Thơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong Nam

21.03.2013

Thơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong Nam

Trong số các gương mặt văn nhân xứ Quảng Nam thế kỷ XIX, Tú Quỳ là một trường hợp rất độc đáo. Cuộc đời, hành trạng Tú Quỳ được đan dệt bởi rất nhiều những giai thoại; và cái lõi của các giai thoại thường là một bài văn, bài thơ. Kết quả là khi nói đến Tú Quỳ, người ta nghĩ đến kiểu nhà văn của những giai thoại; còn tác phẩm của ông về thực chất, là một dạng giai thoại văn học.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, trong một nghiên cứu công bố từ năm 1968, khi đề cập đến “hiện tượng” Tú Quỳ, có viết: “ở miền Nam Trung Việt, đặc biệt ở Quảng Nam, Tú Quỳ là một nhà thơ được rất nhiều người biết. Hẳn nhiên là biết hơn cả trăm lần Nguyễn Du.”(1). Chúng ta sẽ không bàn đến “độ chính xác” của phép so sánh này (vì, đây chỉ là cách nói); tuy vậy cái ý khẳng định vị thế, ảnh hưởng đặc biệt lớn lao của Tú Quỳ trên phương diện văn hóa vùng miền qua nhận định của một nhà “Quảng học” nhiều trải nghiệm như Nguyễn Văn Xuân là điều rất đáng suy nghĩ. Bởi, sẽ có một vài câu hỏi được đặt ra. Tỉ như, Tại sao Tú Quỳ có sức hút đối với công chúng lớn đến như thế? Hoặc, thực sự thì cái hay của thơ văn Tú Quỳ là ở chỗ nào?... Xem ra, đây là một câu chuyện không dễ lý giải xét trên phương diện nghiên cứu văn học sử. Từ trường hợp này, không ít vấn đề lý thú được đặt ra cho giới nghiên cứu trong quá trình nhận thức về văn học dân tộc.

 

Cuộc đời của Tú Quỳ, nếu xét riêng từng phương diện, không có điều gì thật sự vượt trội so với các danh nhân trong xứ. Ông không phải là đấng chí sĩ dấn thân vì đại nghĩa kiểu Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh…, những bậc khí phách nghiêng trời khiến cho hậu thế ngưỡng vọng. Cho dù ông có (hay không) làm gì trong Nghĩa hội Quảng Nam thì cũng vậy thôi. Trên thực tế đây chỉ là một phong trào kháng chiến được tập hợp, lắp ghép có phần vội vàng, thậm chí ô hợp. Một phong trào không thuần nhất về thành phần và càng về cuối càng tỏ ra thiếu rõ ràng về mục đích, tôn chỉ. Chính vì vậy mà nó không lôi cuốn được đông đảo quần chúng, không thuyết phục được tầng lớp sĩ phu. Sự chia rẽ nhanh chóng, rồi nghi kỵ dẫn đến thanh trừng nhau đã khiến cho phong trào nhanh chóng bị dập tắt. Có lẽ vì thế mà Tú Quỳ rời bỏ Nghĩa hội không một chút đắn đo hay hối tiếc. Trong thơ văn Tú Quỳ, tuyệt không thấy ông đề cập trực diện điều này, dù chỉ một lần.

