Tín ngưỡng thờ cúng cô hồn của cư dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà
Thờ cúng cô hồn vốn là một tín ngưỡng truyền thống của cư dân Việt ở Đà Nẵng. Cúng cô hồn là tín ngưỡng mang tính nhân đạo, để cứu giúp những linh hồn đói khổ, không nơi nương tựa. Nhưng đồng thời, đó cũng có thể là một hình thức cầu cúng, dâng lễ vật để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ phù hộ, độ trì cho. Tập tục này liên quan đến các tín niệm dân gian và có cả những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo chi phối.
“Âm hồn” hay còn gọi là “âm linh” là những khái niệm dùng để chỉ linh hồn của những người chết nói chung có nguồn gốc từ anismism (thuyết vạn vật hữu linh, thuyết duy hồn, thuyết vật linh). Trong tâm thức dân gian, âm hồn và linh hồn đôi khi chỉ được hiểu là linh hồn của những người chết “bất đắc kỳ tử”, của những người chết không nơi thờ tự, chết vì tự tử, tai nạn, thú dữ, chết yểu,… Theo cách hiểu này, thì âm hồn hay âm linh gần nghĩa với vong hồn cô độc (cô hồn), sống lang thang vất vưởng, không nơi nhang khói nên thường gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Cộng đồng cư dân người Việt gọi một cách kính trọng là Cô Bác.[1]
Đối với quỷ thần, Nho giáo chủ trương “kính nhi viễn chi”, do quan điểm hướng sự quan tâm chính yếu vào các vấn đề nhân sinh. Thái độ ứng xử với các vong hồn cô độc, không người tế tự là biểu hiện của lòng nhân nghĩa thông qua lễ cúng âm linh. Còn Đạo giáo nỗ lực thoát khỏi định mệnh của cái chết bằng việc mưu cầu sự bất tử và những chuyến du hành tiêu dao cõi tiên là những cơ may có một không hai. Các hình thức nghi lễ nhằm thực hiện chức năng giải trừ tà ma.
Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, vong hồn, tùy theo tội phước đã có lúc sinh tiền, hoặc được “trực vãng Tây phương/tiêu diêu cực lạc”, hoặc chưa thoát khỏi sinh tử thì chu chuyển trong vòng “tứ sanh - lục đạo”. Theo cách giải thích của dân gian thì “tứ sanh” là bốn loài:
1/ Loài đẻ thai/thai sanh;
2/ Loài đẻ trứng/noãn sanh;
3/ Loài thủy tộc máu lạnh/thấp sanh;
4/ Loài chuyển hóa như (tằm, nhộng)/hóa sanh.
“Lục đạo” là sáu con đường chuyển tiếp của linh hồn gồm:
1/ Công hầu khanh tướng;
2/ Quan quả cô độc;
3/ Loài đẻ thai;
4/ Loài đẻ trứng;
5/ Loài máu lạnh;
6/ Loài chuyển hóa.
Còn “thập loại cô hồn” thì đó là mười loài tổng hợp của tứ sanh và lục đạo. Nói chung, đó là những vong hồn đủ loại, từ vua quan đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ con người đến côn trùng thú vật. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho rằng, tục thờ cô hồn của dân gian có ảnh hưởng Phật giáo, nhưng quan niệm của dân gian cũng khá sâu đậm.[2]
Trong các miếu thờ tại Đà Nẵng thì cô hồn phần lớn là những người chết không nơi nương tựa, những chiến sĩ trận vong, vong hồn những người mất xác trên biển vì bão lũ hay vong hồn những vị tiền chủ của vùng đất “tiền Việt”. Nhân dân gọi với danh xưng tôn kính là Âm Linh, Cô Bác. Theo quan niệm của người dân thì vong linh, cô hồn có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Mà theo họ nếu thờ phụng chu đáo, biết kính trọng thì Cô Bác sẽ phù hộ độ trì cho. Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, trộm cắp, ốm đau hay mất mùa,… thì phải mời thầy về tụng kinh, ăn chay nằm đất ở lăng Âm Linh để cầu sự chở che, bảo hộ.
