Miên man bến cũ - Tường Linh
Tôi về thăm quê và ngồi lại trên mô đá nhô ra sát mép nước của bến cũ. Buổi mai hửng nắng khá sớm. Nước xanh, trời xanh, rặng núi bên kia sông và xóm làng đôi bờ cùng chung màu xanh mướt.
Tôi nhìn lại rất lâu cây gáo già đứng côi cút ở cuối bến và hàng cây bói người xưa đã trồng để giữ đất bờ sông khỏi bị nước xói mòn. Tầm nhìn và sự lưu lại của ông bà ta còn mãi qua những đời người.
Mùa đông nơi cái “rốn lụt bão” này đã qua từ lâu. Màu nước sông đã trong xanh, quyến rũ. Tôi sẽ tắm lại nơi bến sông này nhưng tôi còn ngồi để nhớ, để nghĩ lan man về bến sông quê thân thiết.
Làng quê đất Quảng của tôi ở dọc các con sông đều có những bến nước. Có hai loại bến. Bến chính của làng là cả một xóm vạn với cư dân “thượng gia hạ thuyền”, ghe đò đông đúc. Nếu làng có chợ bên sông thì đây cũng là bến chợ, bến đò dọc, đò ngang. Loại thứ hai là bến của các xóm không có ghe thuyền thường trực. Các bến này chỉ để cho người trong xóm lấy nước, tắm giặt hoặc chuyên chở vật dụng bằng thuyền đi hay đến. Cái bến tôi đang ngồi là loại bến này, hẹp và nhỏ.
Cảnh vật hữu tình. Niềm quê man mác. Tôi muốn ví von rằng mỗi cảnh vật, mỗi hiện tượng của nơi này đều như có tiếng nói riêng, điệu ca riêng hợp thành khúc hợp ca giàu tiết điệu.
Làng ngoại của tôi bên kia sông, nơi từ xưa được mệnh danh là “làng trái cây Nam bộ tại Quảng Nam”. Làng là cả một quần thể vườn cây rộng lớn, nhìn từ xa chẳng thấy ranh giới giữa các vườn của tư nhân. Dọc theo mé bìa làng bên trong bãi cát là hàng cây bói. Có thể gọi bói là loài cây lưỡng cư vì ở trên đất khô hay ngập nước lâu ngày nó vẫn sống khỏe để chống xói mòn, sạt lở cho làng. Cũng có tính năng như bói, đầu bãi của làng còn có một đám cây rì. Loại cây này có sức sống dẻo dai, mãnh liệt còn hơn cây bói. Bị bão lớn vặn vẹo, bị nước lụt ngâm lâu ngày nhưng khi hai loại thiên tai này qua đi thì rì lại đứng thẳng lên, sống khỏe. Tôi không hiểu tại sao cây rì chỉ mọc thành đám nơi đầu bãi cát mà không mọc nơi khác của bãi có chiều dọc khá xa viền trọn bìa làng.
Bến sông này có rất nhiều kỷ niệm với tôi thuở thiếu thời. Tôi nhớ từng người bạn xưa cùng bơi lội, đùa nghịch tại đây. Những Tủng, Phương, Đức, Bằng không còn nữa. Và Dũng, Hai, Cường còn lưu lạc xứ người. Tôi nhớ cô Nho, cô Huệ, chị Lan một ngày vu quy xa xưa đã xuống bến, lên thuyền về nhà chồng, kẻ ngược nguồn, người xuôi biển rồi không một lần về lại.
Sinh thời, mỗi lần ra bến có tôi đi theo, mẹ thường kể về một chuyến thuyền hoa ngày cưới của cha mẹ. Thuyền chở gia đình nhà trai xuất phát từ bến này sang cuối làng ngoại tôi để “rước dâu”. Mẹ nói quê nhà thời ấy rất hiếm hoa tươi. Mui thuyền rước dâu được phủ tấm vải hoa giả gấm màu vàng. Một dây hoa kết toàn tường vi trắng và cúc vàng đại đóa kéo quanh mạn thuyền. Hai phía cửa hông thuyền có màn đỏ kết tua che phủ. Thuyền hoa hôn lễ của cha mẹ chỉ có vậy thôi.
