Thân phận cô đơn của nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - Lê Thị Kim Liên

03.10.2016

Thân phận cô đơn của nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - Lê Thị Kim Liên

Trong tác phẩm văn học, nhân vật chính là linh hồn của tác phẩm, là tiếng nói khác nhau về bức tranh hiện thực đời sống xã hội con người. Đồng thời, nhân vật chính là môi trường để nhà văn thể hiện phong cách, là vật chứng chứng minh cho sự trưởng thành của bút lực nhà văn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, sự thành bại của một đời văn, của một tác phẩm văn học phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật.

“Nhân vật văn học là sự thể hiện của quan niệm nghệ thuật của nhà văn”1.  Vai trò và đặc điểm của nhân vật văn học bộc lộ rõ nhất trong tương quan giữa nhân vật - tác giả. Theo Bakhtin, tương quan “nhân vật - tác giả” phụ thuộc vào hai nhân tố quan trọng: 1. Lập trường trong quan hệ của tác giả và nhà văn. 2. Bản chất của thể loại tác phẩm văn học. Tùy thuộc vào lập trường và hệ thống nghệ thuật của nhà văn mà tác phẩm trở thành tấm gương chiếu soi tinh thần nhân vật, cũng là bước đường tư tưởng của nhà văn.

Tiêu biểu cho nhân vật sử thi là nhân vật lý tưởng hóa, kiểu nhân vật “mặt nạ” cố định ở chủ nghĩa cổ điển, ở chủ nghĩa lãng mạn là kiểu nhân vật bị “vò xé” bởi những mâu thuẫn, ở chủ nghĩa hiện thực là kiểu nhân vật được mô tả trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, có đời sống tâm lý khá phức tạp. Thế giới nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đóng góp không nhỏ trong việc chuyển tải tâm tư tình cảm cũng như ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Trong thế giới nhân vật nữ mà cô xây dựng, nữ nhân vật chiếm vị trí quan trọng như một phần tất yếu của cuộc sống. Đứng ở góc độ là nhà văn nữ, chị dành nhiều tình cảm và ưu ái cho phái nữ. Lấy mình làm nhân vật trung tâm, toa đầu của chuyến tàu, chị đưa thế giới nhân vật nữ của mình đến với công chúng bằng nhiều phương pháp xây dựng nhân vật khác nhau. Xuất hiện ở mức độ dày đặc, gây ấn tượng mạnh đối với độc giả có lẽ là kiểu nhân vật nữ cô đơn.

1. Nhân vật nữ cô đơn trong tình yêu

“Người ta chỉ tạo nên nhân vật sau khi đã nghiên cứu kỹ về con người. Cũng như, người ta chỉ nói được tiếng nước ngoài sau khi học hỏi nghiêm túc tiếng nói đó”2. Nguyễn Ngọc Tư đã có sự đầu tư rất lớn khi xây dựng nhân vật nữ của mình. Theo kinh Thánh, Eva được sinh ra từ chiếc xương sườn của người Adam, giúp người đàn ông  bớt cô đơn buồn tủi khi một mình sống ở vườn Địa đàng. Những người đàn bà vốn sinh ra là để chịu khổ hay chính họ đã bị Thượng đế trừng phạt Eva rủ Adam ăn trái cấm ở vườn Địa đàng. Lẽ nào, phận “nữ nhi thường tình” phải chịu cơ cực từ đây. Ở châu Á, một thời người ta từng coi cuộc sống truân chuyên của người phụ nữ là do “kiếp sinh ra thế”, đó là định mệnh, là số phận chỉ có thể chấp nhận chứ không thể nào thay đổi được. Đây chính là thuyết Thiên mệnh của Nho Giáo. Trong khi thuyết nghiệp của Phật giáo làm nỗi đau của người phụ nữ  như được bé lại phần nào:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa

[ Truyện Kiều - Nguyễn Du]

Không thể cứu giải được mình, những người phụ nữ đã tìm đến văn chương để bộc bạch tâm trạng của mình. Tinh thần tự “cởi trói” của phụ nữ trong thời hiện đại đã đem đến nhiều chuyển biến lớn lao trong tư duy văn học, thúc đẩy các nhà văn nữ cầm bút sáng tác. Họ viết với thái độ tự tin, kiêu hãnh khi được là chính mình.

Đề tài tình yêu là đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm kể cả người sáng tác và người tiếp nhận ở trong văn chương. Với bản năng khát khao yêu thương, khao khát được có một tình yêu đích thực. Tình yêu là đề tài được Nguyễn Ngọc Tư đi sâu vào khai thác. Tuy nhiên, tình yêu là một thứ không thể định nghĩa, càng định nghĩa thì càng sai lầm, càng nắm bắt thì lại càng hụt hẫng. Tình yêu như sợi dây đàn, căng quá thì đứt, chùng quá thì không kêu. Có được  tình yêu mới khó làm sao!

