Trương Đồ Nhục – Sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh từ một truyện cổ dân gian (1) - Bùi Văn Tiếng
Không hiểu sao truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba da Hàng Thịt lại có nhiều cơ duyên với người Quảng đến vậy. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã phóng tác truyện cổ này thành vở kịch nói cùng tên, nổi tiếng đến mức nhanh chóng trở thành vở kịch hiện đại duy nhất của Việt Nam tiếp cận được với sân khấu quốc tế. Và trước đó hơn nửa thế kỷ, vào khoảng đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Nhà viết tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng từng phóng tác truyện cổ này thành vở tuồng Trương Đồ Nhục với nhiều sáng tạo nghệ thuật (2).
Nếu Lưu Quang Vũ vẫn trung thành với cốt truyện dân gian để sáng tạo nên vở kịch giàu chất triết lý của mình thì Nguyễn Hiển Dĩnh hầu như dụng công thay đổi rất nhiều tình tiết so với nguyên tác. Trong Trương Đồ Nhục, không có câu chuyện Đế Thích thần cờ, cũng không có Trương Ba giỏi cờ mà thay vào đó là một người cùng họ Trương nhưng đã xuất gia thờ Phật, và cái chết của anh Hàng Thịt cũng họ Trương không phải do… vắn số mà là do kết quả… thi hành án. Trong truyện dân gian và kịch Lưu Quang Vũ, thân xác anh Hàng Thịt hồi sinh là sản phẩm của bụng liên tài, của tình tri kỷ; còn trong Trương Đồ Nhục thì đấy là hệ quả của một cuộc sửa sai: Trương Đồ Nhục làm nghề bảy đáp chuyên sát sinh bị Diêm Vương sai quỷ sứ bắt xuống âm phủ để trị tội. Quỷ sứ do Thổ địa dẫn đường bắt nhầm phải Trương Thiền Sư. Diêm Vương muốn sửa sai nhưng thân xác Trương Thiền Sư đã sớm được hoả thiêu, bèn ra lệnh bắt hồn Trương Đồ Nhục xuống âm phủ và trả hồn Trương Thiền Sư về dương gian, cho nhập vào thân xác Trương Đồ Nhục. Kiểu sai đâu sửa đấy này dễ dẫn đến hậu quả sửa đâu sai đấy, đúng như lời quan tri huyện Thanh Lương từng ngần ngừ trước khi xử kiện: “Nói vậy là… bởi lầm lỗi nên Diêm Vương thường mạng/ Nhưng lại mượn xác người ta mà thường/ Gây kiện thưa cho nhân thế khó lòng/ Bây giờ ta biết lấy… chứng cớ gì mà xử cho xong!”
Đến đoạn này, tính phê phán xã hội - vốn không có trong nguyên tác dân gian - qua ngòi bút Nguyễn Hiển Dĩnh đã bộc lộ khá rõ nét. Trước hết là sự nhầm lẫn vô trách nhiệm của cấp dưới Diêm Vương đã khiến một vị chân tu đạo hạnh như Trương Thiền Sư chỉ vì cùng họ Trương với ông bảy đáp Trương Đồ Nhục mà phải chịu chết với tội danh sát sinh hoàn toàn xa lạ với đời sống thường nhật của nhà sư: “Trương thị! Như ngươi là…/ Chuyên nghiệp làm nghề bảy đáp/ Sát sinh hại vật hằng ngày/ Đã đáng tội phân thây/ Để răn người thất đức” . Đó là chưa kể cái tội danh sát sinh mà Diêm Vương khư khư dành cho Trương Đồ Nhục thực chất cũng xuất phát từ một dịch vụ khá phổ biến trong xã hội loài người - giết mổ gia súc để bán ở chợ, chứ không phải giết người - có đáng chịu hình phạt cao nhất là cái chết hay không?
