Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng

03.10.2016

Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng

Đời sống tâm linh - chất liệu mới của tiểu thuyết đương đại

Ở Việt Nam, thuật ngữ “tâm linh” xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sau Đổi mới (1986), khi dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đang gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh, để đưa đất nước phát triển đi lên. Người Việt bây giờ không chỉ sống bằng chính trị mà phần lớn bằng quan hệ ở đời giữa con người với nhau, bằng đạo lý, văn hóa, phong tục, tâm linh hướng tới những giá trị thuần khiết, thiêng liêng, cao cả được đúc kết qua nhiều thế hệ. Lúc này họ tìm đến đời sống tâm linh như một sự che chở, vỗ về, xoa dịu những mất mát đau thương; nối kết cộng đồng, kiếm tìm sức mạnh quá khứ - hiện tại - tương lai để có thể vững tâm bước tiếp. Rõ ràng, một khi con người còn có nhu cầu sẻ chia, yêu thương, bảo an thì tâm linh sẽ trở thành “mối quan tâm tối hậu” nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhân văn ấy.

Trong không gian sáng tạo mới, được khuyến khích bởi tinh thần dân chủ, đổi mới, cùng ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, những chuyển biến trong thị hiếu tiếp nhận, giao lưu, tương tác đa chiều, đa phương của các nền văn hóa/văn học trong kỷ nguyên toàn cầu hóa; tâm linh trở thành chất liệu mới, một thành tố nghệ thuật quan trọng trong tư duy của nhà văn. Sự xuất hiện đầy dụng ý của những yếu tố tâm linh trong các sáng tác của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều... ngày càng thu hút được sự quan tâm, đón đợi của người đọc. Một mặt, đó không chỉ là ảnh xạ của những vấn đề văn hóa, xã hội, khung tri thức, thẩm mỹ thời đại, mà còn là một trong những biểu hiện của sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ về thế giới và con người, làm nên dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết đương đại. Mặt khác, tâm linh được xem như là hiện tượng tự nhiên trong đời sống, nay được dùng làm chất liệu sáng tạo mới, mang lại những chân trời rộng mở cho chủ thể sáng tạo cũng như cộng đồng diễn giải.

Chiều kích không gian - sự mở rộng biên độ phản ánh hiện thực

Tâm linh là một hiện tượng văn hóa, là thực tại xã hội, tồn tại lâu dài và có tính chất phổ biến. Nó là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống trần thế, gắn với thế giới vô hình/siêu hình: Thế giới của những điều chưa biết, kỳ bí, mông lung, dị thường; thế giới của những mơ ước, khát khao, tưởng tượng; thế giới của niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng; thế giới của những truyền thuyết và thần thoại dân gian. Khi văn học nhận thức và miêu tả những vùng đất tâm linh đa dạng ấy, đồng nghĩa với việc các nhà văn đã mở rộng khái niệm hiện thực do diễn ngôn tâm linh kiến tạo. Hiện thực không chỉ là hiện tượng có thể tri giác trực tiếp (mắt thấy, tai nghe, tay chạm), mà còn là tất cả những gì con người có thể linh giác theo cách thế giới đó được cảm nhận từ góc nhìn “bản thể” của nó.

Nhiều tác phẩm trong giai đoạn này hướng tái hiện thế giới tâm linh trong đời sống tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo thiêng liêng. Một số nhà văn đã vẽ cho mình một nẻo đi riêng, làm nên một cuộc hành trình thú vị, kiếm tìm và giải mã đời sống văn hóa, tâm linh người Việt qua tín ngưỡng bản địa (Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh), qua những làn điệu dân ca ngọt ngào, những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa chứa chan nỗi đau thế thái nhân tình tự ngàn đời của dân tộc (Đất trời - Nam Dao, Đàn đáy - Trần Thu Hằng). Nhiều nhà văn đã tạo dựng không gian linh thiêng, màu nhiệm của tôn giáo với niềm tin cứu rỗi, thanh tẩy, cảm hóa, hướng thiện con người (Đội gạo lên chùa - Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái, Giàn thiêu - Võ Thị Hảo, Đêm hoàng đạo - Nguyễn Đình Chính, Ngược mặt trời - Nguyễn Một, Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng). Ở một nẻo đường khác, một số tác giả đã xây dựng những hình ảnh/hình tượng/biểu tượng có tính luận giải, đối thoại, “giải thiêng” triết thuyết và niềm tin tôn giáo: luật nhân - quả báo ứng, luân hồi của Phật giáo (Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Savitri và tôi - Hồ Anh Thái, Giàn thiêu - Võ Thị Hảo, Thoạt kỳ thủy, Người đi vắng - Nguyễn Bình Phương, Lời nguyền hai trăm năm - Khôi Vũ); Mặc khải đức tin, Mặc khải trừng phạt, Mặc khải thánh thể, Mặc khải bóng tối, Khổ nạn và đức tin của Thiên Chúa giáo (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn - Nguyễn Việt Hà, Ngược mặt trời - Nguyễn Một, Ngày hoàng đạo - Nguyễn Đình Chính).

