Tín ngưỡng thờ thần Đất - Đinh Thị Trang

28.04.2017

Từ thuở sơ khai, thần Đất là vị thần được thờ tự trong rất nhiều nền văn hóa trên thế giới, như người Ai Cập có Geb, người Ấn Độ có Vasudhara, người La Mã có Tellus, người Trung Quốc có Thổ Địa Công... Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng thần Đất là một trong những dạng thức tín ngưỡng khá phổ biến với mọi người dân. Theo quan niệm, thần Đất là chủ mảnh đất của một gia đình hoặc là chủ khu đất của một làng. Tín ngưỡng thờ thần Đất bắt nguồn từ tâm lý sùng bái tự nhiên thời bấy giờ và vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong văn hóa người Việt với tâm lý thể hiện sự biết ơn vị thần đã phù hộ, giúp đỡ họ có được cuộc sống ấm no, sung túc và bình an. 

Tín ngưỡng thờ thần Đất - Đinh Thị Trang

1. Nguồn gốc và sự phát triển của tín ngưỡng thờ thần Đất

Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, mà nông nghiệp lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu... trong đó, đất đai đóng vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho con người có được cuộc sống ấm no và sung túc. Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “Đối với dân chúng nông nghiệp thì “đất” còn có nghĩa là đất sản xuất, và thần Đất đó tiến đến chỗ thành những thần linh bảo vệ mùa màng, cai trị đất từ cõi thiêng liêng và có quyền uy hay nói một cách nhân bản hơn, có nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn của người dân trên vùng đất ấy”.1 Vì vậy, thần Đất đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt.

Trong lịch sử, hàng thế kỷ Việt Nam chịu sự đô hộ và xâm lăng cũng như giao thoa với văn hóa Trung Quốc nên vị thần Đất có thêm nhiều tên gọi khác như: Hậu Thổ, Xã Thần, Xã Công, Thổ Kỳ, Thổ Địa hoặc Phúc Thần, Phúc Đức Chánh Thần,... trên nền tảng tín ngưỡng cổ xưa. Về sự giao thoa này, trong công trình nghiên cứu Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống, Đinh Hồng Hải đã có một nhận xét khá thú vị: “Mặc dù vậy, khi du nhập vào Việt Nam thì những tên gọi gốc Hán đó được gộp chung vào tín ngưỡng thờ Táo quân hay Ông Công - Ông Táo thành một dạng tín ngưỡng riêng của người Việt và được huyền thoại hóa qua truyền thuyết Hai ông một bà'”.2 Truyện xưa kể rằng, Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Trên đường hết lộ phí nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin và gặp lại Thị Nhi. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó lòng giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên lao vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang thấy vậy cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có tình, có nghĩa nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

-        Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

-       Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc đất đai, nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.

-        Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Như vậy, trong ba ông Táo thì có một ông là thần Thổ Địa trông coi việc đất đai, nhà cửa. Sự việc này dẫn đến có sự nhập nhằng giữa tín ngưỡng thờ Táo Quân với tín ngưỡng thờ thần Đất. Có lẽ đây là một sự dung hợp không hiếm xảy ra trong hệ thống tín ngưỡng thờ thần của người Việt.

