Tiếng gọi phía Hoàng Sa - Truyện ngắn Đặng Hoàng Thám

30.10.2017

Bình minh rựng sáng phía chân trời. Những vệt mây đỏ bầm dần  chuyển sang màu da cam, rồi màu vàng nhạt, rồi ánh nắng vàng tươi rực rỡ bao trùm lên một vùng trời biển mênh mông... Đoàn tàu cá sáng nay trở về từ Hoàng Sa, đầy ắp trong khoang những mẻ cá ngừ tươi xanh sân sẩn. Cảng Sa Kỳ đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng người gọi nhau ơi ới. Tiếng máy tàu sình sịch, de tới de lui cập bến. 

Tiếng gọi phía Hoàng Sa - Truyện ngắn Đặng Hoàng Thám

Tiếng còi xe tải, xe hon đa giành, lấn đường, tin - tin khoan nhặt... Những con cá ngừ đại dương mắt trong khe, tròn như viên bi, bị móc lên bàn cân. Những chiếc giỏ cần xé đầy cá oằn vai mấy chị phụ nữ...Vài chiếc thuyền thúng nằm chơ vơ trên bãi cạn. Cát trắng ngà ngà lẫn lộn với những vỏ ốc  phơi mình trong nắng sớm vàng mơ.
“Tàu đánh cá của Việt Nam nghe đây: Các người phải rời xa vùng biển này, nếu không, nhà đương cục thành phố Tam Sa* sẽ không chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản... Không chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản!”.

Tiếng loa phóng thanh với công suất lớn phát bằng tiếng Việt, hơi Hải Nam lơ lớ thỉnh thoảng vang lên, hụt hửi trong tiếng sóng biển, trong tiếng gió thổi phần phật qua những vó lưới phơi trên boong:

“Bọn “Hải Dương...” này gian ác thật! Đã xâm phạm, đặt giàn khoan trái phép sâu vào trong vùng biển Việt Nam, bây giờ lại còn lớn lối xua đuổi cả tàu đánh cá của ngư dân!”

“Ta phải cảnh giác cao và luôn đề phòng! Không được chủ quan! Mặc dù đây hoàn toàn là vùng biển của ta, vùng đánh cá truyền  thống  bao đời nay của ngư dân miền Trung. Nhưng bọn này thâm hiểm lắm. Chúng “vừa ăn cướp, vừa la làng!” - Thuyền trưởng Hữu Nhân nói với các thủy thủ của anh.

Có chiếc tàu Kiểm ngư của Việt Nam chạy lướt qua những chiếc tàu đánh cá:

“Bà con hãy yên tâm bám biển đánh bắt. Biển này là của ta... của tổ tiên, của đất nước. Không một kẻ nào có quyền chiếm đoạt...” - Loa trên tàu vang lên trầm ấm - Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn có mặt trên vùng biển của Tổ quốc để hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân...”.

Tàu Kiểm ngư đi qua. Loáng thoáng những gương mặt  đen sạm bởi  nắng gió biển khơi. Những đôi mắt quầng thâm mất ngủ, nhưng tất cả các thủy thủ áo màu lam xám vẫn lạc quan, nhanh nhẹn đưa tay vẫy chào những tàu đánh cá của các ngư dân nhiều nơi hội tụ về đây khai thác thủy sản và góp mặt khẳng định, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển của Tổ quốc!

 

Đám tàu Hải giám T.Q hoạt động trái phép ở vùng biển Hoàng Sa thường hay tổ chức truy đuổi, đâm va các tàu đánh cá của ta. Lúc thì chúng dùng tiếng Việt, lúc thì chúng dùng tiếng Trung phóng loa cảnh báo. Nghe giọng Hải Nam đơn đớt, tự dưng Nhân nhớ tới... A Muối! - cô bạn gái người Hoa dễ mến ở thị xã H.A.     