Đứng trước Diêm Vương, Trương Đồ Nhục đã “Quảng Nam hay cãi” rất thuyết phục rằng: “Trăm lạy ngài, tôi đây/ Xét mình còn oan ức/ Cúi đầu dám kêu nài/ Tôi làm cái nghề mổ lợn là…/ Vì thế gian tục lệ đặt bày/ Khiến Đồ Nhục sinh nhai đeo đuổi/ Sao mà Diêm Vương…/ Kẻ dưới xét không tội lỗi/ Lượng trên thấu rõ cảnh tình/ Nếu tôi không mổ lợn thì thiên hạ…/ Lấy đâu dùng lễ tam sinh/ Đặng cúng về nơi Thập điện/ Huống thiên hạ thèm ưa lổ miệng/ Cứ hằng ngày thèm khát thịt heo/ Tôi không là họ lại kêu rêu/ Tình quá ức lịnh xin xét nghĩ (…) Oan ức quá/ Tôi mổ lợn là trên vì Cửu thiên/ Dưới là vì Thập điện/ Giữa vì nhân gian/ Mà cho là ác/ Còn những bọn giết người/ Thì ác biết chừng nào mà kể” . Nhưng giỏi lý sự thế chứ giỏi lý sự hơn nữa, Trương Đồ Nhục cũng không thể xoay chuyển được tình thế, vì ở đây Diêm Vương đâu chỉ có chuyện kết án sai khiến Trương Đồ Nhục dẫu chưa đến tội chết vẫn phải chịu chết, mà còn có cả chuyện thi hành án sai làm Trương Thiền Sư vô tội cũng đành chịu chết oan… Đó là chưa kể trong khi tự biện hộ, Trương Đồ Nhục còn nói nhiều lời “khó nghe”, động chạm đến cả Cửu thiên và nhất là Thập điện…
Điều đáng thể tất là khi nghe Trương Hòa Thượng giãi bày - khoảnh khắc ấy Trương Hòa Thượng cũng chính là Trương Đồ Nhục trong đôi mắt đầy định kiến của mình, Diêm Vương lại có thái độ tiếp thu khác hẳn và nhanh chóng nhận ra sai lầm của thuộc hạ - “Ủa lạ! Nghe mấy lời phân thuyết/ Xui tấc dạ sinh nghi” - và đã kịp thời sai đâu sửa đấy nhưng vẫn… quá muộn, bởi vào thời điểm ấy xác Trương Thiền Sư đã được hỏa thiêu, chỉ còn một bình tro cốt.
Kịp thời sửa sai, Diêm Vương ra lệnh cho quỷ sứ phải bắt hồn Trương Đồ Nhục xuống âm phủ và trả hồn Trương Thiền Sư về dương gian, thành hồn Thiền Sư da Đồ Nhục, làm tiền đề cho ngòi bút phê phán xã hội của Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục tung hoành. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hiển Dĩnh dành một đoạn tuồng dài để viết về chuyện xử kiện ở công đường huyện Thanh Lương, chỉ trích những tiêu cực trong bộ máy công quyền cấp huyện, nào là đơn trương thì: “viết lăng nhăng dăm ba chữ cho xong/ lo đút lót ít nhiều tiền là được”, nào là quan tri huyện xử vụ kiện sâu ăn lúa theo kiểu hai-với-hai-là-bốn: “cây nào sâu ăn thì nhổ vứt đi, cây nào không thì để lại”… Những tưởng với cái đà ấy thì quan tri huyện khó mà tự khẳng định mình khi xử vụ kiện đòi chồng của Tuyết Nương vợ Trương Đồ Nhục. Nhưng thật bất ngờ bởi quan tri huyện đã thụ lý vụ kiện này một cách khá thuyết phục theo hướng phải chấp nhận thực tế hồn thắng xác.
Đương nhiên nhờ tác giả kịch bản Nguyễn Hiển Dĩnh mà quan tri huyện không phải đương đầu với cuộc giành chồng giữa hai người đàn bà như trong truyện cổ dân gian và kịch Lưu Quang Vũ - ở đây Tuyết Nương chỉ đòi lại chồng mình từ tay nhà chùa. Không có người đàn bà thứ hai trong cuộc tranh chấp tình cảm, mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều. Cho nên Tuyết Nương dẫu rất buồn và đau khổ nữa, song cũng đành lòng nghe theo lời phán xử của quan tri huyện - sau khi khẳng định người đàn ông trong thân xác Trương Đồ Nhục chính là Trương Thiền Sư, bởi chỉ có Trương Thiền Sư mới có thể biết chữ và biết làm thơ: “Xác Đồ Nhục tạm giao cho chư tăng giữ. Đợi khi nào hồn Thiền Sư về cõi thiên thai (thôi thì) xác Đồ Nhục phải trả cho Tuyết thị”. Xin nói thêm rằng sau này một số đạo diễn đã cải biên đoạn kết Trương Đồ Nhục khác với nguyên tác của Nguyễn Hiển Dĩnh, theo đó quan tri huyện xử kiểu win-win hai bên cùng thắng: hồn nhà sư lo việc đèn nhang từ rạng sáng đến hết tầm canh một, xác của Đồ Nhục sẽ về với vợ từ canh hai cho đến rạng đông. Đây cũng là một cách xử lý tình huống nghệ thuật nhằm tăng thêm kịch tính nhưng chắc sẽ phù hợp hơn với thực tế giành chồng giữa hai người đàn bà…
*
Qua trường hợp vở kịch nói Hồn Trương Ba da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ và vở tuồng Trương Đồ Nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh, có thể thấy câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da Hàng Thịt vẫn tiếp tục đồng hành với cuộc sống đương đại. Đó cũng là sức mạnh và là sức hấp dẫn của di sản văn chương dân gian./.
B.V.T
[1] Bài in trong sách Văn hóa dân gian Đà Nẵng của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, NXB. Đà Nẵng, 2018, tr.13-16.
[2] Các trích dẫn vở tuồng Trương Đồ Nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh trong bài viết này dựa theo bản dịch đang lưu trữ tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.