Không chỉ tồn tại phổ biến trong dân gian, tín ngưỡng thờ thần Đất còn xuất hiện trong cung đình. Có lẽ là ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Xã thần có từ thời nhà Chu ở Trung Quốc. Ở giai đoạn này cứ 25 nhà thì gọi là một xã, mỗi xã có thờ một vị thần Đất gọi là Thổ Địa Công, mỗi xã lập một cái đàn để cúng Thổ Địa, cầu cho được mùa, no ấm. Những người lúc còn sống mà lập được công trạng thì khi chết được phong làm thần Thổ Địa và được tôn xưng là Phước Đức Chánh Thần. Ở Việt Nam, từ thời Lý đã có lệ là đầu năm nhà vua làm lễ cúng cầu mưa tại đền thờ Xã tắc và làm lễ xuống đồng để cầu cho quanh năm được mùa. GS.TS. Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam cho biết: “Tất cả các vương triều Việt Nam đều tế trời và đất. Những lễ đó gọi là tế Nam Giao, bao giờ cũng được coi là thuộc riêng quyền lực của nhà vua. Đàn Nam Giao gồm bốn tường bao quanh bằng gạch, tạo thành bốn bãi đất hoàn toàn trống trơn vào các ngày thường. Bãi đất thứ tư hoàn toàn ở bên ngoài thì bằng phẳng và trồng thông. Lối vào chính ở giữa mặt Nam. Ba tường bên trong thì tường nọ cao hơn tường kia. Tường thứ nhất hoàn toàn ở bên trong hình tròn; hai tường kia hình vuông; tường thứ tư hình chữ nhật. Tất cả các tường đó đều trổ bốn cửa, hướng theo bốn phương trời, thông với nhau, có cầu thang đằng trước. Các cửa của tường thứ ba được chia bằng những cột trụ, thành ba lối đi (lối ở giữa dành cho các thần, vua lên đàn bằng lối bên tay phải) các cửa của hai tường kia chỉ có một lối đi. Lan can bao quanh đàn tròn ở giữa được sơn xanh, lan can của tường thứ hai được sơn vàng. Trên đàn tròn thờ Trời, có dựng cái lều màu thanh thiên để cúng, gọi là Thanh ốc che ở cuối lều, bàn thờ Trời bên trái, bàn thờ Đất bên phải và ở hai bên là bàn thờ các vị tổ của vương triều”.3

Dưới thời Nguyễn, các vua triều Nguyễn rất chú trọng trong việc cúng tế thần Thổ Địa, nhà vua còn phong tước vị và chuẩn cho các địa phương được thờ tự. Riêng ở thành phố Đà Nẵng, bước đầu chúng tôi tìm thấy hai sắc phong vị thần này, đó là sắc phong ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) của xã Xuân Lộc; và sắc phong ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) của xã Nam Thọ, huyện Hòa Vang.

● Phiên âm:

Sắc Đương Cảnh Thổ Địa chi thần. Hộ quốc tí dân, hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Ngũ ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế, thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, gia tặng Hậu Tế chi thần. Nhưng chuẩn hứa Hòa Vang huyện, Xuân Lộc xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Minh Mệnh thất niên, cửu nguyệt, thập thất nhật. Dịch nghĩa:

Sắc phong vị thần Đương Cảnh Thổ Địa. Ngài là người giúp nước, che chở cho dân chúng, công đức hiển hiện rất rõ ràng. Từ trước đã được xã dân phụng thờ. Từ khi Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất đất nước, các vị thần linh và dân chúng thảy đều mừng rỡ. Nay ta nối nghiệp lớn, nghĩ đến công ơn của Ngài nên long trọng đặt ngài ở địa vị sáng ngời và gia tặng Ngài với danh hiệu: “Hậu Tế”. Chuẩn y cho xã Xuân Lộc, huyện Hòa Vang được phụng thờ như cũ. Ngài sẽ vừa giúp và bảo vệ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh.

Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7.

● Phiên âm:

Sắc chỉ Quảng Nam tỉnh, Hòa Vang huyện, Nam Thọ xã, phụng sự Phúc Đức Thổ Địa chính thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kinh phỉ thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Hạ đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho xã Nam Thọ, thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam được phụng thờ vị chính thần Phúc Đức Thổ Địa. Ngài là vị thần giúp nước, chở che cho dân, linh ứng hiển hiện rõ ràng. Nay ta đảm đương mệnh sáng, nghĩ đến công ơn của các vị thần linh, nên ghi vào danh sách phong ngài vào bậc Hạ đẳng thần với danh hiệu Đôn Ngưng có công phục dực nền Trung Hưng. Ngõ hầu Ngài sẽ vừa giúp và bảo vệ đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh.

Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2.

Như vậy có thể thấy, từ thời xa xưa, vị Thổ thần này tồn tại song song cả ở trong cung đình lẫn ngoài dân gian nên nguồn gốc ra đời của tín ngưỡng này cũng rất khó xác định một cách chính xác, bởi nó đã tồn tại, cắm rễ trong hệ thống tín ngưỡng bản địa, khi có sự du nhập, giao lưu với nước ngoài thì có thêm những tên gọi khác còn việc thờ tự trong dân gian thì vẫn được duy trì.

2. Việc thờ cúng thần Đất

Người Việt có câu "đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", cho nên việc thờ cúng vị thần này rất được chú trọng. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, thần Đất luôn có một vị trí trang trọng. Nếu đứng ở ngoài nhìn vào thì bát hương thờ thần Đất nằm ở chính giữa, bên trái là bát hương bà Tổ Cô, bên phải là bát hương thờ tổ tiên. Khi cúng lễ, đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên được về sum họp với gia đình.

