Đóng băng trong thành phố - Nguyễn Thị Anh Đào
Câu chuyện kể ra xưa như trái đất. Nhưng mới và tươi nguyên như ly kem mùa đông. Tôi trốn biệt ở một xó xỉnh rất tối của một góc phố. Rồi từ đó đóng băng. Thành phố rơi xuống giữa những tầng ánh sáng ma quái thắp lên từ hàng nghìn bóng điện đêm. Loãng nhợt màu của đêm. Những ý nghĩ nhảy ra khỏi cái đầu bé tí. Con muỗi bay về phía bọng nước còn sót lại trên đường mưa chiều qua. Màu xám tro. Thế giới nhảy múa. Không có nước, những tảng băng đang trôi qua những ngôi nhà, rồi nhấn nhìn mọi thứ. Tất cả dồn dập. Tung tóe. Tôi ngụp lặn giữa ma trận của tảng băng với việc đánh cắp niềm hy vọng được trồi lên và sống sót…
Nó gặm nhấm tôi. Nỗi buồn đó mang hình hài của một đứa trẻ. Nó khoái chí khi được vuốt ve và nó ủ dột khi bị bỏ rơi ở những điều có thể. Chiếc cánh nó dang rộng đủ chỗ cho tôi trú ẩn vào cuối chiều. Nó cũng biết cách đánh cắp linh hồn tôi và bỏ hoang cả những ngày bão giông trong thành phố chật. Lá vàng, lá xanh, cây cối đổ ngã nghiêng trên vệ đường. Tất cả bết dính. Tiếng chổi khuya của người lao công lặng lẽ đưa những chiếc lá về cội, họ đốt lá vàng ở một nơi nào đó ngoại ô thành phố. Họ hóa kiếp cho lá về với cội đất. Những chiếc rễ cây bị bứng còn sót lại dài ngoẵng màu trắng sữa. Cạnh đó, một hố sâu vừa bị bới tung về mang gốc cây xấu số đi. Thay vào đó một gốc cây mới. Lá xanh. Hoa vàng. Nhưng lùn. Loại cây mới này chỉ đủ tỏa bóng râm cho chính cái gốc cây của chính nó. Hoa không thơm. Vàng từng chùm mọng. Có sắc mà không hương. Đẹp nhưng nhạt. Tôi trốn ở đó và đếm. Không nhớ hết bao nhiêu cây bị cạo trọc đầu, tôi lấy viên gạch vỡ ghi vào lề đường. Hơn một trăm cây. Cuộc chiến đổi đời cây sao diễn ra chớp nhoáng đến vậy. Cưa. Xẻng. Xe cẩu và một đoàn người mặc áo màu xanh như lá cây. Hì hục. Gấp gáp. Cưa, chặt. Tất cả diễn ra trong buổi sáng trời hanh. Tôi đứng dậy. Rỗi hơi. Đếm làm gì. Việc đó có gì đâu phải lăn tăn. Nhưng rồi có một niềm hối thúc khác lướt tới. Choàng lấy cổ tôi. Nghẹn lại. Chắc cây đau lắm. Chắc cây đã cạn nước mắt để khóc tiễn đưa chính mình.
Lún xuống. Cái rãnh cống bị ngập sâu trong nước chỉ sau hai ngày mưa không ngớt. Nhớp nháp. Tối qua đài vừa đưa tin thành phố có trên năm mươi điểm ngập úng. Tôi đang đứng trước 1/50 điểm đó. Xô lệch. Cái máy ảnh giơ lên bấm liên tục. Những gốc cây trơ trụi. Buồn hênh hao. “Cô là ai, chụp ảnh làm gì?” “Tôi là khách du lịch, ai cấm tôi chụp ảnh chứ?”. “Mời cô đi cho, chỗ này cấm chụp ảnh”. Người đàn ông đó qoắc mắt nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ. Rõ chán. Tôi nhìn quanh và không tìm thấy cái biển cấm nào cả. Xe ô tô đậu kín lòng đường. Vỉa hè bị đào xới loang lỗ. Người vẫn đi. Cây vẫn bị chặt. Tôi bị cấm chụp ảnh và đuổi đi. Không mất thêm giây phút nào ở ngưỡng nỗi đau với cây, tôi bước đi. Đường như dài hơn và nhiều lắm những khuôn mặt nhìn tôi ái ngại. Tôi là người điên trong thành phố này chăng. Một ý nghĩ thoáng qua. Nhưng tôi đã bị ám ảnh bởi một trăm gốc cây sưa bị cạo đầu và bứng đi. Dãy phố đó trống toang hoác. Buồn tê.
