Ẩn tướng - Truyện ngắn Trương Điện Thắng

20.03.2013

Ẩn tướng - Truyện ngắn Trương Điện Thắng

 

 

1-              

       Ông Khanh, người thợ hớt tóc đầu làng Thượng gần 40 năm qua, có trí nhớ tuyệt vời, là cuốn tự điển sống của làng kể với tôi:

       Ký Thu là cháu nội của quan huyện, nhà có mấy đời là ông Cử, ông Tú, giỏi chữ lẫn giỏi nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Ông thân sinh Ký Thu là cụ Tú Hườn cũng tiếp nghề ông cha, vừa bắt mạch bốc thuốc cho dân làng, lại vừa coi ngày viết văn tự cho tất cả các việc xây cất, dựng vợ gã chồng và cúng tế khắp làng Thượng…Ký Thu học chữ nho ở làng, sau ra Huế học tiếng Pháp ở trường Pellerin. Đậu xong Diplôme, anh về  sống ở Tourane xin làm chân thầy ký cho hãng rượu Sica của Tây nổi tiếng khắp Trung kỳ chứ không chịu về quê. Thuê nhà trọ ở gần ngã tư chợ Cống, tự nấu ăn và giặt giũ áo quần. Hàng ngày Ký Thu đạp chiếc xe đạp “ Peugeot 700” đi mấy cây số đến chỗ làm ở đường Quai Courbet dọc bờ sông. Vài tuần hoặc khi có giỗ chạp anh mới đạp xe về làng Thượng, cách đó vài chục cây số. Đất nước loạn lạc, chính quyền làm bù nhìn cho thực dân, nhưng Ký Thu không màng đến thời cuộc. Khác với những người trong gia đình, anh luôn mơ một cuộc sống nhàn nhã, không lo toan. Nhìn những người đàn ông, đàn bà làm phu bốc xếp ở bến cảng áo quần tả tơi, quần quật suốt ngày dưới khoang tàu hoặc trong nhà kho mà lòng xúc động, thương xót chẳng khác gì khi nhìn những người nông dân không có cả cái tơi, cái nón lăn lộn ngoài đồng trong mưa gió ở làng mình…Người cao lớn nhưng dáng đi lại nhẹ nhàng tương xứng với giọng nói mềm, chậm rãi. Người ta có cảm giác Ký Thu chẳng bao giờ cãi vã hay lớn tiếng với ai, dù đó chỉ là đứa bé…Cứ sáng đạp xe đi, chiều đạp xe về. Tới tháng nhận lương. Chẳng bận tâm mọi chuyện. Vậy là đủ với Ký Thu rồi!

       Bà Ký Thu lại là con người khác. Đối lập với chồng. Bà người làng Thạc Gián, con một địa chủ giàu có, nhưng tướng mạo cao to, giọng nói dứt khoát, rõ ràng như đàn ông. Tướng này dân gian xếp vào loại chậm đường chồng con nhưng hanh thông về sau. Nhưng bà Ký Thu không nghĩ vậy. Hồi nhỏ, cha bà ngao du thân thiết với ông thầy tướng số người Hoa kiều. Chỉ nhìn qua khuôn mặt, dáng đi của cô gái con bạn, ông ta đã buột miệng: “Cháu là một nữ nhi có ẩn tướng. Sau này lấy chồng sẽ giàu có, con cái nam nữ đều thành đạt. Tóm lại, con này có mạng đại phú quý, sinh con quý tử…”. Ông còn tả cả vóc dáng người chồng tương lai của cô bé, mặc dù lúc đó bà Ký chỉ mới 13 tuổi: Đó là người đàn ông có học, trán rộng, cằm bạnh, dáng cao lớn như Tây, ăn nói nhu mì nhưng hơi chải chuốt một ít và tính biết thương người…”.

