Hòa Vang bây giờ - Ghi chép Tiểu Yến

20.03.2013

Hòa Vang bây giờ -  Ghi chép Tiểu Yến

Đôi lần, tôi đọc đâu đó hai câu thơ Hòa Vang chín ngõ Sông Con. Không ai ăn ở vuông tròn như em mà thêm yêu vùng đất Hòa Vang đến lạ. Sau gần 40 năm thành phố giải phóng, về Hòa Vang vẫn thấy lòng gợi lên cảm giác thân thương, gần gụi. Cái huyện nông thôn duy nhất thành phố này giờ đã thay da đổi thịt. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thanh niên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ...

Bắt đầu từ việc nhỏ

            Còn nhớ, hôm dự lễ phát động “Tuổi trẻ Đà Nẵng chung tay xây dựng nông thôn mới” do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức dịp cuối năm 2012, một bạn trẻ trong trang phục đoàn thanh niên nói với tôi rằng, tuổi trẻ thành phố đang dồn sức cho sự phát triển của Hòa Vang. Không chỉ hô hào bằng khẩu hiệu mà sẽ thông qua hành động cụ thể. Nói đi đôi với làm. Đã làm thì phải làm đến cùng, không bỏ cuộc. Lời nói dứt khoát ấy khiến tôi tin rằng, đang có một lực lượng thanh niên từng ngày xây dựng miền quê này thêm văn minh, giàu đẹp.

            Trong hàng chục mô hình tiêu biểu mà tuổi trẻ Hòa Vang đã làm được thời gian qua, ấn tượng nhất có lẽ vẫn là mô hình “Nhà chứa rác tập trung trong khu dân cư” và “Ánh sáng kiệt hẻm nông thôn” do Chi Đoàn thanh niên xã Hòa Châu thực hiện. Anh Lê Kim Ngọc, Bí thư đoàn xã chia sẻ, bắt đầu từ ý tưởng, các bạn đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và quyết tâm thực hiện. Ví như, ở mô hình nhà chứa rác tập trung, các thành viên trong chi đoàn đã trực tiếp đi khảo sát, tìm địa điểm rồi xin ý kiến cấp ủy vận động nhân dân hiến đất. Khi đã có địa điểm, Ban chấp hành đoàn xã tiếp tục xây dựng 17 tiết mục văn nghệ vừa phục vụ nhân dân, vừa là “cái cớ” để xin kinh phí. Nhằm thuyết phục nhân dân ủng hộ, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi bằng băng rôn, khẩu hiệu, Ban chấp hành đoàn xã còn chuẩn bị phóng sự ảnh ghi lại thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn. “Hôm cầm tên tay 18 triệu để bắt đầu xây dựng công trình nhà chứa rác, cả chi đoàn ai cũng mừng rỡ. Từ ngày công trình đưa vào sử dụng, rác thải không còn bay lung tung mỗi khi có gió, tình trạng ẩm ướt, hôi thối cũng giảm hẳn. Bây giờ, người dân có ý thức hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên môi trường tiến hành thu gom, xử lý”, anh Lê Kim Ngọc tâm sự.

            Được biết, để từng bước chung tay xây dựng nông thôn mới, huyện đoàn Hòa Vang vận động thanh niên toàn huyện tham gia thực hiện 2 trong 19 tiêu chí quan trọng là môi trường và an toàn giao thông. Trong năm 2012, các chiến dịch tình nguyện, dân vận đưa thanh niên về với Hòa Vang giúp bà con xây mới hơn 3.000m đường bê-tông nông thôn, nạo vét hơn 1.000m kênh mương đồng ruộng, đào khoảng 600m đường ống dẫn nước, sơn sửa hơn 30 phòng học. Bên cạnh đó cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

            Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, đối với lực lượng thanh niên hiện nay, các chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng nông thôn mới bao gồm 100% đoàn xã của huyện Hòa Vang có chương trình kết nghĩa với đoàn thanh niên các đơn vị khối doanh nghiệp, công chức, lực lượng vũ trang thuộc Thành đoàn. 100% cơ sở đoàn lực lượng vũ trang, công nhân viên chức có công trình, phần việc thanh niên cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ các xã xây dựng tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, đoàn xã cần có kế hoạch giúp đỡ, cảm hóa ít nhất 80% thanh thiếu niên hư, chậm tiến. Phấn đấu đến năm 2015 không còn hộ thanh niên nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới và khoảng 80% thanh niên nông thôn được tiếp cận Internet… Tất cả bắt đầu từ những công việc nhỏ.

Kết tinh của vạn tấm lòng

            Về Hòa Vang bây giờ, đi đâu bạn cũng có thể nghe kể về những ông chủ thế hệ 8X như Nguyễn Văn Bình ở Hòa Bắc, Đỗ Đình Thạnh ở Hòa Liên, Lê Minh Toàn ở Hòa Phước, Ngô Ngọc Hưng ở Hòa Khương, Ngô Văn Sâm ở Hòa Nhơn… bởi họ là niềm tự hào của nhân dân toàn huyện. Những gì các anh làm được không chỉ mang lại tài sản cho bản thân, gia đình mà còn là tinh thần vượt khó để nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão tuổi trẻ.

