Tổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn Tiếng
Việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng khởi sự từ Nghị định ngày 24/12/1902 của Toàn quyền Đông Dương. Trong bài viết Đường phố Đà Nẵng thời thuộc Pháp đăng trên Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 1 - 6/2012 của Hội Khoa học Lịch sử thành phố, tác giả Nguyễn Duy Phương có dẫn từ Bulletin administratif de l' Annam 1904, trang 892 một thông tin quan trọng: “Theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, ngày 26/7/1904, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định trích trong ngân sách dự phòng của Trung Kỳ một khoản tiền 50.000$ cho việc xây dựng bến tàu và làm đường cho thành phố Đà Nẵng”.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là đại lộ được xem là đầu tiên - Avenue Quai Courbet (đường Bạch Đằng ngày nay) được xây dựng sau khi có Nghị định liên quan đến tài chính này của Toàn quyền Đông Dương, hay là trước đó? Theo tôi là trước năm 1902 người Pháp đã xây dựng một số con đường như Avenue Quai Courbet (đường Bạch Đằng ngày nay), Avenue Jules Ferry và Avenue du Musée (đường Trần Phú ngày nay)... và đến cuối năm 1902 thì tiến hành đặt tên theo Nghị định ngày 24/12/1902 của Toàn quyền Đông Dương. Nhiều tư liệu còn ghi rõ thời điểm được đặt tên là năm 1902 đối với các đường: Rue Deroulède (đường Lê Hồng Phong ngày nay); Boulevard Montigny (đường Quang Trung ngày nay); Rue Barbé (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay)1...
Đó là chưa kể cơ quan quản lý nhà nước về đường sá ở Đà Nẵng còn ra đời sớm hơn nhiều. Theo Annam en 1906 - sách do Phòng Thương mại và Canh nông Trung Kỳ biên soạn, Nhà in SAMAT & Cty ấn hành, trang 149 - 154, thì từ năm 1892 Sở Lục lộ Tourane đã được thành lập, “do một viên chức Công chính, biệt phái cho Quan cai trị - Đốc lý, điều hành. Ông này giữ chức Chánh Sở Lục lộ và có nhân viên dưới quyền là các giám thị người Âu. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Sở Lục lộ được quy định tại Nghị định ngày 16 tháng 12 năm 1892, trong đó cũng ghi rõ nghĩa vụ của dân cư thành phố về vấn đề đường sá công cộng. Chánh Sở Lục lộ giám sát toàn bộ các dự án đấu thầu, xây dựng, công chính tại các địa điểm công cộng; vạch tuyến; san lấp mặt bằng; cấp phép xây dựng nhà cửa và những phần nhô ở các công trình như ban công, ô văng; xây dựng kè cống... sau khi được Đốc lý phê duyệt. Chánh Sở Lục lộ cũng quản lý việc bảo trì đường sá, quảng trường, tòa nhà thành phố, giám sát các nhà thầu công chính (cấp điện, cấp nước...); giải quyết các tranh chấp; bảo vệ cảnh quan và vệ sinh thành phố” (dẫn theo Bùi Thị Hệ: Đà Nẵng năm 1906, trang web của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước).
