Cuộc tình vùng đất lửa

18.03.2023
   Bút ký HỒ DUY LỆ
Cuối năm 1949, tôi đi cực Nam Liên khu V, học lớp ba tháng, về làm Trưởng Tiểu ban Chính trị Huyện đội Phan Rang. Đầu năm 1953, vùng kháng chiến Bình Thuận bị đói, sốt, chưa kể rận, chí, làm tôi suy sụp. Trâu bò, heo gà bị địch bắn giết, sản xuất khó khăn, hầu hết dân tình cũng nghèo, vất vả như bà con Quảng Nam. Khu ủy V có chủ trương cán bộ công tác tốt nhưng đau ốm thì cho ra vùng tự do an dưỡng, thời gian an dưỡng từ 6 đến 9 tháng... Tôi xin được về an dưỡng vùng tự do của Quảng Nam.

Cuộc tình vùng đất lửa

Đoàn của tôi nhập với anh em của Khu VII, tất cả có 9 người. Trên đường đi ra thì gặp Đoàn của anh Văn Diêu, có 12 người đi vào Khánh Hòa. Bốn giờ chiều,  Đoàn đến Trạm 20 - Trạm nằm trên địa đầu phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Đi đường núi, gặp mưa giông tầm tã, lại phải lội suối nên ai cũng chỉ mặc cái áo may ô và quần đùi, còn tất cả bỏ vào trong ba lô. Đến Trạm, vừa cởi ba lô bỏ trên cái sạp, nhận ra người quen, ào tới tay bắt mặt mừng. Chưa kịp tắm giặt, thay áo quần và ăn tối thì súng nổ. Chúng tôi bị một toán biệt kích tấn công. Mạnh ai tuôn chạy. Lăn xuống cái hố sâu, tôi men theo bờ đá… trời ập tối đen.

Cái đêm kinh hoàng ấy, biết mình không chết nhưng cả người đau nhức, tôi bò lần về gần Trạm, nghe tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng rên não nùng… cho đến mờ sáng tôi chờ xem bọn “ba trui” rút vào rừng chưa hay phục lại chờ anh em ta đến tiếp cứu. Đến 9 giờ sáng, thấy có người đi lại, tôi nhận ra anh em mình, các anh ở Trạm giao bưu tìm thấy tôi. Đoàn của anh Văn Diêu chỉ còn sống 3 người mà 2 người bị thương. Anh Văn Diêu nắm tay tôi nói như trăn trối: “Tôi bị nặng quá. Anh về quê có gặp thì nói cho gia đình tôi biết”. Anh Văn Diêu và nhiều người bị thương đưa về đến bệnh xá thì chết, phần vết thương nặng quá, phần tình hình y tế của ta lúc bấy giờ lạc hậu lắm, không có cả thuốc cầm máu.

Trang đầu bài đăng trên Tạp chí Non Nước tháng 4/2023

Anh em ở Trạm đưa tôi trở lại Khánh Hòa, bấy giờ anh Bảy Hữu là người Quảng Nam làm Bí thư Khánh Hòa. Các anh Khánh Hòa may cho tôi hai bộ đồ mới, cho ăn uống, bồi dưỡng độ một tuần thì đưa tôi về Ban tổ chức Khu ủy V. Về đây, tôi gặp anh Hai Nghị (Phan Đấu người cùng quê). Tôi nói nguyện vọng trở lại Khánh Hòa tìm thăm anh Ba thì anh Hai Nghị nói anh Ba đã hy sinh cách hôm tôi đến gần 10 tháng rồi. Anh Ba Trần Hữu Cừ thoát ly theo theo tinh thần tăng cường cán bộ cho chiến trường cực Nam. Anh làm Bí thư Huyện Đoàn Diên Khánh. Nghe anh Hai Nghị nói, tôi òa khóc, mới hiểu tại sao khi nằm bồi dưỡng ở Khánh Hòa tôi hỏi thì các anh ở Tổ chức không nói rõ anh Ba tôi đang ở đâu mà nói anh đang đi công tác xa.