Tú Quỳ tuy có đỗ đạt nhưng cũng chưa phải là bậc đại khoa, chưa có cái oai danh “bia đá bảng vàng”. Trong thang bậc khoa trường thuở trước, tú tài mới chỉ là cái danh được ghi nhận chứ chưa phải là bậc hiền tài được dự hàng “cử”, “ “tiến” lên nhà vua lưu dụng. Tú Quỳ lại chẳng là kẻ văn tài “nết đất” tung hoành nơi trường văn trận bút… Ông sáng tác nhiều văn thơ, trải nghiệm qua nhiều thể loại, nhưng lại không có những tác phẩm tạo dấu ấn, tạo những cột mốc trong văn học sử. Thế nhưng nghịch lý lại ở chỗ trong ký ức cộng đồng, văn thơ cùng giai thoại về ông luôn được viện dẫn; tên tuổi ông luôn đồng hành cùng nhân dân trong đời sống thường nhật. Văn nhân Huỳnh Hướng Dương đất Giảng Hòa cũng đồng một dạng như Trần Tế Xương đất Vị Xuyên: “ông Nghè ông Thám vô mây khói/ Còn lại văn chương một Tú tài”. Nghĩa là văn và người đều danh lưu hậu thế, bất chấp thời gian. Vậy thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Trước khi đi sâu lý giải hiện tượng Tú Quỳ, thiết tưởng cũng cần “cải chính” về chỗ dư luận cho rằng lâu nay, Tú Quỳ bị “quên lãng”, “chìm trong bóng tối” (ý chỉ thơ văn ông ít được quan tâm nghiên cứu); thậm chí có người còn lấy làm bất bình vì nỗi, cho đến nay, Cụ Tú vẫn chưa có một chỗ đứng chính thức trong lịch sử văn học nước nhà (2). Thực ra, nói Tú Quỳ bị chìm khuất, ít được giới nghiên cứu đề cập là không đúng. Quả là nếu so sánh với những Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… thì số lượng công trình khảo luận, nghiên cứu về Tú Quỳ có phần khiêm tốn hơn. Thế nhưng, xét về tần suất xuất hiện, tên tuổi Tú Quỳ trong vai trò “một nhà thơ trào phúng” thì không hề ít. Tất nhiên, số câu chữ dành cho ông không nhiều như những người kia; nhưng đấy lại là một câu chuyện khác (chúng ta sẽ bàn đến sau). Thực tế thì danh tính ông có mặt hầu khắp các bộ tuyển tập, hợp tuyển, từ điển, chuyên luận … về văn học Việt Nam. Từ những công trình xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ trước như công trình của Dương Quảng Hàm, Phan Khôi, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân, Vương Hồng Sển … cho đến những cuốn sách mới nhất đầu thế kỷ này (ví như công trình sưu tầm và khảo luận rất công phu của Thy Hảo Trương Duy Hy, 2008); tất cả cho thấy không hề có chuyện “coi nhẹ”, “quên lãng” tác giả này. Nghĩa là, không thể nói Tú Quỳ không có chỗ đứng trong lịch sử văn học. Có điều, chỗ đứng của ông không giống vị thế của những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du – những bậc “lương đống” của tòa lâu đài văn học Việt. Ông cũng không giống Tú Xương – vị “trưởng tràng” của một “dòng”, một “môn phái” đặc thù (văn chương trào phúng). Chỗ đứng của Tú Quỳ khiêm nhường hơn, ông chỉ tham dự một phần; cũng bởi thế mà thường người ta chỉ nhắc đến tên ông chứ ít khi kể bàn về sự nghiệp một cách chi tiết. Điều này không hẳn do số lượng hay chất lượng tác phẩm. Bởi, nếu chỉ xét số tác phẩm được truyền lưu thì Tú Quỳ còn vượt cả Tú Xương; còn nói đến tài dụng chữ tạo vần thì thực ra mỗi người lại chủ trương một lối. Tú Xương được tôn là bậc “thần thơ thánh chữ”, danh vị được khẳng định trong lịch sử văn học dân tộc là lẽ đương nhiên; nhưng Tú Quỳ cũng có cái độc đáo, có chỗ hơn đời của ông. Thành thử trong lĩnh vực này, cũng khó mà cân phân cho thật chi ly, rành rẽ. Điều mấu chốt liên quan đến vị thế của Tú Quỳ trong lịch sử văn chương xét cho cùng là bởi đặc điểm, là nét riêng của văn chương ông tạo ra.

 

Lâu nay, trong quan niệm của giới nghiên cứu, Tú Quỳ luôn được coi là nhà thơ trào phúng; thường được các nhà làm sách xếp vào bộ phận văn chương trào phúng của dân tộc. Cái căn cứ để “xếp lớp” Tú Quỳ có lẽ bởi thơ văn của ông phần lớn thấm đẫm ý vị khôi hài, mang giọng trào tiếu, cười cợt. Kể ra nhận định như vậy cũng không có gì quá sai lệch, nhưng rõ ràng là có phần phiến diện. Khi giới hạn giá trị tác phẩm vào trong những “vùng thể tài” cố định như vậy, vô hình trung ta đã mặc định một “khung giá trị” về tác giả. Một sự phân định mang tính ước lệ như thế nếu chỉ được nhắc đến một cách tạm thời, thoáng qua thì cũng chẳng hại gì; nhưng nếu dùng một cách chính thức, có ý nghĩa phân loại đối với nhà văn, hiện diện lâu dài trong sách vở, tài liệu tham khảo thì cần phải xem xét lại. Bởi vì nếu cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như vậy, lâu dần sẽ thành một quan niệm mang tính “mặc định”. Đó là điều bất hợp lý về phương pháp nhận thức, nó không có lợi cho tư duy khoa học.