      Nhiều năm sau, cô gái tưởng đã quên hẳn lời đoán định của ông thầy Tàu. Chỉ biết đi học và làm tất cả những công việc nhà để đỡ đần cho người ăn kẻ ở. Những đứa bé gái đến giúp việc cho gia đình, cô thường cho quần áo, có lúc cho ngủ chung giường và bày tập viết, đánh vần những lúc rảnh rỗi.

      Một hôm, Ký Thu bị thủng lốp xe dừng lại vá ở cái quán bên đường, chỗ gốc xa cừ ngay ngã ba Cai Lang. Đúng lúc đó, cô cũng đang nhờ thợ siết lại  dây sên bị lỏng. Cô nghe giọng ông nói với thợ sửa xe mềm mại, lễ độ nên cứ nhìn chằm chằm, khiến thầy Ký phải ngó lơ đi chỗ khác. Những lời đoán định của ông thầy Tàu bất ngờ hiện ra trong trí nhớ cô gái…

       Sau đó, cô quyết định đạp xe theo sau để biết người thanh niên này là ai.

Hôm sau, hôm sau nữa và nhiều ngày tiếp theo, con gái nhà địa chủ ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Đến đứng chờ gần chỗ sửa xe hôm nọ và âm thầm đạp xe theo sau, cho đến khi anh ta đến sở làm. Đường phố Tourane những năm đó tuy rộng, nhưng đa số là đường đất hoặc đá cấp phối. Hai bên lề thường là cát. Cái cổng chợ Cồn và vài dãy nhà lồng phía trong có lẽ là công trình lớn nhất của cả khu phố. Từ đó nhìn về phía bờ sông chỉ thấy cái bồn nước và mấy dãy lầu của nhà thương  Việt Nam, mà người dân Tourane vẫn gọi là “nhà thương thí”, vì do chính quyền thuộc địa xây lên để chữa bệnh cho người bản xứ. Qua khỏi nhà thương vài ngã tư thì đến chợ vườn Hoa và những đám đất trống hai bên cỏ mọc lút đầu. Đến gần chợ Hàn mới có mấy dãy phố tường xây, mái ngói bán đủ thứ hàng hóa. Người đi lại đa số gồng gánh, kéo xe. Thi thoảng mới thấy chiếc xe traction màu đen của mấy me Tây đưa con đi học hoặc ra chợ. Những chiếc xe đạp xuất hiện đây đó đều là của những người bản xứ giàu có hoặc các viên chức công, tư sở…

      Ký Thu đạp xe phía trước. Cô gái đạp theo sau, cách nhau chừng hai chục mét. Lúc anh né tránh một bà cụ băng qua đường, chiếc xe “700” xìa vào đống cát. Khi anh chấp chới chống được một chân xuống đất thì chiếc nón cối trắng rớt ra khỏi đầu, lăn thêm mấy vòng. Cô gái kịp dừng lại, cúi nhặt chiếc nón cối đưa tận tay thầy Ký. Hai người nhìn nhau và nhận ra nhau:

-      Bữa nào thầy cũng đi đường này à?

-      Sao cô biết?

-      Từ bữa nớ đến nay tui hay đạp xe theo sau thầy…

-  Chi vậy?

Cô gái im lặng một lúc rồi mạnh dạn nói:

- Hồi nhỏ thầy tướng số nói sau này tui sẽ có ông chồng giống như thầy vậy…

Trong lúc Ký Thu chưa hết bất ngờ, thì cô gái nói tiếp:

    -Tui chỉ nói vậy để thầy biết thôi. Thôi thầy đi xe cẩn thận nghe!