Hai phần ba truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đề cập đến tình yêu, chủ yếu là tình yêu bị khiếm khuyết. Người không cô đơn vì tình duyên dang dở thì cũng khổ đau vì bị phụ bạc, kẻ không đau xót vì mối tình tay ba thì cũng điêu đứng vì gia đình tan vỡ. Càng chấp nhận họ càng cô đơn, càng hy sinh thì hạnh phúc không mỉm cười với họ. Mười bốn câu chuyện trong “Cánh đồng bất tận” đều là những mảnh ghép tối sáng của tình yêu. Tình yêu là tinh hoa của cuộc sống, là suối nguồn của yêu thương. Tình yêu như hai mặt của một bàn tay có hạnh phúc thì sẽ có khổ đau.

Hai người phụ nữ trong Dòng nhớ đều cô đơn trong tình yêu của chính mình, cả hai đặt hạnh phúc của mình vào một người đàn ông để rồi cuối cùng cả ba đều ôm tiếc nuối sống một đời trong phiền muộn. Người đàn bà trên bến sông vì sự ngăn cản của gia đình chồng nên không đến được với người mình thương, kiếm được mụn con nhỏ thì một lần vô tình khiến con chết đuối, chồng mình cũng thành chồng người ta. Thứ để bà sống và tồn tại chính là một chuỗi dài những ký ức, mấy bộ đồ cũ của đứa con nhỏ và người chồng còn giữ lại, mâm cơm dọn đủ ba người nhưng cuối cùng cũng chỉ có mình bà với cô đơn. Người vợ hiện tại được sống với ông cũng không có gì lấy làm hạnh phúc. Hạnh phúc sao nổi khi chồng mình ở bên mình mà nhớ người ở dưới bến sông. Ngày ngày, ông ra đứng nơi bến sông, trông về một bóng hình cũ, đau đáu vì mình phụ bạc mà đời họ côi cút đau thương. Nhân vật tôi trong câu chuyện cảm nhận: “Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng không vui, dù hạnh phúc. Không thấy ai đòi nhưng cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Ngồi quây quần như vậy nhưng trong bụng cứ nghĩ có một người nào đó cô độc, bơ vơ”3. Toàn bộ câu chuyện là những mảnh ghép không trọn vẹn của tình yêu. Không chỉ nhân vật nữ thấy cô đơn, mà nhân vật nam cũng sầu muộn không kém.

Càng đi sâu vào khám phá thế giới tình cảm trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta càng nhận thấy rằng tình yêu của nhân vật nữ chỉ là sự hội tụ của những đổ vỡ, mất mát, đau thương. Người phụ nữ như con thú bị thương, ôm vết thương bỏ trốn. Một phần do lầm lỡ, một phần do đời sống tình cảm vợ chồng không được như mong muốn, khi người đàn ông vốn đầu gối tay ấp với mình mà không thể hiểu thông cảm và sẻ chia được. Khi những khao khát về đời sống vật chất và tinh thần không được đáp ứng, họ thường có xu hướng ngoại tình. Ngoại tình cũng là một biểu hiện của cô đơn. Người vợ Út Vũ trong Cánh đồng bất tận chịu nhiều dèm pha bởi dư luận khi bỏ chồng bỏ con theo trai. Nhìn từ góc độ cảm thông và cảm nhận của người viết, thì người đàn bà này cũng đáng thương.  Út Vũ cứ  “hì hục lót những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai quanh hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến”, để suốt mùa mưa vợ anh sẽ không bị bùn dính chân. Anh hồn nhiên nghĩ, cứ trải hết lòng yêu thương thì sẽ được đáp trả, cứ chân thành rồi sẽ giữ được người mình thương. Chính anh không hiểu rằng, có những đêm vợ anh nằm “thở dài thườn thượt, nghe buồn mênh mang, chảy từng giọt như nước mắt” của vợ bởi hai túi áo quanh năm xẹp lép. Thì ra, cái mà anh đem cho vợ mình chính là lòng yêu thương vô tận, là tinh thần vô giá. Thực tế thì tình yêu thời hiện đại không còn đơn thuần là món ăn tinh thần nữa, quan trọng không kém nữa đó chính là món ăn về vật chất. Cái mà vợ anh muốn thì anh không thể nào đáp ứng được. Đó chính là nguyên nhân cho sự ra đi của người phụ nữ này.

Hơn nữa, sau lần vụng trộm bị chính những đứa con của mình bắt được, chắc chắn nếu chị không ra đi thì chị không biết mình sẽ đối mặt như thế nào với những đứa con của mình. Hôm nay, chị bỏ đi, ngày mai láng giềng đã có những người mừng ra mặt, vì xóm mất đi một mối lo về một người đàn bà có nụ cười “lấp lánh cả khúc sông”. Liệu có người đàn bà nào bất hạnh, cô đơn như chị không? Liệu có ai đó sau khi đọc xong truyện ngắn này, nhìn về phía xa xôi thử hỏi liệu sự ra đi của chị có khiến cho chị bớt cô đơn hơn không. Chị có hạnh phúc không khi phía sau lưng chị là cả một tấn bi kịch mà chị là người khởi nguyên tất cả!