Thực ra trong văn thơ của Tú Quỳ, tính chất trào phúng (hiểu theo nghĩa tác phẩm có tính chất đả phá, phúng thích, gây cười) chỉ là một phần. Những giá trị hàm chứa trong hiện tượng Tú Quỳ (tôi muốn nói đến cả hai phương diện văn phẩm – và nhân phẩm) phong phú hơn, vượt hẳn ra ngoài cái khung khổ của lối văn chương trào lộng mà ta thường hiểu. Hơn nữa, phong cách trào phúng của Tú Quỳ cũng rất riêng. Thơ văn Tú Quỳ dường như thiên về lối trào tiếu dân dã của Hồ Xuân Hương hơn là lối trào phúng cay độc của Trần Tế Xương.

Nếu so sánh cuộc đời và tác phẩm của Tú Quỳ với Tú Xương, ta có thể nhận ra khá nhiều điểm liên quan thú vị. Thực tế thì hai nhà Nho – thi sĩ này có sự khác biệt sâu sắc ở ngay những điểm ngỡ là tương đồng. Chẳng hạn, xét về khoa trường, cả hai ông đều lận đận và đều đỗ Tú tài; đều đứng ngoài, không can dự gì vào vòng hoạn lộ; đều bất mãn với thời thế, ghét cay ghét đắng mọi trò lố lăng, rởm đời.... Thế nhưng cảm hứng sáng tác của hai vị lại rất khác nhau; tính chất trào lộng, châm biếm trong thơ ca của hai tác giả lại rất xa nhau. Sự khác nhau không chỉ đến từ đề tài, ngôn từ, giọng điệu… mà ngay cả đến thi pháp, từ chương cũng rất ít điểm chung. Chẳng hạn, trong nhãn quan nghệ thuật của Tú Xương, khoa trường là một cái chợ, nghĩa là đầy rẫy cảnh nhốn nháo xô bồ. Đặc biệt, ông luôn có cảm giác mình là kẻ bị lừa, trở thành nạn nhân của trò bịp chữ nghĩa. Và ông lấy làm đau đớn, thống khổ vì điều đó. Kết quả của quá trình tư tưởng ấy chính là sự ra đời của những kiệt tác trào phúng về cảnh suy tàn của Nho học, về sự náo loạn xô bồ của xã hội An Nam buổi giao thời. Trong khi, cũng cùng cảnh ngộ nhưng thơ văn Tú Quỳ không có được điều này, mà dường như ông cũng không mấy lưu tâm đến nó. Thành ra, tâm sự lạc thời và nỗi ngao ngán về các chuẩn mực đạo đức Nho giáo truyền thống bị nhiễu loạn - điều cốt lõi, quan trọng nhất, luôn được tô đậm thành một hệ thống trong thơ Tú Xương - thì ở thơ Tú Quỳ, lại không một mảy may bóng dáng. Lại nữa, Tú Quỳ không hề “tự trào” theo lối Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Ông quan tâm đến điều khác.