- Cô thật sự muốn thế?
- Về điều gì?
- Đóng băng.
- À vâng. Đóng băng để khỏi bị tan ra giữa cái hỗn tạp của cuộc sống. Mà chắc chi băng đã chịu đóng tôi vào đó. Còn có sự loại trừ nữa.
- Nhưng tôi sẽ giúp cô làm điều đó. Người đàn ông nhìn tôi từ đầu đến chân. Ánh mắt sắc lẹm quét qua trán tôi. Một vệt nước mưa chảy xuống in hình giọt nước mắt. Rơi vào lòng tay. Nóng ran.
- Nhưng ông có chắc ông làm được điều đó?
- Đương nhiên. Chỉ cần một sự giao kèo.
- Giao kèo? Tôi không hiểu?
- Đổi lại cuộc sống của cô. Cô phải cho tôi cuộc sống của cô. Linh hồn cô. Mọi thứ.
Tôi lạnh toát. Mồ hôi vã ra như tắm. Mà cũng đang tắm thật. Tắm trong nỗi sợ hãi của một ngày gặp quá nhiều điều trở ngại. Đau vì vừa tiễn một người bạn thân về bên kia thế giới với cái bệnh quái ác mà y học gọi bằng thuật ngữ K. Buồn vì những hàng cây hoa sưa tốt ngốn xanh lại bị phang ngang cắt lìa sự sống. Buồn vì cái đoạn ngập úng trong phố làm hộc nước vào chiếc xe máy, hại tôi phải bì bõm đẩy xe trong mưa rát buốt cả mặt. Cộng góp lại, nó đang trở thành một tảng băng và muốn đóng lại. Đặc lạnh. Cuộc đối thoại vừa dứt, tôi mới hay mình mê sảng. Mê sảng trong khi còn rất tỉnh. Tôi toan bước đi, nhưng lại có một bàn tay giữ tôi lại. Bàn tay đó rất ấm. Lại một cuộc đối thoại khác bắt đầu. Nhưng dai dẳng hơn.
- Biển đông rồi cũng có ngày phải cạn. Em mắc chi mà bận lòng những cái phải-không.
- Nhưng làm người nếu không sống đàng hoàng, không bận lòng những điều tai nghe mắt thấy, liệu có còn là con người?
- Đương nhiên. Chị biết. Làm sao mình vô cảm được khi mình là người sống bằng tâm hồn.
- Em sống bằng một hồn ma. Chị có sợ không?
- Đừng có đùa. Quá trớn rồi đấy. Làm sao ta tồn tại lại không mang theo một bóng ma trong người? Đó là bóng ma của lòng tham.
Bàn tay đó rời khỏi tay tôi. Cảm giác rơi thõm xuống tận vực thẳm của nỗi sợ hãi. Chợt gặp một luồng ánh sáng hắt chéo từ tấm kính trên tòa nhà cao tầng. Mặt trời như một thái cực lớn, xoay tấm kính vào dọi thẳng vào mắt tôi. Thức tỉnh cảm giác sợ hãi đó và buộc tôi phải dung hòa với nỗi sợ hãi. Quay lại. Tôi gặp phải đoàn người đi ngược chiều với rất nhiều khẩu hiệu về sự đóng băng. Vượt qua đám đông. Tôi rơi vào chân cầu thang của một tòa cao ốc. Cô bé canh cổng cầu thang máy nói như gió “Chị lên tầng mấy?” - “Cà phê tầng 23” - “Một mình? - “Đương nhiên”. Bấm tầng 23. Cầu thang máy khách sạn năm sao êm như nhung. Trên đó sân thượng cái cái ban công nhìn được toàn thành phố. Choang. Tấm kính chắn gió vỡ ra từng mảnh và bay trong không trung. Những đám mây màu nâu bay vào mắt. Tôi bắt đầu viện dẫn những điều đã học được vào trong trí nhớ mình như một cái máy. Rồi bấm in. Hàng loạt bản thảo mang đặc kín chữ nối dài. Trôi mãi như một dãi mây trắng choàng lên thành phố. Những tòa cao ốc cứ lún dần và nhiều người lô nhô trên mặt nước. Nước đổi màu từ xanh sang vàng rồi đỏ au. Bóng đêm xòa xuống. Đèn điện hắt từng chùm ánh sáng với đủ màu sắc tạo thành một dòng sông băng. Mọi thứ trở về vị trí ban đầu. Sông trôi, người đi còn tôi đứng lại.