Hồi ấy, Nhân thường thích đi qua khu phố có nhiều người Hoa ở. Đó là một dãy phố cổ với những mái ngói âm dương, ám rêu phong nhàn nhạt. Nhân có một cô bạn học ở đấy! - Nhà A Muối là một hiệu thuốc Bắc, ông nội Muối gốc người Quảng Đông, hơn trăm năm trước phiêu bạt đến Việt Nam vào thời nước Trung Hoa bị các cường quốc phương Tây xâu xé. Ông ấy là một thầy thuốc khá nổi tiếng ở phố huyện. Ông nội A Muối thường hay đứng  trầm ngâm đặt tay trên cái quầy gỗ bóng loáng như có thể soi thấy mặt người. Cạnh đó có cái bàn tính bằng cây ngộ nghĩnh! Tiếp theo nữa là bộ dao xắt thuốc với lưỡi thép bén ngót có thể xắt mỏng dính, ngọt sớt những miếng thuốc Bắc dẹp lép như con khô mực. Bà nội Muối, tóc bạc cắt ngắn, áo sẩm cài nút một bên, ngồi trên ghế mây, có lúc trông như pho tượng. Thi thoảng đi  ngang qua nhà cô bạn ấy, Nhân được Muối tặng cho một nụ cười bí ẩn, lòng Nhân nghe xao xuyến, bồi hồi... A Muối là tên gọi ở nhà của Tiểu Thanh, còn đám bạn  đồng môn của Nhân  thì gọi cô ấy là “Chúc Anh Đài” có ý ghép đôi trêu chọc... Thỉnh thoảng đôi má của Tiểu Thanh cũng hồng lên  với đôi mắt long lanh, đẹp tuyệt vời. Đến bây giờ, Nhân vẫn thường nhớ về  những kỷ niệm thời niên thiếu nơi phố huyện ngày xưa… Nhân khẽ mỉm cười, chuyến này, khi tàu về bến, lên ụ mươi ngày để duy tu, bảo dưỡng, Nhân sẽ rủ A Muối đi Đà Lạt hoặc ra Huế chơi, chắc  Muối thích thú lắm!

Dưới bóng cây bàng quả vuông, lá màu tía sẫm. Đôi bạn nhìn ra phía biển xa, sóng trào nhẹ, đùa đuổi nhau, lấp lánh muôn ngàn vẩy bạc, lăn tăn, nhấp nháy dưới ánh trăng huyền hoặc của đêm rằm. Cô gái có mái tóc cắt ngắn với làn da trắng sáng bỗng dưng nói, giọng cô có vẻ không vui lắm:

“Em nghe nói, lúc này Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu hải cảnh, tàu sắt xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam... tình hình căng thẳng quá hở anh?”.

- Khắp nơi, người ta lên án mạnh mẽ  hành động sai trái này của họ... kể cả những người Hoa chân chính!

- Em cũng là người Hoa nhưng em thấy bất bình và căm ghét những kẻ  tham lam kia! - A Muối nói.

- Người Hoa và người Việt ai cũng mong muốn hòa bình, không ai muốn chiến tranh! Chỉ có những kẻ ngông cuồng, mê muội, ôm mộng bành trướng, thống trị các dân tộc khác là đi ngược lại ước vọng tốt đẹp của hai dân tộc! Người Việt và người Hoa đã sống chung biết bao đời nay, buồn vui trên mảnh đất này... Em có thấy ngày lễ Thanh minh không? Đã có bao nén hương cặm xuống cho những người Hoa sinh ra và yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam bao dung, nhân ái! Người Hoa với người Việt vẫn yêu nhau, sinh con đẻ cái với nhau! - Nhân nắm tay A Muối. Cả hai trái tim rung lên đồng cảm.

- Em là người Việt gốc Hoa... Đất nước em là Việt Nam. Nơi em sinh ra và lớn lên... Quá khứ em ở đây, tương lai em ở đây. Ông bà em cũng nằm trong lòng đất này! - Giọng Muối thiết tha!

- Đi biển chuyến này về, mình sẽ làm đám cưới nghe em?

Nhân và A Muối ôm nhau hôn thắm thiết. Nhân có nghe người ta nói mỗi dân tộc tự trong cơ thể toát ra một mùi rất đặc trưng! Nhưng Nhân không nghe thấy “mùi dân tộc” gì cả trong thân thể đầy đặn, rừng rực lửa yêu đương của người con gái Hoa dịu dàng, xinh đẹp như  đóa hoa mẫu đơn vừa chớm nở! - Người con gái mà anh tin rằng sau này sẽ sinh ra cho anh những đứa con bụ bẫm, mắt hai mí rõ ràng. Nhưng nếu như nó giống mẹ nó, mắt chỉ có một mí thì cũng chẳng sao, có khi trông còn hay hay nữa!

Buổi sáng, trời âm u, biển gió cấp 5. Tàu của Nhân chạy vòng vòng bủa lưới. Gió liu riu, sóng chập chùng. “Biển động nhẹ ở khu vực Bắc biển Đông, vùng xung quanh quần đảo Trường Sa  nhiều mây, nắng gián đoạn…”. Với kinh nghiệm của dân đi biển thì những khi thời tiết như thế này, ngư dân thường trúng đậm!