Tiếng thở dài trong tình yêu đơn phương cũng là biểu hiện của cô đơn. Người phụ nữ khi yêu họ thường rất nhạy cảm và đặc biệt là đức tính hy sinh. Họ có những cảm nhận rất sâu sắc về bản chất của cuộc đời cũng như về đàn ông. Tình phụ hay phụ tình thì người phụ nữ vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Út nhỏ trong truyện ngắn Nhà cổ là mẫu nhân vật tiêu biểu cho sự cô đơn trong tình yêu đơn phương. Út nhỏ yêu Phương, nhưng hai anh em Phương đều yêu chị Thể. Cuối cùng, Tứ Phương nhường chị Thể cho anh Tứ Hải và đi bộ đội. Những lần về thăm nhà, Phương xót xa khi thấy chị Thể vì lo cho chồng cho con mà ngày càng héo mòn. Tâm sự thầm kín này Phương chỉ biết giãi bày cùng Út nhỏ cũng như lúc trước thường nhờ Út nhỏ mua quà tặng người yêu. Vòng luẩn quẩn này tạo thành hai mối tình câm: một là Phương yêu chị Thể, hai là Út nhỏ yêu Phương. Mỗi lần nghe Phương tâm sự, Út đều an ủi anh, khuyên anh vì chị mà sống cho tốt. Để rồi đêm về, không một ai thấu nổi tâm can của chị. Cô đơn lên đến cùng cực khi Phương lấy vợ, Út nhỏ không khóc, chỉ buồn vì “chiều nay Nhân Phủ sụp đổ trong lòng”. Sự sụp đổ của Nhân Phủ chính là sự sụp đổ của một tình yêu đơn phương, không còn một tia hy vọng nào cả. Ai cũng bảo Út khóc đi, Út không khóc, bởi tiếng khóc lớn nhất của người phụ nữ chính là sự im lặng.

Bi kịch tình yêu lên đến đỉnh điểm khi người đàn ông đem tình yêu làm đòn bẩy tiến thân. Nhân vật Hậu trong Một trái tim khô đã quá nhẹ dạ cả tin. Cô yêu thương với một tình yêu không so đo tính toán, một tình yêu chân thành không so hơn thiệt. Yêu thì chỉ biết mình yêu và người mình yêu hạnh phúc, bỏ ngoài tai tất cả những lời đồn đại rằng Thường yêu cô chỉ vì vật chất, tiền tài. Cưới nhau về, đứa con gái là kết quả tình yêu của những tháng ngày hạnh phúc. Một hôm, Hậu đi làm về ngang qua cua Bún bò thì bị đâm. Trước khi bỏ chạy, tên kia còn rỉ vào tai cô một câu như lời sám hối: “Đừng oán tôi nghe, có oán thì oán chồng bà”. Sau khi thức dậy, câu đầu tiên Hậu nói với chồng: “sao anh đành đoạn giết em”. Cú chấn thương tinh thần đó khiến trái tim Hậu tan hoang như cánh đồng sau bão. Có gì cô đơn, bất hạnh hơn nữa khi chính người chồng của mình thuê người giết mình vì công ty Mặt Trời. Có lẽ, sự mất mát niềm tin về tình yêu là điều khiến Hậu gục ngã, chị không mở lòng với ai nữa, lòng chị lạnh ngắt. Đau đớn hơn khi Hậu có tình cảm với người đàn ông láng giềng tên Nhâm. Hậu nhận ra rằng chính người đàn ông này năm xưa đã đâm chị. “Hậu nghe tim mình vỡ bục ra, giãy đành đạch và nín luôn”.

Trịnh Công Sơn từng nói: “Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có không không, đùa đùa thật thật. Nó vô hình vô tướng nhưng làm tan rã hồn phách. Không có nó thì không biết cuộc sống tẻ nhạt đến nhường nào, thôi thì đành có nó vậy”. Con người ta chấp nhận tình yêu, dù là yêu trong cô đơn còn hơn là an yên mà tẻ nhạt. Tình yêu như chiếc dao hai lưỡi, người khéo dùng thì có lợi ích, kẻ không biết dùng thì mang họa vào thân. Tình yêu cũng vậy, người thông minh, người khôn khéo biết cách nắm cách buông thì hạnh phúc. Cố chấp vào một tình yêu mù quáng thì cánh cửa cô đơn sẽ luôn rộng mở. Như một thông điệp gửi đến tất cả mọi người, Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi gắm sự đồng cảm sâu sắc đến thân phận của những người phụ nữ cô đơn trong tình yêu. Cuộc sống không có đường cùng, tình yêu cũng không có biên giới. Hạnh phúc hay khổ đau chính mỗi người tự chọn. Tình yêu đích thực là tình yêu vị tha, là cho đi mà không cần nhận lại, không vướng bận hơi thở của lụy và bi. Con người ta sở dĩ đau khổ là do theo đuổi những đối tượng sai lầm.