Cô quay xe ngược với chiều đi cũ, trước khuôn mặt ngơ ngác của Ký Thu vì nghe phải một chuyện quá lạ đời…

 

2-

     Thầy giáo Phụng, một người cháu gọi ông bà Ký Thu là ông bà nội bác, đã về hưu, đang trông coi nhà từ đường của dòng họ và chuyên nghiên cứu dịch lý, tướng pháp từ kho sách của ông bà để lại, một hôm kể:

     Sau này, ông nội bác tôi hay kể về cuộc đời mình với con cháu mỗi lần về quê giỗ chạp. Ông kể từ sau hôm bị ngã xe rơi cái mũ cối đó, cô gái đã đạp xe theo ông đến tận nhà trọ và xin ông được vào uống nước. Ông đang ngần ngừ chưa biết xử sự ra sao, thì cô đã dựng xe ở ngay cổng nhà và bước vô hiên…

    Đó là một căn nhà làm bằng tre ngâm, vách thưng cót, nền láng xi măng đen bóng. Sự ngăn nắp cho thấy tính cách và phẩm chất của người đang cư ngụ trong nhà. Một chiếc va ly bằng thiếc kê sát vách, trên đó là chiếc đèn măng- sông và một cuốn sách bằng tiếng Tây đang đọc nửa chừng. Một giá sách nhỏ ngay sau chiếc ghế tựa bằng gỗ. Đầu kia, phía có cái cửa hông xuống bếp là chiếc giường cá nhân bằng sắt tây được che ngang bởi tấm rèm bằng vải hoa. Tấm rèm ngắn để lộ ra bốn chân giường và cái thau nhôm với vài chiếc áo đã mặc và cái bàn chải bằng xơ dừa…Cô gái nhìn khắp gian nhà và nhìn sang Ký Thu với ánh mắt ái ngại. Cô hỏi ông thuê căn nhà bao nhiêu một tháng, ai giúp anh nấu nướng, giặt giũ…Anh trả lời nhỏ nhẹ và vừa đủ như cậu học trò trả lời cô giáo.

    Khi cô gái đạp xe ra về, Ký Thu vẫn còn đứng lần khần trước cửa nhìn theo và lấy làm lạ cho cuộc viếng thăm kỳ quặc này.

    Mấy hôm sau, nhiều lúc đạp xe trên đường đi làm hoặc lúc trở về, Ký Thu dừng xe lại, ngó lui. Nhưng không thấy cô gái đi theo mình nữa. Bỗng vào một buổi chiều cuối tuần, khi Ký Thu vừa dắt xe ra chuẩn bị về thăm nhà, thì cô gái tìm đến với một ông cụ râu ria rậm rạp, mặc bộ bà ba trắng, nách kẹp dù tây.

-Tui tự giới thiệu với cậu. Tui là cha của cô Thắm này đây, tên tui dân làng Thạc Gián vẫn gọi là ông Thủ Nha. Con Thắm đây là con một của vợ chồng tui. Nó kể về cậu và đòi tui phải tới đây để tận mắt gặp được đứa mà nó đã để ý…

Ký Thu đang rót nước mời khách mà hai tay run bần bật khi nghe ông lão nói rành rẽ những câu vừa rồi. Anh không cất được một lời. Ông Thủ Nha tiếp tục hỏi thăm gia cảnh, quê quán của anh, rồi à lên một tiếng tỏ vẻ vui sướng:

-Té ra là vậy! Gia đình tui cũng là người gốc phủ Điện Bàn ra đây đã bốn đời. Xưa phủ Điện ăn ra tận đây lận mà! Thôi được, vậy thì đâu có xa lạ chi…Thôi, tui nói vầy, cậu chưa vợ con chi mà thuê nhà ở đây thì bất tiện lắm. Nhà tui rộng không ai ở cho hết, lại đến sở làm của cậu chỉ nửa độ đường. Chi bằng vợ chồng tui mời cậu về đó ở và mời cậu kèm cho con Thắm ni học thêm, tui khấu trừ vô tiền nhà, tiền ăn…

     Giáo Phụng kể rằng, gần tết năm đó, lão Thủ Nha lặn lội vô tận làng Thượng thăm gia đình Ký Thu, đặt lại vấn đề mời Ký Thu đến ở nhà mình với cụ Tú Hườn. “Thấy Thủ Nha chân thành, tính tình lại nhân hậu, khác thường so với nhiều nhà địa chủ, nên cụ cố Tú tôi thuận tình…”, giáo Phụng nói.