Theo bài báo Đường phố mang tên Việt ở Đà Nẵng trước năm 1955 đăng trên Đà Nẵng điện tử ngày 01/05/2016, “từ đầu thế kỷ XX đến năm 1955, Đà Nẵng chỉ có 45 đường phố được đặt tên, trong đó có đến 40 đường mang tên bằng tiếng Pháp và chỉ 5 đường mang tên Việt thuần túy gồm 2 địa danh là Đò Xu (đường Núi Thành ngày nay - BVT), Quảng Nam (đường Trưng Nữ Vương ngày nay - BVT) và 3 nhân danh là Đồng Khánh (đường Hùng Vương ngày nay - BVT), Đỗ Hữu Vị (đường Hoàng Diệu ngày nay - BVT), Gia Long (đường Lý Tự Trọng ngày nay - BVT)”. Thật ra, còn có hai địa danh Việt nữa được dùng đặt tên đường ở Tourane là Hà Nội và Sài Gòn vào năm 1945, nhưng có thể được viết không dấu và liền nhau kiểu tiếng Pháp: Hanoi và Saigon - cùng với hai địa danh nữa trong Liên bang Đông Dương là Cambodge và Laos - nên tác giả bài báo không kể là “đường mang tên Việt thuần túy”. Như vậy các địa danh đặt tên đường bằng tiếng Pháp gồm có Musée - Musée Chàm, Hanoi (đường Hùng Vương ngày nay), Saigon (đường Bạch Đằng ngày nay), Cambodge, Laos, Marne - tên một con sông gần Paris, là nơi diễn ra trận đánh thắng lợi quyết định của liên quân Anh - Pháp bẻ gãy cuộc tiến công của người Đức vào Paris vào năm 1914, trong Thế chiến thứ nhất, Verdun - tên một phòng tuyến trên sông Meuse, là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa Pháp và Đức vào năm 1916, cũng trong Thế chiến thứ nhất. Mặt khác theo tôi tên đường Đồng Khánh mới được đổi vào năm 1955 từ tên đường Hanoi (trước năm 1975, đường Đồng Khánh nối đường Bạch Đằng và đường Phan Châu Trinh, còn đường Hùng Vương nối đường Phan Châu Trinh và đường Ông Ích Khiêm-Khải Định).
Dụng tâm chính trị của người Pháp rất rõ khi đặt tên đường ở Tourane. Trước hết là khi dùng nhân danh/tên người để đặt tên đường, chủ yếu họ nhằm tôn vinh những sĩ quan Pháp cùng những chính khách hoặc chức sắc tôn giáo từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như Courbet - đô đốc hải quân, sinh năm 1827 mất năm 1885, người chỉ huy trận tấn công của quân Pháp vào cửa Thuận An ngày 20/8/1883; Francis Garnier - trung úy hải quân, sinh năm 1839, tử trận ở Cầu Giấy ngày 21/12/1873; Marc Pourpe - phi công, người thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Sài Gòn sang Phnom Penh năm 1913, cũng là người lái chiếc máy bay đầu tiên đến Hà Nội năm 1914; Deroulède - đại tá hải quân, người vạch kế hoạch đánh Đà Nẵng, tử trận do trúng đại bác của quân ta phản công khi Dupré Deroulède cùng Le Page điều động soái hạm Néméris và hai tàu chiến, tập trung đại bác bắn vào pháo đài Điện Hải và đồn Chân Sảng ngày 18/11/1859; Jules Ferry; Pigneau de Béhaine - giám mục, sinh năm 1741 mất năm 1799, người đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin viện binh chống lại quân Tây Sơn và thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles 1787... Người Việt duy nhất được đặt tên đường cũng có quan hệ mật thiết với người Pháp: Đỗ Hữu Vị là phi công người Việt đầu tiên tham gia không quân Pháp và tử trận trong Thế chiến thứ nhất.
Người Pháp cũng nhiều lần đổi tên đường ở Tourane. Năm 1904, tên đường Poivre được người Pháp đổi thành Gia Long. Năm 1919 họ đổi tên Rue Deroulède thành Rue de la Marne và đổi tên Rue Palanca Guttierez - đường mang tên viên đại tá Tây Ban Nha từng bị thương nặng trong trận tấn công vào Đại đồn Kỳ Hòa của ta ngày 24/2/1861 - thành Rue du Maréchal Joffre - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp từ năm 1914 đến năm 1916, là người đã chỉ huy liên quân Anh-Pháp đánh thắng quân Đức trong trận sông Marne năm 1914, trở thành anh hùng dân tộc, là vị tướng lĩnh Pháp đầu tiên đánh thắng được người Đức trong thế kỷ XX. Đây là cách người Pháp đề cao chiến thắng của họ trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1919 họ còn đổi tên Boulevard Montigny - đường mang tên viên sứ thần của Hoàng đế Pháp Napoléon đệ tam từng đến Đà Nẵng và Huế vào các năm 1856, 1857 để yêu cầu triều đình nhà Nguyễn cho Pháp được tự do buôn bán, tự do truyền giáo ở Việt Nam, thành Boulevard Clémenceau - một chính khách Pháp, Thủ tướng nước Pháp từ năm 1906 - 1909, thành viên Viện Hàn lâm Pháp. Họ cũng đổi tên
Rue de Champeaux thành Rue de la République rồi Rue Hanoi và đổi tên Avenue Quai Courbet thành Avenue Saigon... Cuối năm 1950, Rue Lagrée được đổi thành đường Nguyễn Hoàng.