Nhớ ngày anh Ba tôi đi, mẹ tôi rất lo, lúc nào mẹ cũng trông tin con. Hồi đó có thư, phải mất cả tháng mới nhận được, ngày đêm mẹ tôi trông tin anh Ba. Đến lượt tôi đi, mẹ tôi vừa lo, vừa buồn vì đã hỏi vợ cho tôi, người con gái hiền lành lại là gia đình “môn đăng hộ đối”, nhưng tôi lại dùng dằng, lại yêu người mình yêu rồi lại đi biệt như anh Ba tôi, nên mẹ tôi rất buồn. Tổ chức cho tôi về an dưỡng ở vùng quê biển Quảng Nam. Nhận 5 đồng bạc Đông Dương tiền bồi dưỡng bỏ vào túi áo, mang hai cái ruột nghé, 22 lon gạo, leo lên chiếc “công nhông rây” ngồi hơn hai tiếng đồng hồ, hết đường rây, tôi bước xuống đi bộ ra Bến An Tân, leo lên thuyền, xuôi theo sông Trường Giang. Nhìn xóm làng hai ven sông quê hương, lòng tôi nôn nao, nhớ thương mẹ vô cùng, chợt nghĩ, xa nhau chừng ấy ngày, liệu người con gái xinh đẹp ấy còn nhớ tôi?

Khi nhập An Hà và Lạc Câu thành xã Thăng An, anh Ba tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Thanh niên… tôi là một thanh niên sôi nổi, Chính trị viên phó Xã đội An Hà, còn Nhiên nhỏ hơn tôi hai tuổi. Tôi tuổi Ngọ, Nhiên tuổi Thân. Nhiên phụ trách Thiếu niên, đã là một “cảm tình Đảng”. Nhiên hay đến nhà bác Hưởn, nhà bà Ngân chơi, ăn cơm cùng anh Ba tôi… Trước nhà tôi có cái bàu, bọn thanh niên, thiếu niên nam nữ như Nhiên, Thúy, Phượng… thường hay ra bàu tắm, bơi. Một lần, Nhiên bị đuối nước, nghe tiếng kêu cứu: Anh Bốn ơi, cứu Nhiên!Tôi liền rượt tới, nhảy xuống bàu dìu Nhiên lên bờ, người Nhiên tái nhợt, thẹn thùng trong lớp áo phong phanh ướt đẫm. Từ đó, hai người bí mật yêu nhau, nhưng rồi cũng bị lộ vì cái thư tình, bị Đoàn xã “phê bình”. Tôi - Trần Anh Vũ “đối tượng Đảng”, giấu chiếc khăn tay kỷ niệm Nhiên tặng lúc chia tay trong cái nhà kho ở Lạc Câu cùng bộ đồ mẹ may cho trong cái xách “hành lý”, đi biệt vào cực Nam…

Tôi nghĩ,về thăm mẹ, thuốc thang, bồi dưỡng rồi đi. Khi bến đò Lạc Câu thân thuộc đầy kỷ niệm hiện ra, lòng tôi bồi hồi. Đây cũng là thời kỳ xã nhà, huyện nhà vừa trải qua một trận đói khủng khiếp. “Đói năm Hai”. Lẽ nào chỉ mang về cái thân giơ xương, má tóp và cái ruột nghé gạo trên vai làm quà cho mẹ?

Chào người lái thuyền, rời bến đò, lội cát đi đến đầu làng, mấy người đứng nhìn, tôi chưa nhận ra là ai, thì nghe ai đó gọi: Thím Xã ơi! Chú Bốn về đây nè!

Ở quê, bà con gọi mẹ tôi là bà Xã Cự. Mẹ tôi đang kho cá trong bếp nghe tiếng gọi con trai về, bà bỏ trã cá chạy ra ôm chầm tôi vừa run, vừa khóc, hai tay tôi ôm chặt mẹ tôi và òa khóc. Cả làng chạy đến vây quanh mẹ con tôi. Không biết Nhiên bên ấy có nghe tin tôi về nhà không. Chắc cô ấy biết và chờ tôi, nhưng tôi thì im lặng vì mặc cảm...