Nếu làm một thống kê về đối tượng được đề cập trong thơ Tú Quỳ, có thể thấy số bài nói về sự vật, đồ vật, loài vật chiếm đến một nửa; trong khi nói về nhân vật, sự kiện, tỷ lệ lại thấp hơn rất nhiều. Đây là một dấu hiệu đáng lưu ý bởi thông thường, đối tượng của lối thơ trào phúng thế sự không phải là sự vật mà là nhân vật, sự kiện. Còn như các sự vật, đồ vật, con vật thì thường dành cho lối thơ đề vịnh, khẩu chiến, tức cảnh… Thơ Tú Quỳ hướng nhiều đến các con vật (Chó nhà giàu, Con mèo, Con tôm, Dế dũi, Cá khô, Con cóc, Trâu già, Con bò…), đồ vật (Cồn Con, Gành Móm, Tháp Hời, Ruộng canh thiu, Cây đa thần, Ông Táo, Chuồng bồ câu, Vịnh đồng hồ con cu, Cái ấy, Cây vông, Hộp quẹt, Xe nước, Trái mít….); là vì ông muốn chúng chuyển tải một thông điệp khác, dưới dạng ám chỉ.  Chẳng hạn bài Cây vông; tuy nói về một sự vật (cây vông) nhưng thực chất là để châm chọc, chế giễu con người - những kẻ danh và thực không xứng với nhau. Hình tượng cây vông mang tính ẩn dụ kia có thể vận vào bất cứ ai, bất cứ trường hợp nào, nếu như kẻ đó chỉ có cái mã tốt mà vô dụng. Hoặc bài Con tôm cũng vậy. Ở bài này những tập tính giống loài của con tôm được đặt trong trường liên tưởng với những hành vi của con người: ngu dốt, ăn dơ, ỷ thế… Và thế là nảy sinh hiệu ứng văn chương biếm trích.

Thực ra thì trong thi ca trung đại, lối “vịnh vật ngụ tình” vốn không phải là chuyện gì đột xuất. Bởi thế mới có hiện tượng một sự vật mà có rất nhiều bài đề vịnh qua các thời. Ví như bài Vịnh cây vông của Tú Quỳ mà ta vừa nhắc thì cũng còn có bài của Nguyễn Công Trứ; hoặc bài Con tôm của Tú Quỳ và Con tôm của Học Lạc cũng đều là những bài được dựa trên những tứ thơ gần gũi nhau. Nghĩa là trên phương diện thể tài thì thơ Tú Quỳ cũng không có gì vượt bậc. Nhưng cái đáng nói ở đây là ông biết khai thác một cách tài tình tính chất địa phương, vùng miền để tạo ra cái dư vị thổ ngơi không lẫn của mình. Ông biết tận dụng đặc sản và thổ ngữ để tạo nét riêng. Bài Hát bội Quảng Nam là một ví dụ tiêu biểu (3). Đã đành hát bội (bộ) là một loại hình sân khấu “rặt” địa phương vậy nên dùng hình tượng phường tuồng để ám chỉ sự đời ở quê hương bản quán là rất trúng. Ngoài ra, ông còn “đúc” vào thơ những từ chuyên môn, những chữ nhà nghề, tiếng thông tục: kia nọ, điếm đàng, ba đứa hiệu, mấy ông làng…(bài Hát bội Quảng Nam), những phương ngữ: nỏ biết mốc chi, đâm búng, lố mắt, nhủi, tát câu…(bài Con tôm), cột xoi kèo trổ, bớn tớn…(bài Cây vông), khiến cho khí vị riêng, đặc thù thổ ngữ của bài thơ dậy hẳn lên.

Tuy nhiên, cái làm cho thơ Tú Quỳ bám sâu vào đời sống cộng đồng thì theo tôi, lại không phải là những ám chỉ bóng gió vừa nêu. Nói đúng hơn, đó chỉ là một phần giá trị rất nhỏ của văn chương Tú Quỳ. Thơ ông cuốn hút quần chúng là bởi nét hoang đàng, nghịch ngợm, đậm chất tiếu lâm chứ không phải ở hiệu ứng châm chọc cá nhân. Trên phương diện này, như đã nói trên, thơ Tú Quỳ gần gũi với mạch thơ trào lộng tinh quái kiểu Xuân Hương. Chẳng hạn bài Hột quẹt (4), một bài khá tiêu biểu cho lối thơ vịnh vật của ông. Lối nói nước đôi bóng gió về sự vật, sự việc: những cà lộn xuống (lúc tắt đèn); kéo ra vô (khi tối lửa); (nâng niu) ướm hỏi; (tiền) cậu; (của) cô… dù rất khớp với công dụng, nguyên lý vận hành một vật dụng hằng nhật, nhưng chả ai tin là tác giả đang nói về cái đồ vật mang tên hộp quẹt cả. Những bài thơ kể về sự - vật nhưng lại lấp lửng chuyện hoang nghịch của ông đọc rất thú vị. Hóm nghịch đến như bài Sư nữ thì thật “quá xá”:

Ôm chuông gối mõ ngáy kho kho

Gió thổi màn thiền mát mẻ o

Cánh cửa từ bi cài lỏng chốt

Nồi hương tế độ đút đầy lò

Cá kia ngỏng kệ đầu ngơ ngẩn

Chim nọ nghe kinh cổ gật gù

Ướm hỏi chúng sanh lòng muốn độ

Phải quỳ, phải lạy, phải “nam vô”.