Tuy nhiên tên đường phố Đà Nẵng biến động nhiều nhất là sau Hiệp định Genève năm 1954, cụ thể là vào cuối năm 1955, đầu năm 1956. Lúc ấy hầu hết các tên đường bằng tiếng Pháp đã được thay thế bằng các nhân danh/địa danh/mỹ từ tiếng Việt, trừ hai tên đường Pasteur và Yersin. Có thể kể các thay đổi đó như sau: Guillemin thành Duy Tân và Nguyễn Tri Phương, Clémenceau thành Quang Trung, Hanoi thành Đồng Khánh, Saigon thành Bạch Đằng, Castelneau thành Thái Phiên, Jules Ferry và Musée thành Độc Lập, Francis Garnier thành Lê Lợi, Marc Pourpe thành Phan Châu Trinh, Sabiella thành Khải Định, Marne thành Hàm Nghi, Verdun thành Trần Hưng Đạo, Foch thành Đống Đa, Béhain thành Thống Nhất, Maréchal Joffre thành Phan Đình Phùng, Pasquier thành Hoàng Hoa Thám, Gateau thành Lê Văn Duyệt, Abattoir/Lò Mổ thành Tiểu La, France thành Trần Kế Xương, Mission thành Phạm Phú Thứ, Albert Deligne thành Phan Bội Châu, Alliés/Đồng Minh thành Phan Thành Tài...
Một số tên đường tiếng Việt thời Pháp thuộc cũng được thay đổi: Quảng Nam thành Trưng Nữ Vương, Đỗ Hữu Vị thành Hoàng Diệu, Đò Xu thành Võ Tánh (sau khi xã Hòa Thuận của quận Hòa Vang được sáp nhập vào thị xã Đà Nẵng theo Sắc lệnh số 157/NV ngày 25-7-1962). Nói chung trong hai mươi năm từ 1954 đến 1975, số lượng đường phố ở Đà Nẵng có phát triển nhưng chưa nhiều, dẫn đến nhu cầu đặt/đổi tên đường, gầy dựng quỹ tên đường cũng chưa thực sự bức xúc. Thời kỳ này thành phố Đà Nẵng có “77 con đường lớn nhỏ khác nhau” - nếu so với con số 45 con đường nêu trong bài báo Đường phố mang tên Việt ở Đà Nẵng trước năm 1955 đăng trên Đà Nẵng điện tử dẫn trên thì chỉ tăng thêm 32 con đường2.
Sau năm 1975, tên đường phố Đà Nẵng - thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng - một lần nữa lại biến động lớn. Một số tên đường vẫn được giữ lại cho đến nay và cơ bản vẫn giữ nguyên trạng: Ba Đình, Cao Thắng, Chu Văn An, Cô Bắc, Đào Duy Từ, Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm, Đống Đa (nối dài từ Lê Lợi đến Bạch Đằng - thay Cường Để), Hà Thị Thân, Hoàng Diệu (nối dài từ Trưng Nữ Vương đến Duy Tân), Hùng Vương (nối dài từ Phan Châu Trinh đến Bạch Đằng - thay Đồng Khánh), Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Lê Lai (nối dài từ Tự Đức/Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Lợi, Lê Quý Đôn (nối dài đến 2 tháng 9), Lê Thánh Tôn, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thiện Thuật (nối dài đến 2 tháng 9), Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học (nối dài từ Yên Bái đến Bạch Đằng - thay Trần Hưng Đạo), Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Ông Ích Khiêm (nối dài từ Hùng Vương-Lý Thái Tổ đến Nguyễn Tất Thành - thay Khải Định), Pasteur, Phạm Hồng Thái, Phạm Ngũ Lão, Phạm Phú Thứ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Quang Trung, Tăng Bạt Hổ, Thái Phiên, Trần Bình Trọng, Trần Cao Vân, Trần Kế Xương, Trần Quốc Toản, Trần Quý Cáp, Triệu Nữ Vương, Trưng Nữ Vương, Hải Hồ, Hải Sơn, Thanh Long, Thanh Thủy, Thanh Duyên, Thanh Hải, Thanh Sơn, Bắc Đẩu...
