

04.06.2014

Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot  - Trần Trung Sáng

Trong những năm tháng bôn ba, phiêu dạt khắp nơi trên thế giới để tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có dịp gặp gỡ, quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Bác Hồ cùng với danh họa Picasso và vua hề Charlot (Charlie Chaplin) đã từng có những cuộc gặp gỡ để lại nhiều kỷ niệm vô cùng thú vị.   

 

Bà Stenson, một sử gia người Mỹ khi nghiên cứu về cuộc đời “danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh" đã nêu rõ: “Thời trẻ tuổi, Nguyễn Ái Quốc làm bồi bàn ở khách sạn là để đi lại, giao tiếp với chính khách thế giới, không đơn giản là để kiếm sống. Nguyễn Ái Quốc còn chơi rất thân với các văn hào, nghệ sĩ danh tiếng trên thế giới như Romain Roland, Henri Barbuse, vua hề Charlot và danh họa Picasso…”. 

   Cũng theo bà Stenson, thời điểm ấy, khi đặt chân tới Pháp, Nguyễn Ái Quốc là một thanh niên 21 tuổi, còn Picasso đã 30 tuổi, đang nổi danh ở Paris với sự ra đời của trường phái lập thể (Cubisme) cùng với Braque. Qua những lần tham gia một số hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Ái Quốc đã vài lần gặp Picasso và nhiều văn nhân nghệ sĩ khác ở nhóm Ánh sáng (Clarté). Về sau, đến năm 1946, tức 35 năm sau kể từ lần đầu gặp Picasso, khi đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp với tư cách một nguyên thủ quốc gia - thượng khách của nước Pháp, Bác Hồ vẫn không quên đến thăm người bạn vong niên trong thời trai trẻ đầy gian khó của mình: danh họa Picasso.

    Gần đây, trong tập sách Bác Hồ - một tình yêu bao la (NXB Kim Đồng phát hành tháng 5/2010), bên cạnh vô số câu chuyện chân thực và xúc động từ những họa sĩ, nghệ nhân lớn trong và ngoài nước kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhà biên soạn cũng nhắc lại câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của Bác Hồ và danh họa Picasso tại Paris vào năm 1946 - một cuộc gặp đáng nhớ sau 35 năm của hai người bạn, hai người đồng chí từng hoạt động tại Đảng cộng sản Pháp, do ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký của Bác thời bấy giờ kể lại. Trong đó, có đoạn nhắc lại lời Picasso: “Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria (Người cùng khổ), anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu. Ngày ấy tôi nói với Henri Basbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ tịch, người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác”. Ông Huỳnh cũng cho biết: “dịp đó, Picasso mời Bác uống nước, rồi phác mấy nét chân dung Bác. Xong, ông cất vào cặp giấy vẽ. Đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao cho Bác. Sau đó, Bác trao lại cho tôi cất giữ…”. Tuy nhiên, đến nay trong các kho tư liệu, các nhà nghiên cứu vẫn chưa công bố được bức tranh ấy còn hay đã mất. 

 

    Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có tài liệu xác định rõ thời gian và địa điểm việc gặp gỡ giữa hai người bạn Nguyễn Ái Quốc và Charlie Charplin, tuy nhiên, theo lời kể của bà Geraldine Chaplin (con gái vua hề Charlot) trên báo Gramma (Cuba), thì ít nhất cha bà đã gặp Bác Hồ 2 lần.

            Lần thứ nhất, trong khoảng thời gian từ 1911 đến cuối năm 1915 đầu 1916, tức vào thời gian “anh Ba” làm phụ bếp trên một chiếc tàu của Pháp chạy trên các đại dương từ Châu Á đến Châu Mỹ, Châu Phi...Cần nhắc lại, chính thời điểm ấy, tại Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn… của nước ta, đông đảo khán giả say mê các bộ phim hài hước của Vua hề Charlot. Chính vì vậy, giữa “anh Ba” và Charlot đã nhanh chóng có cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên. Bà Geraldine Chaplin kể: "... Cha tôi đã đi du lịch trên con tàu có một thanh niên Việt Nam làm phụ bếp. Về sau này Cha tôi có kể lại với tôi rằng khi ông Hồ Chí Minh (tất nhiên lúc ấy chưa có tên và cương vị như bây giờ), gửi cho Cha tôi một bức thư khi Người biết Cha tôi đang ở trên tàu với cương vị một hành khách. Hồi đó những phim do Cha tôi thực hiện đã rất thành công. Câu chuyện xảy ra như thế này: anh phụ bếp "Ba" hỏi Cha tôi rằng liệu anh có thể chụp chung với Cha tôi một bức ảnh không? Với Cha tôi sự việc được giải quyết rất nhanh. Người lập tức bước xuống hầm tàu đến khu bếp tìm gặp anh phụ bếp trẻ vốn khâm phục và muốn gặp mình. Cha tôi và anh nói chuyện với nhau, cuối cùng ngồi xuống ăn cơm chung với tất cả các anh làm bếp. Đấy là lần gặp gỡ thứ nhất giữa "anh Ba" và "Vua hề Sác-lô". 