Tháng 8 năm 1954, tôi đang đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ bí mật làng Tân An. Chúng đến liền lập chính quyền. Tôi không ra “trình diện”, không “đầu thú” theo lệnh của chính quyền mới. Đêm đó, hai người ra ngồi tâm sự dưới lùm dương. Nhiên thút thít ướt ngực áo tôi, cho tôi biết đã mang hòn máu tình yêu của tôi trong người. Đến khuya lơ,Nhiên bảo tôi phải trình bày cho mẹ biết rồi lánh đi không thì chúng sẽ giết. Tôi rời Tân An, xuống thuyền theo cậu vượt biển ra miền Bắc…

Một hôm, trước Tết Đinh Dậu - 1959, anh Huỳnh Hòa (nguyên Bí thư Tam Kỳ) đến thăm tôi gợi ý trở lại miền Nam. Ba bốn năm trên đất Bắc, buồn, nhớ miền Nam, nhớ mẹ hiền, nhớ Nhiên, mong đứa con ra đời mẹ tròn con vuông, lòng không yên mỗi khi nghe tin từ miền Nam rằng kẻ thù phá hoại Hiệp định Genève, tố Cộng… nên nghe có chủ trương cho cán bộ tập kết về lại miền Nam tôi rất mừng, biết tình hình đang có chuyển biến mới.

Tháng 2 năm 1959, nhận được quyết định rời Hà Nội. Định ăn Tết xong chừng 6 ngày thì lên đường. Tập trung tại một căn nhà cổ bên Hồ Tây để tập luyện, bồi dưỡng. Vào căn nhà bí mật này tôi gặp anh Ngô Thanh Dũng - là những người con của Bình Dương, mừng không thể tả. Tôi từng biết anh hồi kháng chiến 1, khi anh là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình. Anh Thanh Dũng cũng là cậu vợ tôi. Nói chuyện thì biết chuyến đi còn có anh Phan Văn Giáo (con ông xã Giáo) người Bình Giang. Tôi đi trong Đoàn do anh Hồ Nghinh dẫn đầu.

Rời Hà Nội, xe đưa Đoàn đi một cách bí mật vào đến Trạm thứ nhất -  là “biên giới” giữa miền Bắc và miền Nam, thì bắt đầu cuộc hành quân bộ cho đến giữa tháng 7 năm 1959, đến đất Quảng Nam! Gặp các anh trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi nhớ có anh Bốn Hương, bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ, phụ trách các huyện cánh Trung như Quế Sơn, Thăng Bình và Duy Xuyên… Tỉnh ủy bố trí tôi đứng ở đất Duy Xuyên để từ “bàn đạp” của Duy Xuyên lần hồi về Thăng An. Khi đứng ở Duy Xuyên, Bí thư Lưu Lộc bố trí anh Ba - người phụ trách công tác Đông Duy Xuyên giúp tôi, nhờ vậy, tôi về được các thôn Nhân Bồi, An Lạc, Văn Quật của xã Xuyên Tân, từ đây qua sông là đến quê tôi, giúp tôi nắm được một ít thông tin ở vùng Đông Thăng Bình đang hết sức khó khăn.

Bấy giờ, cơ quan Huyện ủy Thăng Bình đóng ở An Lâm, Thăng Phước. Toàn bộ Huyện ủy lúc bấy giờ có 25 người. Có được một “cái khung” Huyện ủy và mấy chục cán bộ nhân viên quý biết chừng nào! Khi thi hành Hiệp định Genève, Tỉnh ủy chỉ định Huyện ủy Thăng Bình 5 Huyện ủy viên chủ chốt với 40 cán bộ đảng viên trực thuộc. Đến năm 1957, địch dõng dạc tuyên bố đã diệt hết Cộng sản trên đất Thăng Bình.

Trương Thúc Thành - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình bị bọn phản bội chỉ điểm, chúng tra tấn đến chết, đem xác phơi ở sân vận động Hòa Bình, Bàu Bính, đe dọa những gia đình nuôi giấu cán bộ như mẹ Lức, mẹ Xuân, mẹ Quyền… một số đảng viên, cơ sở cốt cán lần lượt bị bắt như Phan Thị Tranh, Võ Thị Tâm, Phan Thị Loan, Nguyễn Thị Nhiên… là thời gian đường dây liên lạc từ vùng Tây về Bình Dương bị đứt, ngay Bí thư Nguyễn Tiến Chế lên tỉnh họp rồi không thể về lại Bình Dương. Hai Nhiên vào tù, bà Nội bồng cháu Hiền mới ba tuổi về nuôi, thỉnh thoảng Nội bồng cháu vào ở tù với mẹ, ý của bà Nội để mẹ nó đỡ nhớ con và cũng để cho bọn công an, mật vụ nhẹ tay với một “góa phụ” có con dại.