2. Cái tôi cô đơn giữa những hận thù

Văn chương xét cho tới cùng là thân phận con người. Tác phẩm văn chương chỉ có tác dụng khi người nghệ sĩ nhận thức rõ bản chất của thực tại. Đi vào thế giới văn xuôi đương đại, chúng ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng đề tài chủ yếu của nhà văn nữ bao trùm những vấn đề xung quanh đời sống xã hội, vấn đề về “một thiên đường bị đánh mất”, về việc tìm tòi ý nghĩa cuộc đời cũng như mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Sự hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nằm ở lối viết nồng hậu, đằm thắm, giàu hơi ấm trữ tình.  Mỗi câu chuyện của chị là một hoàn cảnh, một thân phận, một kiếp người, một con thuyền lạc lõng không bến đậu. Không chỉ cô đơn trong tình yêu, nhân vật nữ trong sáng tác của chị còn cô đơn ngay giữa biển đời tấp nập, cô đơn giữa những người thân thuộc, cô đơn ngay nơi chính mảnh đất, gia đình mà mình sinh ra. Mỗi con người sinh ra trong xã hội là một mảnh ghép riêng biệt, chu trình sống của đời người chính là quá trình lắp ghép những mảnh ghép thích hợp. Các Mác cho rằng: “con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, đạo Phật nhận định: “sự tồn tại của con người là sự hiện hữu của trùng trùng duyên khởi”. Trong thế giới nhị nguyên này, vạn vật đều tồn tại với quy luật hỗ tương, tương quan với nhau: có nam thì có nữ, có trẻ thì có già, có vui thì có buồn, có thương thì có ghét, có giận thì có thương, có âm thì có dương... Và cô đơn bắt nguồn từ đó, từ  khi con người nhận ra bản thân mình là một mảnh ghép bị tách biệt, cô lập giữa dòng đời nghiệt ngã.

Mỗi nhân vật nữ trong truyện ngắn của chị đều cô đơn, trống trải, điều này như rễ cây ăn sâu bám chặt vào mảnh đất tâm thức, khó và hầu như không mấy ai có thể hóa giải được. Người vợ Út Vũ vì cô đơn mà ra đi, Út Vũ vì bị phụ tình mà trái tim hóa đá, suốt cuộc đời của ông là chặng đường của những hận thù và mất mát. Ông phá hoại đời sống gia đình người khác mong khỏa lấp được vết thương lòng sâu rộng. Vậy mà, càng trả thù, Út Vũ càng cảm thấy hận thù lên cao, càng trả thù ông càng cảm thấy vết thương xưa nhức nhối. Bao giờ cũng thế, người ôm lòng thù hận chưa một giây phút được hạnh phúc, bởi nền tảng của hạnh phúc không phải xây dựng từ hận thù, nó phải được xây dựng từ những yêu thương. Người đàn bà Bàu Sen bị chồng phụ bạc. Chị làm tất cả để người chồng quay về, rốt cuộc chị ôm cô đơn ngồi một xó, chồng chị bỏ người này lại theo người khác. Gặp Út Vũ, cuộc đời chị lại càng bất hạnh hơn, chị chẳng khác gì món đồ chơi xa xỉ, Út Vũ chơi chán rồi thôi. Với ông, để cho họ vừa đủ yêu vừa đủ đau là bỏ.

Cô đơn như một sợi chỉ nhỏ len lỏi khắp Cánh đồng bất tận, chính cái bất tận của cánh đồng là một hình ảnh biểu tượng cho cái mênh mông của cuộc đời, con người chỉ là một sinh linh bé nhỏ cô đơn lạc lõng giữa biển người vô tận. Chị Sương bị một đoàn người đánh ghen, đánh cho thừa sống thiếu chết, họ dùng dao phay chặt đứt tóc chị, dùng keo sắt đổ vào mình chị. Trong cuộc trốn chạy vì sự kỳ thị của xã hội về nghề làm đĩ. Chị gặp được Nương và Điền, hai đứa trẻ tốt bụng đã cứu sống chị. Những tưởng rằng, ở đây cuộc sống của chị sẽ có những đổi thay, cuộc đời sẽ tạo cho chị cơ hội để chị đổi mới. Chị càng chân thành, Út Vũ càng lạnh lùng sắt đá. Lạc lõng bởi một kiếp người, chị cũng ra đi.

Một đứa trẻ như Nương, khi tuổi đang còn mơ mộng với bao ước mơ còn dang dở, phải chứng kiến cảnh mẹ ngoại tình, bị cha ruồng bỏ, lạnh nhạt.  Là đứa trẻ, Nương đã cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Khát khao nhận được tình cảm của người cha, cô lại nhận được những cái nhìn hằn học, những roi vọt sau những giấc ngủ trưa khiến ông hoang hoải chán chường. Bi thảm hơn là cuối cùng Nương và Điền lại chơi với vịt, để không phức tạp như con người. Có bao nhiêu nhân vật trong Cánh đồng bất tận thì có bấy nhiêu nhân vật cô đơn. Họ không tìm ra được sự đồng cảm cho mình giữa những người thân quen, giữa dòng đời nghiệt ngã. Tất cả họ đều cô đơn, nỗi cô đơn bắt nguồn từ nỗi hận thù trong nhân vật Út Vũ.

