Thinh không của Đào Đức Tuấn

29.01.2018

Thinh không của Đào Đức Tuấn

Khái niệm “thinh không” ấy hình như thi sĩ Đào Đức Tuấn bắt gặp tự nhiên nhi nhiên từ một điều gì đại loại như “vô thường”, một “sắc sắc không không”.

 

Thinh không là gì, điều đó hẳn làm bận lòng bao nhiêu người, từ đấng cứu thế đến kẻ thường dân, tất nhiên trong đó không thể không kể đến bao nhiêu thế hệ các nhà thơ. Thì ra, cái chốn không trung, nơi hoàn toàn vắng lặng, tưởng không nhìn thấy gì cả, lại là điểm tựa của tầm nhìn, của sự lắng nghe, của cửa mở giác quan con người và tạo vật.

 

Mà phàm những gì thuộc về thế giới thi sĩ thì biến ảo khôn lường, đôi khi họ chìm đắm vào ái ố hỉ nộ của đời sống để tìm kiếm một thinh không và nhiều lúc họ chìm đắm vào thinh không để bì bõm giữa bao nhiêu sáng tối đắng ngọt của kiếp người!

 

Khái niệm “thinh không” ấy hình như thi sĩ Đào Đức Tuấn bắt gặp tự nhiên nhi nhiên từ một điều gì đại loại như “vô thường”, một “sắc sắc không không” Đà Lạt:

 

sáng ra Đà Lạt là sương

ai đi chợ sớm dưới đường chiêm bao

thân ta rủng rỉnh ba đào

thương câu hát đợi lạnh vào rừng thông

 

Cái thân sinh viên thì ngụ cư ở 5 năm đèn sách thành phố cao nguyên Lang Bian, còn cái thân “rủng rỉnh ba đào” thì nhập hộ khẩu ở khoảng “đường chiêm bao”. Vậy còn chốn sinh thành, nhà thơ không phải sắm vai nhà từ điển cũng buột miệng cho ra một định nghĩa đau đáu:

 

quê hương là tiếng hu huơ

đành lòng phải nói vẩn vơ giang hồ

 

Không phải là tiếng hô trước khi xung trận của những chiến binh Scotland, cũng không phải là khẩu hiệu thương mại mà đây có thể coi là slogan đời thơ:

 

một nửa trinh nguyên

nửa kia hoang dại

Mãnh liệt đến cạn cùng:

yêu người yêu đến độ

cứ muốn vò nát cả nơi trăng nằm

 

Như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, bước ra khỏi mái ấm Văn Khoa, Đào Đức Tuấn hăm hở với cuộc lập thân chữ nghĩa bằng việc làm báo. Độc giả báo chí từ ngỡ ngàng đến quen thuộc, rồi đôi lúc xôn xao về một nhà báo xông xáo, đa năng, có mặt trên nhiều tờ báo rộng hẹp lớn nhỏ, với đủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đủ loại bút danh… Một gã trai giang hồ vặt và giang hồ thiên lý, có mặt khắp… những nơi cần có mặt, từ chốn con sò huyết hí hóp thở dưới đáy đầm Ô Loan đến nơi đàn hải âu tung cánh giữa trời nước chủ quyền Trường Sa, từ mỏm núi Đá Bia bồng bênh mây trắng đến vòm lá sấu bên hồ Thiền Quang…

 

Tất nhiên, với cái nghề và cái nghiệp như Đào Đức Tuấn bây giờ, đi khắp nước Việt cũng không khó (cho dù cũng không dễ), tuy nhiên khó nhất là dấu ấn của mỗi chuyến đi hiện lên đậm nhạt trong con chữ. Ở góc độ hoạt động này, lần theo những trang thơ đắm đuối nhân tình, đôi khi lại bắt gặp một nhà báo tung tẩy và lần theo những trang báo thời sự nóng hổi, đôi khi lại bắt gặp Đào Đức Tuấn thi sĩ.

