Bí thư Chi bộ "Culi" Xe kéo TỐNG PHƯỚC PHỔ - Nhà soạn Tuồng Hát Bội thâm nho - Trần Hồng

21.03.2013

Bí thư Chi bộ

Năm 1930, Tống Phước Phổ được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ "Culi" xe kéo thuộc Đảng bộ Sài Gòn Chợ Lớn. Dưới sự điều hành công tác lúc ấy là các đồng chí Phan Bôi, Hà Huy Giáp...

Tống Phước Phổ sinh năm 1902 tại làng An Quán, Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mồ côi cha sớm. Lúc nhỏ ông học chữ Nho với người bác ruột. Ông học rất giỏi, chưa kịp thi Hương thì triều đình có lệnh bãi thi. Ông cậu Nguyễn Hiển Dĩnh thấy cháu ngoại thông minh, lanh lợi nên cụ Tuần An Quán cho làm thư ký chép Tuồng cho gánh hát của Cụ. Tất cả các vở Tuồng của cụ Dĩnh sáng tác đều do Tống Phước Phổ chép lại. Được xem diễn tập và hằng đêm ngồi trong Sân khấu "Nhắc Tuồng" cho các Nghệ sĩ Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm biểu diễn, nên ông thuộc nhiều vở Tuồng. Năm 18 tuổi được sự khích lệ của bạn bè thân thiết, những diễn viên đào, kép giỏi, ông mạnh dạn viết vở Tuồng Lâm Sanh Xuân Nương nhưng ai cũng sợ không dám trình lên Cụ Tuần. Nhân một buổi giảng Tuồng cho các nghệ sĩ, thấy cụ Dĩnh vui vẻ, các ông Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Tuý, Nguyễn Phẩm mới bẩm với Cụ: "Chúng con có nhận được vở Tuồng Lâm Sanh Xuân Nương ở quê gởi lên, trình cụ nghe thử". Cụ Tuần nghe đọc vở Tuồng xong, cụ bảo: "Khá đó, cần sửa vài chỗ là cho tập để vào kịch mục diễn được". Tống Phước Phổ như muốn khóc vì quá xúc động. Sau thành công đó, Tống Phước Phổ càng đam mê và sáng tác thêm các vở: Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... Có lần cụ Tuần khen: "Mi viết Tuồng có chỗ các cụ viết không bằng đó".

Năm 1925, Tống Phước Phổ được bà dì khá giả mà không có con gọi vào Sài Gòn ở với bà. Năm 1926, nghe tin cụ Nguyễn Hiển Dĩnh mất, Tống Phước Phổ xin bà dì về quê thọ tang cụ Tuần. đang chờ xe về quê nhưng bị bạn bè giữ lại, cuối cùng hết tiền ông đành ở lại Sài Gòn cùng làm nghề culi xe kéo kiếm sống. Được ông Trương Kim Châu làm thầu khoán giác ngộ Cách mạng. Năm 1930 ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, làm bí thư Chi bộ "culi" xe kéo thuộc Đảng bộ Sài Gòn Chợ Lớn do đồng chí Phan Bôi và đồng chí Hà Huy Giáp điều khiển. Trong cuộc mitting trước công chúng, ông được Đảng phân công đứng gác vòng ngoài, đồng chí Lý Tự Trọng bảo vệ vòng trong cho đồng chí Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) lên diễn thuyết công khai để gây tiếng vang nhân ngày kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái. Tên mật thám Legrant dẫn lính đến bắt đồng chí Hoàng Hữu Nam. Lập tức Lý Tự Trọng bắn thằng Legrant bị thương nặng đưa về nhà thương thì chết. Lý Tự Trọng bị bắt và bị giết. Tống Phước Phổ đau đớn viết bài thơ:

                   Thương tiếc Lý Tự Trọng

Hôm qua trao đổi dặn dò nhau

Nào biết hôm nay bạn đứt đầu

Rõ thấy tuổi thơ mà chí cả

Tăng thêm sức mạnh bởi thù sâu

Búa rìu bạn đã không nao núng

Sắt đá tôi nguyền chẳng lãng xao

Truyền thống một người thân ngã xuống

Đứng lên đã có triệu người sau.

Sau khi tổ chức Đảng ở Sài Gòn bị vỡ, ông trở về quê hương, bị chính quyền thực dân kết án tù 1 năm. Ra tù ông trở lại Sài Gòn, mong nối đường dây của Đảng, nhưng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Hải Triều đã bị sa vào lưới giặc. Ông ở lại kiếm việc làm cũng rất khó khăn và mất liên lạc với Đảng, ông đành trở về Quảng Nam với hai bàn tay trắng.

Năm 1937 ông tham gia gánh hát Tân Thành Ban do ông Nguyễn Lai thành lập, chủ trương cải cách Tuồng, mang tính hiện đại. Giai đoạn này ông đã sáng tác nhiều vở Tuồng mới như: Tội của ai?, Ai lên phố Cát, Cờ trắng rừng xanh... Nội dung các vở Tuồng đã bộc lộ rõ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Vì thế, nhiều lần bị Sở mật thám Pháp gọi đến để răn đe, hăm dọa.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Chủ tịch xã Điện Minh, huyện Điện Bàn. Công việc bề bộn nhưng ông vẫn tranh thủ sáng tác các vở Tuồng như: Vì bạn quên mình, Anh Lan chị Lan, được ông Võ Bá Huân, Trưởng Ty Công an Quảng Nam đỡ đầu cho các gánh hát ở các huyện trong tỉnh Quảng Nam biểu diễn phục vụ cho bộ đội, đồng bào nhiều lần và được hoan nghênh đón nhận.