            Mặc dù không xác định được rõ chi tiết về cuộc gặp gỡ lần thứ nhất, nhưng bà Geraldine Chaplin khẳng định, trong tài liệu lưu giữ của bà, vẫn còn lưu giữ nhật ký của Charlot sau chuyến đi: “ Chúng tôi lênh đênh trên biển 12 ngày, gặp một cơn bão rất khủng khiếp, con tàu đi về hướng Québec (Canada) thông thường chở súc vật, nhưng lần này chỉ chở nhiều chuột…”. Bà Geraldine cho rằng, chi tiết đó, có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu xác định rõ hơn cuộc gặp giữa Bác Hồ và Charlot.

            Về lần gặp gỡ thứ hai, bà Geraldine nói: “Nhiều năm sau, cha tôi và ông Hồ Chí Minh lại gặp nhau lần nữa trong chuyến đi du lịch: Hai cụ tìm nhau và gặp lại. Cha tôi đã nổi tiếng hơn trước nhiều và cụ Hồ Chí Minh cũng đã nổi tiếng. Lần này, cụ Hồ kể cho cha tôi nghe câu chuyện tiếu lâm về con tàu và tự giới thiệu là chàng phụ bếp trẻ ngày nào. Cha tôi kể cho tôi câu chuyện này với một mối thiện cảm đặc biệt, bởi vì người rất khâm phục ông Hồ Chí Minh” 

Viết về sự kiện này, một số nhà chuyên môn nêu ra các giả thiết: Thứ nhất, hai người có thể gặp nhau tại châu Âu vào năm 1923, khi Chaplin sang đây để dự lễ khải hoàn lần thứ nhất. Lúc đó Hồ Chí Minh còn đang ở Pháp, hoạt động dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Thứ hai, họ có thể gặp nhau tại Pháp vào năm 1946, khi Chaplin tới đây để làm phim Ông Verdu, còn Hồ Chí Minh thì sang Pháp với danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thượng khách của Chính phủ Cộng hòa Pháp.

  Mặc dù, trong những lời kể của bà Geraldine Chaplin có nhắc: “Tôi nghĩ rằng, thế nào mẹ tôi cũng còn giữ bức ảnh cha tôi chụp chung với Bác Hồ. Chính cha tôi đã cho tôi xem bức ảnh đó". Thế nhưng, hơn nhiều thập niên qua, chúng ta vẫn chưa được may mắn nhìn thấy tấm ảnh vô giá lưu dấu thời tuổi trẻ của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và nhà nghệ sĩ vĩ đại của thế giới thế kỷ XX .

                                                                                                     T.T.S

Bài viết khác cùng số

Gò ông Thức - Bùi Tự LựcNữ hoàng thuở 40 - Đỗ Nhựt ThưBao giờ? - Hoàng Thanh Thụy Đáo bỉ ngạn - Quế Hương Những cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với danh họa Picasso và vua hề Charlot - Trần Trung SángMột cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ - Phương NghiTôi làm đường, được gặp ông Núp - Trần PhóngDharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã TiênThơ Phạm PhátDấu cũ - Nguyễn Hoàng SaVô ngại - H.ManTrong một giấc mơ xa - Võ Kim NgânLang thang qua đồng rau cũ - Trương Đình ĐăngTrở về một dòng sông - Thuận TìnhKhi cơn bão qua - Nguyễn Ngọc Hạnh Biển thanh xuân - Trương Điện Thắng Nằm mơ bóng nguyệt - Ngân Vịnh Hôn em trên đỉnh Trường Sơn - Đỗ Văn ĐôngNghe anh kể chuyện - Quốc Long Nhớ Hịch Tướng Sĩ - Lê Anh Dũng Bác Hồ của chúng ta - Nguyễn Thành Long Tháng 5 - Lê Huy Hạnh Ngày thăm lăng Bác - Nguyễn Công Toản Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua đánh giá của Unesco - Trần Nguyên Hào Đất và người xứ Quảng - Người đại diện Nam triều ký bản đồ hình thành Đà Nẵng - Châu Yến LoanMột con người đầy suy nghĩ và giàu lòng nhân ái - Thanh Quế Cảm nhận bài thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt - Lưu Phương ĐịnhTuyên ngôn tượng trưng Dạ đài – bước cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới - Chế Diễm TrâmĐờn ca tài tử - Trần Hồng