Ngày 15 tháng 4 năm1961, Tỉnh ủy điều động tôi bổ sung vào Huyện ủy Thăng Bình, phân công làm Trưởng ban Quân sự kiêm Chính trị viên lực lượng Vũ trang huyện. Liên Huyện ủy dựa vào cơ sở của Đoàn 55 tổ chức các hoạt động Vũ trang tuyên truyền, hướng xuống vùng Tây Thăng Bình và Tây - Bắc Tiên Phước. Vũ trang tuyên truyền thọc xuống Na Sơn, An Lâm, vượt sông Tiên qua An Tráng, rao loa, rải truyền đơn xuống tới Định Sơn ra Việt An, Cao Ngạn. Đi đến đâu, Đoàn giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

ẢNH 8 Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1961, sau khi trên tăng cường cho huyện Thăng Bình thêm một số cán bộ quân sự và chính trị , tại nhà bà Đá ở thôn Chín xã Tiên Lãnh, Tỉnh ủy công bố quyết định thành lập Huyện ủy gồm 7 người, anh Ngô Thanh Dũng, làm Bí thư. Ban cán sự Huyện đội do Trương Tư (người Đại Lộc) phụ trách, tôi Chính trị viên. Huyện đội Thăng Bình dựa vào các gia đình ít ỏi ở thôn Chín xã Tiên Lãnh. Tôi ở trong nhà bà Đá. Từ đây bám ra Na Sơn - một làng nằm sát với Tiên Lãnh. Từ nhà bà Đá, mỗi lần đi phải qua một cái đèo qua truông mới đến Na Sơn, đường xa, hốc núi quanh co nên chúng tôi xuống ở xóm nhà ông bà Sừng, ông Cho, bà Thôi, bà Quăm. Huyện đội ở trong nhà ông Công, gần bến đò An Lâm. Bọn địch ở An Tráng, thỉnh thoảng quét đại liên qua An Lâm, ban đêm chúng ém một tổ bí mật phục kích vào nơi chúng biết có lực lượng giải phóng.

Ở Na Sơn chỉ còn bảy, tám gia đình trụ lại. Gia đình ông Cho chỉ có hai cha con ở lại. Ông Sừng ở lại với hai cô con gái. Mình không biết đường biết sá. Muốn đi đâu, ông Sừng nói “để tôi dắt”. Ông Sừng còn dặn, cần đi đâu, ông sẽ nắm tình hình rồi ông đưa đi, đi một mình rất nguy hiểm và sẽ lạc mất. Không có ông Sừng, không có những người mẹ tốt bụng, một lòng hướng về cách mạng ở cái “bàn đạp” Na Sơn, Hố Sâu, An Lâm, ra ngoài này thì có xóm mẹ Đào, mẹ Tửu, mẹ Dũng ở Bình Trị, thì thật là khó khăn, nếu không nói là sẽ không làm được gì giữa bốn bề rập rình tề, điệp, công an và lính phục kích, gài mìn.

Đồng Linh, Phước Cang, gọi là căn cứ Linh - Cang, có những gia đình bám trụ kiên cường, là chỗ dựa tin cậy sống chết với cán bộ cách mạng như gia đình mẹ  Quýt, mẹ Tiên, bác Khóa, bác Đê, Trương Ngọc, Võ Thông, Lê Bùi, Trương Hiệp, Mai Được, Trần Cây… Xóm nhà ông Mịch ở thôn Một, xã Phước Sơn - khu vực có đường thông với Eo Gió, nhà ông Thoại ở Đồng Linh là nơi Văn phòng Tỉnh ủy từng đóng và từng diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đại hội lần thứ VI năm 1964 và Đại hội lần thứ X năm 1973.