Năm 1952, Đoàn Tuồng Liên Khu Năm thành lập do ông Hoàng Châu Ký chịu trách nhiệm mời các nghệ nhân Tuồng có các ông Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Nguyễn Tri... Và mời ông Tống Phước Phổ tham gia soạn vở. Cuối năm 1954, Đoàn Tuồng Liên Khu Năm tập kết ra Hà Nội, dự Đại hội Văn Công toàn quốc. Năm 1955, Tống Phước Phổ được cử đi làm cán bộ Cải cách ruộng đất. Xong ba năm công tác ông về Đoàn Tuồng Liên khu Năm đóng trong Khu Văn Công Trung ương mới xây dựng nhà cấp 4 tại xã Dịch Vọng, Cầu Giấy ở cùng với các Đoàn Văn Công Trung ương, Văn Công Nam Bộ, Văn Công Nhân Dân Liên Khu Năm và Đoàn xiếc Tạ Huy Hiển.

Ông Tống Phước Phổ có vóc dáng cao, gầy, bước đi khoan thai, tóc đã bạc, nét nghiêm nghị nho nhã, nhưng luôn nở nụ cười, dễ gần gũi với các bạn trẻ. Ông ở 1 phòng nhỏ, 1 giường cá nhân ông kê thêm 1 chiếc băng trong vách cho rộng thêm, 1 bàn nhỏ để sách và đèn bàn. Quần áo ông xếp làm gối, áo mặc hằng ngày ông đóng đinh treo trên vách ngay ngắn cùng chiếc mũ len đội đầu. Thích kể chuyện và chơi với bọn trẻ trong Đoàn. Tối tối ông thường muốn có người đến chơi: Bích Ngọc (Violon), Đặng Hùng (múa), Văn Giảng (múa) đến ngồi nghe ông kể chuyện rồi bác cháu cùng ôm nhau ngủ cho ấm. Có lẽ vì ông chỉ có đứa con trai duy nhất Tống Phước Thọ còn ở lại miền Nam nên ông rất nhớ con. Một hôm ông được tin, anh Thọ tham gia phong trào Thanh niên Sài Gòn chống Mỹ, anh đã bị quân Mỹ bắn chết ngay trên đường phố Sài Gòn trong cuộc biểu tình đòi Mỹ rút khỏi miền Nam. Ông đau đớn tột cùng đã viết bài thơ:

                    Khóc con

Cây già mong được nẩy chồi non

Trước cảnh cô đơn vợi nỗi buồn

Vì nước, cha đi dù tóc bạc

Diệt thù, con ở vững lòng son

Chết rồi! Đọc rõ tin thư đến

Cười ngất, đừng cho giọt lệ tuôn

Còn giống, còn nòi, còn đất nước

Còn đàn trẻ đó, vẫn còn con.

Nén đau thương, ông lao vào đọc sách, ngày đêm chăm chỉ sáng tác các vở Tuồng đầy tâm huyết, nội dung bộc lộ rõ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, văn chương trau chuốt, mượt mà, giàu tính sân khấu, dễ gần gũi với quần chúng. Là soạn giả Tuồng, ông còn làm thơ, viết báo.

Suốt cuộc đời cầm bút, ông đã sáng tác hơn một trăm vở Tuồng mới và nhiều vở cải biên, chỉnh lý từ những vở truyền thống. Những vở Tuồng nổi tiếng của ông như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lam Sơn tụ nghĩa, Lục Vân Tiên, An Tự Công Chúa là những vở Tuồng hay nhất của ông. Đến nay các nhà hát, đoàn Tuồng chuyên nghiệp tiếp tục dàn dựng và biểu diễn phục vụ quần chúng. Ông mất năm 1991, tại Bệnh viện C Đà Nẵng, thọ 90 tuổi. Năm 1998, nhà soạn Tuồng Tống Phước Phổ được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý về Văn học nghệ thuật rất xứng đáng.

 

T. H

Bài viết khác cùng số

Chùm truyện ngắn của Lưu Đức TrungValentine quên - Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn VănẨn tướng - Truyện ngắn Trương Điện ThắngĐà Nẵng Đà Nẵng – Tạp bút Văn Công HùngHòa Vang bây giờ - Ghi chép Tiểu YếnTầm vóc thành phố trẻ - Tản văn Nguyễn Thị Anh ĐàoỦ hương – Thơ Vương Phạm Tâm CaTôi hát – Thơ Tăng Tấn TàiHoa và nắng – Thơ Phạm Thị Bích HợiHương quê tình biển – Thơ Thùy NgaNhịp cầu kiêu hãnh – Thơ Xuân ThànhChạm vào xuân – Thơ Thuận TìnhTrên đường Trường Sa – Thơ Ngô MinhLặng im đợi gió ru mùa – Thơ Nguyễn Ngọc Hưng Biển quê anh – Thơ Huy TríCột mốc thời gian – Thơ Nguyễn Đông NhậtỞ Sokcho – Thơ Mai Văn PhấnLũ chim sẻ - Thơ Ngân VịnhNhững buổi sáng màu rêu – Thơ Nguyễn GiúpThì đây trắng để chiều không muốn chiều – Thơ Nguyễn Hưng HảiNét xuân – Thơ Triệu Nguyên PhongVết lăn trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn - Trương Hồng Mẫnhọng đêm và những câu thơ bung gai giữa ngày không nắng - Hoàng Thụy AnhNơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi - Hoàng Thanh ThụyThơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong NamBí thư Chi bộ "Culi" Xe kéo TỐNG PHƯỚC PHỔ - Nhà soạn Tuồng Hát Bội thâm nho - Trần HồngGiáo sư Hoàng Châu Ký - Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng - Nguyễn Phước Tương*