Cách đây nhiều năm, Nguyễn Nguyên Phước xuất hiện trên văn đàn với những truyện ngắn đầy hứa hẹn. Rồi anh biến mất và độc giả đã đinh ninh về một hiện tượng sớm nở tối tàn. Cho đến khi "Chung một cuộc tình" ra đời như sự trở lại của cái tên Nguyễn Nguyên Phước và bây giờ là tiểu thuyết "Một chuyến đi" (Phanbook và NXB Phụ Nữ - 2019) như thể khẳng định sự nghiêm túc của anh ở thể loại tiểu thuyết, một thể loại không nhiều nhà văn Việt Nam thành công.

Sự trở lại ấn tượng

Như tên gọi của mình, "Một chuyến đi" mở ra bằng một hành trình hoang mang, vô định. Độc giả bước lên một chuyến xe giống nhân vật chính trong truyện để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu chữ nghĩa đầy rẫy những điều nghịch dị. Chiếc xe không phanh, với người tài xế đột tử hệt trò tàu lượn siêu tốc lao đi trên hành trình hẹn ước với định mệnh của nó. Đến chỗ mà mọi thứ dường như là ngẫu nhiên nhưng lại được sắp đặt bởi một bàn tay vô hình biến con người trở nên nhỏ bé một cách đáng ngại. Những nhân vật chỉ còn là những con rối của một thế lực vô hình, bị dắt mũi, bị đẩy vào mớ hỗn độn nơi mà xã hội con người thu nhỏ thành mô hình làng, xã.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Một chuyến đi” của Nguyễn Nguyên Phước

Con người trong tiểu thuyết này là những con người ký hiệu, họ đã tạo ra để gánh vác một ẩn dụ. Ta thấy rất nhiều nhân vật nhưng rất ít nhân tính, chỉ là diễn viên xuất hiện trên một sân khấu lớn, diễn hết vai của mình rồi lui. Họ trở thành những con người cho mượn xác để kẻ khác trú ngụ, đi đứng, nói cười.

Trái lại, chiếc xe cũ nát, hỏng hóc lại như một sinh vật sống. Ngay từ đầu nó đã tự quyết định lộ trình, không ai có thể điều khiển nó hoặc họ chỉ tưởng chừng như họ có thể điều khiển nó. Rồi nó quyết định dừng lại và không cách nào khiến nó tiến lên được nữa. Vô phương sửa chữa và không còn phương tiện nào để nhóm người tiếp tục hành trình, chiếc xe nằm ì trở thành cái xác bất động ngự giữa bầy người không biết thoát khỏi tình cảnh của mình như thế nào.

Một không khí Kafka

 

Nguyễn Nguyên Phước thành công khi xây dựng lên một không khí đặc trưng Kafka, nơi cá nhân đối diện với sự phi lý của cuộc đời, chịu sự chi phối bởi các thiết chế quan liêu quyền lực. Những nhân vật không có tiểu sử, ta không biết họ từ đâu đến, ta cũng không biết họ lên chuyến xe nọ để đi về đầu, mà dường như cả họ cũng không biết. Cái thế giới u ám ấy được hình thành, với những âm mưu, những mâu thuẫn mà nhân vật chính càng cố giải quyết thì lại càng mắc mứu vào những mối nghi ngờ khác. Nhân vật càng cố vùng vẫy thoát ra thì càng sa lầy.

Ngôi làng trong "Một chuyến đi" cũng giống như ngôi làng trong tiểu thuyết "Lâu đài" của Kafka. Chúng hiện ra trong dáng hình của một thôn quê Bắc Bộ hay làng mạc hẻo lánh xứ Trung Âu thì đó cũng chỉ là thứ mà chúng muốn ta thấy. Ẩn dưới cái trật tự bất di bất dịch để duy trì sự yên ổn là những con người cổ quái, rời rạc, gắn kết với nhau bằng một giao ước bất thành văn, dưới những luật lệ vô hình. Ở đó, dường như không có luật mà chỉ có lệ thường để giữ lấy cái nhịp sống truyền đời, để bảo đảm tất cả cá nhân trong tập thể làng đó cùng đập nhịp sinh mệnh chung. Mọi xáo trộn từ ngoại vi sẽ bị dập tắt bằng cách nuốt chửng những cá nhân ngoại lai đó vào sinh mệnh chung.

Nhưng Nguyễn Nguyên Phước không miêu tả quyền lực tối thượng, vô phương nắm bắt và phi lý. Trong truyện quyền lực của trường làng luôn luôn bị phủ định nhưng đồng thời tất cả mệnh lệnh y đưa ra đều được tán thành.

Cuối cùng, nhân vật chính trong truyện là kẻ đứng ngoài, vô thừa nhận. Không thể bước vào thế giới làng, cũng như bị những kẻ đồng hành khinh khi, bạc đãi, lừa dối và bỏ rơi. Chỉ còn lại y và chiếc xe đã chết. Cho đến lúc ấy, y đã giải mã được cơ cấu hoạt động của làng. Như thể có hai làng song trùng trong một chính thể, lúc nào cũng ranh mãnh, không thiện, không ác, không chính, không tà, hiện hữu như một thực thể ma quái thách thức bất cứ ai nghi ngờ tính chính danh của nó.

Là hậu sinh của Kafka, Nguyễn Nguyên Phước viết dưới cái bóng của trưởng lão nhưng tự ý thức phải bước ra cái bóng ấy. "Làng" của ông là cái làng không vua, mỗi cá thể của làng xung khắc nhau, lại chừng như thỏa hiệp với nhau và "hỗn độn" chính là một loại nền nếp của xã hội đó. Nhân vật của ông dù thế yếu nhưng quyết không thụ động, chọn lựa cuộc sống phó mặc. Cuốn tiểu thuyết ngắn ngủi và ám ảnh dẫu đã tìm cho mình được cái kết nhưng kết ở đây không có nghĩa là khép lại, khi nỗi hoài nghi trước sự hư vô của cuộc đời vẫn lửng lơ như một câu hỏi treo ở cuối tiểu thuyết. 

Nguyễn Nguyên Phước trình làng với những truyện ngắn mang chất riêng của mình, sau đó ít lâu in vào tuyển tập "Thượng đế & đất sét" (2007) và tập "Lần đầu tiên" (2008).

Hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội, ngoài sáng tác, anh còn được biết đến với tư cách dịch giả tác phẩm "Kính sợ và run rẩy" của Søren Kierkegaard và tập truyện ngắn "Khó mà tìm được một người tốt" của Flanney O’Connor.

Huỳnh Trọng Khang
(nld.com.vn)