    Hệ quả của việc “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là cô gái Thắm con gái rượu của Thủ Nha về làm dâu nhà cụ Tú Hườn vào cuối năm đó. Giáo Phụng kể rằng, ngôi từ đường anh đang ở và chăm sóc hiện nay, chính là công sức của vợ chồng ông bà nội bác Ký Thu hồi Ngô Đình Diệm mới về chấp chính xây dựng nên. Ông bà nội bác Ký Thu của giáo Phụng sau này có nhiều dinh thự ở Đà Nẵng, Sài Gòn và cả một hãng tàu thủy chở hàng nổi tiếng cả miền Nam hồi trước.

 

3-

    Sau năm 1954, toàn Tourane tức Đà Nẵng sau này có 6 đại gia người Việt và Việt gốc Hoa là Gia Thụy, Bảo Vân, Giũ Thái, Kim Qui, Thị Thành và Ký Thu, thì hãng buôn và vận tải thủy bộ Ký Thu bao giờ cũng được chính quyền và người dân trọng vọng hơn cả, do ở chỗ ông bà có đến bảy người con đều thành đạt trên đường học vấn ở trong và ngoài nước. Có người là dược sư, giáo sư, bác sĩ nổi tiếng một thời ở miền Nam. Cô gái út của họ là giáo sư tiến sĩ nổi tiếng ở Mỹ quốc, bà Nguyễn Thị Thạc Gián. Hiện nay bà vẫn được nhiều trường đại học trong nước mời về thỉnh giảng. Nhưng bà Thạc Gián còn nổi tiếng hơn là mùa hè hàng năm đều trở về làng viếng tổ tiên và cấp phát học bổng cho nhiều con em học giỏi ở quê nhà.

     Lại nói về sự giàu có của công ty Ký Thu. Tất cả là từ bàn tay của bà Ký. Bà vừa là bà chủ có danh thế, vừa là người mẹ nuôi dạy con cái đâu ra đó. Ông Ký vẫn chỉ là một người ngồi lo sổ sách cho bà hoặc đôi lúc cùng bà tham gia những chuyến đi làm từ thiện…Đó là lời kể của ông Khanh làm thợ hớt tóc ở làng Thượng.

    Còn trong hồi ức của giáo Phụng lại in đậm câu chuyện sau đây: Hồi cô Thắm ( tức bà nội bác Ký Thu) mới về làm dâu, cả làng ai cũng chê. Có người công khai bĩu môi mà rằng: tưởng ăn học trường Tây, ra làm thầy Ký cho Tây thì phải có vợ đầm hay ít ra cũng là cô gái trâm anh đài các nào, ai ngờ lấy con vợ thằng chẳng ra thằng, con chẳng ra con! Sau này, khi vợ chồng họ giàu có, lại có kẻ nói đó là công trạng của ông Ký và phúc đức của tổ tiên mà nên…

