Từ cuộc trở về của “Miền thơ ấu”

10.10.2018

Từ cuộc trở về của “Miền thơ ấu”

Giữa lúc nền văn học đang thiếu vắng những tác phẩm đẹp, lành mạnh, giàu nguồn dinh dưỡng tinh thần cho tuổi thơ hôm nay, thì sự xuất hiện trở lại của cuốn sách gối đầu giường tuổi nhỏ nhiều thế hệ như Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên có một ý nghĩa đặc biệt.

Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên đã từng được trao giải A Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Năm đó, chính nhà văn Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đã đề nghị vinh danh tác giả Vũ Thư Hiên với tác phẩm mà ông coi là viên ngọc sáng của văn học thiếu nhi.

Tác phẩm được NXB Văn nghệ TP.HCM in năm 1988, sau đó được NXB Kim Đồng tái bản vào năm 1994.

Bỏ qua những chi tiết có bề li kỳ về hoàn cảnh ra đời của cuốn sách mà những người quan tâm đến thân thế tác giả hẳn biết, đây là một tác phẩm văn học thuần túy, giàu mỹ cảm, một câu chuyện tuổi thơ lay động lòng người.

Nhân vật chính là cậu bé Thư, 7 tuổi, đang sống êm ấm cùng cha mẹ ở Hà Nội vào khoảng giữa thập niên 1940, nhưng vì một biến cố đặc biệt – cha cậu tham gia kháng chiến bị giặc bắt giam – cậu được đưa về quê nội để nương náu qua những ngày tháng khó khăn.

Một làng quê bùn lầy nước đọng ở vùng chiêm trũng Bắc bộ, một xứ đạo Công giáo thuần thành hiện ra chi tiết trên từng trang văn, lạ lùng, cuốn hút. Ở đó, những bà cô ruột của cậu bé mỗi người mỗi tính cách được xây dựng theo lối đặc tả tâm lý vừa đi đến tính điển hình hóa, vừa là dồn nén của nhiều mâu thuẫn từ bối cảnh sống: người này cay nghiệt, gia trưởng lại bao dung, người kia bé mọn, đầy mặc cảm nhưng lại đầy toan tính… Không gian sống chật hẹp, tinh thần sống cam chịu, khó nghèo vật chất mà giàu ân tình của từng con người – những điều ấy giấu khuất sau lũy tre làng như thành quách cô lập, bên lề “cuộc gió bụi” vần xoay được Vũ Thư Hiên trải lên từng trang viết chắt chiu, sống động.

Trong tác phẩm đậm sắc thái hồi ức này, chân dung những người nông dân chân chất, dù lắm khi có vài đối đãi tưởng nghiệt ngã, tủn mủn, nhưng sau mỗi tương quan thường nhật ấy vẫn thấy lấp lánh thơ ngây, hồn nhiên và nhân hậu. Đó là phẩm cách của cộng đồng thuần nhất, khi người ta có đức tin để bám víu, cứu rỗi và để uốn nắn những hành xử trong đời.

Cậu bé Thư dần quen với cuộc sống với làng quê, bắt cá, tập bơi (bằng cách cho chuồn chuồn cắn rốn), lén lút gấy gạo cho người nghèo và đâu đó cuối cuốn sách là trải nghiệm nạn đói lấy mất đi những người thân thương… Một làng quê tưởng chừng nằm bên lề của mọi biến động, nhưng dần dần, câu chuyện lịch sử đất nước len vào trong những mẫu đối thoại hiu hắt ở phiên chợ nghèo hay trên đường đến nhà thờ buổi tù tù sáng. Đã có màu thời cuộc, khi dân trong làng hỏi nhau về việc đi kháng chiến, về cái đói sẽ đe dọa đời sống, về chính cả niềm tin cô đọng trong không gian xứ đạo đang quy định mọi nguyên tắc ứng xử thường nhật…

Vũ Thư Hiên chọn một lối văn trần thuật chân thật, giản dị, gần như chớp bắt lại những quặng chất lấp lánh từ hoài niệm tuổi thơ tươi đẹp của chính mình. Nhờ đó, không gian làng quê của ông cũng là không gian làng quê của mỗi người, những bà cô của cậu bé Thư cũng mang dáng dấp điển hình như ta đã gặp đâu đó trong gia đình, người thân yêu ruột thịt mình và cái nhân quần thu nhỏ mà trong trẻo nơi miền quê mà cậu bé bảy tuổi trong sách chìm đắm cũng giao thoa với vùng trời tuổi thơ của mỗi độc giả.

Những gắn bó chân thành dung  dị với miền quê thơ ấu của mỗi người cũng là bài học nhân văn đầu tiên trong cuộc đời,  nuôi dưỡng thứ mỹ cảm thuần khiết, kiến tạo nơi mỗi người mối dây bền vững của tình yêu quê hương, đất nước.

“Hãy trở nên như trẻ thơ, vì nước Thiên đàng là của chúng”, lời nói của Đức Jesus được Vũ Thư Hiên nhắc lại trong lời nói đầu cho bản in lần này có thể xem là một đề từ ý nghĩa cho tác phẩm thuần túy văn chương này.

“Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương. Nơi miền đất tuổi thơ, mỗi đám mây bay ngang cũng gợi ta hình dung ra những xứ sở xa xôi từ đó nó bay đến, mặt trăng rằm nào cũng bắt ta phải ngắm nhìn để tìm ra bóng cây đa với chú Cuội cổ tích, thậm chí một con chuồn chuồn ngô cũng có phép màu làm cho ta biết bơi”, tác giả viết trong lời nói đầu của phiên bản ấn hành lần này dẫn vào tác phẩm đã có sức lay động lạ lùng.

Trong khi chúng ta vẫn tốn rất nhiều giấy mực để tranh cãi, loay hoay với câu hỏi phải chăng nền văn học ở thời điểm này thiếu vắng tác phẩm đẹp dành cho thiếu nhi; làm cách nào để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ Việt Nam hôm nay được thiện hơn, mỹ hơn, tinh tế và chân thành hơn hầu có thể đề kháng trước những hệ lụy nảy sinh từ sự phát triển thiếu kiểm soát? Thì sự chọn lọc để cho xuất hiện trở lại của những trang văn đẹp khơi gợi lòng nhân ái, tình tự quê hương, nâng niu vẻ đẹp tâm hồn sẽ âm thầm hóa giải những câu hỏi ấy từ chính nội tại của thực tế đời sống văn hóa.

Về phương diện văn học, sự xuất hiện trở lại của Miền thơ ấu trong thời điểm này cho thấy, đã đến lúc cần nhìn nhận giá trị tác phẩm như là một chỉnh thể độc lập, một thế giới tự trị, tự trị đôi khi với chính cả đời sống của tác giả viết ra nó. Khi đả thông được điều đó, di sản văn chương Việt Nam sẽ giàu có hơn. Những viên ngọc quý như Miền thơ ấu sẽ không còn bị phủ bụi bởi thời gian và những định kiến ngoại vi văn chương.

Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên, do Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành, 2018.

Nguyễn Tường
(nguoidothi.net.vn)