So với cảnh nàng “thiếu nữ ngủ ngày” của Xuân Hương, Sư nữ của Tú Quỳ tuy không chê bai, châm chọc ai, nhưng đúng là “ác liệt” hơn nhiều. Tú Quỳ không phê phán, vả lại, cũng chả việc gì phải phê phán (!). Ông nói hộ cho “chúng sanh” cái nỗi cám dỗ trần thế đầy tội lỗi một cách công khai, không vòng vo rào đón. Người ta khoái thơ ông vì lẽ đó.

 

Trong di sản Tú Quỳ còn có một khối lượng khá lớn các bài thuộc thể văn nhật dụng, văn chức năng. Đây là một phương diện quan trọng khác của văn chương Tú Quỳ. Qua các bài văn tế, câu đối phúng viếng, thấy hiện lên vai trò của một “trí thức bình dân”, một “ông Tú của làng” với tình nghĩa đồng bào đồng quê thật bình dị mà sâu sắc. Nó giúp chúng ta hiểu ra lý do vì sao tên tuổi của con người này lại cắm rễ sâu vào đời sống cộng đồng đến vậy. Hóa ra trong văn chương, tàitình là không thể thiếu nhau. Thậm chí, nhiều lúc cái tình mới là đầu vị của văn chương. Hay nói theo cách của Nguyễn Du thì, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Theo công bố của Trương Duy Hy, Tú Quỳ có hơn một chục bài văn tế, khoảng ba chục câu đối phúng viếng và một số thư tín, văn bài khác. Quả thật, không thể hình dung một cách sát đúng, đầy đủ chân dung nhà văn Tú Quỳ nếu ta bỏ ra ngoài danh mục nghiên cứu mảng tác phẩm này của ông. Với những tác phẩm mang tính thực dụng, nhật dụng như thế này, tài ứng biến, năng lực thích ứng của nhà văn thực sự được thử thách. Bởi vì sáng tác các thể này không khó, thế nhưng vượt qua được sự sáo mòn, trơ rỗng lại không hề đơn giản. Cái tài của Tú Quỳ là ông làm cho những ngôn từ vốn thuộc phạm trù “thương vay khóc mướn” trở nên có hồn vía, gắn bó với cảnh ngộ thực tế; biến những câu chữ “làm văn” thành những tác phẩm văn chương đích thực. Không những thế, sự hòa quyện giữa tình cảnh và hoàn cảnh đã biến chúng trở thành những giai thoại văn chương, bước vào di sản văn hóa một cách đĩnh đạc. Đó là điều không dễ chút nào đối với bất cứ ai theo nghiệp văn chương. Chẳng hạn một bức thư dưới đây: Thư gửi người chồng đi vong.

Biệt ly ới hợi

Duyên nợ đành phai

Bức hồi văn thêu dệt vì ai

Ngâm chinh phụ thử than với đó.

Chàng từ thuở trao lời gắn bó, bến Mỹ Khê muôn dặm tếch buồm loan

Thiếp ghe phen chịu nỗi gian nan, chợ Bàn Thạch một mình như khúc gỗ

Nhà giữa chợ tuy rằng vỏ có, trong hãy còn thiếu ruột thiếu gan,

Thiếp ở đây chẳng có chồng ngoan, làm sao đặng nên hình nên thể?

Thiếp cũng quyết trăm năm gánh vác, lo cho chàng mà tính cũng cho chàng

Chàng chẳng nghĩ một chút yêu đương, đói mặc nó mà no từng mặc nó!

Phải chi thiếp như chim có cánh, thiếp liều mình tung gió bay đi

Phải chi thiếp như cá có vi, thiếp lặn lội theo chàng kẻo nhớ!