Về nhà chồng, mẹ trồng hai loài hoa kỷ niệm sâu sắc ấy ngay trước hiên nhà, mùa nào cũng được chính tay mẹ giữ tươi tốt. Rồi hai mươi bốn năm sau đó, mẹ trồng hai loài hoa ấy quanh phần mộ phụ thân tôi. Đã gần mười năm, tôi vẫn chưa làm được điều ấy tại mộ phần của mẹ còn ngụ táng trên đất Đồng Nai!
Quảng Nam có nhiều con sông chứ không phải chỉ một sông Thu Bồn nhưng vì tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, cái bến nước tôi đang hiện diện cũng là của dòng sông ấy. Vì thế nên tôi nghĩ và nói nhiều về bến này, về sông này. Tựu trung cũng là nghĩ và nói về mình, về một thân phận khi tôi nhớ đến câu thơ của cố thi sĩ Huy Cận: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Tôi nghĩ khi viết bài Tràng giang, đúng vào khoảnh khắc hạ bút viết câu này, ông đã ẩn dụ nhân cách hóa cành củi khô là phận người và mấy dòng sông là dòng đời. Thân phận củi đã khô vào dòng đời cuồn cuộn mãi.
Tôi có nhiều bằng hữu và bạn thơ ở dọc đôi bờ sông Thu. Trong số này nhiều người cũng như tôi đã xa quê. Những “củi một cành khô” ấy đang dập dềnh nổi trôi trên nhiều dòng đời. Dù có làm thơ hay không, các bạn ấy đều tự nhận mình là một nhánh hồn của sông quê. Thực cảnh đôi bờ sông theo thời gian có sự lở bồi biến dạng nơi chiều ngang còn chiều dọc là độ dài của dòng sông vẫn cố định. Thế nhưng tùy theo cự ly trôi nổi của mỗi người mà những “nhánh hồn” ấy vươn thật xa tận Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ... Sông quê là dòng nguyên phát hữu hình, nhánh hồn của mỗi kẻ xa quê là dòng thứ phát vô hình mãi mãi hồi lưu về cố quận.
Năm trước tôi có về quê với một người bạn thơ đồng hương nhiều năm định cư xa đất nước. Anh ngồi trầm ngâm suốt buổi chiều trên bến này để gặm nhấm ký ức. Cái cảnh “yên ba giang thượng” dễ gây xao xuyến tâm hồn thi nhân. Rồi anh cảm thán: sông vẫn xanh mà đầu ta đã bạc! Và anh khẩu tác một bài thơ không đề, tôi chỉ kịp nhớ khổ đầu và khổ cuối:
Anh lại trở về/ Bên bờ sông đó/ Còn nỗi thương quê/ Mất tròn tuổi nhỏ.
Và khổ thơ cuối:
Xin làm hạt cát/ Quẩn bến sông này/ Xin làm kiếp khác/ Thay kiếp bèo mây.
Với mọi người tha hương, hai tiếng “quê kiểng” có hấp lực như vậy đó.
Trở lại với thực cảnh, tôi nhìn xuống dòng nước trong vắt ngay dưới chân tôi. Từng bầy cá hanh, cá mương, có cả cá chày nữa cứ từ phía dưới tuôn lên rồi thả trôi trở xuống nhiều lần. Dường như chúng chỉ bơi lên, thả xuống để... chơi chứ không phải tìm mồi. Chúng đang còn no sau cử ăn sáng hoặc chưa đến giờ chúng làm việc ấy. Đã lâu rồi tôi mới thấy lại cảnh tượng ngoạn mục ấy với mấy loài cá quen của con sông quen.
Mặt trời đã lên cao. Tôi sẽ ùm xuống dòng nước mát để tắm cho thỏa thích.
Tôi lại nhớ câu của Heralit, nhà hiền triết Hy Lạp cổ đã viết: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Câu này ông dùng để bảo vệ cho học thuyết “dòng chảy” nổi tiếng của ông nói về nguyên lý vũ trụ xuyên suốt toàn bộ hệ thống triết học “động” chứ không “tĩnh”.
Tôi đã nhớ lầm một chữ của câu trên hay hiểu chưa tới chăng? Tôi nghĩ dòng chảy mới đúng hơn dòng sông. Vì với dòng sông ta tắm lại bao lần chả được nếu có điều kiện. Còn dòng chảy mới không bao giờ lặp lại vì nó chỉ chảy qua thân thể người tắm trong một vài giây và chỉ một lần trong đời.
Tôi sắp nhận được dòng chảy mới của dòng sông cũ.
T.L