Bên cạnh đó, có những tên đường tuy được giữ lại nhưng dùng để đặt cho đường mới: Duy Tân (chuyển khỏi Nguyễn Chí Thanh hiện nay), Đông Kinh Nghĩa Thục (chuyển khỏi Ngô Gia Tự hiện nay), Hàm Nghi (chuyển khỏi Lê Hồng Phong hiện nay), Lê Đại Hành (chuyển khỏi Nguyễn Văn Linh hiện nay), Lê Văn Duyệt (chuyển khỏi Thành Điện Hải hiện nay), Nguyễn Hoàng (chuyển khỏi Hải Phòng hiện nay), Nguyễn Tri Phương (chuyển khỏi Nguyễn Chí Thanh hiện nay), Tiểu La (chuyển khỏi 2 tháng 9 hiện nay), Trần Hưng Đạo (chuyển khỏi Nguyễn Thái Học hiện nay), Yersin (chuyển khỏi Ngô Gia Tự hiện nay)...; có những tên đường bị xóa và đặt tên khác: Cường Để (Đống Đa ngày nay), Độc Lập (Trần Phú ngày nay), Đồng Khánh (Hùng Vương ngày nay), Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay), Khải Định (Ông Ích Khiêm ngày nay), Phan Thanh Giản (Hoàng Văn Thụ ngày nay), Thống Nhất (Lê Duẩn ngày nay), Tự Đức (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), Võ Tánh (Núi Thành ngày nay), Phạm Phú Quốc (Lê Độ ngày nay), Cách mạng 1 tháng 11 (Ngô Quyền ngày nay),...
Nhìn chung việc đổi tên đường/đổi đường sau năm 1975 chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi đánh giá nhân vật theo quan điểm chính trị mới, vì vậy phần lớn tên đường liên quan đến vua quan nhà Nguyễn đều bị thay đổi - kể cả những người sau này được đánh giá là yêu nước và được đặt lại tên ở đường khác như Nguyễn Hoàng, Hàm Nghi, Duy Tân, Nguyễn Tri Phương (trừ một số tên đường mang tên các quan triều Nguyễn có công chống Pháp như Nguyễn Công Trứ, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, hoặc bị nhà Nguyễn trừng trị như Lê Văn Duyệt). Một vài tên đường được nhìn nhận là chưa xứng tầm với công trạng của danh nhân như Lê Đại Hành, Lê Thánh Tôn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ... nhưng vẫn chưa có điều kiện thay đổi như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ... Đương nhiên từ sau năm 1975 cho đến năm 1996, Đà Nẵng - thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng - cũng có không ít con đường mới được đặt tên, chẳng hạn như Âu Cơ, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Hữu Trác, Lương Thế Vinh, Phan Thanh, Yết Kiêu, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực, Thái Thị Bôi, Xuân Hà (Hà Huy Tập hiện nay)...
1 Thời thuộc Pháp, năm 1902, con đường này mang tên Rue Barbé, tên của một sĩ quan cấp úy trong quân đội viễn chinh Pháp. Đến năm 1954, Rue Barbé được chia thành hai đường mới. Đoạn từ ngã ba Lý Tự Trọng - Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay đến đường Quang Trung có tên là đường Tự Đức; đoạn từ ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (ngày nay) đến đường Hùng Vương có tên là đường Nguyễn Thị Giang. Sau năm 1975, đường Nguyễn Thị Giang đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến năm 1980, đường Tự Đức đổi tên, nối dài vào đường Nguyễn Thị Minh Khai, nâng chiều dài lên đến 943m và đường Nguyễn Thị Minh Khai của ngày nay có chiều dài tương đương với đường Rue Barbé thời Pháp thuộc (Báo Đà Nẵng điện tử, ngày 26-6-2015).
2 Dẫn theo Trần Xuân Hiệp: Giao thông vận tải của Đà Nẵng trong giai đoạn 1954 - 1965, Tạp chí Khoa học & Công nghệ của Trường Đại học Duy Tân.
B.V.T