Chẳng nói ra khôn tường dạ đó

Nói ra rồi thấu đến tim đăng

Thiếp sợ là sợ khi tối lửa tắt đèn, em còn dại, cháu lại hèn, đã không kẻ lòng tin dạ cậy

Thiếp lo là lo khi váng mình sốt mẩy, chồng đã không, con chẳng có, biết nhờ ai đỡ xuống bồng lên!

Não nùng thay hai chữ ân tình

Ngao ngán bấy một dây duyên nợ

Ngày qua lại thấy đôi chồng vợ, nghĩ phận mình lụy ứa chứa chan

Đêm năm canh gối chiếc mơ màng, riêng tủi phận lòng đau quặn thắt.

Phải chi anh đi lính bình man di, bình khẩu tặc, phá thành đông, dẹp lũy bắc, mang câu ly hương khứ lý cho ưng lòng!

Phải chi anh làm quan tại biên quận, tại triều đình, sớm việc thuế, chiều việc binh, chịu chữ vị quốc vong gia cho đáng số!

Phải chi em lang tâm thất tiết nên bề xấu hổ phải bon chon

Phải chi em ác khẩu đa ngôn cực chẳng đã nghẹn ngùng cất gói!

Ngẫm nghĩ lại thiệt không cùng chỗ nói,

Người cười rằng cớ sao nỗi ra đi!

Bởi vì ai xui nên phượng cách loan ly?

Bởi vì ai khiến cho nhạn nam yến bắc?

Nhớ từ thuở thề non hẹn nước, nói cùng nhau, sống gởi nạc, thác gởi xương

Đến bây chừ giục ngựa buông cương, coi ra thế, đặng nhành lê chê nhành lựu

Chàng ở đó đặng nơi sớm bình chè, tối bình rượu cũng nhớ em khi nước lã khuấy nên hồ.

Chàng ở đó đặng nơi mai vóc nhiễu, chiều vóc sô cũng nhớ thiếp lúc xé vai mà vá vạt.

Chàng ở đó võng dù rần rật, chúng cũng rằng một đứa vong thê

Thiếp ở đây quần áo phủ phê, người cũng gọi là con khí phụ

Phải chi thiếp gái trai đầy đủ, chồng có vong còn cậy có chút con

Nghĩ như mình thân phận chon von, chồng đã phụ biết nhờ ai gởi xác?

Bởi vậy nên xốp ve mình hạc

Bởi vậy nên nhắn nhủ thư nhàn

Từ năm trên thuyền thiếp quá giang, kể hết mọi đàng mà chàng không một phen quy phản

Đến tháng trước thuyền chàng quá vãng, tin ra đòi đoạn mà chàng không một chuyến phản hồi!

Mặc dầu chàng tình bạc như vôi

Đây thiếp cũng lòng son giữ mực

Nay thiếp gởi đôi lời tin tức, sẽ cậy người ăn nói vững vàng,

Như phen này chàng chẳng nghe lời, thì phen khác chàng không gặp thiếp!

 

Đây là một tác phẩm văn chương chức năng thực sự đặc sắc, nó góp phần tô đậm diện mạo của một kiểu nhà thơ mà nói theo Nguyễn Văn Xuân là “thi sĩ của quần chúng”. Cái độc đáo trước hết là ở cảnh huống xuất hiện và lưu truyền. Bức thư này được ra đời trên nền tảng một câu chuyện có thật: thời còn ngồi bảo trẻ tập phóng chữ ở chợ Bàn Thạch, ông được nhờ viết một bức tình thư. Người cậy ông làm cái việc oái oăm đó là một thiếu phụ có chồng bỏ đi hoang (có vẻ như là theo đi buôn chuyến), không ngó ngàng gì tới người vợ trẻ đang đau đáu nhớ trông. Chúng ta không tường về kết quả của vụ thư từ này; chẳng rõ người chồng sau rồi có hồi tâm chuyển ý mà trở về đoàn tụ phu thê hay không. Nhưng mà cái hiệu ứng xã hội thì hẳn nhiên là rất lớn lao. Bức tâm thư đã vượt ra khỏi phạm vi một văn bản chức năng có tính nhật dụng của một cặp vợ chồng, để trở thành một giai thoại văn chương và bắt đầu cái vòng quay kỳ lạ của nó. Nó được truyền tụng trong cộng đồng đúng theo phương thức của một tác phẩm văn học dân gian: từ sản phẩm của một người, nó nhập vào tài sản của quần chúng và “vận động” trong ký ức cộng đồng bằng con đường truyền khẩu. Để làm được điều kỳ diệu này, nếu chỉ lắm chữ thôi thì chưa đủ. Một nhà thơ dù có tài đặt vần dụng chữ đến đâu, nếu không có sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc như thể người trong cuộc thì nhiều lắm cũng chỉ có thể cho ra những câu chữ du dương chứ không thể làm cảm động mọi người trong xã hội. Tú Quỳ làm được điều này; và đó là chứng cứ rõ ràng cho một tài năng thực sự.