Ngoài việc thờ cúng thần Đất tại gia đình thì người dân thường xây miếu thờ thần Đất ở trước đình, chùa, nghĩa địa,... để thờ chung. Trên bàn thờ đặt đôi chân đèn nhỏ, lư hương, bình bông, mâm đĩa trái cây, chung rượu, tách nước. Mỗi dịp xuân thu nhị kỳ khi cúng tế các vị thần trong đình miếu thì đều phải cúng xin phép thần Thổ Địa của nơi đó. Linh mục Léopold Cadière cho rằng: “Tín ngưỡng ấy có thể nói mang tính sơ khai vì được thể hiện qua nhiều hình thái. Những người khá giả thì dựng ở góc vườn một am nhỏ thờ Thổ Chủ hay Thần Đất, Thổ Công. Trước cổng chùa cũng có những loại am này, trước khi vào các phần mộ. Người ta cúng thờ vì họ là chủ đất, cầu khẩn họ đừng nổi giận, oán trả kẻ sống, người chết, cũng cầu xin họ đừng biến của dâng cúng các thánh thần trong điện trở thành vô hiệu. Có lẽ đây cũng là một vị thần rất quyền uy, in sâu vào trong tâm trí dân gian nên mỗi lần dâng cúng các thần khác hoặc xây dựng điện đài đều không thể không nhớ đến họ, xin phép họ”.4

Đối với người Việt, thần Đất còn có ý nghĩa ảnh hưởng đến sự tồn vong của gia đình nên mỗi khi làm việc gì có đụng chạm đến đất đai thì đều làm lễ để cúng xin thần cho phép. Đất ảnh hưởng đến người sống, là nơi an nghỉ của người chết. Khi còn sống, việc dựng nhà hay khi dọn đến nhà mới, đào giếng, xuống đồng, đào ao, mở vườn, mở ruộng... đều cúng xin phép Thổ thần. Trong cuộc sống sản xuất hàng ngày, thần Đất cũng đóng vai trò là vị thần bảo hộ. Ở nhiều địa phương, người nông dân khi trồng dưa, trồng cà hay trồng đậu thường dựng một chòi tranh ở góc thửa đất, bên cạnh trồng một cột tre trên đó treo vài thúng tre hoặc một cái thúng đan sơ sài. Đó là Thổ chủ. Ý người ta muốn nhờ thần bảo hộ cây trồng qua việc dựng cho họ một khám thờ và đe dọa các kẻ cắp sẽ bị thần đánh phạt. Thanh tre ấy ám chỉ kẻ quấy phá sẽ bị đánh đòn, còn thúng sẽ đựng heo để tạ tội của chúng, mọi việc đều nhân danh Thổ chủ.5

Đến khi chết thì “về với đất”, “khôn dại cũng về với đất”, phải “coi đất”, xin phép thần Đất trước khi chôn người chết. Linh mục Léopold Cadière khi nghiên cứu về tín ngưỡng thờ thần Đất của người Việt còn cho biết: “Khi chôn người chết người ta thuê thầy địa lý đi “coi đất” và tổ chức cúng Thổ Địa. Việc làm này để tránh gây phật lòng Thần và tránh bị Thần trừng phạt”.6

Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết, dân ta thường có lễ cúng Đất hay còn gọi là lễ động thổ. Động thổ nghĩa là động đến đất và lễ động thổ là lễ động đến đất. Và trong khi động đến đất phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới... Thật ra thì lễ động thổ không nhất định là ngày nào nhưng để tiện giúp dân chúng làm ăn, các làng thường cử hành lễ này sau ba ngày Tết.... Trong ba ngày Tết nếu không may có ai qua đời, tang gia không được chôn ngay, phải chờ làng làm lễ động thổ xong mới được đào huyệt làm ma.7 Jean Przyluski, nguyên giáo sư tại Cao đẳng Học viện Pháp, nguyên Thông tín viên Viện Đông Phương Bác Cổ, cho rằng, người ta còn phải kiêng mọi việc có thể đụng chạm đến thần Đất như cày xới, nhổ cỏ, chặt cây. Tóm lại, một điều quan trọng là phải coi những cây cỏ mọc từ dưới đất lên như những vật bất khả xâm phạm, cho nên trước khi động thổ, người ta còn phải kiêng cả việc chẻ củi, giã gạo,... Có lẽ dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên trái đất này, ngày đầu năm là một ngày vô cùng quan trọng, một ngày thời gian hình như ngừng chảy, đời sống của vạn vật trên mặt đất hình như nhịp nhàng hơn, một năm hết và thiên nhiên dường như sống lại, các chất của đất hình như cũng thắm tươi hơn, trong thân cây nhựa cũng dồi dào hơn và đất cũng có những sinh lực huyền bí. Vì thế đất đã trở thành vật thiêng, đất trở nên đáng sợ làm người ta không dám phạm đến, ai mà trót lỡ có thể nguy hại đến tính mạng. Vì vậy, người ta phải cúng tế vị thần Đất trước khi khởi sự những việc có liên quan.8

Trong thần thoại của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta thấy thần cây cỏ cứ đúng kỳ hạn chết đi rồi sống lại. Nhưng ở Việt Nam thì lại khác, vì đúng 23 tháng chạp thì Thổ Công (vua Bếp) lên chầu trời để tâu với đức Ngọc Hoàng những việc xảy ra ở trần thế. Sau bảy ngày, vua Bếp trở về hạ giới. Kể ra điển tích này cũng không có gì lạ cả, chỉ có một điểm đáng chú ý là hàng năm vua bếp đi vắng, người xưa cho rằng các sinh lực của đất và cây cỏ cứ hàng năm tươi tốt trở lại.

Quả vậy, thổ thần tượng trưng cho các sinh lực tiềm tàng trong trái đất. Bảy ngày thổ thần không ở nữa tượng trưng cho vạn vật ngừng sống lúc mùa đông tháng giá. Nhưng khi xuân tới, thổ thần lại trở về với khí dương đầm ấm.9

Jean Przyluski còn miêu tả lễ động thổ của người Việt (người Kinh) và người Mường như sau: Trong 7 ngày Tết Nguyên đán (có nơi gọi là Tết Cả) người Việt phải kiêng nhiều điều lắm, một trong những điều quan trọng phải kiêng là trước khi làng làm lễ động thổ không ai được cày, bừa, cấy, xới. Thường thường làm lễ vào một trong năm ngày đầu năm, các hương chức phải xem lịch, một cuốn lịch do triều đình xuất bản để chọn ngày lành.

Cứ theo tục, phải chọn một cụ đã qua sáu mươi, lắm con, lại giàu có và một người nữa trẻ hơn vào trạc quá ngũ tuần, cũng giàu có và đông con cái, để đứng bồi lễ. Trong khi các cụ ngồi bàn bạc trong đình, hai người mang một cái bàn kê dưới gốc đa, bày biện lễ vật: vàng mã, một chai rượu, buồng cau, mũ thổ thần giống như mũ các quan, bồi bằng giấy đen. Hỏi ai cũng nói ngay là để tế Thổ thần.

Cụ chủ lễ dời bàn thờ đi về phía nam, cầm lấy cái thuổng, quay về hướng đông xắn lấy ba miếng đất. Cụ xắn xong mỗi miếng, ông bồi lễ mang đặt dưới gốc đa: miếng thứ nhất bên phải cụ chủ lễ, miếng thứ hai bên trái, miếng thứ ba ở giữa. Xong cụ lại trở về bàn thờ lạy ba lạy thế là lễ tất. Vàng và mũ hóa ngay tại chỗ; còn rượu, cau mang vào dinh để các cụ dùng. Trong lúc hành lễ có ba người tham gia mặt quay về hướng đông, hai người thổi ốc, một người gõ trống khẩu.