      Với giáo Phụng, người kế thừa môn phái của dòng tộc lại khác. Số là một lần ông bà Ký đưa các con về làng tảo mộ. Tiệc tùng xong, bà Ký mệt bở hơi tai, xin phép anh em, chú bác đi nghỉ trước. Bà nằm trên tấm phản gỗ ở nhà ngang. Người bà cao lớn nên hai bàn chân thò ra ngoài tấm đắp. Giáo Phụng lúc đó còn mới học trung học, nhưng đã thấy dưới gang bàn chân bà Ký, ngay chỗ huyệt Dõng tuyền có một nốt ruồi son bằng hạt đậu. Dõng tuyền là một trong Tam tài huyệt, mà theo y học phương Đông thì đó là người đàn bà có sức khỏe, tinh thần khác người. "Dũng" có nghĩa là vọt ra, tràn lên, còn "tuyền" là suối, là nguồn. Dũng tuyền ý muốn nói huyệt nằm dưới lòng bàn chân như một dòng suối, đồng thời lại là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của tạng thận. Thận chủ thủy nên nơi đây tựa như một "nguồn nước chảy vọt ra, tràn đầy sức sống". Huyệt vị này còn có nhiều tên khác như địa xung, quyết tâm, địa cù, được ghi lại sớm nhất trong thiên bản du sách linh khu mà giáo Phụng đã được học lúc nhỏ. Từ thời cụ Tú Quờn đến đời cha giáo Phụng, các cụ thường nói về các luận bàn của Đạt ma sư tổ khi xem xét tướng mạo phụ nữ. Nào là người phụ nữ có nốt ruồi song long tranh châu trên ngực hoặc nhất túc đạp nhất tinh dưới lóng bàn chân, thường giúp chồng hiển vinh và sinh con quý tử…Lòng bàn chân bà Ký với nốt ruồi son rõ ràng về màu sắc như vậy, sách vở còn nói đó là ẩn tướng, giàu có nhưng cũng phúc đức…

    Giáo Phụng nói với tôi: Thật ra chuyện này tôi chưa nói với ai, mà chỉ yên lặng quan sát cuộc đời của ông bà nội bác của tôi và các con của họ sau này để đối chiếu với kinh nghiệm của thánh hiền…Nhưng anh ạ, ông nội bác Ký Thu của tôi ngày ấy nào có biết dưới huyệt Dõng tuyền của bà có nốt ruồi son, ngược lại ông còn nghe nhiều lời đàm tiếu mỗi bận về quê. Nhưng ông vẫn phớt lờ. Câu cửa miệng của ông vẫn là: Con người ta cốt ở cái tâm. Tôi với bà nhà tôi lấy nhau chắc cũng là duyên số. Bà ấy không có cái dịu dàng, không nhan sắc như nhiều phụ nữ khác, nhưng lòng bà lại rất đẹp, mà phải sống với nhau thì mới biết.

 

Thanh Quýt, Mùa đông 2012

T.Đ.T

 

Bài viết khác cùng số

Chùm truyện ngắn của Lưu Đức TrungValentine quên - Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn VănẨn tướng - Truyện ngắn Trương Điện ThắngĐà Nẵng Đà Nẵng – Tạp bút Văn Công HùngHòa Vang bây giờ - Ghi chép Tiểu YếnTầm vóc thành phố trẻ - Tản văn Nguyễn Thị Anh ĐàoỦ hương – Thơ Vương Phạm Tâm CaTôi hát – Thơ Tăng Tấn TàiHoa và nắng – Thơ Phạm Thị Bích HợiHương quê tình biển – Thơ Thùy NgaNhịp cầu kiêu hãnh – Thơ Xuân ThànhChạm vào xuân – Thơ Thuận TìnhTrên đường Trường Sa – Thơ Ngô MinhLặng im đợi gió ru mùa – Thơ Nguyễn Ngọc Hưng Biển quê anh – Thơ Huy TríCột mốc thời gian – Thơ Nguyễn Đông NhậtỞ Sokcho – Thơ Mai Văn PhấnLũ chim sẻ - Thơ Ngân VịnhNhững buổi sáng màu rêu – Thơ Nguyễn GiúpThì đây trắng để chiều không muốn chiều – Thơ Nguyễn Hưng HảiNét xuân – Thơ Triệu Nguyên PhongVết lăn trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn - Trương Hồng Mẫnhọng đêm và những câu thơ bung gai giữa ngày không nắng - Hoàng Thụy AnhNơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi - Hoàng Thanh ThụyThơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong NamBí thư Chi bộ "Culi" Xe kéo TỐNG PHƯỚC PHỔ - Nhà soạn Tuồng Hát Bội thâm nho - Trần HồngGiáo sư Hoàng Châu Ký - Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng - Nguyễn Phước Tương*