 

Nghiên cứu về Tú Quỳ cho đến bây giờ vẫn là công việc rất khó khăn. Trở ngại chủ yếu là do không có cứ liệu đầy đủ và đáng tin cậy. Gần như mọi tác phẩm của ông đều trong tình trạng không có di cảo, không có văn bản gốc. Những gì giới nghiên cứu tiếp cận được chỉ là các bản sưu tầm theo lối điền dã, truyền ngôn, việc giám định đã khó mà đi vào phân tích, bình giá chi tiết càng khó hơn. Thành ra để có thể xếp Tú Quỳ vào một vị thế nào đó trong tiến trình văn học sử của dân tộc là điều thậm khó.

Tuy nhiên nếu ngẫm kỹ, có vẻ như đó cũng chính là nét độc đáo và hơn thế, còn là “lợi thế” của thơ văn Tú Quỳ. Tú Quỳ, với hành trạng và tác phẩm của mình, đã trở thành một hiện tượng văn hóa chứ không đơn thuần là vấn đề thể loại, không còn là chuyện câu chữ, tiểu tiết. Mà phàm đã là những giá trị thì nó sẽ tồn tại, vận động theo quy luật của đời sống. Nói cách khác, sáng tác của Tú Quỳ đã thuộc về phạm trù những giá trị văn hóa – văn học dân gian (folklore); mà văn học dân gian thì không có lịch sử - chẳng có quá trình. Nói khác đi, cái gọi là lịch sử ở đây đã được kết tinh thành ra giá trị (value). Đó là điều đáng kể nhất khi đánh giá về trường hợp Tú Quỳ.

N.P.N

3/2012.

----------------

[1] Tú Quỳ vốn có tên là Huỳnh Quỳ, hiệu Hướng Dương; quê ông ở làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Huỳnh Hướng Dương sinh năm 1828 (năm Mậu Tý, Minh Mệnh thứ IX). Thuở nhỏ, ông học chữ với các thầy đồ; đến năm 19 tuổi thi đỗ tú tài lần đầu. Về sau, thi lại mấy khoa cũng có đỗ nhưng không sao vượt quá tú tài. Tên gọi của ông một phần có nguồn gốc từ kết quả “tú kép” này.

Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Huỳnh Quỳ có tham gia Nghĩa hội Quảng Nam. Phong trào này thoạt đầu là một họat động ái quốc, được tổ chức để hưởng ứng phong trào Cần vương do vua Hàm Nghi thủ lĩnh. Thời gian góp mặt trong Nghĩa hội của Tú Quỳ rất ngắn và có vẻ như ông cũng không giữ một vai trò trọng yếu gì, không có họat động nào thật sự nổi bật. Cho đến nay, cứ liệu lịch sử liên quan đến ông chặng này gần như không có; tất cả chỉ dừng lại ở những giai thoại truyền lưu trong dân gian vừa thực vừa hư không thật sự rõ ràng. Bởi thế, chúng ta không thể khẳng định là ông đã có những công trạng hay lỗi lầm cụ thể gì trong vai trò một hội viên của tổ chức này. Chỉ biết rằng, ông từng bị tống giam, suýt mất mạng vì chính những người đồng chí của mình. Việc ông bị Nghĩa hội bắt, theo một số tài liệu, cũng là do tính cách cứng cỏi, khẩu khí ngang tàng không né tránh; do lối thơ châm chọc, chế nhạo đụng chạm đến nhiều người. Những kẻ bị bêu xấu đã đặt điều vu khống, xuyên tạc ý thơ để hãm hại ông; rồi cũng chính nhờ tài thơ văn mà ông lại được người đứng đầu phong trào tha bổng. Dù sao, đấy cũng chỉ là giai thoại, lời đồn.