 

Hơn một lần Tuấn đã định nghĩa quê hương, rồi suốt hành trình thơ, quê hương Xứ Nẫu đeo đẳng Tuấn trên từng dấu vết ngôn từ, những “thâu tui dìa”, những “trở lại làm ngừ” và lan sang cả những “âu” “hà nậu”… Cái kiểu “ưng hổng ưng thì thâu nói dứt phát” của người Xứ Nẫu có thể là thứ gia vị đá nổi rong chìm, không phải là không gây “xóc ốc”, nhưng dư vang đậm đà luôn là điểm đến của nó.

 

Tự giới thiệu với cố đô thơ mộng:

 

tui gã trai sông ba Xứ Nẫu

lang bạt tóc tim

đời chẳng đậu đình

sáng hương giang bừng hoa bươm bướm

 

rồi phải chằng phải cột lại nhau

hỡi những nàng tiên cánh mỏng

biết nơi đâu là thiên đàng địa ngụcBỗ bã với Hội An di sản:

đeo Hội An một bên

không phải cổ nào cũng kính

 

 

Ký họa tục lụy:

 

 

ân ái phu phen

bản thể xửng cồ

 

Tự hát (không phải karaoke) trong đêm:

 

dòng sông sao không buông trôi

đường đi sao không buông xuôi

ngày qua sao không buông tha

còn ta sao không buông tay

 

Nỗi niềm (“văn hóa phi vật thể” lẫn cùng “văn hóa vật thể”):

 

tương tư chấm với tương cà

để nghe trong bụng xót xa mịt mù

 

Tự kiểm:

 

mình ta dài rộng mình ta

dại gì bó hẹp vào ba chuyện trời

Cái “không” bên cạnh cái “có”:

em tươi hương thành thục

ta cắn vào hư vô

 

Cái “có” bên cạnh cái “không”:

 

có gì mà quẫy loi thoi

mà mê quỷ dữ

mà đòi thiên thu

 

Trong cuộc thơ lẫm liệt ấy, Đào Đức Tuấn tự thấy cần đầu tư vào “dự án”:

 

phải quy hoạch lại hồn ta thôi

bừa bộn niềm đau bừa bộn nỗi cười

 

Trước “Thinh không” (2017), Đào Đức Tuấn đã cho ra mắt tập thơ “Chiều chậm” (2005) và tập thơ thiếu nhi “Ôm tròn trái đất” (2010), những tập thơ mà ngay từ cái nhan đề đã tạo cho người đọc hướng về một cảm thức về thời gian và không gian. Dù báo chí hay thơ ca, và dù thơ cho người lớn hay tuổi thơ, tâm ý của Tuấn là viết một cái gì rất riêng, rất khác. Ngay cái cảm thức thuộc về lẽ muôn đời của ngàn muôn thi sĩ ấy, ở Tuấn là:

 

thời gian vô tình

vô tự

mỏi mong bụi bờ

xa giá thinh không

thinh không

thinh không

thinh không

 

Cái mệnh đề “xa giá thinh không” giàu ý nghĩa lắm, hay nói cách khác, đây là những dòng kê khai cho bản lý lịch đời và thơ của đôi chân khát vọng và một tâm hồn tự do! Thinh không đối với nhà thơ Xứ Nẫu Đào Đức Tuấn vừa là niềm đam mê vừa là chốn giãi bày, vừa là nơi chất vấn, vừa là nguồn an ủi trong cuộc phiêu bồng bụi bặm… Hơn bốn thập kỷ đời người trong đó có ngót hai thập kỷ vừa an trầm vừa bươn bả cùng trường văn trận bút, khóc cười với một thế gian tĩnh lặng và biến động, dường như Đào Đức Tuấn đã gieo ít nhiều hồn nhiên giữa cuộc phong ba và ít nhiều phong ba giữa cuộc hồn nhiên…

Nguyễn Thanh Mừng
(nhavantphcm.com.vn)