Tốp tàu của Nhân và một số tàu bạn khác “dính” những mẻ cá lớn. Những con cá ngừ đại dương có con nặng trên trăm ký được móc lên tàu rồi đưa xuống hầm đá. Mọi người ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Chuyến đi biển này, trừ hết chi phí, mỗi bạn đáy có thu nhập không dưới hai mươi triệu! Một chuyến đi thành công ngoài mong đợi. Những dự định cho tương lai cũng bắt đầu manh nha trong đầu óc những ngư dân chơn chất. Mấy dây lưới cuối cùng đã được thu gọn lên tàu. Tiếng máy nổ sình sịch, khói đen nhả nghi ngút lên nền trời xám xịt...Tàu nhắm hướng Tây trực chỉ.

Bỗng nhiên trên biển, từ xa, phía đảo T.T có những bóng trắng, xám nhạt  trông giống như những toa xe, lù lù xuất hiện, chúng hăm hở, phăm phăm xé nước, bọt tung trắng xóa, lướt nhanh chặn đầu các tàu cá của ta. “Bọn Hải giám!... Tránh xa chúng. Quay tàu về hướng Tây Nam nhanh... nhanh lên!”.

Các tàu của ta chạy dụm lại, gần nhau theo một hướng để bảo vệ, hỗ trợ cho nhau. Tàu của Nhân ở sau cùng, nằm trong tầm ngắm của bọn Hải giám. Chiếc tàu sắt của chúng trên boong có một khẩu đại liên hai nòng, họng súng đen ngòm như chực chờ nhả đạn. Bọn Hải  cảnh  tiến đến, áp sát mạn tàu, chúng nhảy lên chặt dây hơi, đánh đập thủy thủ rồi cướp toàn bộ trang thiết bị và tịch thu gần hết số cá ngừ mà tàu Nhân vừa khai thác được... Nhân và các thủy thủ vô cùng phẫn uất! Giá ăn tươi, nuốt sống được bọn này cũng chưa hả dạ!

“Các người đã mắc tội đánh trộm cá!”.

“Chúng tôi đánh cá trên vùng biển của Việt Nam”.

- Đây là biển của Trung Quốc, nằm trong “đường chín đoạn” mà xưa kia ngài Trịnh Hòa* đã từng đi qua!.

- Ông ta chỉ đi qua, còn tiền nhân chúng tôi làm chủ vùng biển này từ rất lâu... Mãi đến năm 1974 thì bị người Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm! Cả thế giới đều biết chuyện này!

Tên béo lùn mặc áo thun ba lỗ đấm mạnh vào mặt Nhân. Máu trong miệng anh tràn ra mép.

“Chúng bây là bọn cướp biển!” - Nhân thét lên - Một tên Hải giám mặt non choẹt múa võ Tàu, bay vào đá vô bụng Nhân. Nhân lảo đảo, ngã chúi xuống sàn tàu. Chúng nhào tới đè trói Nhân: “Nhốt tụi này lại. Chừng nào người nhà chúng đóng “tiền phạt” thì tính!”. Bọn Hải giám áp giải tàu cá của  Nhân về đảo P.L để “xử lý”. Chúng đánh, đá xô đẩy rất dã man những thuyền viên trên tàu! Đã có nhiều tàu cá của ngư dân miền Trung bị bọn Hải giám ác ôn bắt giữ, đánh đập, cướp bóc tài sản, giam cầm, bắt đóng tiền phạt! Thực chất, đó là hành vi của bọn thảo khấu bắt người trái phép, đòi tiền chuộc, đã từng xảy ra trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Mấy hôm nay, Muối đứng ngồi không yên khi có tin - Tàu cá của Nhân đã bị Hải giám T.Q bắt giữ! Chú Thìn - cha của Muối thở ra, hì hà, than thỉ:

“Hầy, cái “lày” bậy quá chừng! Bậy quá chừng! Tại sao lại bắt người ta chứ? “Ngộ” không đồng ý chuyện này “zồi”!”.

Mẹ Muối là người Hoa lai Việt mấy đời nói:

- Bọn này là côn đồ chứ Hải giám cái gì! Hải giám gì mà cướp bóc, bắt người đòi tiền chuộc! Xông vào nhà người ta, xâm chiếm biển người ta, ỷ mạnh làm càn!.