            Đi trên những con đường bê-tông vào sâu tận xóm làng, tiếp xúc với người nông dân chân chất, thật thà, mới thấy yêu từng nỗ lực của họ trong việc xây dựng nông thôn mới. Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hòa, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong trong một lần tham gia dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ cùng thanh niên trong xã xúc động nói rằng: “Nhìn các bạn trẻ bây giờ, tôi thấy hình ảnh của chúng tôi ngày trước. Cũng xốc vác, xông xáo và nhiệt tình trong công việc. Có điều, tuổi trẻ của chúng tôi phục vụ cho mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Còn thế hệ trẻ bây giờ phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng và thiêng liêng, là kết tinh của vạn tấm lòng thơm thảo”.

            Để hỗ trợ thanh niên nông thôn vươn lên khẳng định giá trị bản thân, góp phần vào mục đích xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang, những năm qua thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề miễn phí. Đặc biệt, từ năm 2013 sẽ triển khai thực hiện đề án “Đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên giai đoạn 2013-2020”. Đồng chí Nguyễn Văn Phước, Bí thư huyện đoàn Hòa Vang cho rằng, nhằm thúc đẩy hơn nữa công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang, thành phố cần đưa ra những mô hình, mục tiêu cụ thể để đoàn lấy đó làm cột mốc phấn đấu. Vận động đội ngũ thanh thiếu niên tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nhân rộng mô hình hố rác gia đình và nhà tiêu hợp vệ sinh, đoạn đường thanh niên tự quản về môi trường, đoạn đường em chăm làng xã xanh-sạch-đẹp, phát triển kinh tế gia đình, các làng nghề truyền thống, hỗ trợ và xây dựng các tổ hợp tác thanh niên…

            Nếu nói về xây dựng nông thôn mới ở một vùng quê như huyện Hòa Vang, không thể thiếu đi việc từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Nắm bắt yêu cầu đó, từ đầu năm 2012, Thành đoàn Đà Nẵng đã vận động thanh niên toàn thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng hai nhà văn hóa ở thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) và thôn Gò Hà (xã Hòa Khương). Sau thời gian ngắn, số tiền đóng góp đã lên con số 1 tỷ 665 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, 2 nhà văn hóa lần lượt được xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Theo đó, mỗi nhà văn hóa bao gồm hội trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp; phòng truy cập internet; phòng đọc sách và công trình vệ sinh. Chia sẻ về sự thay đổi của xã nhà, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội phụ nữ Hòa Tiến nói: “So với cách đây vài năm, Hòa Tiến bây giờ đổi thay nhiều lắm. Đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang, con người sống chan hòa trong bức tranh nông thôn đổi mới. Việc ra đời nhà văn hóa khang trang, rộng rãi sẽ giúp người dân có nơi họp hội, sinh hoạt trong dịp lễ, Tết. Đồng thời ghi nhận sự chung tay góp sức của nhiều thế hệ thanh niên trong nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng thành thành phố đáng sống. Đó mới là điều đáng quý”.

            Mỗi ngày trôi qua, vùng đất Hòa Vang lại “lớn lên” từng chút một. Nhiều thế hệ trẻ xông xáo, nhiệt tình trong nhiệm vụ của mình. Đúng như lời người thương binh Nguyễn Văn Hòa đã nói về thanh niên bây giờ, nhiệm vụ nào cũng quan trọng và thiêng liêng, là kết tinh của vạn tấm lòng thơm thảo…

 

T.Y

Bài viết khác cùng số

Chùm truyện ngắn của Lưu Đức TrungValentine quên - Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn VănẨn tướng - Truyện ngắn Trương Điện ThắngĐà Nẵng Đà Nẵng – Tạp bút Văn Công HùngHòa Vang bây giờ - Ghi chép Tiểu YếnTầm vóc thành phố trẻ - Tản văn Nguyễn Thị Anh ĐàoỦ hương – Thơ Vương Phạm Tâm CaTôi hát – Thơ Tăng Tấn TàiHoa và nắng – Thơ Phạm Thị Bích HợiHương quê tình biển – Thơ Thùy NgaNhịp cầu kiêu hãnh – Thơ Xuân ThànhChạm vào xuân – Thơ Thuận TìnhTrên đường Trường Sa – Thơ Ngô MinhLặng im đợi gió ru mùa – Thơ Nguyễn Ngọc Hưng Biển quê anh – Thơ Huy TríCột mốc thời gian – Thơ Nguyễn Đông NhậtỞ Sokcho – Thơ Mai Văn PhấnLũ chim sẻ - Thơ Ngân VịnhNhững buổi sáng màu rêu – Thơ Nguyễn GiúpThì đây trắng để chiều không muốn chiều – Thơ Nguyễn Hưng HảiNét xuân – Thơ Triệu Nguyên PhongVết lăn trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn - Trương Hồng Mẫnhọng đêm và những câu thơ bung gai giữa ngày không nắng - Hoàng Thụy AnhNơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi - Hoàng Thanh ThụyThơ văn Tú Quỳ - Từ điểm nhìn văn hóa - PGS.TS. Nguyễn Phong NamBí thư Chi bộ "Culi" Xe kéo TỐNG PHƯỚC PHỔ - Nhà soạn Tuồng Hát Bội thâm nho - Trần HồngGiáo sư Hoàng Châu Ký - Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng - Nguyễn Phước Tương*