Truyện ngắn Nút áo (trong tập Không ai sang sông) kể về cuộc đời của cô bé Tím, năm 15 tuổi bị người ta hiếp rồi vứt lại ở dưới chân cầu, áo quần rách mướp, trong lòng bàn tay lạnh còn nắm nguyên chiếc nút áo của kẻ thù. Chính cái nắm chặt này khiến cho cuộc đời Tím dang dở. Đi đâu gặp ai Tím cũng ngó người ta chằm chặp, biết đâu trời xui đất khiến, tên ấy mặc lại chiếc áo năm xưa. Tím như lật tung lại, sống lại với ám ảnh tuổi thơ. “Tím tin luật trời, thằng bất lương nào đó phải có khi lơ là mặc lại chiếc áo có hàng nút tật nguyền. Hoặc sẽ biến sắc khi nhìn thấy dấu vết tội lỗi lủng lẳng trên cổ Tím”4. Cứ thế, đến năm 30 tuổi Tím vẫn chưa lấy chồng, cô sống mãi với cái biệt hiệu “Tím nút áo”. Bà mẹ đau lòng khi thấy đứa con gái chết đuối trong chuỗi ký ức buồn. Một hôm, đợi lúc Tím ngủ, bà cởi chiếc nút áo cô đeo nơi cổ đem vứt ngoài ao bông súng. Tím thủng thẳng ra đứng ở bờ ao nhưng cô không nhìn bông súng. Bà mẹ mướn người lấp ao, bà thấy hành động này của mình hết sức vô vọng. “Tím vẫn ngó thấy bên dưới lớp đất nâu nhão nhoét, có cái nút áo. Tròn , bằng nhựa cứng, trắng gợn nâu”5.

Cô bé trong Gió lẻ ném trả lại tiếng nói cho loài người, cô im bặt và bắt đầu một cuộc tháo chạy. Sau khi biết cha nói lời xúc phạm với mẹ, mẹ thắt cổ tự tử, cha gán cho cái chết của mẹ rằng vì mẹ phát hiện ra mình bị ung thư và thắt cổ. Đám tang diễn ra một cách bình thường, người cha tỏ ra thương tiếc, chỉ riêng đứa nhỏ không nói một lời nào. Cô ghê tởm những hành động dối trá của cha mình, ghê tởm những lừa lọc xung quanh cuộc đời mình. Gió lẻ là gió gì không ai biết, lẻ có phải chẳng là lẻ loi cô đơn, cô gái như mang cơn gió ấy đi và lan tỏa đến những nơi cô đến, những con người mà cô gặp. Ai một lần đi ngang đời cô đều cảm nhận được cái lạnh đến tê buốt cõi lòng. Cô thiếu hẳn một niềm tin quan trọng đối với cuộc sống, thiếu một tình thương đúng nghĩa để sưởi ấm trái tim cô qua mùa đông lạnh giá. Hành động ném trả ngôn ngữ và buồn nôn đối với tất cả những âu yếm, yêu thương là một cánh cửa nữa mở ra nỗi cô đơn bất tận. “Tại sao người ta không nhìn thấy mình khi mình còn sống”6 [ lời của một con ma]. Em nhận ra mình cũng là một con ma, một con ma mang thân xác con người nhưng tâm hồn là con ma lạnh lẽo. Em hoang mang về chính mình, hoang mang về những con người mà em quen biết, lòng thù hận đã biến em từ một cô bé bình thường trở nên tật nguyền trong mắt người khác. Gió lẻ không đơn giản là nói về một kiếp người đơn độc đáng thương mà ở đó còn thể hiện một tư tưởng lớn về kiếp sống nhân sinh mà Nguyễn Ngọc Tư đã cảm nhận được.

Khói trời lộng lẫy như một đứa con ra đời trong mùa đói khát. Ngay đến cả những nhan đề trong tập truyện cũng đã mang đến cho chúng ta cảm giác bâng quơ: Nước như nước mắt, Con thuyền đã buông bờ, Tình lơ, Mộ gió... hình ảnh nào cũng mong manh, buồn hiu. Tác phẩm cùng tên Khói trời lộng lẫy được kết tinh bằng những sợi tơ cô đơn buồn bã nhất. Cuộc đời Di là cuộc đời của một cô gái buồn trong những người buồn nhất, cô đơn trong những người cô đơn nhất. Cô đơn trong những tháng ngày cô còn thơ ấu, khi mẹ cô mất đi, sự hiện hữu của cô trở thành vô nghĩa khi cha cô có vợ mới và sinh cho ông một thằng con trai. Sự ghen tỵ và hận thù đối với đứa bé đã dẫn đến hành động cô đánh cắp đứa con của cha cô. Cô nghĩ vì đứa trẻ này mà cô trở thành đứa trẻ không có cha. Di mang đứa trẻ đi thật xa, đến xóm Cồn nơi cách ly với thế giới bên ngoài. Cô không ngờ chính cô đã thả xuống đời Phiên những mảng tăm tối mà đáng ra Phiên phải được thừa hưởng bình minh của công nghệ hiện đại. Càng níu kéo càng mất, càng nắm chặt càng đau. Cô nhận ra mình đánh mất 14 năm thiên đường bên kia mà Phiên bở lỡ. Ngày Phiên biết mình không phải là con của cô, mà là em ruột, Di thấy mình như khói, bay vô định giữa cuộc đời.