Kể từ khi thoát được án tử do tham gia Nghĩa hội, ông về sống ở làng đúng với nền nếp của một hàn nho cho đến cuối đời: dạy học, bốc thuốc, làm thơ văn và rong chơi khắp xứ. Ông mất năm Bảo Đại nguyên niên (1926). Nhìn chung, cuộc hành trình đời ông diễn ra cũng giống như tuyệt đại bộ phận kẻ sĩ xứ ta: lúc còn nhỏ làm “học sinh”, lớn lên cặm cụi làm “thí sinh”, về già thì trở thành “thi - trí sĩ”. Chỉ có điều, khác với mọi người, với những dòng tiểu sử không lấy gì đặc sắc ấy, ông không bị tan biến vào trong cái “biển” mênh mông của muôn kiếp Nho sinh; trái lại, cái danh Tú Quỳ lại nổi đám nổi đình khiến cho thiên hạ ai ai cũng biết.

[2] Nguyễn Văn Xuân (1968), “Tú Quỳ - một trường hợp, một thể văn”, Tạp chí Tân Văn, số 7.

[3] Xem thêm một số ý kiến được trích dẫn trong Thơ văn Tú Quỳ, Thy Hảo Trương Duy Hy, NXB Văn hóa thông tin, 2008.

[4] Bài Hát bội Quảng Nam:

Nhỏ mà không học lớn làm ngang

Trống đánh ba hồi đã thấy quan

Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu

Vô buồng đứng dưới cặp ông làng

Mượn màu son phấn ông kia nọ

Cởi lốt cân đai chú điếm đàng

Tuy chẳng vinh chi nhưng cũng sướng

Đã từng trợn mắt lại phùng mang

[5] Bài Hột quẹt

Vật này vốn thiệt ở bên Ngô

Thước tấc khen ai khéo họa đồ

Chờ lúc tắt đèn cà lộn xuống

Phòng khi tối lửa kéo ra vô

Nâng niu ướm hỏi trao tiền cậu

Giá cả xong rồi lấy của cô

Nhớ thuở dùi cây mà lấy lửa

Khen cho cơ xảo biết từng mô.

 

 

Bài viết khác cùng số

Chùm truyện ngắn của Lưu Đức TrungValentine quên - Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn VănẨn tướng - Truyện ngắn Trương Điện ThắngĐà Nẵng Đà Nẵng – Tạp bút Văn Công HùngHòa Vang bây giờ - Ghi chép Tiểu YếnTầm vóc thành phố trẻ - Tản văn Nguyễn Thị Anh ĐàoỦ hương – Thơ Vương Phạm Tâm CaTôi hát – Thơ Tăng Tấn TàiHoa và nắng – Thơ Phạm Thị Bích HợiHương quê tình biển – Thơ Thùy NgaNhịp cầu kiêu hãnh – Thơ Xuân ThànhChạm vào xuân – Thơ Thuận TìnhTrên đường Trường Sa – Thơ Ngô MinhLặng im đợi gió ru mùa – Thơ Nguyễn Ngọc Hưng Biển quê anh – Thơ Huy TríCột mốc thời gian – Thơ Nguyễn Đông NhậtỞ Sokcho – Thơ Mai Văn PhấnLũ chim sẻ - Thơ Ngân VịnhNhững buổi sáng màu rêu – Thơ Nguyễn GiúpThì đây trắng để chiều không muốn chiều – Thơ Nguyễn Hưng HảiNét xuân – Thơ Triệu Nguyên PhongVết lăn trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn - Trương Hồng Mẫnhọng đêm và những câu thơ bung gai giữa ngày không nắng - Hoàng Thụy AnhNơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi - Hoàng Thanh ThụyThơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong NamBí thư Chi bộ "Culi" Xe kéo TỐNG PHƯỚC PHỔ - Nhà soạn Tuồng Hát Bội thâm nho - Trần HồngGiáo sư Hoàng Châu Ký - Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng - Nguyễn Phước Tương*