Câu chuyện trong giấc mơ đó đã áp đặt tôi cả ngày hôm sau. Khi tôi trở lại con đường có cả trăm cây hoa sữa bị chặt, rồi cái cống ngập, rồi tầng 23 của ngôi nhà cao tầng đó. Tất cả y như trong giấc mơ dài đó của tôi. Một tảng băng rơi ngang mắt tôi. Tảng băng thật chứ không phải là khái niệm. Trời vã mồ hôi. Lại mưa. Rầm rật. Rát buốt. Tảng băng xua tan đi cái nắng cháy và cái ẩm ức trong người. Tảng băng cuốn lấy chùm không khí có bụi, cỏ rác và tôi. Bay lưng chừng trên con đường mà dòng người đi ngược trở lại.
Tôi muốn đóng băng để thoát khỏi cái ngột ngạt của thời tiết và muốn thoát khỏi hội chứng tê liệt của những cặp đôi. Hội chứng vợ chồng chán nhau. Bạn bè rời bỏ nhau. Rồi hàng nghìn hệ lụy khác của những cuộc chia tay mang đầy hiểm họa cho xã hội của cuộc sống gia đình. Vì cái hội chứng chán xuất hiện quá nhiều trên hàng loạt trang báo, hàng nghìn vấn đề nước sôi lửa bỏng được đưa ra dư luận và thu hút được hàng nghìn ý kiến trái chiều. Hội chứng chán đi kèm với sự vô cảm, tha hóa đạo đức và nền tảng văn hóa ít nhiều đã pha tạp chất hỗn độn, khó sàng sảy cho ra cái tố chất tinh tốt. Có người bạn cùng công ty vừa ly dị vợ lần thứ hai với cái lý do tưởng như không thể tin được mà vẫn phải ngậm bồ hòn tặc lưỡi “Số phận”. Tiền tài, tai đứt. Tôi rỗng vì mới hay tin nhiều người dân rất đặc nông dân chân lấm tay bùn ở vùng quê nọ vừa mới bị chạy nợ với hàng trăm triệu đồng, rồi con số lên hàng tỷ đồng của nhiều người cộng lại. Những vụ vỡ nợ gần đây đã dấy lên một luồng dư luận và cũng hé lộ một kênh thông tin về sự lỏng lẻo trong quản lý, chỗ lắt léo trong pháp luật đã không được “vá” lại cho lành để không thể để “hổng” những vụ việc đau lòng như thế. Chợt lóe lên hình ảnh con tằm. Con tằm ăn dâu làm tơ nhỏ kén. Con tằm lặng lẽ dệt nên cái phần cốt của những sợi tơ óng vàng, làm sao con người hôm nay dệt nên được những sợi tơ tình người-tình đời như thế để mà không vô cảm, không xa xót cúi xuống nhìn bên vệ đường những bàn tay đói ăn, những khuôn mặt đói ngủ để mà dừng lại, ngồi xuống, dùng tay mình san sẻ nỗi thống khổ đó của cuộc đời?.
Thử hình dung tôi bị đóng băng trong thành phố và không bao giờ tan ra được. Lúc đó có lẽ những cuộc đối thoại sẽ lại hiện lên, vò nát tâm hồn tôi như trút hết ruột gan cho một cuộc trượt đuổi của số phận. Có những khoảnh khắc khiến người ta kịp bình tâm để dừng bước chân mình đúng chỗ, đúng lúc. Mọi thứ sinh ra trên cuộc đời này đều có những số phận và có những con đường để đi đến nơi cần đến hoặc cần tồn tại. Đôi khi, giữa những sự điêu linh của số phận, người ta nhận ra một niềm hy vọng đủ để bám víu trong một vũng lầy và vượt thoát ra được cái hố sâu của tự tuyệt vọng. Có những con người, gặp trên hành trình đi tìm ánh sang của niềm tin cũng là một sự sắp đặt của số phận.
Đó là câu chuyện của viên nước đá kể về cuộc đời trong một chiều không thể tan chảy vì mưa ướt sầm thành phố.
N.T.A.Đ