Đối với người Mường: thường chọn ngày lành và theo lịch âm của người Việt, hoặc tính đốt ngón tay theo một phương pháp riêng. Hôm ấy, cụ tiên (hay gọi là cụ cai) dậy thật sớm, ra đến chân thang nhà sàn của người Mường - nơi có một cái cối giã gạo đã có sẵn vài hạt thóc, cụ tiên cầm chày giã ba lần. Đến khi mặt trời mọc, vào khoảng độ bảy giờ, cụ cùng một gia nhân đi ra suối - nơi người làng vẫn thường lấy nước để tát vào ruộng, người bồi lễ dùng thuổng xắn một miếng đất rồi ném xuống pài: đó là lễ tắp (đắp) pài. Ở suối người Mường thường có pài chắn (pài là cái đập nhỏ).10

Biểu hiện của việc thờ thần Đất còn được lưu lại trong việc xông đất đầu năm. Trong ngày mùng một Tết, mỗi gia đình người Việt đều lưu tâm đến việc này. Xông đất hay đạp đất - tức là chỉ việc người khách đầu tiên đến nhà trong năm mới. Người ta rất kiêng đàn bà và những người có tang hoặc có tuổi xung khắc với chủ gia đình mà thường lựa chọn bạn bè, những người danh giá, hợp tuổi với gia chủ, đang ăn nên làm ra. Có lẽ vì việc thờ thần Đất mà ba ngày đầu năm Thổ thần được xem như là điều kiêng kỵ. Khi tổ tiên ông bà được mời về vào tối ba mươi Tết, người ta hạ cửa, chỉ để bạn bè, người quen biết hoặc những người giàu có, danh giá đến mà thôi. Còn những người hành khất, những người vô gia cư thì bị xua đuổi, không cho “đạp đất”, sợ gây họa, ảnh hưởng bất lợi đến các thành viên trong gia đình.11

Việc cúng thần Đất thường xuyên được thực hiện vào những ngày đầu năm, lễ này thường gọi là lễ “tạ thổ kỳ yên”. Ở các tỉnh Nam Bộ, lệ cúng đất được thực hiện vào ngày mồng 10 tháng giêng:

Mồng chín vía Trời

Mồng mười vía Đất.

 Ngày vía Đất có lệ cúng thần Đất, nghi lễ rất đơn giản. Nhà nào khá giả thì mâm cơm có gà vịt đem ra ruộng cúng rồi cùng nhau ăn uống tại chỗ. Ở nhà thì bày lễ vật ra cúng tại bàn thờThổ Địa đặt trong nhà như: con gà, miếng thịt hoặc rút gọn chỉ còn bộ tam sên với đĩa gạo, muối.

Thần Đất không chỉ là một vị thần bảo hộ cho lao động, sản xuất của người dân mà đã đi vào cuộc sống của người dân một cách sâu sắc. Nhiều người ở nông thôn miền Tây Nam Bộ mỗi khi bị mất một vật gì tìm không được thường lâm râm khấn vái: “Ông ngay ông Địa giúp tôi tìm được sẽ cúng ông nồi chè (hoặc nải chuối)”. Trong dân gian thì khi có chuyện gì khuất tất, tranh cãi, người ta thường đem ông Địa ra để làm chứng vì thần biết được tất cả mọi chuyện trên vùng đất mà thần cai quản.

 

Trong việc thờ cúng, người dân ta còn nhầm lẫn giữa thần Đất và thần Tài. Thần Tài chẳng qua là một dạng thức khác của thần Đất. Nếu thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tính lý nông nghiệp thì thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc, là dấu ấn của thời kỳ kinh tế thương nghiệp. Có vẻ người dân không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của các thần, họ chỉ quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Thay lời kết

Thần Đất có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi gia đình và xã hội người Việt. Từ lao động sản xuất, hội hè đình đám đến Tết nhất; từ khi còn sống cho đến khi mất đi cũng đều nhờ đất, do đất... Dần dần, tín ngưỡng thờ thần Đất trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam và vẫn đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay. Nghiên cứu về vị thần này của người Việt trong quá khứ giúp ta có thể hiểu sâu hơn về các lớp văn hóa dân gian bản địa và các yếu tố văn hóa tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống dân tộc.

Đ.T.T.

 

CHÚ THÍCH

1 Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2006, 82.

2 Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, (Hà Nội: Thế giới, 2015), Tập 2, 23.

3 Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, (Hà Nội: Hội Nhà văn, 2005), 183.

4, 5, 6, 11 Leopld Cadiere, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, (Đỗ Trinh Huệ dịch) (Huế: Thuận Hóa, 2010), Tập 3, 63, 64, 64, 59.

7 Toan Ánh, Nếp cũ Làng xóm Việt Nam, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ, 2005), 362.

8, 9, 10 Jean Przyluski, “Lễ động thổ”, (Mộc Nghĩa dịch), Dân Việt Nam , Số 2/1948.