“Hầy... Bậy quá chừng! Bậy quá chừng... “ngộ” phản đối... phản đối!”- Chú Thìn nhăn mặt lắc đầu.

...Muối ngày xưa đi học cùng lớp với Hữu Nhân. Nhà cô ở đường giữa của phố cổ. Phố ấy đa phần là người Hoa chuyên nghề mua bán. Nhà Nhân ở cạnh sông H, gia đình Nhân có tàu đánh cá. Nhân, sau khi đi nghĩa vụ về, anh lên tàu làm thuyền trưởng nối nghiệp cha. Muối và Nhân có rất nhiều kỷ niệm nơi cái thị xã miền biển xinh đẹp và thơ mộng này. Muối tham gia công tác Đoàn từ cơ sở, những năm gần đây, cô được trên rút về thị xã phụ trách công tác Hoa vận. Muối chân tình, có năng lực, đạo đức tốt nên cô rất được bà con người dân tộc Hoa yêu mến. Cô làm rất giỏi công tác tuyên truyền, vận động quần chúng người Việt gốc Hoa tin tưởng theo sự lãnh đạo của Đảng, Nhà Nước cùng với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tình làng nghĩa xóm, phát triển quê hương giàu đẹp, trong cộng đồng hai dân tộc Việt-Hoa ở thị xã. Vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, đâm va hư hại nặng tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân gây bất bình căm phẫn cho mọi người.

...Hữu Nhân và các bạn anh trở về.  Các cơ quan, đoàn thể có chức trách đã kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp buộc “phía bên kia” phải trả  những người bị bắt bớ, giam cầm trái phép! Dư luận các nơi cũng đồng tình ủng hộ mạnh mẽ đường lối, phương pháp đấu tranh ôn hòa của nhà chức trách Việt Nam. Kẻ tham lam, thủ ác bị lên án nghiêm khắc!...Hôm Nhân khập khiễng được các chiến sĩ Cảnh sát biển dìu xuống cảng cá, Muối không ngăn được xúc động! Cô cố kiềm chế, nhưng hai dòng lệ vẫn tuôn rơi lã chã!

...Khoảng hơn một tháng sau, Nhân bình phục. Một buổi sáng nắng mai vàng chói chang, rực rỡ trên biển. Nhân ngồi nơi bến tàu trước nhà buồn buồn nhìn ra biển. Tàu cá đã bị bọn Hải giám tịch thu…Anh nhớ biển vô cùng, nhưng chắc khó có thể tìm về với biển! Anh nhớ những bãi cát vàng loang loáng ánh trăng nơi đảo xa. Nhớ những cánh chim hải âu mùa xuân chao liệng. Nhớ những con tàu giăng lưới phía khơi xa. Và, nhớ ánh mắt dịu hiền của Muối, đón anh  về trên bến cảng sau những chuyến hải hành giữa trùng khơi đầy sóng gió!... Có một nhóm người đến trước nhà Nhân. Người ta tìm anh.

- Chào anh! Chúng tôi ở báo T... Chúng tôi muốn nghe anh kể lại câu chuyện các ngư dân của ta bị tàu T.Q truy đuổi, cướp bóc và bắt người trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhân kể lại đầu đuôi chuyện không lấy gì vui lắm cho các phóng viên báo đài nghe - Một chị nhà báo có gương mặt sáng đẹp, đeo kính cận hỏi Nhân:

- Anh Nhân và các ngư dân bị nạn có nguyện vọng gì không?

- Chúng tôi chỉ muốn trở lại với biển, với Hoàng Sa dù có... chết ở nơi ấy... cũng vui. Cũng mãn nguyện!

Vài mươi ngày sau. Chị nhà báo cùng với chính quyền địạ phương, có cả Muối đi cùng, đến trại ghe của gia đình Nhân trao cho anh một số tiền khá lớn:                             

“Đây là món quà tình nghĩa mà đồng bào các nơi gởi  đến, giúp các bạn đóng lại tàu mới để tiếp tục ra khơi!”

Ngoài quà của bà con nhiều nơi gởi tặng. Qua sự vận động của Muối và các đoàn thể, cộng đồng người Hoa cùng với bà con ở thị xã đã nhiệt tình ủng hộ một số tiền kha khá, giúp cho các gia đình có người bị nạn tạm thời ổn định cuộc sống trong khi chờ con tàu mới hạ thủy, ra khơi trở lại với Hoàng Sa thân yêu.

Hoàng Sa phía chân trời sóng gió, trong trái tim nóng bỏng của muôn triệu người đang vẫy gọi!.

Đ.H.T