Người nuôi giữ lòng hận thù thì không bao giờ hạnh phúc, đức Phật từng dạy: “Lấy ân báo oán thì oán tiêu, lấy oán báo oán thì oán chồng chất muôn đời”. Lòng thù hận sẽ mở cửa những tối tăm nhất của cuộc sống. Cô đơn giữa những hận thù chính là nỗi cô đơn dai dẳng làm héo hắt trái tim của người phụ nữ.

3. Nhân vật cô đơn trong chính hình hài hiện sinh

Cuộc sống hôm nay là cuộc sống đa phương diện của một xã hội phát triển vượt bậc về vật chất, thay đổi mạnh mẽ về đời sống tâm linh, đạo đức. Liên tiếp những thành tựu về khoa học kỹ thuật đã cải thiện và nâng cao mức sống của con người. Điều đó không có nghĩa là làm cho con người hạnh phúc. Càng sung mãn về vật chất, khát khao sở hữu về vật chất của con người lại càng lớn hơn. Khi sở hữu càng nhiều vật chất thì con người dường như quên mất chính bản thân mình, quên đi nhân cách của chính bản thân mình, một trong những yếu tố quan trọng để con người sống đúng nghĩa là con người hơn. Nhân vật trong sáng tác của chị không chỉ lạc lõng giữa thế giới mang tên con người mà còn lạc lõng ngay với chính hình hài mà mình hiện sinh. Có gì cô đơn hơn khi chính mình đánh mất mình giữa dòng chảy cuộc đời.

Cô gái mang tên Bông trong truyện ngắn Lương (Tập Giao thừa) vì gia cảnh khó khăn mà phải từ bỏ ước mơ ngày ngày được Lương đưa qua đò đến trường. Cha thường uống rượu say về đánh má, bầy em nheo nhóc, Bông đành nghỉ học đi bán ở quán bia. Càng ngày, Bông càng trở nên xa lạ, Bông không còn là Bông của những hiền ngoan ngày xưa. Bông thay người yêu như thay áo, kẻ như cha Bông, có đứa như trẻ thơ vắt mũi chưa sạch tóc vàng tóc xanh. Đôi lần, Bông bị chính người đàn bà của người đàn ông mình đang cặp bồ đánh ghen cho thừa sống thiếu chết. Lớn lên, mỗi lần sang sông Bông không còn hồn nhiên như lúc trước vọc nước ở mui thuyền, cô chỉ nhìn xa xăm về phía xa và nghĩ ngợi. Cô dần dần đánh mất chính mình vì cuộc sống cơm áo gạo tiền.

Trăn trở về bản thể nhưng chẳng dễ gì chạm đến bản thể hay thấu hiểu được cái bản ngã của chính mình. Cùng cực cô đơn nhưng lại xa lạ, thù địch với kiếp tha nhân, căn nguyên của những lo âu hiện sinh nằm ở đó. Mỗi nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều có những giây phút cô đơn khi đối diện với chính mình. Một người trốn chạy một kiểu, có kẻ bỏ trốn như một khát vọng được tự do, đi để tìm kiếm chính mình, đi như một hình thức vượt thoát cái hiện thực cuộc sống vốn buồn nôn, phi lý và tầm thường. Nếu như nhân vật của Đoàn Minh Phượng lang thang trên những toa tàu vô định để trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?” (Và khi tro bụi). Câu trả lời thật đơn giản “Tôi mồ côi, tôi không có quá khứ, tình yêu, ước mơ, tôi không có một cái tên, chân dung hay linh hồn. Tôi là một gian nhà trống, tôi không có gì để nhớ ...” (Và khi tro bụi). Tiểu thuyết Sông mới ra mắt của chị cũng chính là hành trình đi tìm bản ngã. Nhân vật Đình Ân, Bối, Xu, Ông già... đều đi tìm cái tôi trong mờ mờ nhân ảnh của cuộc đời. Nỗi khắc khoải lớn lao về thân phận, về hình hài là động lực cho những chuyến đi. Sông Di là nơi để tất cả các nhân vật của chị bám víu. Cuối cùng họ nhận ra rằng, nỗi cô đơn về thân phận người là bất tận không thể nào khỏa lấp được. Cuộc đời họ chẳng khác nào tấn bi kịch, cánh cửa cô đơn này đóng lại thì cánh cửa cô đơn kia mở ra, càng muốn khỏa lấp lại càng heo hút.