Ở Đà Nẵng miếu, lăng thờ Âm Linh, Cô Bác hiện diện tương đối nhiều. Thậm chí những miếu thờ thần cũng có một bàn thờ lộ thiên ở đằng trước để mỗi dịp cúng lễ thì cũng tổ chức lễ tế vong linh. Miếu Âm Linh hầu như do nhân dân trong vùng đóng góp để xây. Các ngôi miếu tương đối giống nhau về phương hướng (hướng ra sông, biển). Miếu, lăng có quy mô lớn nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của người dân trong xóm, kiến trú khá đơn giản, có miếu có cổng tam quan có miếu không. Về trang trính kiến trúc thì đa phần trang trí theo mô típ kiến trúc thời nhà Nguyễn. Cũng có bình phong, trụ biểu đắp hoa sen, trên mái có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt bằng sành sứ. Chữ thờ trong miếu thường là chữ Linh (靈) hoặc chữ Thần (神) ở chính giữa, một số miếu còn thờ Tiêu Diện đại sĩ.
Trải qua hơn 700 năm lịch sử, vùng đất Đà Nẵng là nơi giao tranh giữa nhiều thế lực khác nhau. Đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi diễn ra những trận đánh giữa quân Đại Việt và quân Pháp rất ác liệt, và sau này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, nơi đây có biết bao người đã ngã xuống. Vì vậy, nhân dân lập miếu để thờ các chiến sĩ trận vong không kể người ở “phía bên nào”. Đối với nhân dân, việc lập miếu thờ vừa thể hiện tấm lòng thương yêu đồng loại, cầu mong cho họ có được chỗ dựa của tình người, và cũng là niềm tin những vong hồn này sẽ phù hộ độ trì cho cuộc sống người dân.
Hằng năm, lễ tế cô hồn ở các làng biển Đà Nẵng tương đối khác nhau, nhưng hầu như thường diễn ra trong hai ngày: 15 tháng Giêng và ngày 15 tháng 7. Lễ cúng cô hồn thường diễn ra cả trong và ngoài miếu bao gồm lễ túc và lễ chánh. Trong lễ chánh còn tiến hành lễ tống ôn. Lễ này còn gọi là lễ tống ôn đưa khách vì bên cạnh việc tống ôn, làng vạn còn tiễn đưa vong hồn Cô Bác, những người khuất mặt. Mục đích của lễ này là tống tiễn xua đuổi ôn hoàng dịch lệ, mong Cô Bác, những người khuất mặt và các thần linh phò hộ độ trì cho cuộc sống bình an. Địa điểm tiến hành lễ tống ôn tại lăng âm linh. Một vài nơi tiến hành ở đình làng (Mân Quang, Mân Thái, Đà Nẵng). Các làng Nam Ô, Nại Hiên (Đà Nẵng) còn mời thêm thầy chùa tham gia nghi lễ. Lễ vật dâng cúng thường có hương hoa, đèn giấy, thức ăn chay, mặn, cháo thánh, bỏng nổ, khoai sắn... Ngoài ra, có nơi còn đặt một con heo quay ở bàn thờ hậu tẩm... Dân làng còn tổ chức hát bội, chèo cô hồn (hát bả trạo)... tại lăng.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng cô hồn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lối ứng xử đối với những người chết có số phận bất hạnh, qua đó thể hiện sự tôn vinh con người. Thông qua việc thờ cúng để giao tiếp với thần linh, để cầu an, cầu thịnh, thể hiện ước mong của nhân dân về cuộc sống yên ổn, ấm no.
Chú Thích
[1] Nguyễn Thanh Lợi, “Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ”, Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 27/2012, tr.32.
2 Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai Sđd, tr 138.
H.T.H