Để thể hiện cảm quan mới về hiện thực, các nhà văn đã sử dụng những yếu tố kỳ ảo, quái đản, ma mị, bí ẩn, dị thường, hoang đường, phi lý mang đậm dấu ấn tâm linh như là một trong những cách thức tiếp cận, khám phá, luận giải hiện thực trong tính nhiều chiều, phức tạp của nó. Trong các tiểu thuyết của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Dương Hướng (Bến không chồng), Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Người đi vắng, Mình và họ), Đoàn Minh Phượng (Mưa ở kiếp sau), Tạ Duy Anh (Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột), Nguyễn Đình Chính (Ngày hoàng đạo), Thùy Dương (Nhân gian, Chân trần), Nguyễn Đình Tú (Xác phàm, Hoang tâm), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng), Nguyễn Quang Lập (Tình cát), Tô Hải Vân (Người thứ hai)... thế giới thực và ảo hòa quyện, nhiều khi khó tách bạch một cách rõ ràng, thực lồng ảo, ảo thấm thực. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) trong những giấc mơ tỉnh thức, đứt nối, đã không ít lần nghe thấy những tiếng trò chuyện, đàn hát, những tiếng khóc, tiếng gọi nhau của đồng đội dội lên từ dưới tầng sâu của cánh rừng đại ngàn. Làng Đông trong Bến không chồng của Dương Hướng là không gian thực, tồn tại song song với không gian tâm linh được tạo nên trong các câu chuyện linh dị, hoang đường về “hồ mắt tiên”, ba ba thuồng luồng, con ma mắt đỏ... Vùng đất Linh Nham bí ẩn, dị thường, ma quái như một lớp trầm tích tích tụ hết đời này đến đời khác, luôn trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng); báo hiệu một sự chuyển dịch, một vận động kín đáo, chất chứa uy lực mà con người không thể cưỡng lại nổi. Thế giới trong Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều là thế giới pha trộn đến quái đản giữa thực và mơ. Những hình ảnh, biểu tượng cùng mảng hiện thực mộng ảo, phi lý mang màu sắc tâm linh được khai thác trong tác phẩm đã mở ra không gian cho những suy tư triết học - nhân sinh của nhà văn về con người.

Biên độ của hiện thực trong các sáng tác của các tiểu thuyết gia đương đại còn được mở rộng sang thế giới bên kia - thế giới của những linh hồn. Thế giới người đang sống và thế giới người đã chết có một mối quan hệ đặc biệt từ quan niệm “vạn vật hữu linh” và tính bất diệt của linh hồn người chết. Từ đó mở ra những không gian vô tận để mỗi nhà văn tiếp cận, chiếm lĩnh và khám phá. Cách trở âm dương (Vũ Huy Anh), Người sông Mê (Châu Diên), Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm, Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Ngày hoàng đạo (Nguyễn Đình Chính), Nhân gian, Chân trần (Thùy Dương), Tình cát (Nguyễn Quang Lập), Sương mù tháng Giêng (Uông Triều)... đã hé mở những bí ẩn của thế giới sau cái chết. Người chết chỉ có thân xác - “thể phách” là tan biến, còn linh hồn - “phần hồn” được tách ra và tiếp tục tồn tại trong thế giới siêu linh. Nhờ vào khả năng “thông linh”, con người có thể bước vào thế giới ấy, trò chuyện với các linh hồn.

Có thể nói, việc đưa những yếu tố tâm linh vào văn học, các tiểu thuyết gia đương đại đã thể hiện quan niệm thẩm mỹ mới về hiện thực. Hiện thực được mở ra vô tận ở bất kỳ nơi đâu mà trí tưởng tượng của con người có thể vươn tới được. Sự mở rộng biên độ chiếm lĩnh, khám phá hiện thực về phía tâm linh sẽ là tiền đề để văn học làm một cuộc hành trình lớn lao hơn, nhân văn hơn - hành trình khám phá chiều sâu bản thể, thế giới tâm hồn con người.

Chiều kích bản thể - hành trình khám phá thế giới nội tâm con người

Nếu trong sáng tác giai đoạn trước, yếu tố tâm linh chỉ mang mục đích làm nổi bật “phẩm chất người”, thì đến giai đoạn này, nó đem lại sự phong phú trong cấu trúc nhân cách nhân vật và góp phần xây dựng một quan niệm toàn diện về con người. Với nỗ lực tiếp cận, giải mã “những con người khác nhau” bên trong một con người, tiểu thuyết đương đại đã mở rộng khả năng chiếm lĩnh thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, mới mẻ của con người bằng con đường trực giác, tâm linh.

Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Uông Triều, Tô Hải Vân... trong các tác phẩm của mình đã làm nên những cuộc hành trình thăm dò tâm hồn con người ở bề sâu của những bí ẩn tâm linh, những góc khuất nơi tâm hồn, những trạng huống tâm lý - tâm linh phức tạp, nơi có sự giao tranh của vùng sáng và vùng tối, ý thức và vô thức, thực tại và hư ảo. Chính sự đan cài các yếu tố hữu thức và vô thức, logic và phi logic, trật tự và hỗn độn, tất yếu và ngẫu nhiên, giấc mơ và thực tại… khiến câu chuyện của các nhà văn như màn sương nhạt nhòa lúc ẩn lúc hiện trong cõi tâm linh đầy bí mật của nhân vật.

Những giấc mơ, cơn mộng mị, những mặc cảm, ám ảnh thầm kín... của các nhân vật đã đưa người đọc chạm cõi thăm thẳm, âm u, bồng bềnh, mênh mang trong tâm hồn con người. Trong Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), xuất hiện liên tục những ám ảnh, giấc mơ vô thức của nhân vật chính - Hiếu. Đó là những giấc mơ - điềm báo, dự cảm, giấc mơ - ám ảnh, giấc mơ bị săn đuổi, giấc mơ về sự hủy diệt... Hầu như lúc nào các nhân vật của Nguyễn Bình Phương cũng có những giây phút đối diện với lòng mình, để sám hối, tra vấn, để giãi bày, tâm sự, để đối thoại, thức nhận. Chính sự đồng hiện các bình diện tâm lý, tâm linh đã lý giải sâu sắc những ý nghĩ hiện sinh, những động cơ thầm kín trong cách hành xử của nhân vật.

Trong khi đó, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Người sông Mê (Châu Diên), Người thứ hai (Tô Hải Vân), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Tưởng tượng và dấu vết (Uông Triều)... là những chuyến phiêu du hư ảo, vô định, không có điểm dừng trong thế giới tâm linh con người. Và khi tro bụi khám phá cõi tâm tư “mịt mù khói sương” của An Mi sau cái chết đột ngột của chồng. Nhân vật bước đi trong vô thức, mỗi bước chân trong những hành trình ngắn ngủi in dấu những suy tư mang tầm triết học về hư vô, về bản thể, về tồn tại, về cái chết, về tình yêu, về cội nguồn... Người thứ hai bắt đầu bằng cuộc hành trình giả tưởng của nhân vật “tôi” kiếm tìm “một chỗ đứng” trên chuyến tàu siêu hình, vừa thực vừa ảo. Hai cuộc đời phân thân - một thực một hư ảo, tuy khởi hành trong những khoảng không gian và thời gian khác nhau, nhưng lại chung một mục đích - truy tìm bản thể để sống đúng với con người mình dù là trong thế giới tưởng tượng hay thế giới tâm/siêu linh. Nhân vật chính xưng “Tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết được khám phá như một phức thể của tính cách, tâm lý - tâm linh. Tác giả không chú tâm xây dựng nhân vật trên những mối quan hệ xã hội rộng lớn, với những mâu thuẫn, xung đột bên ngoài mà tập trung tái hiện một thế giới tâm lý - tâm linh đầy những hồi tưởng, dằn vặt, ẩn ức, mặc cảm, ám ảnh... Cái vô tận của thế giới bên ngoài được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn.

Hành trình kiếm tìm bản thể cũng chính là hành trình trở về với đức tin thiêng liêng - cội nguồn tâm linh, nhằm giải thoát con người khỏi những ám ảnh, mặc cảm cứ đeo đẳng, bám riết họ trong cuộc sống hiện tại (Kiên - Nỗi buồn chiến tranh, Khẩn - Ngồi, Hiếu - Mình và họ, Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông - Giàn thiêu, An Mi - Và khi tro bụi, “Anh” - Hoang tâm, bác sĩ Cần - Ngày hoàng đạo, Nguyễn Chạc - Ngược mặt trời, “Tôi” - Tưởng tượng và dấu vết, Trần Khánh Dư - Sương mù tháng Giêng, Viễn - Người thứ hai...). Suối nguồn tâm linh cảm hóa, thanh lọc tâm hồn, cứu vớt họ khỏi nỗi buồn, sự lo âu, niềm cô đơn, hoang hoải, sự sa ngã và đọa lạc để vươn tới sự thanh sạch, đẹp đẽ, cao quý, thuần khiết, sáng láng của tâm hồn.

Một khi những hiện tượng tâm linh (tín ngưỡng dân gian, đức tin tôn giáo, những hiện tượng bí ẩn, dị thường...) còn là một phần của cuộc sống, là chất liệu, nguồn cảm hứng trong các sáng tác văn học, thì con người (nhà văn và người đọc) còn có cơ hội tự soi mình, tự phản tỉnh, để nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, để trải nghiệm, được sống trong nhiều chiều của hiện thực, với nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Tiếng nói tâm linh bao giờ cũng là tiếng nói hướng đạo, hướng thiện, hướng mỹ. Lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia tiếng nói ấy, các nhà văn đã thực hiện sứ mệnh cao cả ấy của tâm linh một cách mạnh mẽ, quyến rũ và trọn vẹn nhất.

N.V.H