Nhân vật Em và Sói (Ấu thơ tươi đẹp) luôn luôn phải di chuyển chỗ ở, khi thì ở với cha, khi thì ở với mẹ. Người cha người mẹ nuôi chúng như một món nợ, chẳng có chút nào tình cảm. Cho nên, dù là ở với cha hay ở với mẹ, cả hai đứa đều cảm thấy cô đơn. Cô đơn giữa những người thân yêu, khi ngồi đối diện với chính mình, nỗi cô đơn ấy càng bất tận. Gia đình chối bỏ em và em tự chối bỏ chính mình. Ngay đến cả những con chó trong gia đình cũng tỏ ra xa lạ khi hai đứa trở về “Con ghét mấy con sói quá, lần nào về nhà tụi nó cũng sủa nhoi hết”7. Lạc lõng, cô đơn, thấy mình sống như món nợ đối với gia đình, vô nghĩa. Em đã kiếm những viên thuốc ngủ để cho ngày kết thúc cuộc đời mình trên chuyến tàu đi đến nơi khác. Sói đã bỏ đi khi tàu ở ga dừng trên đường chưa đến nhà mẹ. Thằng Sói tan biến như chưa từng hiện hữu trong cuộc đời. “Nó xuống một ga không có bầy chó sủa khi về nhà của chính mình, một ga không có những phụ nữ biết chính xác cái quần cộc của cha nó nằm ở đâu trong lúc nó vẫn đi tìm kiếm”8. Em mơ hồ khi không tìm thấy được ý nghĩa của cuộc đời, chết đối với ý nghĩ trẻ thơ trong em là mong muốn tìm được cuộc sống mới. Hay ít nhất nó cũng chấm dứt được cơn đau kiếp nhân sinh mà em đang phải chịu đựng. Cuộc ra đi của Sói chính là cuộc kiếm tìm, cuộc chối bỏ thực tại phi lý khi mẹ và cha đã không còn là nơi mà em có thể nương tựa. Loay hoay mãi không ra khỏi nỗi ám ảnh về thân phận, không ra khỏi được chiếc màn cô đơn. Và thế là họ ra đi.

Khi thế giới tinh thần sụp đổ thì con người chính là cá thể cô đơn hơn ai hết. Nhân vật nữ của chị đặt ở hoàn cảnh nào, vị trí nào cũng thấy cô đơn và bất hạnh. Tất cả đều đáng thương và tội nghiệp. Cô đơn với chính mình là đỉnh cao của mọi nỗi cô đơn. Bởi ý nghĩa cuộc đời không phải nằm ở đỉnh cao vinh quang, nằm ở thái độ người khác. Ý nghĩa thực sự cuộc đời chính là mình được sống với chính mình. Chính mình phải là ốc đảo tự thân, chỗ dựa vững chắc cho bản thân. Biết mình là ai và sống để làm gì?

4. Nỗi cô đơn của người nghệ sĩ

Người nghệ sĩ cũng được xếp vào tầng lớp trí thức trong sáng tác của chị, họ là những người sống có ý thức trách nhiệm, dám sống dám ước mơ. Những con người đó khi đứng trước ánh đèn sân khấu có vạn người mê thì sau đó khi lui về sau cánh gà, trút bỏ hình hài của vai diễn họ trở lại là chính mình, đầy bất hạnh và cô đơn. Chị dành khá nhiều đầu tư và trang viết dành cho người nghệ sĩ, người nghệ sĩ say mê nhiệt thành đến hơi thở cuối cùng.

Dẫu được sống với những đam mê, kiến tạo những hạnh phúc cho lý tưởng của chính mình. Thế nhưng, hạnh phúc nào trên cuộc đời cũng buộc con người hy sinh, không hy sinh vì tình yêu thì cũng hy sinh vì gia cảnh không cho phép. Vì thế, họ vẫn cô đơn, nỗi cô đơn không mấy ai thấu hiểu. Đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc) là một người nghệ sĩ chân chính, ôm sầu muộn suốt cả một cuộc hành trình. Bà đã có một đứa con, do chiến tranh, do đam mê nghề hát mà gửi con cho người ta, rồi cuối cùng chính nó cũng không thèm nhận mẹ mình nữa “đến nước nó cũng không thèm nhìn mặt mình nữa”9. Dù hạnh phúc vì nghề nghiệp, thử hỏi một người mẹ bị con mình chối bỏ thì mấy khi vui, động lực đâu nữa để bà sống tiếp. Bà có một thời vàng son của tuổi trẻ về nhan sắc của chính mình, nhiều người mê bà vì cái nhan sắc đó. Thường Khanh người mà bà ôm ấp suốt cuộc đời. Trong trái tim bà vẫn luôn canh cánh về mối tình cũ, chiều chiều bà vẫn ngóng về người năm cũ. Bà đâu biết rằng, Thường Khanh chỉ yêu cái nhan sắc của bà. Nhan sắc lại là thứ tạm bợ, mong manh dễ vỡ, sớm nở chiều tàn. Một lần ông tìm bà, thảng thốt giật mình nhận ra cái nhan sắc ngày xưa mà ông yêu mến đã tàn phai theo thời gian. Từ đó, chiều chiều người ta chẳng còn thấy ông già lái chiếc xe sang trọng vào xóm tìm bà nữa. Một đời bà mong ngóng ông, còn ông sau khi chiêm ngưỡng được cái nhan sắc thật của bà bị bào mòn theo thời gian thì tình cảm cũng lụi tàn. Cuộc đời một nghệ sĩ có danh tiếng như bà quả thật đáng buồn. Cuối đời bà chẳng còn gì ngoài cái nhan sắc tàn tạ, đứa con không nhận mẹ và người chồng không nhận ra vợ mình là ai.