Ban đầu, nghe được thông tin ta mở ra ở hướng Trà My, Tiên Phước, một số bà con âm thầm gánh mắm lên “nguồn” tìm gặp người thân. Đến khi Tám Giáo bí mật về vùng Đông, vào nhà thăm cha ở Hiền Lương thì người bà con trong tộc - Phan Thị Tranh tin và rất mừng biết cán bộ huyện Thăng Bình đã về đứng ở vùng Tây. Có tin quý hơn vàng, họ bí mật rỉ tai cho những cơ sở thân cận biết. Từ đó, có vài người ở Tân An - Hà Bình gánh mắm lên nguồn.

Gần ba năm trời, ăn không đủ no, sốt vàng da, đêm về gió rừng lạnh cắt da, đến tháng 1 năm 1963, khi tôi ở trong xóm nhà bà Tiên, bà Bùi ở Bình Phú, thấy mấy bà bám trụ này trông khí khái mà vui tính, lân la làm thân, tôi nghe bà Tiên nói đến mấy bà ở biển lên bán mắm. Nghe đến dân biển tôi nghĩ ngay đến bà con vùng Đông của mình. Làm quen, hỏi chuyện, bà Tiên nói có bà Gần ở Hà Bình. Đôi ba ngày bà gánh mắm lên - mắm cái bỏ trong những cái hũ nhỏ, bán hết, hôm sau về xuôi, có khi bà ở lại hai ba ngày, bán hết mắm mới về.

Tôi chờ bà Gần gánh mắm lên liền mua một hũ, làm quen và kể cho bà nghe thời kháng chiến 1 tôi từng hoạt động ở Thăng An, từng biết người này, người kia thì bà Gần cũng biết họ, cuối cùng bà Gần nói đến cô Hai Nhiên và hoàn cảnh của mẹ con cô ấy.  Được tin mừng, cả đêm không ngủ, tôi viết một lá thư nói của “một người bạn” ở Tiên Phước cùng ở tù với cô Hai Nhiên ở nhà tù Hội An gửi. Nội dung thư: “Anh đã về đến đây rồi, gặp bác ni - người đưa thư. Em tìm cách bắt liên lạc lên cho được”. Gần một tuần sau, bà Gần gánh mắm lên thì bà Tiên cho cô con gái tên là Mười đến báo tin, tôi ra gặp bà Gần, đồng thời trả cái hũ đựng mắm cho bà Gần.

Tranh tư liệu

Lần trước gặp bà Gần, để làm quen và để có thể gặp nhiều lần, tôi bảo anh em trong đơn vị ra mua mắm, chỉ mua một hũ, để có thể mua lần hai, lần ba. Bà Gần kể lại chuyện gặp cô Hai Nhiên: Khi tôi đưa lá thư thì cô mở ra đọc liền. Đọc xong, cô xé lá thư rồi nói, bác gặp thì nói lại với người đưa thư là tôi không ở đây nữa, gửi con gái cho bà Nội, tôi đi Đà Lạt.

Sau khi nghe bà Gần nói vậy, tôi thay mặt “người bạn tù” cảm ơn bà Gần đã đưa thư tận tay. Đêm nằm suy nghĩ, chắc Hai Nhiên hết sức mừng biết chồng đã về đến đất Thăng Bình. Hai Nhiên là người Lạc Câu. Nhiên xé lá thư và nói như vậy đề phòng gặp người xấu sẽ gặp nguy hiểm, vì Nhiên vừa ở tù về chắc chắn bọn xấu trong làng luôn để mắt đến, dù tin nhưng cũng phải đề phòng chuyện không may đến cả với bà Gần. Nhiên nói đi Đà Lạt thì chồng có thể đoán ra. Tôi biết chắc Nhiên về nhà mẹ ở chợ Lạc Câu. Từ hôm đó, tôi liên lạc về Lạc Câu và bắt liên lạc được với vợ.

