Trang trại hoa hồng hay bi kịch chiến tranh

06.12.2017

Trang trại hoa hồng hay bi kịch chiến tranh

Cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Việt Nam chúng ta với người Mỹ kết thúc được hơn 40 năm rồi, nhưng muôn vàn nỗi niềm buồn vui và cay đắng của vô số người trong cuộc chiến ấy vẫn đã và đang hiện hữu trong nhiều gia đình.

 

Với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp - một nhà văn xuất thân từ một người lính chiến thực thụ; môt người sĩ quan chỉ huy Quân đội Giải phóng năm xưa, Đỗ Kim Cuông có thừa tư liệu thực tế chiến tranh để viết lên những trang văn sinh động, cụ thể và tỷ mỷ đến mức: Mọi câu chuyện trong cuốn sách như là của chính cuộc đời và nỗi niềm của tác giả vậy…

 

Cuốn tiểu thuyết của Đỗ Kim Cuông đã hiển nhiên cho chúng ta thấy một thực tế rằng, khi Tổ quốc lâm nguy, bị một kẻ thù cực kỳ hùng mạnh về mọi mặt đem quân đến giày xéo, hòng nô dịch vĩnh viễn nòi giống con rồng cháu tiên của chúng ta - thì từ già đến trẻ, từ Bắc vô Nam, hầu hết ai ai cũng không tiếc máu xương, tài sản - sẵn sàng và hăng hái xông ra trận tiền, quyết một phen sống mái với quân thù.

 

Mà ở đây, trong cuốn tiểu thuyết “Trang trại hoa hồng” của Đỗ Kim Cuông, tiêu biểu là nhân vật Đệ, người chiến sĩ quân Giải phòng tài ba và dũng cảm trong nhiều trận đánh, ở mọi thời điểm và hoàn cảnh chiến đấu khác nhau trên một chiến trường cực kỳ ác liệt là chiến trường Trị Thiên - Huế, thời quân Mỹ ồ ạt đổ hơn nửa triệu quân vào miền Nam nước ta…

 

Đệ là con trai độc nhất của vợ chồng bà Mít tại một thôn xóm bình thường như muôn vàn thôn xóm khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lẽ ra, anh không phải vào bộ đội, lại càng không phải ra mặt trận - theo đúng với chủ trương và chính sách của Nhà nước thời bấy giờ. Nhưng do lòng yêu nước tự nguyên thôi thúc và nung nấu trong tâm can, Đệ đã xin cha mẹ cho mình ra chiến trường bằng được… Trong thực tế cuộc chiến của dân tộc chúng ta đã đi qua, chúng ta có hàng ngàn hàng vạn thanh niên Việt Nam như Đệ …

 

Chỉ tiếc rằng, và cũng vô cùng đau đớn rằng, Đệ của nhà văn Đỗ Kim Cuông đã chẳng may vấp phải một hoàn cảnh cực kỳ éo le (nhưng không hiếm trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc). Trong một trận chiến không cân sức giữa quân Giải phóng với kẻ thù, đơn vị của Đệ bị thất trận, thương vong nặng nề, trong đó Đệ bị thương rất nặng cùng lúc với nhiều đồng đội bị hy sinh ngày trên mặt trận…

 

Kết thúc trận đánh, người ta không tìm thấy xác của Đệ, mọi người đều cho rằng Đệ đã hy sinh… Cái bi kịch mà sau này Đệ phải gánh chịu mọi nỗi khổ đau đến mức ê chề và nhục nhã cho đến khi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, chính là xuất phát từ sự quan liêu rất dễ gặp ấy trong mọi cuộc chiến tranh!...

 

Cũng chính sự quan liêu dễ mắc phải trong chiến tranh ấy, mà Đệ từ một chiến sĩ trinh sát thông minh, dũng cảm trong chiến đấu đã hóa thành kẻ đầu hàng địch, trở thành kẻ phản bội Tổ quốc đến mức phải đi vào trại cải tạo cùng với chính kẻ thù của mình suốt mấy năm trời. Bi kịch đến nỗi người cha thân yêu của Đệ ở quê nhà đau đớn đến lâm bệnh mà chết không nhắm mắt nổi trước sự khinh thị, rèm pha, đàm tiếu của dân làng…

 

Một trong những nhân vật góp phần đắc lực vào cái bi kịch cho số phận của Đệ là nhân vật Ca - vốn là một đồng ngũ cùng ra mặt trận một lần với Đệ; hai người cùng thôn, cùng xã, vốn xưa nay vẫn thân thiết như anh em một nhà vậy. Nhưng chiến tranh, và sự tàn bạo vô lương của nó đã biến một số con người như Ca từ một kẻ lương thiện, bỗng dưng trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó họ đã hóa thân thành những kẻ bất lương và lưu manh chính trị tự lúc nào...

 

Niềm an ủi và duy nhất của nhân vật Đệ là: sau khi bị thương nặng, Đệ đã không để mình lọt vào tay kẻ thù, anh đã gắng sức đến hơi thở kiệt cùng bò vào được một ruộng mía, gắng hít hà chút nước mía cầm hơi, và gặp được một người nông dân tốt bụng âm thầm đưa anh về nhà nuôi giấu nhiều tháng trời, cho tới khi anh dần dần hồi sinh… Và, tại đây, một mối tình tuyệt đẹp - hết sức là “tiểu thuyết” -  giữa cô con gái một của ông là Hương Giang đã nảy nở, rồi đơm hoa kế trái, sau nhiều đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời mỗi người trong hoàn cảnh chiến tranh, và kế tiếp sau đó là hòa bình trên cả nước…

 

Theo tôi cảm nhận - cuốn sách không dễ đọc - một phần vì hình thức cấu trúc của tác phẩm, một phần vì bản chất văn của Đỗ Kim Cuông nó giống như tính cách con người của anh. Nhiều khi anh quá thật thà, sa vào kể lể vòng vo, lan man - mà thiếu đi sự khắc họa công phu, thật đậm nét một nhân vật nào đó cho ra tấm, ra miếng. Chẳng hạn, nhân vật Đệ là nhân vật chính của tác phẩm, nhưng kỳ thực số trang viết về Đệ không thật sâu và thật nổi bật..

 

Trong chiến tranh, bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời nào, xét cho cùng chả bên nào thắng cả. Đúng đắn và nghiêm túc nhất là tìm mọi cách, bằng mọi giá chúng ta cần hết mức tối đa tránh cho được mọi cuộc chiến tranh - đặng cho CON NGƯỜI không phải gánh chịu những bị kịch như Đệ đã phải ê chề và tủi nhục suốt đời…

 

Tôi cho rằng, đó là thông điệp tối hậu của tiểu thuyết “Trang trại hoa hồng” nhà văn xuất thân từ người lính, người sĩ quan Quân Giải phóng Đỗ Kim Cuông.

Hoàng Cát
(nhavantphcm.com.vn)