Làm mẹ là thiên chức cao quý của người phụ nữ, muốn trở thành người nghệ sĩ nổi danh bằng con đường nghệ thuật, cũng như Đào Hồng, chị Diệu trong tác phẩm Làm má đâu có dễ đã đau khổ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ để chọn sự nghiệp “xướng ca”. Chị mong ước, chị khát khao được diễn vai Trưng Trắc, chị nghĩ nếu được diễn vai này nhất định chị sẽ nổi tiếng. Cuộc đời thật trêu ngươi khi chị càng hy vọng lại càng thất vọng, càng ước mơ thì lại càng bế tắc. Không thành công trên con đường công danh, chị còn thất bại khi đứa con đứt ruột đẻ ra ngày càng lạnh nhạt xa lạ với chị. Bé San gọi chị bằng “chế” và xưng em khách sáo như người dưng. Hạnh phúc gieo trồng chưa có quả ngọt đã thấy đau thương.

San yêu thương Sáu Tâm nhưng Sáu Tâm lại đi yêu thương người khác (trong Bởi yêu thương). Hạnh phúc của người phụ nữ nhiều khi cũng bí ẩn chính như con người của họ. Đơn giản đó chỉ là nhìn người mình yêu được hạnh phúc là họ mãn nguyện. San yêu Tâm, một tình yêu e ấp, cả thẹn, yêu mà không dám nói, âm thầm giúp đỡ Sáu Tâm. Điều đó một phần khiến San cô đơn, buồn hơn nữa khi San không thể đeo đuổi ước mơ làm nghệ sĩ của mình. Chị là người có tâm hồn cao đẹp, dám hy sinh hạnh phúc bản thân để bảo vệ danh dự nghề nghiệp “đi hát lỡ nổi tiếng thí dụ thôi nghen, người ta biết lúc trước đi làm tiếp viên ở quán bia thì nhơ danh cả một thế giới  nghệ sĩ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả một nền sân khấu nước nhà”10.

Cái hay mà truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư mang lại cho người đọc chính là cái dư vị đọng lại sau mỗi trang viết, nó khiến người đọc trăn trở, suy nghĩ. Cuộc đời là những dòng biến chuyển của thời gian, trong cái hữu hạn một trăm năm nhưng mấy ai sống trọn. Dẫu có sống trọn đi chăng nữa, thì cô đơn chiếm hết bao nhiêu năm tháng trong cuộc đời của mỗi người.

Triết học phương Đông quan niệm rằng: đàn ông tượng trưng cho thể cứng, có sức mạnh xuyên đá vá trời. Đàn bà tượng trưng cho nước, uốn lượn mềm mại, có khả năng len lỏi vào mọi ngõ nghách tâm hồn con người. Vì thế, khi đứng trước một việc không vừa ý, người đàn ông thường phản ứng mạnh mẽ hoặc giận dữ. Trái lại, phụ nữ thường khôn khéo trong việc che giấu cảm xúc và ứng xử đời thường. Đây cũng chính là điểm yếu của người phụ nữ, họ mỏng manh, yếu đuối như giọt nước, ngàn năm vẫn mang thân phận cô đơn.

 

1. Đỗ Đức Hiển chủ biên (2003), Từ điển văn học, NXB Thế giới mới, Hà Nội, trang 125.

2. Alexandre Dumans (2015), Trà hoa nữ, NXB văn học, Hà Nội, trang 3.

3. Nguyễn Ngọc Tư ( 2004), Cánh đồng bất tận, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 135.

4. Nguyễn Ngọc Tư ( 2013), Không ai qua sông, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 127.

5. Nguyễn Ngọc Tư ( 2013), Không ai qua sông, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 30.

6. Nguyễn Ngọc Tư ( 2014), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 17.

7. Nguyễn Ngọc Tư ( 2014), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 62.

8. Nguyễn Ngọc Tư ( 2014), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 72.

9. Nguyễn Ngọc Tư ( 2004), Cánh đồng bất tận, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 97.

10. Nguyễn Ngọc Tư ( 2010), Giao thừa, NXB trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 14.

L.T.K.L