Hai Nhiên bí mật lên căn cứ gặp chồng, nhận nhiệm vụ của Huyện ủy về xây dựng cơ sở ở các thôn Tân An, Hà Bình… Đội du kích và cơ sở mật xuất hiện giải phóng Bình Dương lần 1 vào tháng 9 năm 1964, một niềm vui không thể tả cho người vùng Đông, người Bình Dương. Một số chị em, bà con bị bắt lần lượt ra tù, những bà mẹ bồng bế con nhỏ chạy ra Đà Nẵng, nghe tiếng gọi và thấy trách nhiệm của mình, là vợ con của cán bộ lại đóng vai hợp pháp về với đất Bình Dương.

Mỗi khi có địch càn thì Hai Nhiên và mấy chị em cán bộ hợp pháp rúc công sự mật. Hôm ấy, du kích báo Mỹ càn nên ở trên với các mẹ để đấu tranh với lính Mỹ, không cho xe tăng cày nát vườn rau cây trái. Bất ngờ, có bọn Hội đồng lưu vong, bọn chiêu hồi và “bình định” ăn theo. Bọn này còn lạ gì vợ con của Phan Thanh Toán, Trần Anh Vũ… Hôm ấy, Hai Nhiên vừa từ cây Một Dù ở thôn Sáu về thôn Năm, thấy yên về thôn Ba thăm con gái Xuân Đào hơn năm tuổi đang được bà Ngoại nuôi giúp từ hồi con mới 26 tháng tuổi.

Ngại nhất là những tên đầu hàng thì đụng ngay Kh. - tên chiêu hồi. Chúng bắt Hai Nhiên dẫn về thôn Ba nhốt trong chuồng bò không có bò. Chúng nghĩ có mẹ và con gái, hy vọng, bằng những đòn chiến tranh tâm lý, Hai Nhiên sẽ vì con gái, vì mẹ già mà xiêu lòng. Suốt một đêm trong chuồng bò, không lay chuyển được Hai Nhiên. Sáng ra, chúng bịt mắt Hai Nhiên dẫn ra trước cơ quan Lạc Câu, lại dọa, nếu không khai, sẽ bắn. Hai Nhiên có một yêu cầu, mở bịt mắt cho gặp con thì sẽ khai. Mở mắt ra, Hai Nhiên ôm chầm con gái Xuân Đào từ tay bà Ngoại thím - bà Nguyễn Thị Ngói nuôi bé Xuân Đào từ nhỏ.

Sau khi ôm con gái hôn hít, nước mắt mẹ ướt cả mặt mũi con, Hai Nhiên nói: Bịt mắt lại đi. Một loạt tiểu liên vang lên làm Hai Nhiên gục xuống, hai tay vẫn ôm chặt bé Xuân Đào trong lồng ngực. Máu mẹ tung tóe lên cả người con gái Xuân Đào. Hình ảnh khủng khiếp này theo cái tin sắt đánh nóng rang lọt ra từ chợ Lạc Câu lên căn cứ, bấy giờ tôi đang ở vùng núi giáp ranh giữa làng Phước Hà, Bình Phú, rằng địch đã bắn chết một lúc cả hai mẹ con Hai Nhiên. Một nỗi đau xé tim gan tôi!

Mười năm trước, khi Hai Nhiên gửi Hiền - con gái đầu lòng cho bên Nội, về nương tựa bên Ngoại để nối liên lạc với các đồng chí mình thì bắt liên lạc được với tôi. Lần này, Hai Nhiên về quê Ngoại thăm con gái Xuân Đào thì Hai Nhiên từ biệt mọi người, để lại trong đôi mắt trẻ thơ của con gái nhìn người mẹ thân yêu vô bờ trong máu me!

Loạt tiểu liên vang lên, Hai Nhiên ngã xuống, máu đỏ trào ra, Xuân Đào mở to mắt nhìn mẹ đang nhìn không nháy mắt, thì một người đứng cạnh, cũng là người Hai Nhiên biết rõ là ai, liền bắn thêm một phát súng “ân huệ”. Theo Xuân Đào thuật lại với chị Hiền: “Một thằng bảo bắn em luôn, để làm chi, thì một ông nói, mẹ làm Cộng sản chứ hắn có làm đâu mà bắn”.

Lớn lên, khôn hơn, vật lộn với cuộc sống giữa thời buổi nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, Xuân Đào ơi! Em có thể nào phân biệt ai là thằng, ai là ông?

                                                                                       H.D.L